(Tin Môi Trường) - Theo chương trình nghị sự vừa được điều chỉnh đột xuất, hôm nay (10-11) Chính phủ trình Quốc hội xem xét việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Sơ đồ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy I và II) - Đồ họa: V.CƯỜNG
Trao đổi, ông Dương Quang Thành - chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) - cho rằng với những thay đổi trên thị trường điện hiện nay, việc đầu tư điện hạt nhân sẽ không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế.
Cũng theo ông Thành, EVN sẽ cổ phần hóa và có thể thoái hết vốn nhà nước tại ba tổng công ty phát điện, chỉ nắm giữ sáu nhà máy điện đa mục tiêu.
* Việc dừng đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ ảnh hưởng thế nào đến khả năng cung ứng điện trong giai đoạn tới, thưa ông?
- Trong Quy hoạch điện quốc gia giai đoạn 7 được Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh vào tháng 3-2016 không có quy hoạch nhà máy điện hạt nhân đến năm 2030, thay vào đó có rất nhiều nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực điện quốc gia.
Theo các tính toán mới, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 11%/năm và giai đoạn 2021-2030 từ 7-8%/năm, thấp hơn nhiều so với tính toán vào năm 2009 - thời điểm dự án này được thông qua chủ trương.
Tại thời điểm đó, do tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhu cầu tăng trưởng điện được dự báo 17-20%/năm nên Chính phủ lấy mức tăng trưởng 22% làm phương án điều hành.
Với mức tăng trưởng này, nguồn năng lượng trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu phát điện trong khi nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu lại có giá thành cao, điện hạt nhân là phương án cạnh tranh, có hiệu quả.
Tuy nhiên hiện nay nhu cầu tăng trưởng điện năng không cao, trong khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước và nhập khẩu đảm bảo được đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn năng lượng nước ngoài hiện có giá thấp hơn nhiều so với thời điểm trước.
Việc đầu tư điện hạt nhân không cạnh tranh được với các nguồn năng lượng khác về mặt kinh tế, nên trong quy hoạch mới được phê duyệt đã không đưa nhà máy điện hạt nhân vào nữa.
Ông Dương Quang Thành - Ảnh: CTV
* Nhưng dự báo cho thấy giai đoạn 2018-2019 có khả năng thiếu điện, nhất là khu vực miền Nam, thưa ông?
- Đúng là trong giai đoạn 2018-2019 khu vực miền Nam có khả năng thiếu điện do mức tăng trưởng tiêu thụ điện vẫn cao, trong khi một số dự án điện lại chậm tiến độ. Tuy nhiên, dự án điện hạt nhân
Ninh Thuận từng dự kiến đến năm 2029-2030 mới cấp điện, nên việc giải quyết thiếu điện vào các năm 2018-2019 không liên quan đến dự án này.
Và để đảm bảo nguồn điện, tại buổi làm việc của Thủ tướng với các cơ quan chức năng cùng EVN và Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) mới đây, nhiều giải pháp cung ứng điện trước mắt và lâu dài đã được đưa ra.
Trong đó, trước mắt sẽ xem xét đầu tư đường dây tải điện từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, tập trung đầu tư các nguồn năng lượng mới tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời tại chỗ... Thủ tướng cũng chỉ đạo chủ đầu tư các dự án điện tại khu vực miền Nam phải sớm đưa vào vận hành.
EVN cũng kiến nghị các giải pháp lâu dài hơn, đó là đầu tư các nhà máy điện ở khu vực ĐBSCL, nghiên cứu chuyển trung tâm điện lực Tân Phước sang dùng khí hóa lỏng thay vì chạy than để đáp ứng nhanh tiến độ cấp điện, đồng thời thu xếp các nguồn vốn đầu tư cho các dự án này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận - trong lần giới thiệu về dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với các nhà báo vào tháng 8-2014 - Ảnh: DUY THANH
* Khả năng huy động vốn cho các dự án điện đang và sẽ triển khai?
- Với các dự án đang xây dựng, EVN đã thu xếp đủ vốn và sẽ được giải ngân theo đúng tiến độ đầu tư.
Với các dự án mới như dự án trung tâm điện lực Quảng Trạch hay trung tâm điện lực Tân Phước và một số dự án khác, EVN cũng đang xây dựng các phương án huy động vốn nước ngoài. Các ngân hàng thương mại trong nước cũng đồng ý cho EVN vay vốn đầu tư các dự án này.
* Trong sơ đồ điện 7 được Thủ tướng phê duyệt, EVN cung cấp bao nhiêu phần trăm cho điện lưới quốc gia và có đảm bảo lộ trình thị trường hóa, minh bạch thị trường điện?
- Trước đây EVN chiếm 38% nhưng với một số dự án mới được Chính phủ giao thêm, tỉ lệ này sẽ cao hơn. Riêng việc thực hiện lộ trình thị trường điện, Chính phủ đã có quyết định 23 về thực hiện thị trường điện 3 cấp độ là thị trường phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Bộ Công thương và EVN cũng đang nghiên cứu mô hình cho ra đời thị trường bán buôn điện cạnh tranh, tiến tới là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã chỉ đạo tái cơ cấu ngành điện nói chung và EVN nói riêng. Trong tái cơ cấu EVN, ba tổng công ty phát điện sẽ được cổ phần hóa và sau hai năm cổ phần hóa, nếu các tổng công ty này tự chủ được sẽ có thể thoái hết vốn của Nhà nước và có thể tách ra khỏi EVN.
Như vậy trong cạnh tranh khâu phát điện, EVN chỉ quản lý các nhà máy đa mục tiêu, trong khi theo tiêu chí Chính phủ mới ban hành lại có 6 nhà máy đa mục tiêu (ngoài phát điện còn có nhiệm vụ thoát lũ, cung cấp nước tưới tiêu). Các nhà máy mới do EVN xây dựng cũng sẽ được cổ phần hóa.
* 2009: Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (gồm nhà máy I và II) được Quốc hội nhất trí thông qua có tổng công suất trên 4.000 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 200.000 tỉ đồng, trong đó phía đối tác Nga đồng ý cho vay 10,5 tỉ USD và Nhật cũng đồng ý cho vay vốn ODA để thực hiện dự án.
* 2010: Nga được chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân I.
* 2011: Chính phủ ký hợp tác thỏa thuận với Nhật Bản để triển khai nhà máy điện hạt nhân II.
* 2012: Việc thăm dò địa chất dự án được tiến hành với sự tham gia của chuyên gia Nga.
* 2014: Nhà máy dự kiến khởi công xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020 (nhưng thời điểm khởi công sau đó được dời đến năm 2020).
* 2015: Dự án hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ phê duyệt địa điểm để lấy ý kiến các bộ, ngành và Hội đồng thẩm định nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ (chủ tịch hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng VN): Dừng dự án là hợp lý
Việc dừng dự án thời điểm này là hợp lý, bởi điện hạt nhân không những cần vốn đầu tư lớn mà còn nhạy cảm về vấn đề môi trường. Dự án hiện mới qua giai đoạn tiền khả thi, chưa được thẩm định ở giai đoạn khả thi, chi phí đầu tư chưa lớn nên việc dừng là hợp lý.
Tuy nhiên, việc dừng dự án có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện trong tương lai, nên Chính phủ cần đẩy nhanh để phát triển các nhà máy điện khác có thể thay thế, quan trọng nhất là có chính sách thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện gió để tăng thêm nguồn cung.
TS Nguyễn Hào Quang (phó viện trưởng Viện Khoa học nguyên tử VN): Tỉ lệ đóng góp của điện
hạt nhân không đáng kể
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được nghiên cứu và quyết định trong thời gian khá dài, các căn cứ và cơ sở khoa học hiện đã có những biến đổi so với trước đây, chưa kể vấn đề lo ngại nhất của nhà máy điện hạt nhân là an toàn.
Hơn nữa, theo tính toán, tỉ lệ đóng góp của điện hạt nhân chỉ chiếm khoảng 3,6% công suất vào năm 2030. Do đó việc cho dừng dự án là cần thiết.
Ngày 22-11: Quốc hội “bấm nút” dừng dự án
Theo chương trình vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh vào ngày 9-11, hôm nay (10-11) Quốc hội họp riêng để nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này.
Dự kiến sau các phiên thảo luận tổ và hội trường, ngày 22-11 Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về việc dừng dự án này.