»

Thứ bảy, 18/01/2025, 07:52:26 AM (GMT+7)

Một số quy định Quốc tế liên quan đến việc xả nước thải Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima ra biền

(22:20:35 PM 20/05/2021)
(Tin Môi Trường) - Liên quan đến việc Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima, Nhật Bản xả nước thải ra biền đang khiến dư luận lo ngại, PGS.TS. PHÙNG CHí SỸ- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã có bài viết thông tin về một số quy định Quốc tế liên quan đến việc xả nước thải Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima xả thải ra biền này.
Một[-]số[-]quy[-]định[-]Quốc[-]tế[-]liên[-]quan[-]đến[-]việc[-]xả[-]nước[-]thải[-]Nhà[-]máy[-]điện[-]hạt[-]nhân[-]Daiichi[-]ở[-]Fukushima[-]ra[-]biền[-]
PGS.TS. PHÙNG CHí SỸ- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam 
 
1. ĐẶT VẤN ĐỀ 
 
Việc xử lý nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima bị tàn phá sau thảm họa động đất, sóng thần cách đây 10 năm là một vấn đề nan giải của Nhật Bản. Xử lý và thải bỏ khối lượng nước thải nhiễm phóng xạ này là một việc không thể né tránh. Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ xem xét, áp dụng các chính sách cơ bản về việc xả nước nhiễm phóng xạ đã xử lý ra đại dương, sau khi đảm bảo mức an toàn về phóng xạ. Như vậy, hơn 1,2 triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đang chứa trong các bồn lớn tại Nhà máy điện hạt nhân Daiichi, bao gồm nước thải từ quá trình làm mát trong nhà máy, nước mưa và nước ngầm nhiễm phóng xạ sẽ được thải ra biển. Nước thải từ nhà máy sau khi xử lý hàm lượng phóng xạ mỗi ngày sẽ được thải ra biển. Theo thông báo của Chính phủ Nhật thì khối lượng nước thải nhiễm phóng xạ này sẽ được xử lý loại bỏ hầu hết các chất phóng xạ như strontium, cesium và còn nồng độ thấp tritium. Thông tin này khiến nhiều quốc gia láng giềng có biển, cộng đồng đánh bắt cá ở Nhật Bản lo ngại và vấp phải sự phản đối theo nhiều khía cạnh khác nhau. Các ý kiến lo ngại xoay quanh vấn đề ảnh hưởng của việc xả nước thải nhiễm phóng xạ ra biển sẽ tác động đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, chất lượng thủy hải sản được đánh bắt như thế nào ?. Cộng đồng cũng quan tâm đến các giải pháp nhằm giảm thiểu những tác hại do ảnh hưởng từ việc xả thải từ nhà máy hạt nhân của Nhật Bản trong tương lai ?.
 
Để góp phần giải đáp các thắc mắc nêu trên của cộng đồng, trong bài báo này chúng tôi sẽ trình bày về “Một số quy định quốc tế liên quan đến việc xả nước thải Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima, Nhật Bản ra biển”. 
 
2. THỎA THUẬN QUỐC TÊ VỀ ĐỔ CHẤT THẢI RA BIỂN
 
2.1. Bối cảnh ra đời các thỏa thuận quốc tế về đổ chất thải ra biển
 
Trong hàng trăm năm trước năm 1972, biển đã được sử dụng như một bãi rác thuận tiện, miễn phí để xử lý hàng trăm triệu tấn chất thải các loại phát sinh từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trên đất liền, bao gồm bùn thải từ việc nạo vét các cảng và sông, bùn thải cống rãnh, rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp hóa chất, tro xỉ từ các nhà máy điện, chất thải phóng xạ, bom, đạn và nhiều loại chất thải khác. Thậm chí rất ít sự chú ý đến các cơ hội tái chế hoặc tái sử dụng các loại chất thải đó. Chất thải thường xuyên được đổ vào các vùng nước ven biển và đại dương dựa trên quan niệm rằng các vùng nước biển có khả năng pha loãng và phân tán chất thải không giới hạn. Rất ít hoặc không có sự quan tâm nào về tác động tích lũy của ô nhiễm biển lâu dài đối với đa dạng sinh học biển, cũng như sự an toàn thực phẩm hải sản đối với con người. 
 
