Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Điện hạt nhân còn ngổn ngang
(08:46:09 AM 17/01/2014)Khu tái định cư cho dân thôn Vĩnh Trường (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đến nay vẫn là đìa nuôi tôm - Ảnh: Duy Thanh
Người dân thôn Vĩnh Trường (Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) lo lắng trước thông tin có thể dời ngày khởi công xây nhà máy điện hạt nhân vì cuộc sống của họ đã bị 'treo' nhiều năm sau khi có quy hoạch xây nhà máy tại đây - Ảnh: T.T.D.
Chưa thẩm định, chưa phê duyệt, chưa chọn công nghệ
Trả lời về khả năng hoãn khởi công dự án, ông Lê Tuấn Phong, tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết: “Để đảm bảo an toàn cũng như khai thác hiệu quả khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, Bộ Công thương đang xem xét trình Chính phủ việc lùi thời gian khởi công dự án. Còn đến thời điểm này, chưa có văn bản chính thức nào phê duyệt việc chậm khởi công dự án nhà máy điện nguyên tử. Mọi công việc vẫn đang triển khai theo đúng đề án. Cụ thể, việc chuẩn bị xây dựng dự án như di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện... vẫn tiến hành bình thường. Năm 2017 sẽ khởi công nhà máy. Và năm 2020, tổ máy phát điện đầu tiên của nhà máy điện nguyên tử được đưa vào vận hành”.
Còn ông Nguyễn Cường Lâm, phó tổng giám đốc EVN - giám đốc Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, nói bản thân ông chưa nghe trực tiếp quyết định hoãn khởi công đến năm 2020. Tuy nhiên, thực tế nếu như trước đây VN dự kiến năm 2020 đưa tổ máy số 1 điện hạt nhân vào vận hành thì trong quyết định ngày 11-12-2013, danh mục các dự án điện sẽ vận hành năm 2020, quyết định của Thủ tướng không còn nêu điện hạt nhân nữa.
Ông Lâm cho biết trong dịp tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thăm VN, ông có làm việc với phía IAEA hai ngày tại Ninh Thuận, không hề nghe thấy ý kiến nào cho rằng VN chưa đảm bảo an toàn, mà họ chỉ khuyến cáo VN làm theo trình tự, thận trọng. Mặc dù không nêu trực tiếp lý do hoãn thi công, nhưng ông Nguyễn Cường Lâm tiết lộ trước đây việc lập dự án, bên tư vấn là doanh nghiệp VN, chưa từng làm nhà máy điện hạt nhân. “Họ cứ nghĩ làm điện hạt nhân như các nhiệt điện khác, nhưng thực tế không phải vậy”... Còn việc có phải tư vấn đưa ra những lộ trình khó khả thi, ông Lâm cho rằng lần đầu tiên làm, không ai tính vào tiến độ nhiều vấn đề, như đàm phán hiệp định của Chính phủ... Và khi thông qua chủ trương đầu tư, ta mới dựa trên các con số sơ bộ.
Theo ông Lâm, VN đang triển khai thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu. Còn lại, không nên quan tâm nhiều năm nào, hay năm 2020 khởi công... Ông Lâm cũng cho biết điện hạt nhân là quyết định chính trị, EVN làm chủ đầu tư nhưng là nhiệm vụ Nhà nước giao. Còn thực tế năm 2014 có đủ điều kiện khởi công không, ông Lâm tiết lộ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện “chưa thẩm định, chưa phê duyệt, chưa chọn được công nghệ...”.
Phải trình Quốc hội
Theo thông tin từ Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, năm 2009 Quốc hội đã ban hành nghị quyết quyết định dự kiến lộ trình triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: “Khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020”.
Đến tháng 10-2012, Chính phủ có báo cáo nêu dự kiến tháng 3-2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013) Chính phủ lại báo cáo sẽ hoàn thành lập hồ sơ phê duyệt địa điểm xây dựng vào tháng 12-2013 và không đề cập đến việc khởi công nhà máy vào năm 2014.
Về phía Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường qua công tác thẩm tra đã khẳng định: “Đến năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Và mẻ bêtông đầu tiên cho tâm lò phản ứng chỉ được đổ sớm nhất vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 khi thiết kế kỹ thuật được duyệt và có giấy phép xây dựng”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - người đã chất vấn Thủ tướng về tiến độ của dự án, nói Thủ tướng đã ủy quyền cho bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn của ông. Theo đó, nguyên nhân chậm tiến độ được giải thích là do những vấn đề phát sinh trong việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm đã làm kéo dài thời gian lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư khoảng hai năm so với dự kiến ban đầu. Trong thời gian lập dự án đầu tư, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Chính phủ đã yêu cầu rà soát để bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn chống động đất, sóng thần cho dự án. Địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy cũng được nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo yêu cầu về an toàn khi xảy ra động đất, sóng thần... Đến thời điểm cuối năm 2013, Bộ Công thương chưa đánh giá được chính xác chi phí tăng thêm cũng như hiệu quả kinh tế, do việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư chưa hoàn thành.
“Khi Chính phủ chính thức muốn xin lùi thời điểm khởi công dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 thì phải trình Quốc hội, vì đây là nội dung được nêu trong nghị quyết của Quốc hội” - ông Hùng nói.
Dân khu vực nhà máy lo lắng
“Chúng tôi cũng nghĩ là dự án chậm, nhưng cùng lắm là năm 2015 khởi công nhà máy, chứ giờ đến tận năm 2020 thì dân không sống được nếu không thay đổi các chính sách ở vùng bị giải tỏa” - ông Nguyễn Văn Lậy, 67 tuổi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận - thôn phải giải tỏa trắng để làm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, lo âu.
