Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Báo giấy đang… rơi tự do
(16:45:33 PM 18/02/2013)
Ấn bản in cuối cùng của Newsweek ngày 31/12/2012 với dòng thông báo ngay trang bìa.
Những tờ báo giấy đình đám một thời và là món ăn không thể thiếu nay đang lâm vào tình trạng thua lỗ trầm trọng, mất kiểm soát và gần như… rơi tự do. Đến mức người Đức đã phải gọi cuộc khủng hoảng này bằng một phức từ mới: "Cái chết của báo in". Song những tín đồ trung thành với báo giấy vẫn trăn trở không muốn tin vào điều đó. Báo giấy chắc chắn sẽ không thể chết dần như thế. Báo giấy chỉ đang chống chọi với bão và sẽ vượt bão để sang một trang mới mà thôi...
Cái chết của báo in?
Tờ Financial Times những ngày cuối năm 2012 vừa loan tin, bộ phận xuất bản tạp chí G J của Công ty Bertelsmann đã tuyên bố đình bản tờ Financial Times tại Đức (Financial Times Deutschland). Trước đó, một tờ báo in khác là Frankfurter Rundschau đệ đơn xin phá sản. Hai tuyên bố này đã gây nên những chấn động mới trong làng báo in vốn dĩ đang rất chật vật của Đức. Đến mức, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng bày tỏ sự tiếc nuối đồng thời kêu gọi ngành báo in giữ vững tinh thần. Và rằng, những gì mà nước Đức đang trải qua không là cá biệt. Nó đang ở vùng bão quy mô rộng lớn vượt biên giới mọi quốc gia.
Trong khi nước Đức mất đi hai tờ nhật báo chất lượng thì bên láng giềng Tây Ban Nha, số lượng biên tập viên và phóng viên của các tờ báo cũng liên tục bị cắt giảm khủng khiếp. Còn Italia, những tin đồn về vụ sáp nhập các tờ báo thi thoảng lại rộ lên xôn xao dư luận. Song, cuộc khủng hoảng của những tờ báo ở thị trường châu Âu chưa thể sánh với những tấn bi kịch từng xảy ra trong làng báo in Mỹ.
Tổng biên tập tờ WorldPaper - Arnold Zeitlin cho biết: "Ngành báo nước Mỹ đang trong giai đoạn buộc phải chuyển đổi. Hệ quả là một lượng lớn nhân lực bị cắt giảm, bên cạnh đó là sự ra đi không bao giờ trở lại của một số tờ báo".
Theo một số nghiên cứu, doanh thu tổng cộng của toàn ngành báo nước Mỹ năm 2009 (bao gồm cả báo điện tử) giảm 26% và vẫn tiếp tục giảm. Lợi nhuận thu được từ quảng cáo trong 3 năm qua cũng giảm 43%. Có đến 13.500 nhân viên, chiếm 25% tổng số nhân viên toàn ngành, bị mất việc. Tháng 2/2012, Rocky Mountain News, tờ báo lâu đời nhất của bang Colorado đã tuyên bố phá sản, kết thúc lịch sử gần 150 năm huy hoàng một cách đầy buồn bã.
Song có lẽ đỉnh điểm cơn bão khủng hoảng trong làng báo giấy Mỹ năm nay là sự kiện tạp chí Newsweek (vốn là đối thủ nổi tiếng sánh ngang với tạp chí Time), sau 80 năm liên tục làm mưa gió trên thị trường thông tin của nước Mỹ, đã chính thức ngừng việc phát hành các ấn bản dạng in vào ngày 31/12/2012 và tuyên bố trở thành một tờ báo mạng hoàn toàn.
Trong tiếc nuối, người ta nhớ đến cái tên Newsweek ra đời từ năm 1933 và người sáng lập ra nó là cựu tổng biên tập của tờ Time, tạp chí trở thành kỳ phùng địch thủ của chính Newsweek sau này. Kể từ đó, Newsweek đã xuất hiện thường trực trên bàn cà phê của nhiều gia đình Mỹ. Đến năm 1961, Newsweek được Công ty Washington Post mua lại và vẫn tiếp tục làm ăn tốt.