Mặc dù cho đến nay chưa có thống kê đầy đủ nào về khối lượng và chủng loại chất thải, vật liệu đã được thải ra các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, theo báo cáo thống kê ở Hoa Kỳ trước năm 1972 cho thấy một khối lượng rất lớn chất thải đã được đổ ra biển. Theo báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ năm 1968 ước tính khối lượng chất thải hàng năm đổ ra biển bằng tàu hoặc đường ống khoảng 100 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, 2-4 triệu tấn chất thải chứa axit từ các nhà máy sản xuất bột giấy, hơn 1 triệu tấn kim loại nặng trong chất thải công nghiệp và hơn 100.000 tấn chất thải hóa học hữu cơ. Một báo cáo khác năm 1970 gửi cho Chủ tịch của Hội đồng Chất lượng Môi trường Hoa Kỳ về việc đổ thải ở đại dương cho biết năm 1968 khối lượng chất thải được đổ ra biển ở Hoa Kỳ là 38 triệu tấn vật chất nạo vét (34% trong số đó đã bị ô nhiễm), 4,5 triệu tấn chất thải công nghiệp, 4,5 triệu tấn bùn thải (bị nhiễm kim loại nặng đáng kể) và 0,5 triệu tấn chất thải xây dựng. Hồ sơ của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) chỉ ra rằng hơn 55.000 thùng chứa chất thải phóng xạ đã được đổ tại ba địa điểm ở Thái Bình Dương từ năm 1946 đến năm 1970; gần 34.000 thùng chứa chất thải phóng xạ đã được đổ tại ba địa điểm ngoài khơi Bờ Đông Hoa Kỳ từ năm 1951 đến Năm 1962.
 
Sau nhiều thập kỷ đổ chất thải không kiểm soát, một số khu vực của đại dương đã bị ô nhiễm với nồng độ cao của các chất ô nhiễm có hại bao gồm kim loại nặng, chất dinh dưỡng vô cơ và hợp chất hóa dầu chứa clo. Việc đổ ra biển không được kiểm soát đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng nồng độ oxy hòa tan ở một số vùng nước đại dương. Ở New York Bight (vùng nước biển ngoài cửa sông Hudson), nơi thành phố New York đổ bùn thải và các vật liệu khác, nồng độ oxy hòa tan trong các vùng nước gần đáy biển đã giảm đáng kể từ năm 1949 đến 1969.
 
Trong bối cảnh đó "Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác 1972", gọi tắt là "Công ước Luân Đôn" được ra đời. Đây là một trong những công ước toàn cầu đầu tiên nhằm bảo vệ môi trường biển khỏi các hoạt động của con người và có hiệu lực từ năm 1975. Tiếp theo, năm 1996, một cuộc họp đặc biệt của các Bên tham gia đã thông qua "Nghị định thư năm 1996 đối với Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác năm 1972" thay thế cho Công ước Luân Đôn năm 1972. Mục tiêu của Công ước và Nghị định thư London là thúc đẩy việc kiểm soát hiệu quả tất cả các nguồn gây ô nhiễm biển. Các Bên tham gia sẽ thực hiện các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển do nhận chìm chất thải và vật liệu khác trên biển (xem điều I và II của Công ước và điều 2 của Nghị định thư).
 
2.2. Công ước Luân Đôn 1972 
 
Công ước Luân Đôn 1972 được tóm gọn lại là “Công ước đổ chất thải ra biển”. Đây là một thỏa thuận quốc tế nhằm kiểm soát ô nhiễm biển bằng các hành động đổ thải và để khuyến khích các hiệp định khu vực bổ sung cho Công ước. Công ước này bao gồm việc quản lý các hoạt động đổ thải chất thải hoặc các vật chất khác từ tàu thuyền, máy bay và giàn khai thác dầu khí. Tuy nhiên, Công ước này không bao gồm đổ các chất thải từ các nguồn trên đất liền như đường ống thoát nước, chất thải phát sinh trong các hoạt động bình thường của tàu thuyền, hoặc quá trình xả thải đơn thuần, với điều kiện việc đổ thải đó không đi ngược lại với các mục tiêu của Công ước. Công ước đã được kêu gọi bởi Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường con người (tháng 6 năm 1972, Stockholm). Công ước được soạn thảo tại Hội nghị liên chính phủ về Công ước về Hoạt đông đổ xả chất thải trên biển (ngày 13 tháng 11 năm 1972, Luân Đôn) và nó đã được mở để ký ngày 29 tháng 12 năm 1972. Nó có hiệu lực vào ngày 30 tháng 8 năm 1975 khi 15 quốc gia phê chuẩn. Tính đến tháng 9 năm 2016, đã có 89 Bên tham gia vào Công ước, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Úc, Trung Quốc … Trong danh sách các bên tham gia đến năm 2016 chưa thấy có tên Việt Nam. Cơ quan Quản lý Công ước Quốc tế có chức năng thông qua các Cuộc họp Tham vấn được tổ chức tại trụ sở của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ở Luân Đôn.
 
Một[-]số[-]quy[-]định[-]Quốc[-]tế[-]liên[-]quan[-]đến[-]việc[-]xả[-]nước[-]thải[-]Nhà[-]máy[-]điện[-]hạt[-]nhân[-]Daiichi[-]ở[-]Fukushima[-]ra[-]biền[-]
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1
 
Công ước Luân Đôn bao gồm 22 Điều và 03 Phụ lục. Nó tuân theo cách tiếp cận "danh sách đen/danh sách xám" để điều chỉnh việc đổ chất thải ra đại dương. Các vật liệu của Phụ lục I (danh sách đen) thường bị cấm đổ ra biển (mặc dù đối với một số vật chất của Phụ lục I có thể được phép đổ ra biển nếu chỉ là "chất gây ô nhiễm dạng vết" hoặc "nhanh chóng trở lại vô hại" (Xem Hộp 1). 