Ông Lậy nói từ cuối năm 2010, khi các cơ quan chức năng về Vĩnh Trường đo đạc nói là để giải tỏa làm nhà máy điện hạt nhân, thì không lâu sau đó có quy định nhà hư được sửa nhưng xây dựng mới thì không; con em lập gia đình muốn tách hộ cũng không được, cha mẹ cho nhà cũng không được sở hữu...
Minh chứng cho lời của ông Lậy là tấm biển “Trụ sở thôn Vĩnh Trường” trước trụ sở thôn đã bị gỉ sét, gãy thụng xuống giữa hai trụ cổng, còn trụ sở thì bị gió thổi bay những tấm tôn lợp nhiều tháng qua nhưng không được sửa chữa. Ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường, nói: “Cả thôn luôn trong tư thế chuẩn bị di dời để làm nhà máy điện hạt nhân nên cũng không sửa chữa trụ sở thôn làm gì”.
Còn ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - thôn phải dời toàn bộ để làm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2), ông Nguyễn Khắc Phòng, một người trồng nho có tiếng ở Thái An, cho biết: “Mấy năm nay quy hoạch người dân có dám đầu tư làm gì đâu, nay lại lui thời gian thêm sáu năm nữa thì chúng tôi hoang mang lắm. Đơn cử như tôi muốn đầu tư trụ mới giàn mới ở ruộng nho, mở rộng thêm diện tích canh tác, nhưng nghe di dời nên mấy năm nay đâu dám làm”.
Trong khi đó, cho đến nay việc kiểm đếm tài sản để áp giá đền bù cho dân ở hai thôn phải giải tỏa trắng làm hai nhà máy điện hạt nhân cũng chưa được thực hiện. Hai vị trí dự kiến làm các khu tái định cư cho hai thôn này đến nay vẫn chưa được san ủi. Vì thế, gần 1.800 người dân ở hai thôn Vĩnh Trường và Thái An vô cùng lo lắng cho đời sống và sinh kế của họ trong thời gian tới. “Chúng tôi đồng lòng di dời để xây dựng công trình lớn của đất nước, nhưng không thể sống “treo” theo dự án này suốt sáu năm tới. Tôi đề nghị trung ương và tỉnh hoặc làm ngay các khu tái định cư và di dân vào trong 1-2 năm tới, hoặc cần nhanh chóng thay đổi các quy định đối với vùng di dời cho dự án và sớm thông báo cho dân biết phương án đảm bảo đời sống trong thời gian lùi khởi công nhà máy” - ông Nguyễn Văn Lậy kiến nghị.
Cuối năm 2014 sẽ triển khai dự án hạ tầng
Trước đó chiều 10-1, trao đổi về công tác di dời dân để làm các nhà máy điện hạt nhân, ông Đỗ Hữu Nghị - phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nói: “Hiện nay hai nhà máy điện hạt nhân đều chưa có vị trí xây dựng cụ thể nên việc di dân chưa có chuyển động gì, tỉnh chủ yếu làm công tác chuẩn bị là đo đạc trong phạm vi có thể dự án sẽ xây dựng”. Ông Nghị cũng cho biết Thủ tướng đã phê duyệt cơ chế đặc thù trong đền bù giải tỏa, tái định cư cho hai nhà máy điện hạt nhân để người dân phải di dời cho dự án có cuộc sống ổn định, đảm bảo nghề nghiệp và được quan tâm hơn.
Còn theo ông Nguyễn Cường Lâm, cuối năm 2014 sẽ triển khai dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy điện tại Ninh Thuận như đường công vụ, hệ thống cấp điện, nước và các công trình phụ trợ. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành bồi thường và di dân về các khu tái định cư.
Tổng giám đốc IAEA: không nên vội vàng
Ngày 25-11-2009: Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ trình và được Quốc hội ra nghị quyết thông qua chủ trương thực hiện. Theo đó, điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ gồm hai nhà máy, mỗi nhà máy có hai tổ máy đặt tại Ninh Thuận, công suất 2.000 MW/nhà máy. Công nghệ chính của nhà máy phải là “công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư”. Tổng mức đầu tư, dự toán khoảng 200.000 tỉ đồng (khoảng 10 tỉ USD). Lộ trình thực hiện cũng được nêu rõ sẽ “khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020”. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Do đây là dự án quan trọng nên Quốc hội yêu cầu trước khi khởi công xây dựng tổ máy đầu tiên, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả việc chuẩn bị. Sau khi triển khai đầu tư dự án, hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.
Ngày 31-10-2010: VN và Nga đã ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của VN với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhân chuyến thăm của ông Medvedev đến VN.
Ngày 10-1-2014: Ông Yukiya Amano - tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - khi thị sát vị trí xây dựng nhà máy ở Ninh Thuận đã nói: “Cần có bước chuẩn bị thật tốt cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đảm bảo an toàn, an ninh và bền vững chứ không thể vội vàng”.
Ngày 15-1: Để bù đắp phần thiếu do điện hạt nhân chậm khởi công, Thủ tướng đã chỉ đạo phải triển khai dự án khai thác khí để phục vụ cụm nhiệt điện có công suất khoảng 5.000MW tại miền Trung. Ông Nguyễn Quốc Thập, phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN, cho biết đã có hợp tác với nước ngoài để khai thác. Việc lựa chọn nhà máy điện đang được chuẩn bị và có thể xây dựng tại Dung Quất hoặc Chu Lai.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
- Ý nghĩa của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.