Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Thứ bảy, 18/01/2025, 19:46:40 PM (GMT+7)
Sự đa dạng sinh học biển và "cuộc chiến" bảo tồn tại Vịnh Nha Trang
(15:27:57 PM 29/04/2018)(Tin Môi Trường) - Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đánh giá là một trong những vịnh đẹp trên thế giới, bởi nơi đây không chỉ có cảnh quan biển, đảo đẹp mà còn ẩn chứa sự đa dạng sinh học cao, với sự phong phú của các rạn san hô vùng nước nông ven bờ, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và nhiều sinh vật biển.
>> Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trực tiếp trao Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho đại diện Khu bảo tồn Chế Tạo huyện Mù Cang Chải >> Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa >> Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông >> Giao thông xanh: Giải pháp cho sức khỏe không khí >> Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
Biển Bãi Tiên đang bị san ủi làm dự án - Ảnh: TL
Trên diện tích khoảng 400km2, vịnh Nha Trang có gần 20 hòn đảo lớn nhỏ, phân bổ rải rác, trong đó, đảo xa bờ nhất nằm cách thành phố Nha Trang 15km. Do có điều kiện tự nhiên, môi trường thuận lợi, vùng nước ven bờ, ven đảo vịnh Nha Trang được xem là nơi phù hợp cho sự phát triển, tồn tại của các hệ sinh thái biển điển hình. Theo khảo sát của các nhà khoa học, vịnh Nha Trang có trên 350 loài thuộc 64 giống san hô tạo rạn, trở thành vùng đa dạng bậc nhất về thành phần giống loại san hô tạo rạn so với các vùng biển ven bờ của Việt Nam. Cá rạn san hô nhờ vậy cũng có thành phần phong phú không kém, với trên 220 loài thuộc 102 giống và 38 họ. Động vật thân mềm có 106 loài thuộc 52 giống và 33 họ đã được ghi nhận. Các nhóm sinh vật đáy khác như giáp xác, da gai và giun nhiều tơ tuy chỉ mới được nghiên cứu sơ bộ, nhưng sự phong phú của chúng khiến các nhà khoa học, nghiên cứu biển thán phục. Bên cạnh đó, nhiều hang đá trên vách các đảo cũng là nhà của loài chim yến, làm nên địa danh xứ sở “yến sào” Khánh Hòa và tồn tại hàng trăm năm qua.
Rạn san hô ở vịnh Nha Trang chịu nhiều tác động cả dưới nước lẫn trên bờ. Hàng trăm chiếc tàu đưa đón du khách tham quan các tour đảo trong vịnh không tránh khỏi tình trạng xả thải rác sinh hoạt, dầu chạy tàu… Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước biển ven bờ do việc xả rác thải từ sinh hoạt, hoạt động du lịch; nguy cơ xảy ra tràn dầu từ phương tiện hoạt động đường thủy và cả việc gia tăng mức độ suy giảm chất lượng không khí vùng ven biển. Tình trạng khai thác bừa bãi, tận diệt tài nguyên biển vẫn còn diễn ra.
Thành phố Nha Trang ngày càng được xây dựng, phát triển hiện đại, hầu hết hướng đến đáp ứng sự lớn mạnh của ngành du lịch biển, đảo. Đây cũng là cơ sở nảy sinh, tồn tại nhiều nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường biển nói chung và vịnh Nha Trang nói riêng. Trước hết, một vấn đề thường xuyên “nóng bỏng” trong thời gian khá dài, khi nhiều dự án khu du lịch, khách sạn được chính quyền địa phương đồng ý cho triển khai tại một số đảo, bên bờ vịnh đã không tuân thủ các quy định bảo vệ nghiêm ngặt, hoặc tự ý lấn biển bằng các biện pháp thô bạo, như san ủi, đổ đất đá để lấp với diện tích lên đến hàng chục nghìn m2.
Điển hình là Dự án Nha Trang Sao (nằm sát bờ vịnh Nha Trang, bên cạnh thắng cảnh quốc gia Hòn Chồng) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Nha Trang Sao vào năm 2012 với vốn đầu tư 33 triệu USD. Dự án được khởi công đầu năm 2014 với tổng diện tích trên 103.000 m2, trong đó có trên 44.000 m2 mặt đất và gần 59.500 m2 mặt nước biển. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án Nha Trang Sao đã tự ý lấn biển trái phép với điện tích trên 23.000m2. Đầu năm 2016, ngoài việc xử phạt chủ đầu tư 200 triệu đồng vì hành vi đổ đất lấn biển, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế theo hướng đưa diện tích lấn biển trái phép để mở rộng diện tích công viên. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này đã không tiến hành khắc phục, cũng như không đảm bảo thời gian gia hạn tiến độ thực hiện dự án, nên tỉnh Khánh Hòa đã quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Nha Trang Sao.