Hộp 1 : Danh sách đen (Phụ lục I)
 
1. Hợp chất halogen hữu cơ.

2. Thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân.

3. Cadimi và các hợp chất của cadimi.

4. Chất dẻo và các vật liệu tổng hợp khó phân hủy khác, ví dụ, lưới và dây thừng, có thể trôi nổi hoặc có thể lơ lửng trên biển theo cách gây cản trở cho việc đánh bắt, giao thông hàng hải hoặc các mục đích sử dụng hợp pháp khác của biển.

5. Dầu thô và các chất thải của nó, các sản phẩm dầu mỏ đã được tinh chế, dầu mỏ, cặn chưng cất, và bất kỳ hỗn hợp nào có chứa bất kỳ chất nào trong số này, được mang lên tàu thủy với mục đích nhận chìm.

6. Chất thải phóng xạ hoặc chất phóng xạ khác.

7. Vật liệu ở bất kỳ dạng nào (ví dụ: chất rắn, chất lỏng, bán lỏng, khí hoặc ở trạng thái sống) được sản xuất cho chiến tranh sinh học và hóa học.

8. Ngoại trừ mục 6 ở trên, các mục ở trên của Phụ lục này không áp dụng cho các chất được coi là vô hại bằng các quá trình vật lý, hóa học hoặc sinh học ở biển với điều kiện là chúng không:

(i). làm cho các sinh vật biển ăn không ăn được, hoặc

(ii). gây nguy hiểm cho sức khỏe con người hoặc của động vật nuôi.

Bên tham gia phải tuân thủ quy trình tham vấn được quy định theo Điều XIV nếu có nghi ngờ về tính vô hại của vật chất dự kiến đổ ra biển.

9. Ngoại trừ chất thải công nghiệp như được định nghĩa tại mục 11 dưới đây, Phụ lục này không áp dụng đối với chất thải hoặc các vật liệu khác (ví dụ như bùn thải và vật liệu nạo vét) có chứa các chất được đề cập trong các mục 1 - 5 ở trên như là chất gây ô nhiễm dạng vết. Những chất thải này phải tuân theo các điều khoản của Phụ lục II và III khi thích hợp.

Mục 6 không áp dụng đối với chất thải hoặc các vật liệu khác (ví dụ như bùn thải và vật liệu nạo vét) có chứa mức độ phóng xạ tối thiểu (được miễn) theo quy định của IAEA và được các Bên tham gia Công ước thông qua. Trừ khi bị cấm theo Phụ lục I, những chất thải đó sẽ phải tuân theo các điều khoản của Phụ lục II và III khi thích hợp.

(a). Đốt rác thải công nghiệp trên biển, như được quy định trong điều 11 dưới đây, và bùn thải bị cấm.

(b). Việc thiêu hủy trên biển bất kỳ chất thải nào khác hoặc các chất khác cần phải có giấy phép đặc biệt.

(c). Trong vấn đề cấp phép đặc biệt cho việc đốt rác trên biển, các Bên tham gia Công ước sẽ áp dụng các quy định được xây dựng theo Công ước này.

(d). Theo mục đích của Phụ lục này:

(i). "Cơ sở đốt rác trên biển" có nghĩa là một con tàu, giàn khoan hoặc kết cấu nhân tạo khác hoạt động với mục đích đốt rác trên biển.

(ii). "Đốt trên biển" là việc cố ý đốt chất thải hoặc các vật chất khác trong các cơ sở thiêu hủy trên biển với mục đích thiêu hủy chúng bằng nhiệt. Các hoạt động ngẫu nhiên liên quan đến hoạt động bình thường của tàu thuyền, giàn khoan hoặc các cấu trúc nhân tạo khác không được loại trừ khỏi phạm vi của quy định này.

10. Chất thải công nghiệp kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1996.

Phục vụ mục đích của Phụ lục này:

11. "Chất thải công nghiệp" là chất thải được tạo ra từ các hoạt động sản xuất hoặc chế biến và không áp dụng cho:

(a). Vật chất nạo vét;

(b). Bùn thải cống rãnh;

(c). Chất thải thủy sản, hoặc các chất hữu cơ từ hoạt động chế biến thủy sản công nghiệp;

(d). Tàu và dàn khoan hoặc các công trình nhân tạo khác trên biển, với điều kiện vật liệu có khả năng tạo ra các mảnh vỡ trôi nổi hoặc góp phần gây ô nhiễm môi trường biển đã được loại bỏ đến mức tối đa;

(e). Vật liệu địa chất trơ không bị ô nhiễm, các thành phần hóa học không có khả năng phát tán vào môi trường biển;

(f) Các vật liệu hữu cơ không bị ô nhiễm có nguồn gốc tự nhiên.

