(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã nhận được "tiền tươi thóc thật" từ việc chuyển nhượng hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng và tiếp tục bán thêm được hàng triệu tín chỉ carbon với giá cao hơn.
Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: T.ĐẠT
Các doanh nghiệp Việt cũng bắt đầu tìm mua tín chỉ
carbon khiến thị trường này được dự báo sẽ tăng trưởng cao. Cơ chế để tính toán, thẩm định tín chỉ carbon, thành lập sàn giao dịch
carbon giúp bên mua bên bán tham gia thị trường tín chỉ carbon... là những vấn đề cần sớm quy định bằng hành lang pháp lý.
Đây cũng là nội dung tại hội thảo "Thị trường tín chỉ
carbon - Động lực xây dựng Việt Nam Xanh" do Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cùng các đơn vị tổ chức vào sáng nay (20-4) tại khu du lịch Văn Thánh (TP.HCM). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng công bố dự án "Việt Nam Xanh" với nhiều chuỗi hoạt động.
Doanh nghiệp Việt phải tìm mua tín chỉ carbon
Là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may với thị trường xuất khẩu chủ lực là châu Âu, ông Phạm Văn Việt, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, cho hay dệt may là ngành chưa bắt buộc khai báo phát thải carbon.
Tuy nhiên, do châu Âu có các yêu cầu khắt khe về phát thải nên họ đã đến trực tiếp nhà máy của doanh nghiệp này tại TP Thủ Đức để đo lường, kiểm kê phát thải của nhà máy và của từng loại máy móc.
Với kết quả kiểm đếm, ông Việt cho hay nếu phát thải mỗi ngày lên đến 14 tấn và mức đánh thuế 86 USD/tấn CO2 thì doanh nghiệp phải đóng thuế
carbon lên đến 30 triệu đồng/ngày. Do đó, ông Việt cho hay doanh nghiệp đã có kế hoạch tăng dùng năng lượng mặt trời, dùng nồi hơi điện cũng như tiếp tục dùng các thiết bị sản xuất, công nghệ sản xuất EU... để lượng phát thải sẽ ở trong ngưỡng cho phép, không phải chịu thuế carbon.
Với vai trò là phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, ông Việt cho hay nhiều doanh nghiệp đã bị kiểm kê phát thải, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu phải có lộ trình giảm phát thải. Nếu không chuyển đổi công nghệ hoặc có các giải pháp giảm phát thải rõ ràng, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp những thách thức cạnh tranh lớn nếu chịu thuế
carbon trong thời gian tới.
Tương tự, ông Trần Như Tùng, chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công, cho hay các nhà nhập khẩu lớn đã yêu cầu phía doanh nghiệp phải có lộ trình giảm phát thải
carbon từng năm và phải có kế hoạch cụ thể gửi cho đối tác.
Do đó, doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may này đã áp dụng loạt giải pháp giảm phát thải như chuyển đổi năng lượng để lò hơi dùng nguyên liệu sinh khối, tăng dùng điện mặt trời mái nhà, cải tiến máy móc... để đảm bảo các tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
Còn giám đốc một doanh nghiệp thép cho hay nếu áp thuế
carbon khi xuất khẩu sang châu Âu, các doanh nghiệp ngành thép sẽ chịu tác động lớn khi giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh kém đi và đây là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt. Do đó, doanh nghiệp này bên cạnh dần chuyển đổi sản xuất từ "thép xám" sang "thép xanh" cũng đang tìm nguồn tín chỉ
carbon trong nước để bù trừ khi các quy định được áp dụng.
Tiềm năng trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng của Việt Nam là rất lớn - Ảnh: C.TUỆ
Sớm xây dựng thị trường tín chỉ carbon
Từ nhu cầu ngày càng hiển nhiên và bắt buộc như trên song vị lãnh đạo doanh nghiệp thép cho rằng thị trường
carbon tại Việt Nam chỉ mới ở mức sơ khởi, chưa có các quy định rõ ràng, khiến các doanh nghiệp cũng khó để tìm được nguồn tín chỉ
carbon chính thống, mức giá hợp lý cũng như được công nhận trên thị trường quốc tế.
Ông Phạm Đăng An, giám đốc VP Carbon, cho rằng dù chưa vận hành thị trường tín chỉ
carbon chính thức nhưng Việt Nam đã gián tiếp tham gia các hoạt động mua bán tín chỉ
carbon thông qua một số đề án như Cơ chế phát triển sạch (CDM). Tuy nhiên, có thể nói con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng thị trường tín chỉ
carbon tại Việt Nam.
Việc phát triển thị trường tín chỉ
carbon là cần thiết giúp khai thác tiềm năng này, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khi thị trường đi vào hoạt động sẽ có sự tham gia của cả các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế.
Thị trường sẽ vận hành hiệu quả khi có hành lang pháp lý phù hợp và các đơn vị, tổ chức tham gia thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, viện trưởng Viện chiến lược - chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân tích: thời gian tới Việt Nam cần chuẩn bị lực lượng lao động lớn, chuyên nghiệp có hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ
carbon để xây dựng thị trường tín chỉ
carbon bắt buộc.
Chất lượng của tín chỉ
carbon sẽ tăng lên nếu phát triển bền vững, cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống suy giảm đa dạng sinh học...
Cơ hội lớn cần hành lang vận hành
Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết trong nghị quyết 98, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước được thực hiện thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ
carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ
carbon trên địa bàn TP mang đến nhiều cơ hội.
Trong đó, hoạt động mua bán tín chỉ
carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TP.HCM, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ
carbon do có nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính và có nhu cầu giảm phát thải.
Ngoài ra, thí điểm thị trường tín chỉ
carbon thể hiện cam kết của TP.HCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của TP, mang đến cơ hội TP có thể trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ
carbon của khu vực và quốc tế.
Theo ông Thắng, chỉ riêng hai dự án được lựa chọn thí điểm, theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, tổng lượng giảm phát thải CO2 trong 10 năm dự kiến lên đến gần 1 triệu tấn CO2 với nguồn thu chỉ riêng từ bán tín chỉ
carbon có thể lên đến 220 tỉ đồng (chưa tính phần tiết kiệm điện).
Tuy vậy, ông Thắng cho hay bên cạnh cơ hội thu lợi nhuận từ bán tín chỉ carbon, vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Trong đó, hiện hành lang pháp lý để việc tính toán, đánh giá, thẩm định tín chỉ
carbon chưa đầy đủ và chưa có môi trường để mua bán tín chỉ
carbon một cách rộng khắp.
Có tiềm năng lớn về nguồn cung
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam nằm trong top 20 nước có lượng phát thải
carbon cao nhất năm 2022 và trong khoảng năm 2010 - 2022 thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng phát thải
carbon cao nhất thế giới.
Nhóm ngành năng lượng và công nghiệp (sử dụng năng lượng trong công nghiệp) chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong tổng cơ cấu phát thải
carbon của Việt Nam.
Tuy vậy, Việt Nam cũng được coi là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp có thể đạt 57 triệu tín chỉ
carbon mỗi năm, tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ.
Tiềm năng từ thị trường tín chỉ carbon rừng thế nào?
Theo Cục Lâm nghiệp, Việt Nam là một quốc gia có tỉ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giảm thiểu những tác động bất lợi và thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đặc biệt là khi hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng.
Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỉ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Theo tính toán, tổng lượng
carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn. Giai đoạn 2010 - 2020, lượng phát thải trung bình đạt 30,6 triệu tấn CO2, nhưng lượng hấp thụ trung bình lên tới 69,9 triệu tấn CO2.
Tại một số mô hình trên thế giới, các doanh nghiệp trở thành đối tác mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ
carbon trực tiếp với nhau, khẳng định xu hướng toàn cầu.
Khi ngày càng nhiều quốc gia đang theo đuổi cam kết Net Zero, ước tính của Statista cho thấy giá trị thị trường
carbon trên toàn thế giới tiếp tục tăng thêm 13,5% trong năm 2022, đạt con số 865 tỉ euro.
"Đây là tiềm năng để Việt Nam tham gia thị trường mua bán, trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ
carbon rừng trên hai thị trường bắt buộc và thị trường tự nguyện", đại diện Cục Lâm nghiệp nhận định.
Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO2, hàng chục ngàn ha dừa tại tỉnh Bến Tre có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nhờ bán tín chỉ carbon. Trong ảnh: dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vì sao giá bán tín chỉ carbon rừng Việt Nam thấp?
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, trên thực tế thị trường
carbon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức.
Thứ nhất, thị trường
carbon trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thị trường này được thành lập để các quốc gia thành viên mua bán, trao đổi tín chỉ
carbon với nhau.
Thứ hai, thị trường
carbon quốc tế tự nguyện, thị trường này hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ
carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường
carbon nội địa.
Thị trường
carbon tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Do vậy, giá bán tín chỉ
carbon được điều tiết bởi thị trường (cung - cầu).
Hiện nay, mức giá
carbon trên thị trường tự nguyện trên thế giới thường dao động từ 2-4 USD/tấn CO2, trong đó giá
carbon trung bình của các chương trình/dự án tại khu vực châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1,8; 1,6; 3,09 USD/tấn CO2.
Thứ ba, thị trường
carbon nội địa, do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được giao hạn ngạch phát thải và nếu vượt quá hạn ngạch được giao thì phải đóng thuế hoặc mua hạn ngạch, tín chỉ carbon.
Do đó, đối với thị trường
carbon nội địa, giá bán
carbon sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của quốc gia. Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế
carbon với mức thuế từ 1 - 137 USD/tấn CO2.
"Hiện nay, tín chỉ
carbon rừng của Việt Nam chỉ giao dịch được trên thị trường tự nguyện, chưa có thị trường bắt buộc với tín chỉ carbon", ông Bảo thông tin.
Năm 2028 chính thức có sàn giao dịch tín chỉ carbon?
Chia sẻ, lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng việc hình thành thị trường carbon chính là một giải pháp hỗ trợ và đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất xanh.
Theo lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, dự kiến sàn giao dịch carbon sẽ thí điểm vào năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường tín chỉ carbon sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.