Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Trung Quốc phá môi trường Biển Đông đến sinh vật cũng "sốc"!
(10:50:59 AM 13/10/2015)Đó là lời của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ nhiệm Hội Thiên nhiên và Môi trường Biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ xung quanh vấn đề Trung Quốc đang phá hoại môi trường Biển Đông thông qua việc cải tạo đảo trái phép ở Trường Sa.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – Chủ nhiệm Hội Thiên nhiên và Môi trường Biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
PV: - Thời gian qua, Trung Quốc liên tục tiến hành cải tạo đảo trái phép ở ngoài Biển Đông. Nhiều nhà khoa học trong nước và nước ngoài đều khẳng định, động thái của Trung Quốc không những ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng mà còn phá hoại môi trường, sinh vật biển. Quan điểm của ông về vấn vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: - Vấn đề cải tạo trái phép các bãi cạn, rạn san hô thành đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã diễn ra liên tục từ năm 2014, mặc dù không ít lần các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố đã "dừng" xây dựng các đảo nhân tạo.
Động thái "vội vàng" giành lấy sự kiểm soát một vùng biển quan trọng về mặt chiến lược và có các hệ sinh thái biển quan trọng nhất trong Biển Đông, Trung Quốc đã phớt lờ các tác động đến những rạn san hô, thảm cỏ biển và những hệ sinh thái biển nông ở quần đảo Trường Sa, đang bị phá huỷ và chôn vùi một cách nhanh chóng.
Rạn san hô và thảm cỏ biển ở đây là những hệ sinh thái có năng suất cao, hỗ trợ cuộc sống của hàng trăm triệu cư dân ven Biển Đông. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái biển nông này từ thời cổ xưa cho tới nay. Sự đa dạng của các loài san hô trong khu vực này không nơi nào trên thế giới có thể bì kịp với hơn 500 loài san hô tạo rạn được phát hiện tính đến năm 2014.
Nhờ đó, quần đảo Trường Sa đóng vai trò như một "nhà máy" sản xuất chất dinh dưỡng giúp duy trì sự sống trong Biển Đông. Và đây cũng là trung tâm phát tán, cung cấp các nguồn giống hải sản cho phần lớn Biển Đông để duy trì nghề truyền thống của các nước trong khu vực.
Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, đá, rạn san hô và rạn san hô vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn "cắt đứt" mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông.
Điều này gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực.
Việc hoàn tất các sân bay, bến cảng và các căn cứ hậu cần hiện đại, quy mô lớn trên các bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Su Bi,… ở quần đảo này cho thấy Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chiếm đóng lâu dài quần đảo Trường Sa, tạo thế trận khống chế các quốc gia trong khu vực và tuyến hàng hải quốc tế, hàng không qua Biển Đông.
Điều này sẽ cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không trong một vùng biển quan trọng của thế giới, đe dọa trực tiếp đến an ninh biển, trời đối với các quốc gia trong khu vực.
PV: - Đầu tháng 10/2015, một tổ chức phi chính phủ đã gửi đơn lên Liên Hợp Quốc đề nghị điều tra Trung Quốc phá hoại môi trường Biển Đông. Ông bình luận như thế nào về động thái này? Nếu đề xuất này được chấp nhận, theo ông, việc xác định các bằng chứng chứng tỏ việc cải tạo đảo của Trung Quốc ảnh hưởng tới môi trường Biển Đông có thể được thực hiện như thế nào, có vướng mắc khó khăn gì không?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: - Đây là một phản ứng "tất yếu" và thực tế, vì nhiều nhà khoa học cho rằng, những hành vi thái quá của Trung Quốc ở Trường Sa làm thay đổi vị trí pháp lý và trạng thái tự nhiên của các thực thể tự nhiên với "thâm ý" về chủ quyền lâu dài.
Các tác động môi trường trong quá trình xây dựng các đảo nhân tạo, sự phá hủy cấu trúc và các chức năng tự nhiên vốn có của các rạn san hô ở đây,… như là một "tội xâm lược môi trường" mà hành vi của nó là gây ảnh hưởng nghiêm trọng trước mắt và lâu dài đến nghề cá khu vực Biển Đông, trong đó có Trung Quốc.