Việc nhận chìm chất thải và các vật chất khác được quy định trong các điểm (a) - (f) ở trên sẽ tuân theo tất cả các quy định khác của Phụ lục I và các quy định của Phụ lục II và III.

Mục này sẽ không áp dụng đối với chất thải phóng xạ hoặc bất kỳ chất phóng xạ nào khác được nêu trong mục 6 của Phụ lục này.

12. Trong vòng 25 năm kể từ ngày sửa đổi mục 6 có hiệu lực và tại mỗi khoảng thời gian 25 năm sau đó, các Bên tham gia Công ước sẽ hoàn thành một nghiên cứu khoa học liên quan đến tất cả các chất thải phóng xạ và các chất phóng xạ khác không phải là chất thải hoặc vật chất ở mức độ cao, có tính đến các yếu tố khác mà các Bên tham gia cho là phù hợp, và sẽ xem xét vị trí của các chất đó trong Phụ lục I theo các thủ tục quy định tại Điều XV.
 
Một[-]số[-]quy[-]định[-]Quốc[-]tế[-]liên[-]quan[-]đến[-]việc[-]xả[-]nước[-]thải[-]Nhà[-]máy[-]điện[-]hạt[-]nhân[-]Daiichi[-]ở[-]Fukushima[-]ra[-]biền[-]
Các bể chứa nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
 
Các vật liệu của Phụ lục II (danh sách xám) yêu cầu "sự quan tâm đặc biệt ". Các vật liệu của Phụ lục II (danh sách xám) có thể được đổ ra biển nếu được cấp phép (Xem Hộp 2). 
 
Hộp 2 : Danh sách xám (Phụ lục II)
 
Các chất và vật liệu cần quan tâm đặc biệt sau đây được liệt kê cho các mục đích của Điều VI (1) (a).

A. Chất thải có chứa một lượng đáng kể các chất được liệt kê dưới đây:

Asen, berili, crom, đồng, chì, niken, vanadi, kẽm và các hợp chất của chúng.

Các hợp chất cơ silicon, xyanua, florua, thuốc trừ sâu và các sản phẩm phụ của chúng không được đề cập trong Phụ lục I.

B. Container, sắt phế liệu và các chất thải cồng kềnh khác có khả năng chìm xuống đáy biển có khà năng gây trở ngại nghiêm trọng cho việc đánh bắt hoặc giao thông hàng hải.

C. Trong vấn đề cấp giấy phép đặc biệt cho việc thiêu hủy các chất và vật liệu được liệt kê trong Phụ lục này, các Bên tham gia sẽ áp dụng các Quy định về kiểm soát việc thiêu hủy chất thải và vật chất khác trên biển được nêu trong Phụ lục I và có đầy đủ tài liệu của Hướng dẫn kỹ thuật về kiểm soát đốt chất thải và các vật chất khác trên biển được các Bên tham gia thông qua với sự tham vấn, trong phạm vi được quy định trong các Quy định và Hướng dẫn này.

D. Các vật liệu, mặc dù không độc hại, nhưng có thể trở nên có hại do số lượng mà chúng bị nhận chìm hoặc có khả năng làm giảm nghiêm trọng các tiện nghi.
 
Phụ lục III đưa ra các yếu tố kỹ thuật chung cần được xem xét trong việc thiết lập các tiêu chí để cấp giấy phép đổ thải ở đại dương.
 
Mục đích của Công ước London là kiểm soát tất cả các nguồn gây ô nhiễm biển và ngăn ngừa ô nhiễm biển thông qua quy định về việc đổ ra biển các vật liệu phế thải. Một phương pháp được gọi là "danh sách đen và xám" được áp dụng cho các chất thải, có thể được xem xét để xử lý trên biển tùy theo mức độ nguy hiểm của chúng đối với môi trường. Đối với các hạng mục trong danh sách đen, việc nhận chìm bị cấm. Nhận chìm các hạng mục được liệt kê trong danh sách xám cần có giấy phép đặc biệt của cơ quan quốc gia được chỉ định dưới sự kiểm soát chặt chẽ và với điều kiện đáp ứng một số điều kiện nhất định. Tất cả các vật liệu hoặc chất khác có thể được thải ra biển sau khi có giấy phép.
 
