"Chết" vì cá quá lứa
Những năm 2006-2007, ở
An Giang lưu truyền câu nói cửa miệng "ở đâu có nước là ở đó đào được vàng". Không chỉ bà con nông dân, mà các công ty xây dựng, công ty lương thực cũng nhảy vào nuôi cá tra, chưa kể những đại gia từ TP.HCM lặn lội xuống đây săn tìm cơ hội làm giàu. Sau bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, giờ bỗng dưng
nhiều người thành tỷ phú chỉ sai một vụ cá.
Sau 12 năm con cá tra bén duyên với người ĐBSCL, đến nay, chỉ còn lại những đại gia mới đủ lực mới trụ lại được với con cá này. Thế hệ doanh nhân tỷ phú chân đất giờ đang trong cảnh chết dở sống dở.
Một đại gia nuôi cá tra ở An Giang, vị này có 7 khu nuôi cá, mỗi khu có diện tích từ 6.000-8.000 mét vuông, thuộc diện lớn nhất
An Giang lý giải vì sao
nhiều đại gia khác bị Bình An nợ một khoản tiền lớn như vậy. Lý do, họ đang tồn một lượng cá tra quá lứa (từ 1,2-1,5kg/con). Hiện tại, mặt hàng phi lê các nhà máy chế biến chỉ mua cỡ 800gram-1kg, chứ ít khi mua loại từ 1,2kg trở lên. Do đó, nếu giá cá có rẻ ở mức dưới giá thành sản xuất thì cũng phải cắn răng mà bán. Nói như dân chơi cổ phiếu là cá tra trên 1kg thì dù giá nào cũng phải bán để cắt lỗ.
Một héc-ta cá tra quá lứa, mỗi ngày tiêu tốn của gia chủ khoảng 120 triệu tiền thức ăn.
Với loại cá tra quá lứa này,
nhiều nhà máy chế biến từ chối không mua. Lúc này, những công ty như Bình An, An Khang (Cần Thơ), Vạn Hưng ở Sóc Trăng nhảy vào mua. Người nuôi có bao nhiêu cá quá lứa, họ mua hết bấy nhiêu. Dĩ nhiên, cá được bắt, còn tiền thì để từ từ rồi trả. Vào thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà cả 3 doanh nghiệp này nợ tiền cá vào khoảng 300 tỷ đồng.
|
Cá tra quá lứa sẽ rất khó bán, lại tốn tiền thức ăn hàng ngày (ảnh minh họa - Agroviet) |
Thời điểm nợ tiền mua cá vào khoảng tháng 9/2011. Như vậy, với lại suất trung bình 14%/năm, thì 6 tháng qua, số tiền mất đi (phần tiền lãi) sơ sơ cũng lên đến 21 tỷ đồng. Hiện số tiền nợ 300 tỉ đồng này thuộc diện nợ khó đòi nếu không nói là sẽ mất trắng.
Ông Hai Thân, một người nuôi cá tra ở Long Xuyên (An Giang) - cho biết vừa mới xuất bán 45 công ( 2,5 héc ta) thu về gần 16 tỉ đồng. Song, tiền mua thức ăn, thuốc thú y cho 8 tháng nuôi cá đã lên tới khoảng 13 tỉ đồng. Số tiền này, đa phần ông Thân đều vay từ ngân hàng, nợ tiền đại lý.
Sau khi bán cá, 30 ngày sau, doanh nghiệp mới trả tiền, nghĩa là từ khi giao cá đến khi lấy tiền ông Thân mất thêm 300 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Còn khi gặp những công ty cứ đến hẹn trả tiền là tiếp tục hứa... thì bao nhiêu lời lãi... chảy vào ngân hàng.
Trong trường hợp của ông Hai Thân, nếu công ty thủy sản trả tiền đúng như cam kết thì sau 8 tháng nuôi, ông có lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Còn nếu công ty thủy sản sau 4 tháng mới trả nợ thì coi như lứa cá đó ông không thu được đồng lời nào và bắt đầu lỗ.