Khu bảo tồn biển Hòn Mun được thành lập vào năm 2001, là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, bao gồm cụm 8 đảo ở phía Nam vịnh Nha Trang. Dự án thí điểm này được thực hiện bằng sự tài trợ hơn 2 triệu USD của các tổ chức môi trường quốc tế, triển khai trong vòng 4 năm đầu tiên sau khi thành lập khu bảo tồn. Mức độ đa dạng sinh học của nó được đánh giá là “vùng lõi” của vịnh Nha Trang, có thể so sánh với một số khu vực đa dạng sinh vật cao của Indonesia, Philippine… Bên cạnh việc bảo tồn biển, khu vực Hòn Mun đã hỗ trợ đắc lực cho ngành du lịch Khánh Hòa theo phương châm “vừa bảo tồn, vừa khai thác, phát triển”. Trong những năm gần đây, vào dịp cao điểm của mùa du lịch, mỗi ngày có khoảng 1.000 – 3.000 lượt du khách theo các tàu ra đây tham quan, lặn biển. Phí tham quan được đóng góp vào nguồn kinh phí để Khánh Hòa tiếp tục triển khai các công việc bảo tồn biển tại đây, sau khi nguồn tài trợ bước đầu đã hết hạn.
Những năm 80 của thế kỷ trước, Nha Trang từng là vùng đất lý tưởng cho rừng ngập mặn sinh sôi, mở rộng, với diện tích khoảng 500 ha. Nhưng một thời gian dài vì mục đích nuôi trồng thủy sản, khai thác đất cho các mục đích khác mà người dân đã triệt phá, đốn hạ đến những "xóa sổ" diện tích rừng này. Trong khi đó, rừng ngập mặn là một trong 3 hệ sinh thái quan trọng tạo nên quần thể đa dạng sinh học của vùng biển vịnh. Tuy các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng đang cố gắng khôi phục rừng ngập mặn tại các khu vực Đầm Bấy, Đầm Già, Sông Lô… nhưng diện tích trồng được hàng năm chỉ đạt khoảng vài ha. Với quyết tâm cao, thành phố Nha Trang đặt ra mục tiêu huy động nguồn kinh phí trên 35 tỷ đồng từ xã hội hóa, để trồng, chăm sóc và bảo vệ trên 61 ha rừng ngập mặn vào năm 2025 nhằm từng bước lấy lại sự cân bằng cho hệ sinh thái.
Gần đây, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang” nằm về phía Tây đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, các nhà khoa học thiết lập 100 giá thể rạn nhân tạo với chiều dài 150m để trồng phục hồi san hô, cũng như mở rộng san hô ở nền đáy trong khu vực, với tổng diện tích san hô 4.000m2. Đề tài còn tiến hành đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước biển, đo đạc thủy thạch động lực học vùng biển vịnh Nha Trang... làm cơ sở để mở rộng các mô hình phục hồi rạn san hô trong vịnh.
Về vĩ mô, theo các chuyên gia lĩnh vực môi trường, nghiên cứu biển, tỉnh Khánh Hòa cần có một đề án quy hoạch chung về phát triển kinh tế biển trong vùng vịnh Nha Trang, trong đó ưu tiên các lĩnh vực hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và bảo tồn biển. Bên cạnh đó, phát triển lĩnh vực giao thông sạch, bằng các loại hình phương tiện vận chuyển khách chất lượng cao hoặc không gây ô nhiễm cho môi trường biển, kể cả việc sử dụng các loại tàu chạy bằng sức gió và năng lượng mặt trời. Cần có các biện pháp ngăn chặn kịp thời những hành vi san lấp, lấn biển quá phạm vi cho phép tại các khu du lịch trên các đảo và ven bờ vịnh, ngoài việc bảo vệ môi trường cảnh quan, việc này còn hạn chế sự lắng đọng trầm tích gây bất lợi cho hệ sinh thái vùng đáy biển.
Khi du lịch được được xem là hoạt động kinh tế mũi nhọn của thành phố Nha Trang, lượng du khách hàng năm đạt từ 4 – 5 triệu lượt khách lưu trú, vịnh Nha Trang đang có chiều hướng quá tải, đồng nghĩa với môi trường và hệ sinh thái biển tiếp tục suy giảm. Chính vì vậy, “cuộc chiến” giữa bảo tồn hệ sinh thái biển và sử dụng nó cho mục đích phát triển kinh tế vẫn ở tình thế cam go, nhiều trở ngại.
Tiên Minh
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.