2.3. Nghị định thư năm 1996
 
Vào ngày 17 tháng 11 năm 1996, một cuộc họp đặc biệt của các Bên tham gia Công ước đã thông qua "Nghị định thư năm 1996 đối với Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác năm 1972" thay thế cho Công ước Luân Đôn năm 1972. Để phù hợp với Chương trình nghị sự 21 của Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), Nghị định thư năm 1996 đã phản ánh xu hướng toàn cầu hướng tới phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển. Trong số những đổi mới quan trọng nhất do Nghị định thư năm 1996 mang lại là việc đề ra những nguyên tắc về "cách tiếp cận phòng ngừa " và "bồi thường thiệt hại của người gây ô nhiễm". Để thể hiện những nguyên tắc này, Nghị định thư đã xây dựng một bản danh sách các chất thải hoặc các chất khác có thể được xem xét nhận chìm ngoài biển được gọi là "danh sách đảo ngược" (reverse list). Theo Nghị định thư, thay vì cấm đổ một số chất thải và vật liệu độc hại (được liệt kê), các bên tham gia Nghị định thư có nghĩa vụ cấm đổ các loại chất thải hoặc các vật chất khác không được liệt kê trong Phụ lục 1 ("danh sách đảo ngược") của Nghị định thư năm 1996 (Xem Hộp 3). Như vậy, mục đích của Nghị định thư tương tự như của Công ước, nhưng Nghị định thư chặt chẽ hơn. 
 
Một[-]số[-]quy[-]định[-]Quốc[-]tế[-]liên[-]quan[-]đến[-]việc[-]xả[-]nước[-]thải[-]Nhà[-]máy[-]điện[-]hạt[-]nhân[-]Daiichi[-]ở[-]Fukushima[-]ra[-]biền[-]
Ảnh chụp từ trên không cho thấy các bể chứa nước đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị sóng thần ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima.
 
Các thủ tục tuân thủ mở rộng và các điều khoản hỗ trợ kỹ thuật đã được đưa vào Nghị định thư. Tuy nhiên, Nghị định thư quy định giai đoạn chuyển tiếp cho phép các Bên tham gia mới từng bước tuân thủ Nghị định thư trong khoảng thời gian 5 năm, với điều kiện đáp ứng một số điều kiện nhất định.
 
Hộp 3 : Chất thải hoặc các chất khác có thể được xem xét nhận chìm ngoài biển ("Danh sách đảo ngược")

1. Các chất thải hoặc các chất khác sau đây là những chất có thể được xem xét nhận chìm có lưu ý đến các Mục tiêu và Nghĩa vụ chung của Nghị định thư này được quy định trong điều 2 và 3:

1.1. Vật chất nạo vét;

1.2. Bùn thải;

1.3. Chất thải thủy sản, hoặc nguyên liệu từ các hoạt động chế biến thủy sản công nghiệp;

1.4. Tàu và dàn khoan hoặc các cấu trúc nhân tạo khác trên biển;

1.5. Vật liệu địa chất vô cơ, trơ;

1.6. Vật liệu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên;

1.7. Các mặt hàng cồng kềnh chủ yếu bao gồm sắt, thép, bê tông và các vật liệu không hại tương tự mà mối quan tâm là tác động vật lý, và được giới hạn trong những trường hợp mà chất thải đó được tạo ra tại các địa điểm, chẳng hạn như các hòn đảo nhỏ với các cộng đồng biệt lập, không có khả năng tiếp cận với các phương án xử lý khác hơn nhận chìm; và

1.8. Các dòng khí carbon dioxide từ các quá trình thu giữ carbon dioxide để cô lập.

2. Các chất thải hoặc các chất khác được liệt kê trong mục 1.4 và 1.7 có thể được xem xét để nhận chìm, với điều kiện là chất thải có khả năng tạo ra các mảnh vụn trôi nổi hoặc góp phần gây ô nhiễm môi trường biển đã được loại bỏ đến mức tối đa và với điều kiện là vật liệu bị nhận chìm không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trở ngại cho việc đánh cá hoặc giao thông thủy.

3. Bất chấp những điều trên, các vật liệu được liệt kê trong các mục 1.1 đến 1.8 có chứa mức độ phóng xạ lớn hơn nồng độ tối thiểu (được miễn trừ) theo định nghĩa của IAEA và được các Bên tham gia thông qua, sẽ được coi là chưa đủ điều kiện để nhậm chìm; với điều kiện thêm rằng trong vòng 25 năm kể từ ngày 20 tháng 2 năm 1994, và vào mỗi khoảng thời gian 25 năm sau đó, các Bên tham gia sẽ hoàn thành một nghiên cứu khoa học liên quan đến tất cả các chất thải phóng xạ và các chất phóng xạ khác không phải là chất thải hoặc vật chất ở mức độ cao, có tính đến các yếu tố khác như các Bên tham gia cho là phù hợp và sẽ xem xét lại việc cấm nhận chìm các chất này theo các thủ tục quy định tại Điều 22.

4. Các dòng khí cacbonic nêu trong mục 1.8 chỉ có thể được xem xét để nhận chìm, nếu:

4.1. Thải bỏ vào thành tạo địa chất dưới đáy biển; và

4.2. Chúng chứa nhiều khí cacbonic. Chúng có thể chứa các chất liên quan ngẫu nhiên có nguồn gốc từ nguyên liệu gốc và các quá trình thu giữ và cô lập được sử dụng; và

4.3. Không có chất thải hoặc các chất khác được thêm vào với mục đích xử lý chất thải hoặc các chất khác.
 
Việc đổ chất thải hoặc các chất khác trong “danh sách đảo ngược” này ra biển cần phải có giấy phép. Các bên tham gia Nghị định thư còn có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp để đảm bảo rằng việc cấp giấy phép và các điều kiện cho phép để đổ các chất trong “danh sách đảo ngược” phải tuân thủ Phụ lục 2 (Phụ lục đánh giá chất thải) của Nghị định thư. 
 
Nghị định thư năm 1996 đã chuyển phạm vi của Công ước Luân Đôn ban đầu về phía đất liền một cách hiệu quả, liên quan đến chính sách và các vấn đề quản lý đất đai cũng như xử lý chất thải trên biển. Cơ sở dẫn tới cho những thay đổi này là các yếu tố như hệ thống hóa cách tiếp cận phòng ngừa và thiết lập các yêu cầu như "kiểm tra ngăn ngừa chất thải", xác định và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất định, sự hợp tác với các cơ quan địa phương và quốc gia có liên quan đến việc kiểm soát ô nhiễm nguồn điểm và không điểm. Trong bối cảnh này, Quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICM) ra đời như một khuôn khổ tự nhiên để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Nghị định thư. Cơ quan Dịch vụ Đại dương Quốc gia (NOS) sẽ đóng góp vào việc tạo ra những nền tảng cần thiết cho việc Hoa Kỳ gia nhập Nghị định thư năm 1996 và xa hơn nữa là việc thực thi theo Nghị định thư. Thông qua Văn phòng Chương trình Quốc tế, NOS cũng sẽ đóng góp vào các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm đạt được những mục tiêu của Nghị định thư năm 1996.
 
3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU THỎA THUẬN QUỐC TÊ VỀ ĐỔ CHẤT THẢI RA BIỂN
 
Kể từ khi ra đời Công ước Luân Đôn hiệu lực vào năm 1975, Công ước đã cung cấp một khuôn khổ dành cho việc kiểm soát quốc tế và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường biển, trong đó các bên tham gia Công ước đã đạt được những tiến bộ liên tục trong việc bảo vệ môi trường các đại dương. Nỗ lực của các Bên được hỗ trợ bởi một Ban thư ký thường trực do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) chủ trì. Cuộc họp tham vấn của các bên tham gia công ước Luân Đôn là cơ quan điều hành và ra quyết định chính trị của Công ước. Nó nhận những lời khuyên về các vấn đề cần chuyên môn đa ngành từ Nhóm liên hợp các chuyên gia về các khía cạnh khoa học của bảo vệ môi trường biển (GESAMP) bao gồm các chuyên gia chuyên ngành được đề cử Tổ chức hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức nông lương thế giới (FAO), Tổ chức khoa học giáo dục và môi trường Liên hợp quốc (UNESCO), Ủy ban hải dương học liên chính phủ (IOC), Tổ chức khí tương thế giới (WMO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc (UN) và Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Một nhóm các nhà khoa học đánh giá về hành vi đổ thải, bao gồm các chuyên gia chính phủ từ các bên tham gia Công ước, chịu trách nhiệm giải quyết bất kỳ yêu cầu khoa học nào từ cuộc họp tham vấn, bao gồm cả việc chuẩn bị danh sách các chất độc hại, xây dựng các hướng dẫn về việc thực hiện Công ước và duy trì nhận thức về tác động đến môi trường biển từ các yếu tố đầu vào của tất cả các nguồn thải.
 
Công ước được thực hiện tại Hoa Kỳ thông qua Quyền I của Đạo luật Bảo vệ, Nghiên cứu và Xử lý Biển (MPRSA) xác định rằng các quy định thực hiện phải áp dụng các yêu cầu ràng buộc của Công ước Luân Đôn ở mức độ mà điều này sẽ không nới lỏng bởi MPRSA.
 
Các thành viên Công ước Luân Đôn hầu như đã loại bỏ việc đổ chất thải không được kiểm soát và việc thiêu hủy chúng trên biển đã được thực hiện vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Họ loại bỏ việc đổ một số loại chất thải và dần dần, làm cho chế độ này trở nên nghiêm ngặt hơn bằng cách thúc đẩy quản lý chất thải hợp lý và ngăn ngừa ô nhiễm. Các sửa đổi được thông qua vào năm 1993 và có hiệu lực một năm sau đó đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với việc đổ chất thải phóng xạ ở mức độ thấp ra biển. Ngoài ra, vào ngày 31 tháng 12 năm 1995, họ đã loại bỏ dần việc đổ chất thải công nghiệp và cấm đốt rác thải công nghiệp và bùn thải trên biển. 
 
Các Bên tham gia Công ước Luân Đôn đã sửa đổi cách tiếp cận quy định của Công ước để phù hợp với tư duy môi trường được thông qua Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) tổ chức tại Rio de Janeiro năm 1992. Do đó, Nghị định thư năm 1996 đã được thông qua. Nghị định thư chấp nhận các nguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền" và "phòng ngừa" đang trở thành các quy định bảo vệ môi trường chính thống. Do đó, Nghị định thư đã phát triển thành việc cấm đổ tất cả các chất thải ra biển, với rất ít trường hợp ngoại lệ. Cách tiếp cận này được gọi là “danh sách đảo ngược”: thay vì quy định những chất thải và vật liệu nào không được đổ, Nghị định thư cấm tất cả việc đổ chất thải ra biển, ngoại trừ những chất thải có thể chấp nhận được trong “danh sách đảo ngược” nêu trong phụ lục của Nghị định thư. Nghị định thư không chỉ dựa trên những thành tựu của Công ước mà còn thúc đẩy khuôn khổ pháp lý và giải quyết các thách thức môi trường mới như axit hóa đại dương gia tăng và các hoạt động địa kỹ thuật biển có khả năng gây tổn hại đến môi trường biển.
 
Ngoài ra các Bên tham gia Công ước và Nghị định thư cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý môi trường biển. Theo thời gian, họ đã phát triển nhiều kinh nghiệm thực tế liên quan đến các vấn đề ngăn ngừa ô nhiễm biển, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đánh giá đánh giá tác động và rủi ro, triển khai các điều khoản của Công ước và Nghị định thư, cũng như xử lý việc cấp phép, tuân thủ và giám sát thực địa các hoạt động.
 
Hơn nữa, một chương trình hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế đã được thành lập để hỗ trợ nâng cao năng lực đánh giá và quản lý chất thải, cũng như xây dựng các quy định quốc gia cho các mục đích thực hiện và tuân thủ Công ước và Nghị định thư.
 
 Ban Thư ký thuộc IMO đã luôn đáp ứng kịp thời các yêu cầu mà các bên tham gia Công ước và Nghị định, bằng cách cung cấp đội ngũ nhân viên chất lượng cao chuyên trách về bảo vệ môi trường và sức khỏe đại dương, cung cấp kịp thời lời khuyên của chuyên gia, phục vụ hiệu quả các Cuộc họp với các Bên tham gia.
 
Một[-]số[-]quy[-]định[-]Quốc[-]tế[-]liên[-]quan[-]đến[-]việc[-]xả[-]nước[-]thải[-]Nhà[-]máy[-]điện[-]hạt[-]nhân[-]Daiichi[-]ở[-]Fukushima[-]ra[-]biền[-]
Kiểm tra phóng xạ bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. 
 
4. ÁP DỤNG CÁC THỎA THUẬN QUỐC TÊ ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP ĐỔ NƯỚC THẢI NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN DAIICHI Ở FUKUSHIMA, NHẬT BẢN RA BIỂN
 
Mặc dù Công ước Luân Đôn năm 1972 và Nghị định thư năm 1996 không áp dụng đối với các trường hợp đổ các chất thải từ các nguồn trên đất liền thông qua đường ống thoát nước, mà chỉ áp dụng đối với các hoạt động đổ thải chất thải hoặc các vật chất khác từ tàu thuyền, máy bay và giàn khai thác dầu khí. Tuy nhiên, các quy định quốc tế liên quan đến đổ chất thải ra biển có thể được tham khảo để đánh giá trường hợp đổ nước thải Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima, Nhật Bản ra biển với suy nghĩ rằng quy định đổ chất thải ra biển ven bờ còn phải khắt khe hơn quy định về đổ chất thải ra đại dương. Hơn nữa, thông tin về việc phương thức đổ thải hơn 1,2 triệu tấn nước thải nhiễm phóng xạ đang chứa trong các bồn lớn tại Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ra biển cũng chưa rõ (Thải bằng đường ống ra biển ven bờ hay thải bằng tàu thủy ra vùng biển đại dương xa bờ). Về khả năng tác động thì phương thức thải bằng đường ống ra biển ven bờ sẽ tác động cao hơn so với đổ thải bằng tàu thủy ra vùng đại dương xa bờ. Hiện nay, việc xả thải nói chung, xả nước thải có chứa chất phóng xạ nói riêng ra biển ven bờ được kiểm soát bởi tiêu chuẩn/quy chuẩn xả thải của mỗi quốc gia có biển.
 
Theo mục 6, Phụ lục I “Danh sách đen” của Công ước Luân Đôn năm 1972, thì nước thải chứa phóng xạ phát sinh từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima thuộc danh mục bị cấm đổ ra biển (Xem Hộp 1). Các sửa đổi của Công ước Luân Đôn được thông qua vào năm 1993 và có hiệu lực một năm sau đó đã đưa ra lệnh cấm hoàn toàn đối với việc đổ chất thải phóng xạ ở mức độ thấp ra biển.
 