Các hành vi này đã bị thế giới lên án trong thời gian vừa qua ở nhiều diễn đàn. Và nếu được Liên Hiệp Quốc quan tâm chấp nhận thì việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đánh giá quốc tế để minh bạch hóa các tác động do các hoạt động nói trên của Trung Quốc là cần thiết. Về mặt khoa học không phải khó nhưng cần một thiện chí chính trị và hợp tác thực sự từ phía Lãnh đạo Trung Quốc.
Trung Quốc nạo hút đất để xây đảo nhân tạo.- Ảnh: tiexue.net
PV: - Thời gian vừa qua, người dân ven biển Việt Nam chứng kiến nhiều hiện tượng lạ xảy ra liên tiếp như hải sâm trôi dạt vào bờ ở Thừa - Thiên Huế, Kiên Giang hay nghêu, sò, ốc, hến... trôi vào bờ biển Hà Tĩnh. Các chuyên gia đều chỉ rõ, các hiện tượng trên chứng tỏ môi trường, hệ sinh thái biển có sự thay đổi đến mức báo động. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi:- "Môi trường nào, sinh vật nấy", môi trường biến đổi thì sinh vật biến đổi và sự biến đổi mạnh, đột ngột sẽ làm sinh vật bị "sốc". Các đánh giá gần đây của Viện Nghiên cứu hải sản cho thấy, trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía tây Biển Đông thuộc Việt Nam giảm khoảng 16% so với trước năm 2010.
Việc tiêu diệt các quần thể trai tai tượng ở các bãi cạn Hoàng Nham (Trung Quốc chiếm giữ của Philipin từ cuối năm 2012) cộng với khai thác khối lượng lớn các loại vỏ sinh vật từ bề mặt bãi cạn dẫn tới sự nhiễu loạn "sinh thái" kéo dài, tiêu diệt nhiều loài sinh vật đáy,… Những chiếc vỏ như vậy được chạm khắc tinh tế, bán cho du khách và người địa phương ở Hải Nam, Trung Quốc (GS. Gomez từ Philipin phàn nàn).
Các hiện tượng lạ xảy ra liên tiếp như nói trên là những biểu hiện thực tế về môi trường sống của chúng thay đổi rất lớn theo chiều hướng xấu và trong Biển Đông đang diễn ra một cuộc "khủng hoảng sinh thái". Các loài hải sản nói trên thường cư trú ở các bãi cạn và gắn bó với những nơi cư trú tự nhiên của các hệ sinh thái rạn san hô.
Vùng biển nước ta chịu tác động của các trường gió mùa nhiệt đới, mọi tác động xấu xảy ra trên Biển Đông sẽ không "chảy" ngược về phía Philipin mà chỉ có thể về phía bờ biển Việt Nam!.
PV: - Liệu những hiện tượng xảy ra ở Việt Nam có được coi là bằng chứng chứng minh hậu quả của hành động ngang ngược từ phía Trung Quốc trên biển Đông hay không?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: - Hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông gắn với ý đồ "Độc chiếm Biển Đông" và hàng loạt động thái đã toan tính theo các kịch bản cụ thể và "xì" ra theo cách biến cái "mập mờ" thành cái không mập mờ.
Trong chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cẩm Bình ở Hoa Kỳ, ông đã tuyên bố gây sốc và thất vọng cho thế giới và các quốc gia trong khu vực rằng "Trung Quốc có chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên có trách nhiệm phải bảo vệ môi trường". Tuyên bố này dễ dàng châm ngòi cho các hành động ngang ngược tiếp theo của phía Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng bàn cờ không chỉ để một người chơi!
Tuy nhiên, việc tôn tạo các bãi cạn rạn san hô để cải tạo thành các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam gần đây đã khiến cho cục diện vấn đề Biển Đông thay đổi theo hướng "Mỹ sẽ tiếp tục can dự sâu hơn" để ngăn chặn các lợi ích chiến lược của Trung Quốc dù muốn hay không muốn.
