Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Thứ sáu, 22/11/2024, 07:00:15 AM (GMT+7)
Nguy cơ xuất hiện thêm nhiều “Formosa”
(10:35:59 AM 20/09/2016)(Tin Môi Trường) - Nếu không nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì trong tương lai còn xuất hiện thêm nhiều “Formosa” khắp mọi nơi.
>> Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất >> Sân bay Long Thành nguy cơ lùi thời gian hoàn thành tới cuối 2026 >> Công ty TNHH Quốc tế Formosa nợ tiền nước: Giao công an xác minh >> Thói quen của nhiều người Việt trong buổi tối làm tăng nguy cơ ung thư >> Bình Định: Hồ trơ đáy, ruộng bỏ hoang và 24.000 người dân có nguy cơ "khát nước"
Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh) hiện có hai nhà máy vận hành. Theo các nhà khoa học, đánh giá tác động môi trường của hai nhà máy này khá sơ sài - Ảnh: TRANG NGUYÊN
Trong hội thảo ngày 19-9 tại TP Cần Thơ, các nhà khoa học đã “vạch mặt, chỉ tên” nhiều lỗ hổng đáng lo ngại của một số ĐTM nhà máy nhiệt điện than và Nhà máy giấy Lee & Man.
Bà Ngụy Thị Khanh - giám đốc Trung tâm phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) - cho biết kết quả hội thảo này sẽ được gửi tới Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường của Quốc hội, phục vụ chương trình giám sát quy hoạch điện và thị trường điện từ nay đến tháng 10-2017.
Ý kiến của các nhà khoa học cũng sẽ được xem xét khi thẩm định Luật quy hoạch và sửa đổi Luật bảo vệ môi trường.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia môi trường), sở dĩ thời gian qua con voi “Formosa Hà Tĩnh” chui lọt lỗ kim làm điêu đứng người dân ở bốn tỉnh miền Trung, “con voi” Lee & Man suýt đầu độc sông Hậu đều có nguyên nhân giống nhau: lỗ kim to hơn... con voi.
Hai dự án này đều được cấp phép đầu tư và phê duyệt ĐTM... đúng quy trình. Vậy lỗ kim nằm ở chỗ nào?
Theo ông Thiện, lỗ kim lớn nhất ở chỗ chủ đầu tư cũng là người “lãnh đạo” ĐTM. Bản thân chủ đầu tư luôn muốn ĐTM dự án mình đẹp, còn những người được thuê không thể nói ngược lại.
Nhìn vào tất cả các ĐTM đều thấy có một “công thức” y hệt nhau, đầu tiên khẳng định dự án là cần thiết, nằm trong quy hoạch, không làm không được. Tiếp theo là tìm cách đánh giá làm giảm mức độ ô nhiễm.
Ví dụ Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải ở tỉnh Trà Vinh có tới bốn nhà máy nhưng chủ đầu tư chỉ làm ĐTM từng nhà máy, không có ĐTM tích lũy của cả bốn nhà máy này.
Đánh giá riêng lẻ thì không ai hình dung được mức độ ô nhiễm môi trường, nhưng khi cả bốn nhà máy cùng hoạt động thì tình hình sẽ khác.
Có một điểm chung mà nhiều nhà khoa học cùng bày tỏ lo ngại là quy định tham vấn cộng đồng của ĐTM.
Chẳng hạn ĐTM của Nhà máy giấy Lee & Man chỉ lấy ý kiến của 20 người dân, nhưng ý kiến của họ là yêu cầu bồi thường thỏa đáng, cho con vào làm việc trong nhà máy, không nói gì đến ô nhiễm môi trường hay các tác động kinh tế - xã hội họ có thể gặp phải.
Còn ý kiến của UBND và ủy ban MTTQ xã trong ĐTM luôn tán thành dự án đặt tại địa phương mình, thậm chí còn yêu cầu triển khai sớm.
Lý do là cấp xã không bao giờ dám nói ngược với cấp trên. Tỉnh đồng ý tiếp nhận dự án đó rồi, cấp xã chỉ còn một việc là tung hô ủng hộ kiểu “lời cha mẹ bao giờ cũng đúng”.
Ông Nguyễn Hữu Thiện kể: “Khi tôi hỏi vì sao công ty ông không làm kỹ vấn đề tham vấn cộng đồng, một tổng giám đốc trả lời với tôi là “cộng đồng biết gì mà tham vấn họ”.
Rõ ràng có tình trạng chủ đầu tư coi thường cộng đồng dân cư nơi họ đặt nhà máy. Tôi cũng gặp vài người ngồi hội đồng thẩm định ĐTM, chính họ thừa nhận trước khi tham gia đánh giá, phản biện thì họ chỉ có vài tiếng đọc ĐTM.
Thực tế cho thấy hầu hết ĐTM đều được thông qua, phê duyệt. Không phê cũng không được vì ngay phần đầu ĐTM khẳng định dự án phải làm, không tranh cãi gì thêm”.
Cũng vì ĐTM được làm để đối phó nên rất nhiều thông tin, số liệu trong ĐTM không đáng tin cậy, thậm chí vô lý.
PGS.TS Lê Anh Tuấn (viện phó Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ) và chuyên gia môi trường Nguyễn Hữu Thiện nhắc đi nhắc lại thông tin “lạ” trong ĐTM của nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3.
Đó là sử dụng dữ liệu gió tại TP Trà Vinh để tính toán cho nhà máy đặt ở huyện Duyên Hải cách đó hơn 40km, dùng số liệu tốc độ gió ở độ cao 10m để tính toán cho ống khói được xây cao tới... 210m!
ĐTM quả quyết rằng phạm vi ảnh hưởng khói, bụi từ nhà máy chỉ từ 2.656-2.712m. ĐTM này vẫn được phê duyệt mà không hề được kiểm chứng, không có gì chứng minh dự báo này là chính xác.
Khi Green ID và các nhà khoa học đến khảo sát tại Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải thì người dân nói khói, bụi bay xa hơn rất nhiều so với số liệu nêu trong ĐTM.
Các nhà khoa học trao đổi về quy hoạch các dự án nhiệt điện than từ 2016 - 2030 - Ảnh: V.TR.
Nhiệt điện than:
“tai họa” giấu mặt
Theo Quy hoạch điện 7 (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3-2016, trong giai đoạn 2016-2030 khu vực ĐBSCL sẽ có thêm 23 nhà máy điện các loại, không kể các nhà máy nhiệt điện đã có.
Trong đó có tới 14 nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 18.268MW. Quy hoạch mới hủy bỏ năm nhà máy nhiệt điện than An Giang, Kiên Lương 1, 2, 3 và Sông Hậu 3.
Tuy nhiên lại bổ sung ba nhà máy nhiệt điện Long An 2, Tân Phước 1, Tân Phước 2 và quy hoạch mới nhiệt điện Tiền Giang.
Rất nhiều nhà khoa học nói họ mừng cho An Giang và Kiên Giang nhưng lại lo cho các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, bởi quy hoạch mới cho mọc lên hai nhà máy nhiệt điện than Tân Phước 1 và Tân Phước 2 thuộc tỉnh Tiền Giang.
PGS.TS Lê Anh Tuấn nói: “Tôi không hiểu vì sao lại quy hoạch xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than giữa Đồng Tháp Mười như vậy nữa. Lấy nước đâu làm mát máy, rồi xả đi đâu trong khi ở đó chỉ có kênh, rạch?
Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... của nông dân làm sao chịu nổi khói, bụi của nhà máy. Đưa nhà máy nhiệt điện than vào giữa Đồng Tháp Mười là rất sai lầm, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều so với đặt ở ven biển hay ven sông”.
Bà Ngụy Thị Khanh dẫn số liệu của Liên minh Bảo vệ nguồn nước quốc tế cho biết nhiệt điện than là loại tiêu tốn nhiều nước nhất trong các loại hình sản xuất điện. Để sản xuất ra 1MWh điện cần dùng khoảng 4.163 lít nước, trong đó 95% dùng làm mát thiết bị.
Bà Khanh nêu dẫn chứng: “Lượng nước cần phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Long An 1 ngày đêm gấp ba lần lượng nước sạch cho cả TP Hà Nội”.
Ngoài ra, nước thải từ nhà máy nhiệt điện lên tới 38-40oC, với nhiệt độ như vậy thì vùng tiếp nhận nguồn nước này không còn tôm cá”.
PGS.TS Lê Anh Tuấn nói chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và 3 không nói rõ lý do chọn thiết bị, công nghệ của Trung Quốc mà không phải của các nước khác hiện đại hơn. Bản thân nhiệt điện không sạch, công nghệ của Trung Quốc càng khiến nhiều người bất an.
“Nếu như Formosa Hà Tĩnh gây thiệt hại nguồn nước, thủy sản là chính thì các nhà máy nhiệt điện than vừa gây ô nhiễm nguồn nước, hủy diệt thủy sản vừa độc hại cho sức khỏe con người bởi ô nhiễm không khí và tiếng ồn” - ông Tuấn lo ngại.
Nhiệt điện than gây nhiều thiệt hại
Điều đáng lo nhất là ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than do chiếm tới 89% tổng phát thải từ năng lượng.
Những chất có trong khí thải từ nhiệt điện than gồm: hạt bụi PM, SO2, Nox, CO2. Quy hoạch điện 7 cũng ước tính được thiệt hại “khủng” từ việc phát triển nhiệt điện than.
Theo đó, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra bởi nhiệt điện đến năm 2030 là 9 tỉ USD, thiệt hại do mưa axit là 729 triệu USD và các chi phí liên quan đến vấn đề sức khỏe do bụi SO2, Nox là 639 triệu USD.
Cần lưu ý ô nhiễm không khí lại là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại VN.
Nghiên cứu của ĐH Harvard năm 2015 cho biết ô nhiễm từ nhiệt điện than có thể làm 31.000 người VN chết yểu mỗi năm, riêng khu vực ĐBSCL con số này khoảng 8.000 người.
Theo VÂN TRƯỜNG/TTO
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
- Ý nghĩa của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.