Tuy nhiên, theo Nghị định thư năm 1996 quy định "Danh sách đảo ngược" về các chất thải hoặc các chất khác có thể được xem xét nhận chìm ngoài biển (Xem Hộp 3) có nêu “Các vật liệu được liệt kê trong các mục 1.1 đến 1.8 có chứa mức độ phóng xạ lớn hơn nồng độ tối thiểu (được miễn trừ) theo quy định của IAEA và được các Bên tham gia thông qua, sẽ được coi là chưa đủ điều kiện để nhậm chìm; với điều kiện thêm rằng trong vòng 25 năm kể từ ngày 20 tháng 2 năm 1994, và vào mỗi khoảng thời gian 25 năm sau đó, các Bên tham gia Công ước sẽ hoàn thành một nghiên cứu khoa học liên quan đến tất cả các chất thải phóng xạ và các chất phóng xạ khác không phải là chất thải hoặc vật chất ở mức độ cao, có tính đến các yếu tố khác như các Bên tham gia cho là phù hợp và sẽ xem xét lại việc cấm nhận chìm các chất này theo các thủ tục quy định tại Điều 22” (Mục 3). Điều này có nghĩa rằng, nước thải chứa phóng xạ phát sinh từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima chỉ được phép đổ ra biển với các điều kiện: 
 
1). Nước thải có chứa mức độ phóng xạ thấp hơn nồng độ tối thiểu (được miễn trừ) theo quy định của IAEA; 
 
2). Nước thải chứa mức độ phóng xạ lớn hơn nồng độ tối thiểu (được miễn trừ) theo quy định của IAEA và được các Bên tham gia thông qua, sẽ chưa được coi là đủ điều kiện để nhậm chìm, nếu chưa có thêm điều kiện 3).
 
3). Nếu được các Bên tham gia chấp thuận đổ nước thải ra biển, thì mỗi khoảng thời gian 25 năm sau đó, các Bên tham gia Công ước sẽ hoàn thành một nghiên cứu khoa học liên quan đến tác động của tất cả các chất thải phóng xạ và sẽ xem xét lại việc cấm nhận chìm các chất này nếu phát hiện tác động xấu.
5.  KẾT LUẬN-KIẾN NGHỊ
 
Theo các thỏa thuận quốc tế  mà Nhật Bản là một bên tham gia, thì việc thải nước thải chứa phóng xạ phát sinh từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima ra biển chỉ được thực hiện với các điều kiện cụ thể được quy định tại Công ước Luân Đôn năm 1972, Nghị định thư 1996 và các điều khoản sửa đổi.
 
Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/4/2021, khi được đề nghị đưa ra bình luận về việc Nhật Bản xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima ra biển : “Việt Nam ủng hộ quyền phát triển, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia, song đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn. Việt Nam đề cao việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và các tài nguyên biển phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA”. 
 
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị thêm rằng, với tư cách là một bên tham gia Công ước Luân Đôn năm 1972, Nghị định thư 1996, Chính phủ Nhật Bản cần tham vấn để nhận được sự đồng thuận của các bên tham gia và tuân thủ các quy định được nêu trong các thỏa thuận quốc tế này nhằm bảo vệ môi trường, sinh thái biển và đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.   
 
......................................
 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
[01]. “London Convention”. International Maritime Organization, 1972. 
 
[02]. “Status of Conventions”. International Maritime Organization, 2016.
 
[03]. “London Protocol; why is it needed?” . International Maritime Organization, 2016. 
 
[4]. “1996 Protocol”. International Maritime Organization, 1996 (Amended 2006). 
PGS.TS. PHÙNG CHí SỸ- Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Một số quy định Quốc tế liên quan đến việc xả nước thải Nhà máy điện hạt nhân Daiichi ở Fukushima ra biền

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim

Quái thú 230 triệu tuổi "lai" giữa cá sấu và chim

(Tin Môi Trường) - Vào cuối kỷ Tam Điệp, miền đất nay là bang Wyoming của nước Mỹ tồn tại một quái thú kỳ lạ với chiếc mỏ như vẹt, mình khủng long. Nó được đặt tên là Beesiiwo cooowuse, một loài mới.

Tin Môi Trường
 Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'

Những người còn theo đuổi ống hút 'xanh'

(Tin Môi Trường) - Một thời, các loại ống hút làm từ tre, cỏ bàng, tinh bột, giấy... được nhiều người lựa chọn theo xu hướng sống thân thiện với môi trường. Hiện nay, dù không còn là trào lưu thời thượng, các sản phẩm 'xanh' này vẫn có thị trường riêng.

VACNE 30 năm
 Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

Cảnh báo: Lừa đảo hỗ trợ cập nhật sinh trắc học

(Tin Môi Trường) - Theo ghi nhận của các chuyên gia Bkav, lợi dụng tình trạng nhiều khách hàng gặp khó khăn khi cập nhật sinh trắc học trên các ứng dụng, kẻ xấu giả danh cán bộ ngân hàng vờ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI