(Tin Môi Trường) - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ được thành lập theo Quyết định số 2199-QĐ/KTTV, ngày 2/8/1994 của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn trên cơ sở hợp nhất 3 Đài KTTV liên tỉnh là Đài KTTV liên tỉnh Quảng Ngãi - Bình Định, Đài KTTV liên tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, Đài KTTV liên tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận (riêng mạng lưới trạm thuộc tỉnh Quảng Ngãi chuyển giao về Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ).
Trong suốt 30 năm hoạt động, Đài đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua, phần thưởng cao quý - Ảnh: TL
Khi mới thành lập, với nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn, hạn chế, đặc biệt là hai trạm đảo Trường Sa và Song Tử Tây, trong khi đó trình độ đội ngũ quan trắc viên, dự báo viên không đồng đều, nơi thừa, nơi thiếu; công nghệ quan trắc và dự báo chưa đồng bộ, chủ yếu là quan trắc thủ công. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Đài đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục những khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Nhiều dự án, công trình chuyên môn, hệ thống máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại đã được Nhà nước đầu tư, nâng cấp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực chuyên môn gồm: Trạm KTTV, đo mưa tự động, ra đa thời tiết, định vị sét, hệ thống thông tin, điện báo và truyền số tự động, đây là những thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó các công nghệ, mô hình dự báo hiện đại nâng cao chất lượng dự báo và cải tiến chất lượng công tác dự báo theo hướng định lượng hoá, tự động hoá và hiện đại hoá. Mạng lưới quan trắc từ 34 trạm KTTV thủ công đến nay đã có 214 trạm KTTV, đo mưa, ra đa thời thiết, định vị sét,… Số liệu cơ bản được truyền tự động về Đài theo công nghệ 3G, kết hợp với các phần mềm xử lý số liệu, mô hình dự báo số, sản phẩm vệ tinh, ra đa thời tiết để xây dựng dự báo, cảnh báo KTTV đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời và đảm bảo độ tin cậy. Các bản tin dự báo thời tiết điểm, bão/ATNĐ, mưa lớn, lũ và ngập lụt, sạt, trượt lở đất, nắng nóng, hạn hán đã đạt được theo yêu cầu của xã hội. Bên cạnh đó từng bước mở rộng và phát triển công tác dự báo khí tượng thủy văn biển, đặc biệt là thời tiết biển
khu vực quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế biển.
Công tác nghiên cứu khoa học luôn được các thế hệ Lãnh đạo Đài quan tâm và chỉ đạo sát sao. Chỉ tính từ 5 năm gần đây, Đài đã thực hiện 13 đề tài KHCN các cấp, trong đó: 02 cấp bộ, 10 cấp tỉnh, 01 cấp cơ sở. Các đề tài, nhiệm vụ, dự án khi nghiệm thu được các địa phương đánh giá cao, sản phẩm nghiên cứu của các đề tài đều có tính ứng dụng cao trong công tác nghiệp vụ. Các sản phẩm được ứng dụng bởi các mô hình dự báo khí tượng thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Hiện nay Đài đang chủ trì thực hiện Dự án “Phân vùng rủi ro thiên tai và lập bản đồ cảnh báo nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn”.
Về công tác phục vụ, Đài đã liên kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để phục vụ yêu cầu phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương
khu vực Nam Trung Bộ. Thông qua công tác tuyên truyền, Đài đã đưa các thông tin cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn đến gần hơn với người dân, được các lãnh đạo, sở ngành địa phương ghi nhận và đánh giá thông qua Hội nghị sơ kết và tổng kết về công tác khí tượng thủy văn hàng năm.
Xác định công tác xây dựng nguồn nhân lực là nhân tố đặc biệt quan trọng, trong những năm qua, Đảng ủy, Lãnh đạo Đài luôn quan tâm, động viên, khuyến khích các cán bộ, viên chức đặc biệt là lực lượng trẻ tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đài đã ký văn bản ghi nhớ hợp tác với hai cơ sở giáo dục đào tạo: Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội và Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai khóa học liên thông lên Cao đẳng, Đại học cho cán bộ viên chức của Đài và các Đài bạn. Bên cạnh đó, Đài thường xuyên cử các cán bộ tham gia các khóa học ngắn hạn và dài hạn, qua đó tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng theo định hướng phát triển của Đài và của ngành khí tượng thủy văn trong giai đoạn mới. Số lượng viên chức có trình độ trung cấp được thay thế bổ sung bằng viên chức có trình độ đại học, thạc sĩ. Hiện nay tổng số viên chức của Đài là 168 viên chức, trong đó có 01 tiến sĩ, 14 thạc sĩ, 103 đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp.
Trong suốt 30 năm hoạt động, Đài đã đạt được nhiều danh hiệu thi đua, phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng Ba (1996), Huân chương lao động hạng Nhì (2004), Huân chương lao động hạng Nhất (2013) và nhiều lần được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung Ương, UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Những thành quả này thuộc về tất cả các thế hệ quan trắc viên KTTV trên toàn mạng lưới của Đài khu vực, đã và đang ngày đêm không quản gian lao, vất vả, hiểm nguy để quan trắc, đo đạc, kể cả hi sinh khi làm nhiệm vụ (liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa trạm khí tượng hải văn Trường Sa), của các thế hệ dự báo viên đã từng giờ, từng phút theo dõi mọi diễn biến của thời tiết, thủy văn để cảnh báo, dự báo kịp thời những hiện tượng khí tượng thuỷ văn thông thường và nguy hiểm để phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và bình yên cho nhân dân.
Ba mươi năm,
một chặng đường phấn đấu bền bỉ, xây dựng, phát triển và đổi mới, Đài KTTV
khu vực Nam
Trung Bộ luôn tâm nguyện như là bước đi ban đầu, tạo tiền đề cho những
chặng đường tiếp theo đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng hết sức vinh quang và tự hào trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai của cả nước nói chung và
khu vực Nam
Trung Bộ nói riêng.