"Tôi may mắn có mối quan hệ làm ăn lâu năm với ngân hàng nên vay tiền để nuôi cá không gặp khó khăn. Chỉ có điều, tôi phải chấp nhận trả lãi 2%/tháng cho số tiền 13 tỷ đồng vừa vay", ông Hai Thân, một người nuôi cá ở Long Xuyên,
An Giang cho hay.
Ông Thân cũng cho biết, do có
nhiều năm nuôi cá tra (từ 1998) nên chưa có vụ nuôi cá nào khiến ông bị lỗ nên dễ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Còn đối với những tay nghiệp dự nhảy vào nuôi cá... thì chuyện bị lỗ trong vài năm trở lại đây thì đếm không hết.
Và rồi trắng tay
Hầu như những khách hàng nào bán cá với số lượng lớn cho những công ty chế biến thủy sản kiểu như Bình An thì hiện không còn nuôi cá nữa. Ao nuôi thì bị ngân hàng phong tỏa, còn các đại lý thuốc thú y, thức ăn thủy sản thì cứ "đầu tiên"- tiền đâu mỗi khi thấy mặt họ.
Ông Đỗ Xuân Mai, chủ cửa hàng thú y thủy sản tại Long Xuyên, thời gian qua như ngồi trên lửa vì chưa thu được hơn 4 tỷ đồng tiền nợ của 25 hộ nuôi cá chưa trả hết, và không biết bao giờ mới thu được số tiền nợ này.
|
Nhiều tỷ phú cá tra giờ tay trắng (ảnh minh họa - Dân việt) |
Bởi, theo ông Mai, 10 hộ nuôi cá đã bỏ xứ đi biệt tăm, kéo theo đó khoảng 1,5 tỷ đồng sẽ không thu lại được. Còn những người khác thì tiếp tục xin khất nợ. Như vậy, sau hơn 10 năm mở cửa hàng bán thuốc thú y thủy sản, bao nhiêu lời lãi của ông... chỉ còn là một mớ giấy lộn. Ở xứ mình, cái cách làm ăn là tin nhau, nên sau khi bán thuốc thú y chỉ có trơ tờ giấy biên nhận ghi tên của người bán và người mua mà thôi. Đến khi cơ sự xảy ra thì chỉ biết kêu trời.
Theo ông Mai, ở cái thủ phủ cá tra này, hầu như người nuôi cá tra, đại lý bán thức ăn thủy sản, thuốc thú y và doanh nghiệp chế biến dù ít hay
nhiều điều nợ tiền của nhau.
Đối với các chủ đầm cá tra, nhất là những tay nghiệp dư, thì khi nhảy vào nuôi cá họ có tiền để thuê những kỹ sư giỏi, nhưng đã không thuê được cái tâm của những người này. Vì thế, cứ nuôi là cá cứ chết, có trang trại tỷ lệ cá chết lên đến 25%.
Khác với những kỹ sư thủy sản làm tại các trang trại nuôi tôm, họ thường được ông chủ trả từ 15-25% tổng lợi nhuận thu về. Vì thế, với những kỹ sư thủy sản họ xem việc sống chết của con tôm là nồi cơm của mình. Còn với kỹ sư làm tại các trang trại nuôi cá tra, họ cũng chỉ là một người làm công ăn lương nên chuyện bệnh tật, chuyện cho cá ăn vượt khả năng hấp thụ của con cá... , hầu như không được quan tâm.
Trong thức ăn thủy sản luôn có một lượng lớn chất đạm, nếu cá tiêu thụ không hết sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Chính nguồn nước này, là tác nhân gây chết cá hàng loạt vì các ao nuôi cá tra không có hệ thống sụt khí như ở tôm.
Trước đây, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh
An Giang xem con cá tra và cây lúa là hai thế mạnh của tỉnh nhà để giúp tỉnh phát triển kinh tế.
Nhưng hiện tại, người ta hình như cố tình không nhắc đến con cá tra, không muốn gợi lại những kỷ niệm buồn về con cá đã có mặt tại 135 quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ sau hơn 10 năm được phát triển dưới quy mô công nghiệp. Nói như vậy để biết con cá tra vừa mang cho người dân ĐBSCL biết bao vinh hoa nhưng cũng còn đó những giọt nước mắt buồn.