Song, những năm hoàng kim của ấn phẩm này dường như chững lại khi có sự xuất hiện của Internet. Cơn bão ào ạt của báo mạng đã khiến Newsweek bắt đầu bước vào vòng xoáy và dần dần mất kiểm soát. Kể từ năm 2005 tới nay, số lượng phát hành của Newsweek đã giảm mất một nửa, xuống chỉ còn 1,5 triệu ấn bản một kỳ trong khi lượng phát hành năm 2000 của tạp chí này là 3,14 triệu bản. Số các trang quảng cáo của báo sụt mất hơn 80% và con số thua lỗ thường niên của báo có lúc đã chạm ngưỡng 40 triệu USD.
Khi được rao bán, Newsweek đang phải gánh khoản nợ lên đến 70 triệu USD. Cách đây 2 năm, Công ty Washington Post đã phải bán tạp chí với giá tượng trưng 1 USD cho Sidney Harman, một tỉ phú âm thanh. Không lâu sau đó, Harman đã hợp nhất Newsweek với trang web Daily Beast của Công ty IAC (InterActiveCorps).
Sau khi ông Harman qua đời năm 2011, tháng 6/2012, gia đình Harman đã cắt bỏ hoạt động hỗ trợ tài chính cho dự án Newsweek/Daily Beast, khiến cho IAC là bên duy nhất còn lại phải lo cho số phận của tờ tạp chí già nua ốm yếu này. Và cái kết buồn có thể đoán được là công ty quyết định chuyển tạp chí sang dạng báo mạng hoàn toàn để "phù hợp xu thế của thời đại".
Sau Newsweek, thông tin về tờ The New York Times - tờ báo với lịch sử lâu đời đầy tự hào tuyên bố cũng sẽ ngừng phát hành báo giấy lại gieo thêm nỗi hoang mang trong lòng những người lo lắng cho tương lai ngành báo nước Mỹ. The New York Times ra đời năm 1851, là một trong những tờ báo hàng đầu không chỉ ở nước Mỹ mà còn có sức ảnh hưởng rộng lớn trên phạm vi toàn cầu.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, The New York Times có lượng phát hành luôn giữ ở mức trên 1 triệu bản. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính, The New York Times cũng lâm vào tình cảnh lao đao, lượng phát hành giảm, công ty buộc phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự.
Tại buổi hội thảo tại London ngày 10/9/2012, trước câu hỏi về việc liệu The New York Times sẽ ngừng phát hành báo giấy vào năm 2015 hay không, Chủ tịch Arthur Sulzberger đã trả lời rằng, ông chưa muốn đưa ra bất cứ tuyên bố nào về vấn đề này. Tuy nhiên, ngừng in báo sẽ là lựa chọn trong thời gian tới, vấn đề chỉ là vào thời gian nào mà thôi.
Những tội đồ "ngộ sát" báo in?
Có lẽ đối tượng đầu tiên sẽ phải hứng chịu mọi kết tội ở đây chính là báo mạng, hay báo "Nét".
Mới xuất hiện hơn chục năm nhưng Internet rõ ràng đã phá vỡ vị trí độc tôn của báo giấy. Một kết quả điều tra mới đây cho thấy, với giả thuyết nếu một ngày nào đó báo giấy đột nhiên biến mất, thì chỉ có 1/3 người Mỹ cảm thấy luyến tiếc. Rõ ràng, vị trí của Interrnet có những lợi thế không thể phủ nhận.
Một điểm thú vị nữa là, những người còn lưu luyến với báo giấy truyền thống đều đã có tuổi, thế hệ trẻ có khuynh hướng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin và tham gia các mạng xã hội như Twitter, Facebook… Hiển nhiên là các tiện ích trên những thiết bị công nghệ cao khiến giới trẻ không còn nhiều hứng thú với việc đọc báo giấy nữa. Nhiều tờ báo đã sử dụng trang tin tức điện tử, điều này khiến lợi nhuận từ việc phát hành báo giấy giảm hẳn. Người ta dễ dàng lựa chọn cách tìm kiếm thông tin miễn phí trên mạng hơn là việc phải trả tiền để chờ đợi những số báo được giao đến nhà mỗi ngày.
Một tác nhân không thể không nhắc đến, đó là suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngay từ đầu thập niên 2000, các nhà quảng cáo đã chuyển sang báo mạng, và xu hướng này tăng tốc khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, tiếp đó là khủng hoảng nợ công trong khối Eurozone. Hiệp hội Quảng cáo Đức cho rằng, doanh thu quảng cáo của các tờ báo in ra hàng ngày trong năm 2011 là 3,6 tỷ Euro, giảm 45% so với cách đây 12 năm.
Tại Tây Ban Nha, đã có hàng tá các tờ báo in bị đóng cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu cách đây 4 năm. El País, một trong những tờ báo hàng đầu Tây Ban Nha, đang có ý định cắt giảm 1/3 trong tổng số 460 nhân viên. Còn Italia, suy giảm kinh tế đã làm dấy lên hàng loạt tin đồn về các vụ sáp nhập trong làng báo.
Có lẽ những nỗ lực cắt giảm chi phí hay sáp nhập… sẽ không đủ để đảm bảo khả năng tồn tại cho nhiều tờ báo. Theo giới phân tích, ắt sẽ có thêm những "nạn nhân" nữa phải ra đi…
Báo in trên tay, hay báo in trên mạng
Những ông chủ sừng sỏ ngành truyền thông Mỹ từng nhận định: Cách duy nhất để cứu báo giấy là chấm dứt việc cho phép đọc tin miễn phí trên mạng. Họ khẳng định: xây dựng mô hình đọc tin trả tiền trên mạng là một bước đi đúng đắn và cần thiết. Và các cơ quan thông tấn nghiêm túc đều sẽ thực hiện việc thu phí đọc tin.
Như Giám đốc điều hành Tập đoàn truyền thông News Corp (Anh) - của đế chế truyền thông Mudoch đã cho tờ Nhật báo phố Wall (The Wall Street Journal), trực thuộc tập đoàn tiến hành thu phí của độc giả trên trang điện tử của báo này. Rupert Mudoch cho rằng, tương lai của báo chí phụ thuộc vào các thiết bị số hóa, nhưng việc phát triển các sản phẩm tương ứng cần có thời gian. Người dân cũng cần một quá trình để thích nghi với phương thức đọc tin trả tiền trên website.
Nhưng, liệu việc chấm dứt đọc báo mạng miễn phí có giúp giải quyết triệt để những khó khăn hiện nay của báo giấy? Điều này không ai dám chắc. Chỉ chắc rằng, trước mắt việc thu phí đọc tin trên mạng có thể hỗ trợ báo giấy tồn tại, song không thể xem đây là cách thức giải quyết triệt để.
Có lẽ "cái chết của báo in" chỉ là một cách cảnh báo của người Đức. Còn xã hội của loài người, còn nhu cầu thông tin thì dứt khoát người ta còn mong chờ những tờ báo in thơm mùi giấy mực. Những biện pháp trước mắt của nhiều tòa soạn như cắt giảm nhân viên và các dịch vụ đang ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu của các tờ báo in. Và chính điều này có thể đang đào thải những nhân tố đáng ra phải được duy trì, những gì cần thiết trong cuộc cạnh tranh với Internet khi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế qua đi.
Sau hết, để tiếp tục tồn tại và phát triển, báo giấy cần phải tự làm mới mình bắt nhịp theo sát nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng, giảm thiểu sự trùng lặp và xây dựng phong cách chuyên nghiệp, riêng biệt độc đáo. Báo điện tử tuy có nhiều ưu thế, song thông tin thiếu chọn lọc và mức độ tin cậy thấp của những trang báo mạng khiến người ta không khỏi hoài nghi. Và như thế, những người yêu báo giấy lại thêm lý do để chờ đợi. Và hy vọng…
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.