Cho nên, vai trò của các nước nhỏ hơn trong khu vực cũng sẽ thay đổi và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh để ứng phó với tình hình mới.
Ảnh: tiexue.net
PV: - Trở lại vấn đề Trung Quốc cải tạo đảo gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái ở Biển Đông, theo ông, nước nào chịu thiệt hại lớn nhất từ việc này? Phía Trung Quốc sẽ gánh chịu thiệt hại ra sao nếu môi trường sinh thái ở Biển Đông bị phá hoại?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi:- Tính đến cuối tháng 7/2015, Trung Quốc đã lấn biển, bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các bãi, đá mà họ đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây hủy hoại nhiều ngàn hecta rạn san hô (mà phải mất hàng ngàn năm mới có thể tạo nên) và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo các "đảo nhân tạo" ở quần đảo Trường Sa.
Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc với số tiền ước tính khoảng 400 triệu đôla một năm.
Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng. Kéo theo là việc khai thác các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cũng như khai thác hải sản quá mức và mang tính hủy diệt, huỷ hoại hay xâm hại các hệ sinh thái ở vùng biển quan trọng này của thế giới. Trung Quốc phải chấm dứt những hành động xâm hại tới năng suất và đa dạng sinh học của các vùng biển trong Biển Đông từ việc làm sai trái của mình.
PV:- Đứng ở góc độ một nhà khoa học, ông có cho rằng, Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để lên án Trung Quốc phá hoại môi trường sinh thái ở Biển Đông hay không? Sự chậm trễ lên tiếng của phía Việt Nam có nguyên nhân từ đâu?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Liên quan đến vấn đề môi trường Biển Đông vừa qua, các nhà khoa học đã lên tiếng trên các diễn đàn trong nước và quốc tế. Ngày 8/8/2015 vừa qua, tại thành phố Hải Phòng, Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học về "Môi trường Biển Đông - Ứng xử của con người".
Tham dự Tọa đàm có hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan khoa học Việt Nam, Philippin, Hoa Kỳ, Bỉ và một số tổ chức quốc tế đóng tại Việt Nam. Trong buổi tọa đàm, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã trình bày các tham luận về các vấn đề môi trường, tự do, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Người dân ở xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh thu dọn, chôn lấp sò lông và các loại ốc chết trôi dạt vào bờ biển vào tháng 3/2015.
Các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đã thảo luận sôi nổi để làm sáng tỏ và bổ sung các nghiên cứu, bày tỏ quan điểm và đề xuất các giải pháp liên quan đến các vấn đề trên.
Các nhà khoa học cho rằng, những tuyên bố đơn phương, phi lý về "Đường lưỡi bò", về Lệnh cấm đánh bắt thủy sản trên Biển Đông theo mùa cùng một loạt hành động nguy hiểm gần đây khi tôn tạo bãi cạn, đá thành các "đảo nhân tạo", "căn cứ quân sự" ở quần đảo Trường Sa cũng như không thực hiện DOC và trì hoãn việc xây dựng COC,… của phía Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các nước và các tổ chức quốc tế.
Rõ ràng, Trung Quốc đã cản trở đến tự do hàng hải và hàng không và gây hậu quả môi trường nghiêm trọng, lâu dài trong khu vực biển này.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước về Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng (CTTES) và UNCLOS 1982, vi phạm điều 5 trong Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà chính Trung Quốc đã cam kết.
Các hành động và ý đồ trên là không thể chấp nhận, phải bị lên án mạnh mẽ hơn nữa để buộc phía Trung Quốc dừng hành vi phi lý, từ bỏ tham vọng "độc chiếm Biển Đông", sớm đưa khu vực trở lại trạng thái ổn định và bảo đảm các quyền tự do biển cơ bản trong khu vực.
Thậm chí, có nhà khoa học khuyến cáo, trong trường hợp cần thiết phải sử dụng trọng tài quốc tế hoặc Tòa án công lý quốc tế để xử lý công khai tội gây thảm họa môi trường như một tội danh "xâm lược".
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.