(Tin Môi Trường) - Việc bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên ở vùng đất "Chín Rồng" là thách thức cần nhiều giải pháp đổi mới và sáng tạo gắn với kinh tế xanh.
Vựa nông sản của đất nước
Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực đất đai rộng lớn tại Đông Nam Á. Sông Cửu Long là một trong những con sông lớn nhất thế giới, tạo ra hệ thống đồng bằng trù phú, đa dạng về địa hình, thực vật và động vật. Vùng này còn có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, với đường biên giới đất liền phía Tây Nam, đồng thời có hơn 700 km bờ biển (bằng 23% cả nước), 367.000 km² vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo.
Nơi đây có đặc điểm đất đai màu mỡ, lúa nước được thu hoạch 7 lần trong 2 năm. Thủy sản chiếm 77% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước. Vùng
Đồng bằng sông Cửu Long có hệ sinh thái đa dạng và đặc sắc, từ hệ sinh thái biển, đảo, cửa sông, đất ngập nước, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, đến các khu dự trữ sinh quyển và vườn quốc gia. Đây là tài nguyên quý giá cho phát triển du lịch sinh thái.
Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa cả nước. Trong ảnh là cánh đồng lớn ở Đồng Tháp - ảnh: CÔNG HÂN
Vùng
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12,8% diện tích và 19% dân số cả nước. Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Ngoài ra, vùng này còn có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông. Cây lúa giữ vị trí quan trọng khi chiếm 54% diện tích và 58% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 93% sản lượng cả nước.
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng cao hơn bình quân cả nước. Dù vậy, những lợi thế do tự nhiên ban tặng vẫn chưa được khai thác hiệu quả
để nâng cao giá trị đóng góp cho nền kinh tế khi
Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp vào GDP cả nước có xu hướng giảm dần, năm 2020 chỉ còn 12%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng còn thấp hơn cả nước, ước tính khoảng 60 triệu đồng/người/năm (so với 74 triệu đồng/người/năm của cả nước).
Trong xu hướng các hiện tượng thời tiết cực đoan bất thường ngày càng gia tăng,
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu nhiều rủi ro nhất, đặc biệt là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong 7 năm qua, khu vực này có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về tư duy và hành động trong việc xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược và các dự án cấp bách.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2023 đã nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng. Các tuyến đường giao thông liên kết vùng cũng được đầu tư
để đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, đô thị và nông thôn.
Với định hướng "thuận thiên", nông nghiệp được phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung vào đảm bảo an ninh lương thực và góp phần bảo vệ môi trường. Các sản phẩm du lịch đặc thù như khu dự trữ sinh quyển, du lịch sinh thái, văn hóa sông nước, miệt vườn, làng nghề cũng được đưa vào khai thác
để thu hút du khách. Cần Thơ và Phú Quốc được đề xuất trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng. Những dự án này đã đóng góp tích cực cho sự phát triển
bền vững của vùng
Đồng bằng sông Cửu Long, và việc triển khai các dự án cải thiện hạ tầng giao thông cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường khách quốc tế và nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của vùng.
Trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh
Tháng 4.2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng
Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, Chính phủ có chương trình hành động xác định một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 6,5 - 7%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2030 gấp 2 - 2,5 lần năm 2021, thu nhập bình quân đầu người khoảng 146 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ nghèo giảm 1,5 - 2%/năm…
Chính phủ cũng xác định một số khu vực mang tính đột phá, dẫn dắt như xây dựng TP.Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại. Xây dựng các thành phố Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 700 km bờ biển (bằng 23% cả nước), giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo. Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu - ảnh: ĐỘC LẬP
Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các khu đô thị gồm trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP.Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistics ở Hậu Giang. Trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt. Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản khu vực ven biển. Trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với vùng nguyên liệu chính về trái cây, rau màu.
Nghị quyết khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, việc phát triển điện gió và điện mặt trời gắn liền với bảo vệ rừng và bờ biển là mục tiêu quan trọng. Đồng thời, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái và bền vững, tập trung vào sản xuất thủy sản, trái cây và lúa gạo.
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị cũng đặt ra tầm nhìn phát triển cho vùng đến năm 2045 sẽ là "vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu…".
Để đạt các mục tiêu đó trong hơn 2 thập niên tới,
Đồng bằng sông Cửu Long cần phải vượt qua những thách thức trước mắt là xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu. Để ứng phó, cần có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp
bền vững có thể giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Việc phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý tài nguyên nước, và thúc đẩy sự đổi mới trong nông nghiệp có thể giúp khu vực này thích nghi và phát triển
bền vững hơn. Nông nghiệp vẫn phải là ngành chủ đạo, bởi đây là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng của Việt Nam. Nông nghiệp của vùng đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP của vùng đã nói lên sự quan trọng của lĩnh vực này.
Nuôi cá tra ở Cần Thơ - ảnh: CÔNG HÂN
Để phát triển nông nghiệp và nông thôn, cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hoàn thiện, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện và thông tin liên lạc cần được nâng cấp đồng bộ, đặc biệt là đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nông sản và thủy sản. Muốn mang lại giá trị gia tăng cao thì trước hết tự thân vùng phải nâng cao trình độ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ
để tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn cho vùng này như cho thuê đất với thời hạn dài, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ lãi suất, phí, lệ phí cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp, và hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Năm 2023, tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp ở
Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2022. Một số dự án đầu tư lớn bao gồm: nhà máy chế biến gạo công suất 100.000 tấn/năm tại tỉnh Long An (vốn 1.000 tỉ đồng), dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang (vốn 500 tỉ đồng), dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau (vốn 200 tỉ đồng).
Ưu tiên hạ tầng và nguồn nhân lực
Một trong những nguyên nhân khiến vùng
Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai phá hết tiềm năng do liên kết vùng, nhất là với vùng Đông Nam bộ, còn lỏng lẻo cả về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và công nghệ.
Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến đường huyết mạch từ cửa ngõ phía tây của TP.HCM kết nối các tỉnh, thành trong vùng
Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm khai thác, tuyến cao tốc này có lưu lượng phương tiện lưu thông tăng cao (khoảng 52.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Với quy mô hiện tại, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện không đáp ứng nhu cầu vận tải và cần được mở rộng hay tạo thêm tuyến mới. Chính phủ và các địa phương trong vùng đang tập trung đầu tư nhiều dự án cao tốc và các tuyến đường liên vùng
để tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lực lượng lao động của vùng có hơn 10,3 triệu người, chiếm 19% lực lượng lao động của cả nước, nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 10,4% (bằng một nửa mức trung bình cả nước). Mặc dù được chú trọng đầu tư, nhưng trong thời gian qua, nguồn nhân lực của vùng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng. Điều này đã trở thành một trong những rào cản ảnh hưởng đến khả năng phát triển du lịch và kinh tế-xã hội của vùng. Vì vậy, hai bài toán về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực cần được ưu tiên nguồn lực đầu tư.
Trong xu thế phát triển xanh và bền vững, cơ hội tiếp tục mở ra với
Đồng bằng sông Cửu Long qua việc bán tín chỉ carbon từ trồng lúa, một điều khá mới mẻ. Khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, mỗi ha lúa có thể giảm từ 5 - 10 tấn khí thải carbon mỗi năm, tương đương với 5 - 10 tín chỉ, thu lợi từ 50 - 100 USD. Đề án "Phát triển
bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng
Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí CO2 trong quá trình canh tác lúa. Nếu đạt được mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, giá trị thu được từ việc bán tín chỉ có thể lên đến 50 - 100 triệu USD/năm. Việc bán tín chỉ carbon không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn tạo thêm thu nhập cho người trồng lúa.
Chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng các phương pháp canh tác như bón phân lân, tái sử dụng/rơm rạ, sử dụng phân bón hữu cơ
để giảm khí thải carbon. Mô hình "3 giảm - 3 tăng" (giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu
để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả) là hướng sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng xanh.
Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước lợ và nước mặn, năng lượng mặt trời và gió; quản lý
bền vững nguồn phù sa, cát, rừng ngập mặn, thủy sản và đa dạng sinh học; đồng thời giải quyết các vấn đề cấp bách về xói lở bờ biển, bờ sông và sụt lún đất.