»

Chủ nhật, 19/01/2025, 08:34:31 AM (GMT+7)

Điểm lại những phản biện "trái chiều" về Bôxít Tây Nguyên

(11:37:13 AM 22/02/2013)
(Tin Môi Trường) - Nhân nhận định vừa đưa ra "Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng", xin điểm lại một số những ý kiến phản biện về Bôxít ở Tây Nguyên.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình  và một số nhân sĩ – trí thức

Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary xới lên cuộc tranh luận về tính an toàn của các dự án bô-xít Tây Nguyên, nhất là khi các dự án này đều ở trên cao.

Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người với tai họa khôn lường...Không thể hình dung nổi nguy cơ thảm họa môi trường của một hồ chứa bùn đỏ hàng triệu hay hàng chục triệu m3 treo lơ lửng trên đầu đồng bằng sông Đồng Nai và Bắc Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ...

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng hàng loạt nhân sĩ - trí thức đã viết như vậy trong thư kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tạm dừng khai thác bô-xít Tây Nguyên.

(Trong bài “Dự án bô-xít Tây Nguyên: Tiếp hay dừng?” - VEF/Vietnamnet , ngày 25/10/2010)

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng

Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở Bộ này bảo là Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng.

Nhưng họ quên là thung lũng ở trên cao, có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, mà ngấm xuống nước ngầm thì nó chảy xuống cả Đồng bằng Nam Bộ, quá nguy hiểm!

Ngoài ra, Đông Nam Bộ cũng đang bị đe dọa bởi hiện tượng dâng lên của mực nước biển. Vì thế, tương lai vùng này sẽ đối diện nhiều nguy cơ - mà đây lại là  vựa lương thực của cả nước - nên rất đáng phải quan tâm.

(Trong bài “Quốc hội cần có phản hồi về dự án bô-xít” - VEF/Vietnamnet, ngày 25/10/2010)

 Hồ điều hòa cho nhà máy bô-xít Tân Rai (Ảnh Vietnamnet)

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan:

Không phải cứ đào tài nguyên lên bán là đời sống dân giàu lên. Người dân Quảng Ninh bao lâu nay bán than nhưng đời sống dân không giàu lên nhờ đó mà họ phải làm du lịch và nhiều ngành nghề khác vì thế đời sống của họ khá hơn. Theo tôi, chúng ta không thể nói rằng vì đời sống dân Tây Nguyên nghèo mà chúng ta triển khai dự án này vì những người chưa đồng tình với dự án vậy họ không muốn đời sống người dân khá hơn hay sao. Nói như thế là không đúng. Bằng chứng nhãn tiền là TKV đang khai thác than ở Quảng Ninh..

Nhà nước hoàn toàn có thể giúp cho đời sống của người dân Tây Nguyên khá hơn bằng cách trực tiếp bỏ tiền ra để hỗ trợ phương tiện, cải tạo sản xuất giúp bà con nâng cao năng suất, cây trồng, trồng trọt được đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm để các sản phẩm cafe, chè của Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đó mới là sự hỗ trợ thiết thực nhất. Người dân vẫn có thể làm giàu trên nền tảng của sản xuất, văn hóa, môi trường và những gì họ đang có, chứ không phải giúp đỡ bằng cách đảo lộn đời sống, sinh hoạt, môi trường, văn hóa của họ lên. Tôi đồ rằng những người được mời tính cho dự án chỉ tính riêng cho dự án này chứ không phải tính tổng thể và chịu đến cùng về những tính toán của họ. Vậy sau này không thành công họ sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào?

(Trong bài “Bô xít Tây Nguyên được giám sát như siêu dự án quốc gia” – VnExpress, ngày 29/10/2010)

Ông Nguyễn Văn Ban - Nguyên Trưởng ban Dự án nhôm (Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam - cũ)

Thực tế mà nói không có tuyến đường sắt 3,3 tỷ USD trong tương lai gần. Vậy 2 nhà máy không có đường sắt, sản phẩm làm ra sẽ rất đắt, khó có tính cạnh tranh. Sản phẩm có bị mắc kẹt không? Tân Rai xây rồi, Nhân Cơ chưa xây, có nên chuyển Nhân Cơ ra bờ biển không?

(Trong bài “Bô xít Tây Nguyên được giám sát như siêu dự án quốc gia” – VnExpress.net, ngày 29/10/2010)

TS Nguyễn Thành Sơn - Giám đốc ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Bùn đỏ không như xăng dầu chảy đi mà có thể hốt lại được, chỉ cần thoát ra ngoài kim loại nặng thấm vào nước ngầm hoặc theo sông đổ về hạ lưu là vô phương cứu chữa.

(Trong bài “Khai thác quặng bôxit ở Tây Nguyên: Nhiều nguy cơ, chưa có giải pháp” – Tuổi Trẻ, ngày 24/10/2008)

GS Đào Công Tiến - Nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM:

Nguồn nước của Tây nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bôxit, chắc chắn Tây nguyên sẽ chết vì thiếu nước.

(Trong bài “Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit” – Tuổi Trẻ, ngày 23/10/2008)

 Sơ đồ công nghệ Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Ảnh Vietnamnet)

Lê Hồng Hiệp - Thạc sỹ Quan hệ quốc tế và Ngoại giao - Đại học Quốc gia TP.HCM:

Đã có rất nhiều nghiên cứu về các cuộc xung đột sắc tộc và ly khai ở các quốc gia và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có một mối liên hệ nhất định giữa việc khai thác tài nguyên thiên nhiên với nguồn gốc của các cuộc xung đột này.

Có hai hiện tượng chủ yếu được sử dụng để lý giải cho mối liên hệ này, đó là "lòng tham" ("greed" - hay việc theo đuổi lợi ích vật chất) và "các mối bất bình" (grievances - hay sự bất bình của người dân bản địa đối với các hậu quả của việc khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc khu vực họ sinh sống).

Thuyết "lòng tham" do hai nhà nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là Paul Collier và Anke Hoeffler khởi xướng, trong đó hai nhà nghiên cứu này cho rằng việc theo đuổi các lợi ích kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới các cuộc xung đột bên trong các quốc gia…

…Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy các lý thuyết lý giải nguồn gốc xung đột trên thế giới có một vài điểm phù hợp nhất định đối với cuộc tranh luận xung quanh dự án bô-xít Tây Nguyên, đặc biệt là về tác động của dự án này đối với vấn đề an ninh - quốc phòng.

(Trong bài “Dự án bô-xít Tây Nguyên dưới góc nhìn nghiên cứu xung đột” – Tuanvietnam/Vietnamnet, ngày 27/04/2009)

Nhà văn Nguyên Ngọc:

Chúng ta đã hành động ở Tây nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây nguyên như là trên một vùng đất không người.

Theo ông, nếu tiếp tục triển khai dự án như kế hoạch của TKV, chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây nguyên sẽ bị đảo lộn, nếu không nói là bị xóa sổ. Người M’Nông, chủ nhân ngàn đời của vùng đất Đắc Nông, sẽ đi về đâu? Lời hứa của những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào M’Nông có bao nhiêu căn cứ?

“Theo tôi, chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua. Những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại dạy ta lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước”!

(Trong bài “Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit” – Tuổi Trẻ, ngày 23/10/2008)
Theo Kiến Thức
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Điểm lại những phản biện "trái chiều" về Bôxít Tây Nguyên

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI