(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Nội dung này đã được các chuyên gia, đại biểu trao đổi tại hội thảo 'Thị trường tín chỉ
carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh' do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 20-4 tại TP.HCM.
Tín chỉ carbon không phải tài nguyên vô tận TS Phạm Văn Đại - giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright, trao đổi tại hội thảo về tín chỉ carbon do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Phạm Văn Đại - giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright - cho hay rất khó xác định giá 5 USD/tín chỉ
carbon là cao hay thấp vì đây là giá thị trường. Bản thân tín chỉ
carbon cần được xem như là tài nguyên quốc gia, không phải tài nguyên vô tận hay tái tạo được.
Giá thuế
carbon bắt buộc là hơn 100 USD, trong khi tín chỉ
carbon hiện chỉ được giao dịch khoảng 5 USD. Theo TS Phạm Văn Đại, điều này còn liên quan đến chất lượng. Ngay cả Úc, sau khi kiểm kê thì chất lượng 3/4 tín chỉ đều có vấn đề, nhiều cánh rừng được bán dùng cho tín chỉ
carbon sau khi bán thì bị phá hủy.
Ông Đại trích các báo cáo cho thấy giá tín chỉ
carbon có thể lên đến 200-300 USD/tín chỉ và điều này chỉ đạt được khi chất lượng tín chỉ
carbon được xác thực, bản chất của dự án cũng như chi phí bỏ ra để thực hiện.
Trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn trên thế giới như Apple hay Samsung đều đòi hỏi các nhà cung cấp phải trung hòa được
carbon trong quá trình sản xuất thì xu hướng tìm mua tín chỉ
carbon của doanh nghiệp Việt Nam là không tránh được.
"Với thực tế hiện nay, tôi cho rằng Việt Nam cần quy hoạch tín chỉ
carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Thứ hai là cần xem xét hình thành "Quỹ dự trữ tín chỉ
carbon cho doanh nghiệp Việt Nam" để sau này, khi tham gia chứng chỉ toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao", TS Phạm Văn Đại nêu đề xuất.
Tại phần thảo luận, nhà báo Huy Thọ đặt vấn đề dư luận quan tâm, thậm chí thắc mắc là vì sao Việt Nam không "tích trữ" tín chỉ
carbon "để dành" cho các doanh nghiệp hoặc bán với giá
cao hơn ở những thời điểm tốt hơn.
Trả lời, ông Nguyễn Văn Minh - trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng để đạt mục tiêu net zero, chúng ta phải cam kết theo từng giai đoạn, hiện nay chúng ta đang trong giai đoạn cam kết từ 2021-2030. Do đó, tín chỉ
carbon tạo ra đến 2030 chưa chắc đã sử dụng sau thời điểm đó vì tín chỉ
carbon có thời hạn sử dụng, không phải là hạn sử dụng mãi mãi.
Ông Nguyễn Văn Minh - trưởng phòng kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu - Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - trao đổi về giá tín chỉ carbon - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lấy ví dụ trên thế giới, giai đoạn 2008-2012, giá tín chỉ
carbon lên đến 30 USD/tín chỉ. Tuy nhiên giai đoạn 2013-2020 là giai đoạn "khoảng trống" khi nhiều quốc gia không tham gia cam kết về giảm phát thải vì cho rằng quốc gia này làm, quốc gia khác không làm là bất công bằng. Điều này kéo theo giá tín chỉ
carbon giảm mạnh, chỉ còn vài USD.
Ông Minh đưa ra câu chuyện vào giai đoạn 2008-2013, tại Việt Nam cũng có dự án đạt tín chỉ carbon, lúc đó giá cao nhưng tích trữ lại và không bán. Tuy nhiên sau đó giá tín chỉ
carbon rớt mạnh, đến nay đơn vị bán vẫn còn để tín chỉ trên hệ thống lưu ký, tiền lấy tín chỉ này về
cao hơn cả tiền bán tín chỉ
carbon và cũng đã hết thời hạn cam kết.
Tham gia phiên thảo luận, ông Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu - đặt vấn đề tại sao các hãng hàng không, các hãng dầu mỏ đã đi trước để mua tín chỉ
carbon theo dạng "đặt gạch", đặt cọc hoặc đã mua thành công, trong khi các doanh nghiệp Việt vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng nên các doanh nghiệp ngoại mua sớm đã có giá tốt hơn nếu không tự bù trừ tín chỉ carbon.
Nêu vấn đề này, ông Huy cho rằng khi trên thế giới đã giao dịch, các "ông lớn" đã đi trước thì các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động cải tiến công nghệ, thay đổi cách làm để giảm phát thải và không nên chờ đến khi có quy định, chế tài mới thực hiện.
TS Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia nghiên cứu độc lập về biến đổi khí hậu - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi thêm, TS Phạm Văn Đại nói bên cạnh cuộc chạy đua mua tín chỉ
carbon thì các doanh nghiệp còn có cách thức khác là thực thi ESG (Environmental - Social - Governance) là một bộ tiêu chuẩn đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững, những yếu tố đang góp phần vào Việt Nam xanh hơn.
Tuy nhiên, tín chỉ
carbon là cuộc chơi quy mô lớn, của các đại gia bởi tiêu chuẩn về hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV), đòi hỏi kinh phí rất lớn. Các giao dịch không chỉ đo từng héc ta rừng mà còn phải đo lường giám sát cả vài trăm héc ta rừng.
"Đây là cuộc chơi lớn phụ thuộc vào nhiều người mua hơn người bán, và để trở thành một thị trường thực sự vẫn cần các quy định cụ thể, chính xác trong bối cảnh vẫn còn nhiều rủi ro", TS Đại khẳng định.
Ông Nguyễn Võ Trường An - phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo ông Nguyễn Võ Trường An - phó tổng giám đốc Công ty Sàn giao dịch tín chỉ
carbon ASEAN (CCTPA), cần hiểu tín chỉ
carbon là nguồn tài chính nhằm hỗ trợ quá trình giảm phát thải, các dự án trồng rừng, chống biến đổi khí hậu. Để hướng tới net zero, ông An cho rằng không thể chỉ trồng rừng hay nông nghiệp bền vững, mà chúng ta phải áp dụng công nghệ thông tin, giảm phát thải.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM - cho hay các doanh nghiệp dệt may cũng buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng dùng nguyên liệu tái chế.
Theo ông Việt, khách hàng châu Âu đã sang Việt Nam kiểm kê phát thải, tín toán lượng carbon. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn mơ hồ về quy trình kiểm kê, rất cần có các hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Xây dựng Việt Nam xanh, giảm lượng phát khí thải, có khó?
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - chia sẻ nội dung phát triển thị trường carbon để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường - cho hay chuyển đổi xanh không dừng lại ở xu hướng, mà đang được luật hóa, trở thành quy định bắt buộc. Tuy nhiên Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản, như thiếu sự phối hợp và thống nhất giữa các ngành và các cấp chính quyền khác nhau, dẫn đến các chính sách và kế hoạch chồng chéo và không nhất quán, cản trở việc thực hiện và giám sát hiệu quả các hành động và mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, khiến các dự án xanh gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn tài chính; việc thực thi các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo, rườm rà, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ...
Từ đó, ông Thọ đưa ra các giải pháp tăng cường phối hợp liên cơ quan để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp trong các chính sách tăng trưởng xanh. Cùng với đó là tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, như nhà máy điện mặt trời, trang trại, hệ thống quản lý chất thải và sáng kiến phủ xanh đô thị; xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý đồng bộ, mạch lạc cho tăng trưởng xanh...
"Cuối cùng, tăng cường nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề môi trường và thực hành bền vững thông qua các tuyên truyền và sự tham gia của cộng đồng trong thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa vào cộng đồng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh các nỗ lực trên", ông Thọ nhấn mạnh.
Chia sẻ về câu chuyện Quảng Bình vừa thu được hơn 80 tỉ đồng nhờ nguồn tiền từ bán tín chỉ
carbon của rừng, ông Trần Quốc Tuấn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình - cho biết Quảng Bình có diện 650.000ha rừng và đất chưa có rừng.
Nguồn kinh phí từ ERPA đã giúp tăng nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
"Chỉ có cách tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, gắn với xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC)", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bài trình bày "Quá trình triển khai xác nhận tín chỉ
carbon trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam" của TS Nguyễn Thanh Mỹ - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty RYNAN Techonologies, cũng đem đến một cách nhìn khác về quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của Việt Nam.
TS Nguyễn Thanh Mỹ - chủ tịch HĐQT Công ty RYNAN Techonologies - trình bày nội dung "Quá trình triển khai xác nhận tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam” - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đưa đến hội thảo về câu chuyện nuôi tôm của người nông dân có thể thu được tiền từ giảm khí thải nhà kính theo hình thức canh tác thế hệ mới, giảm được lượng khí nhà kính ra thị trường, TS Nguyễn Thanh Mỹ cho rằng phát triển bền vững cần bắt đầu từ kinh tế, sau đó mới đến môi trường.
"Người nông dân có thu nhập thì mới nghĩ đến chuyện bền vững, môi trường. Cách thức nuôi tôm mới giúp tôm giảm được nguy cơ nhiễm bệnh và dùng công nghệ để làm sao đo được khí
carbon giảm, từ đó người dân có thể kiếm được tiền từ cách nuôi trồng tôm bền vững", TS Nguyễn Thanh Mỹ nói.
Cách thức đó là gì? Ông Mỹ đã đưa ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, điện toán biên vào nuôi tôm. Bắt đầu cho quy trình này, ông tiến hành xây dựng phần mềm quản lý trang trại, đồng thời thiết kế cách xây dựng một trang trại nuôi tôm làm sao đó không có khí thải nhà kính, giảm sử dụng năng lượng điện, giảm sử dụng nước, tăng hiệu quả sử dụng đất...
Theo ông Mỹ, từ câu chuyện của mình, ông muốn các doanh nghiệp tư nhân cần xem đây là cơ hội lớn để tìm ra những giải pháp để cùng chung tay với Chính phủ đạt đến net zero mà Chính phủ đã cam kết.
Đang xây dựng đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam
Ông Nguyễn Tuấn Quang - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang - phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết sau khi chăm chú lắng nghe các bài tham luận, ông cảm thấy rất hữu ích cho bộ trong việc xây dựng và hoạch định các chính sách, đảm bảo tính thực tiễn của các chính sách thời gian tới.
Ông Tuấn Quang cho rằng biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và bắt buộc các thành phần kinh tế cùng chung tay giải quyết. Để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, các định chế tài chính, ông Tuấn Quang cho biết Việt Nam xác định có 5 biện pháp chính.
Đầu tiên là chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sạch… Thứ hai là nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, nông nghiệp. Thứ ba là tăng tỉ lệ hấp thụ rừng và các hệ sinh thái.
Thứ tư, áp dụng các biện pháp, thu giữ và chôn lấp carbon, biện pháp này tốn kém so với các cách thức khác. Cuối cùng mới đến định giá carbon, trong đó gồm thuế
carbon và phát triển thị trường carbon. Hiện 70 quốc gia, lãnh thổ đang áp dụng cơ chế thị trường carbon, kiểm soát 23% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Đối với thị trường carbon, có hai loại thị trường gồm thị trường
carbon tuân thủ và thị trường
carbon tự nguyện, trong đó thị trường
carbon tự nguyện có nhiều cơ chế khác nhau.
Những khu rừng tự nhiên phù hợp khai thác tín chỉ carbon - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Với thị trường tín chỉ carbon, điều kiện cần có một tín chỉ là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong khi đó điều kiện đủ là phải đảm bảo tính bổ sung. Tín chỉ cũng phải có tiêu chuẩn và gắn với từng cơ chế nhất định", ông Tuấn Quang giải thích thêm.
Liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, ông Tuấn Quang cho biết đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương, muốn giao dịch phải đảm bảo mục tiêu phát thải khí nhà kính của quốc gia. Như trường hợp tín chỉ rừng ở Bắc Trung Bộ, phải có cơ chế 95% kết quả chuyển nhượng được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính (NDC).
Thị trường
carbon của Việt Nam vẫn đang thực hiện giao dịch tự nguyện theo các tiêu chí quốc tế khác nhau. Và cơ chế tín chỉ trong nước vẫn đang được xây dựng theo lộ trình. Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng đề án phát triển thị trường
carbon tại Việt Nam.
Cùng với đề án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng nghị định mới, đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam có lợi. Dự kiến tháng 7-2024, bộ sẽ trình nghị định này, quy định rõ các tiêu chuẩn tín chỉ carbon, phê duyệt, ban hàng… đảm bảo lượng tín chỉ
carbon có lợi cho doanh nghiệp, Nhà nước.
"Điều quan trọng là cần có thông tin truyền tải một cách đầy đủ, chính xác từ các cơ quan quản lý nhà nước để thực thi tốt. Và để làm được điều này, cần có vai trò của báo Tuổi Trẻ thông qua các hội thảo để làm cầu nối với các bên khác.
Hội thảo hôm nay chỉ là sự kiện trong chuỗi hoạt động, sự kiện khác trong chương trình Việt Nam Xanh. Những ý kiến trao đổi của doanh nghiệp, chuyên gia được ghi nhận và đẩy mạnh tuyên truyền đề các doanh nghiệp hiểu đúng về giảm phát thải khí nhà kín và tín chỉ carbon", phó cục trưởng nhấn mạnh.