»

Thứ năm, 21/11/2024, 18:36:21 PM (GMT+7)

BOT Cai Lậy: Không có tính thị trường, cũng không định hướng XHCN

(10:51:31 AM 14/10/2017)
(Tin Môi Trường) - Nền kinh tế Việt Nam được gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Liệu Trạm thu phí BOT Cai Lậy có hoạt động đúng theo tính chất trên?

[-]BOT[-]Cai[-]Lậy:[-]Không[-]có[-]tính[-]thị[-]trường,[-]cũng[-]không[-]định[-]hướng[-]XHCN

Trạm thu phí Cai Lậy cần trở về đúng chỗ của nó - Ảnh: Nguyễn Thông

  
Xâm phạm tính thị trường
 
Theo bài phỏng vấn của báo Người Lao Động ngày 10.10.2017, ông chủ đầu tư trạm thu phí Cai Lậy cho biết “Thật tình mà nói, nếu biết trước gặp những khó khăn hiện nay chúng tôi sẽ không thực hiện dự án. Đây là một trong những rủi ro mà chúng tôi không lường trước được”.
 
Và ông không giấu diếm: “Dự án này được mua đi, bán lại rất nhiều và chúng tôi phải vay ngân hàng hơn 1.000 tỉ đồng, chiếm 83,1% tổng vốn dự án”.
 
Đây là một dự án đầu tư lớn. Hơn một ngàn tỉ đồng, nghĩa là hơn 50 triệu đô la Mỹ. Sản phẩm của ông là con đường tránh Cai Lậy. Khách hàng là người lái xe qua đoạn đường đó.
 
Trong một nền kinh tế thị trường thật sự, khi đầu tư một dự án lớn như vậy, nhà đầu tư phải làm kế hoạch đầu tư, trong đó ít nhất phải phân tích sản phẩm, phân tích thị trường, phân tích rủi ro. Sau khi đã phân tích và thấy xác suất “ăn” nhiều hơn “thua”, nhà đầu tư chấp nhận bỏ tiền ra theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”.
 
Tuy nhiên, thực tế là sản phẩm không được khách hàng chịu bỏ tiền ra mua. Điều này có thể do sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hoặc sản phẩm được định giá quá cao, hoặc cách thức kinh doanh không được khách hàng chấp nhận...
 
Một nền kinh tế thị trường, cho dù là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đi nữa, cũng đều chấp nhận ít nhất 3 tính chất căn bản sau:
 
1. Tự do lựa chọn (Freedom of Choice): Quyền tự do lựa chọn sản phẩm để kinh doanh của nhà kinh doanh, và quyền tự do lựa chọn sản phẩm để mua của khách hàng.
 
2. Lấy lợi tức cho mình là động cơ (Motive of Self-Interest): Quyền mưu cầu lợi tức cho mình của nhà kinh doanh và khách hàng. Điều này tạo nên sự cân bằng giữa cung và cầu vốn là nguyên tắc vận hành chính của nền kinh tế thị trường và nó xác định giá thị trường của hàng hóa. Khách hàng sẽ không mua hàng hóa có giá cao hơn giá thị trường.
 
3. Cạnh tranh (Competition): Quyền tự do cạnh tranh. Quyền này được nhìn theo khía cạnh khác là quyền của các nhà kinh doanh được tiếp cận bình đẳng với các cơ hội kinh doanh trong xã hội. Nhìn vào một khía cạnh khác, quyền này cho rằng nhà nước (công quyền) không được hỗ trợ cho bất kỳ hoạt động kinh doanh thua lỗ nào, bởi vì như vậy xâm phạm quyền tự do cạnh tranh của nhà kinh doanh khác.
 
Trạm thu phí Cai Lậy vi phạm tất cả các nguyên tắc nói trên.
 
Tại hầu hết các nước trên thế giới, khi làm đường thu phí như thế này luôn luôn người ta phải chừa lại con đường cũ. Để tôn trọng quyền tự do lựa chọn của người đi đường. Việc dựng trạm trên con đường cũ để lùa người đi đường vào hướng phải trả tiền là vi phạm nguyên tắc này từ chục năm nay. Tới bây giờ, khách hàng mới giật mình đòi lại quyền tự do lựa chọn của mình.
 
Ai cũng có quyền mưu cầu lợi tức cho mình, nhưng trạm thu phí Cai Lậy chỉ mưu cầu lợi tức cho nhà đầu tư mà ép khách hàng phải mua sản phẩm cho dù khách hàng không thấy lợi của mình trong đó. Quyền mưu cầu lợi tức cho mình bị chà đạp! Quyền này bị chà đạp nghĩa là tự do của thị trường chỉ là tự do giữa con cọp và con thỏ!
 
Khi được hỏi có ngại dân chúng phản đối không, vị lãnh đạo BOT Cai Lậy trả lời: “Ở đây tôi muốn nhấn mạnh vai trò cơ quan chức năng địa phương phải bảo đảm” “an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông”. Nhiệm vụ của chính quyền đúng là bảo đảm “an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông”, nhưng tại sao không dẹp cái vật cản an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông là trạm thu phí đặt trên quốc lộ, lại bắt nạn nhân của sự cản trở đó phải chui qua các vật cản thu tiền ấy, bất chấp quyền lựa chọn của người dân, bất chấp quyền mưu cầu lợi tức của người dân?
 
Và việc này lại cho thấy trạm thu phí Cai Lậy vi phạm nguyên tắc cạnh tranh của thị trường: ỷ vào thế lực của “cơ quan chức năng địa phương”, dùng công quyền bắt ép khách hàng trả tiền để phục vụ cho quyền lợi của nhà đầu tư trong khi việc thua lỗ là do chính nhà đầu tư “không lường hết các rủi ro!” như họ tự nhận, chứ không do khách hàng!
 
Với các nguồn thông tin chưa được công bố đầy đủ, dù không khẳng định, tôi cũng nghi ngờ rằng còn nhiều việc giấu diếm đã xâm phạm quá nặng vào tính thị trường của nền kinh tế. Thí dụ về tính cạnh tranh, với những sự việc đã được nêu trên báo chí chính thức về các đại án và tiểu án tham nhũng, về sự chỉ định thầu, về đường đi lòng vòng chuyển nhượng, mua qua bán lại dự án, người dân có quyền đặt câu hỏi rằng có hay không tính bình đẳng trong cạnh tranh, trong tiếp cận cơ hội kinh doanh của các nhà đầu tư? Phải chăng đây là lý do chính tại sao trạm thu phí Cai Lậy có thể vi phạm các nguyên tắc sống còn của nền kinh tế thị trường?
 
Tóm lại, chỉ xét trên ba tính chất/nguyên tắc nêu trên, trạm thu phí Cai Lậy không hề có tình thị trường gì cả!
 
Liệu có chăng tính định hướng xã hội chủ nghĩa?
 
Cho dù chưa có định nghĩa rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, người ta có thể chấp nhận đó là một nền kinh tế “vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước” và có mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
Với cách làm việc như nói ở trên, trạm Cai Lậy có tôn trọng sự bình đẳng - nền tảng của dân chủ - không? Có tôn trọng sự công bằng không? Có văn minh không? Những câu hỏi ấy xin mời quý độc giả tự trả lời.
 
Nhiều tiếng nói phản đối đã cất lên. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN nêu lên những trăn trở về chi phí tăng lên mà các sản phẩm Việt Nam phải gánh chịu, về số tiền phải trả thêm của dân nghèo còn rất đông đảo, về lòng dân bất mãn phải trả tiền cho thứ họ không dùng. Những trăn trở này đồng qui với những trăn trở khác về “Lợi ích nhóm đang đặt trên lợi ích của dân”(vov.vn, ngày 19.8.2017), về quyền lợi của dân ở đâu khi “Giữ BOT Cai Lậy vì quyền lợi nhà đầu tư” (Đất Việt, 18.8.2017)...
 
Như vậy thì trạm thu phí Cai Lậy có tôn trọng tính định hướng xã hội chủ nghĩa không?
 
Như vậy, liệu có thể kết luận rằng: Việc kinh doanh của trạm thu phí Cai Lậy hoàn toàn không có tính thị trường lẫn tính định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta?

 

Theo Lê Học Lãnh Vân (báo MTG)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: BOT Cai Lậy: Không có tính thị trường, cũng không định hướng XHCN

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI