Tận dụng ưu thế
VN không phải là túi rác để hàng kém chất lượng nước ngoài vào một cách dễ dàng. Chúng ta cần phải tạo ra một hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường và người tiêu dùng | ||
Ông Huỳnh Văn Hạnh - | ||
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó chủ tịch Hội Da giày Việt Nam, chúng ta không lơ là nhưng cũng không nên quá bi quan khi Hiệp định Thương mại ASEAN 1 thực thi hoàn toàn vào năm 2015. Doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn có những lợi thế nhất định. Đơn cử như phí vận chuyển. Hàng hóa nhập khẩu phải cộng thêm phí này nên cũng cùng chủng loại, cùng chất lượng khó rẻ hơn hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó là sự am hiểu tâm lý, thói quen, sở thích của người tiêu dùng trong nước. Đây là ưu thế của hàng VN và phải tận dụng. TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất của VN chính là nông sản vì nhiều năm qua, thị trường này cũng đã bị sản phẩm của nước ngoài chèn lấn, nhất là hàng Trung Quốc. Các nhà sản xuất VN không còn con đường nào khác là phải lớn mạnh bằng cách tăng năng suất, chủng loại, chất lượng, giá cả.
TS Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia kinh tế, cho rằng, nếu DN trong thời điểm này quá yếu ớt thì phải tìm cách liên kết, liên doanh để tạo thêm sức mạnh. Về phía nhà nước, đối với thị trường chung Asean 1, cần đầu tư trọng điểm một số lĩnh vực, ngành hàng của VN có khả năng cạnh tranh, theo nguyên tắc cái gì mình nhiều mà họ ít; cái gì mình mạnh mà họ yếu thì tập trung đầu tư để nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, muốn làm được điều này phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, kể cả đầu tư cơ sở hạ tầng đi kèm để lưu thông hàng hóa một cách thuận lợi nhất vào thị trường lớn nhất ở sát nách.
TS Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cho rằng, với thuế được giảm xuống mức thấp nhất, DN VN phải nghĩ sản phẩm của mình không phải chỉ cho thị trường trong nước mà cho tất cả người tiêu dùng Asean vì khi đó, thị trường sẽ trở thành bình thông nhau. Các DN phải phấn đấu hạ giá thành trong cuộc cạnh tranh mới đầy gay go và quyết liệt này. “VN muốn tồn tại và phát triển, tranh thủ được cơ hội do gia nhập các hiệp định thương mại, hạn chế mặt khó khăn, vượt qua các thách thức, con đường duy nhất là phải nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp: nhà nước, DN và sản phẩm”, ông Tự khẳng định.
Tự vệ bằng hàng rào kỹ thuật
Trong khi hầu hết các nước đều có hàng rào kỹ thuật để chống gian lận thương mại và bảo vệ hàng hóa trong nước, thì ở VN, vấn đề này còn rất yếu, rất thiếu. Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA) cho biết, để chuẩn bị đối phó với làn sóng hàng ngoại tràn vào VN năm 2015, đầu năm nay, HAWA đã có văn bản đề nghị các cơ quan quản lý xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia cho đồ gỗ. “Đồ gỗ VN xuất khẩu, các nước yêu cầu phải chứng minh xuất xứ gỗ hợp pháp. Chúng ta phải đòi hỏi các nhà xuất khẩu nước ngoài làm điều đó khi nhập hàng vào VN. VN không phải là túi rác để hàng kém chất lượng nước ngoài vào một cách dễ dàng. Chúng ta cần phải tạo ra một hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường và người tiêu dùng”, ông Hạnh nói.
|
Chuyên gia kinh tế Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh: Vẫn còn nhiều cách để bảo vệ thị trường trong nước. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến công tác quản lý nhập khẩu, kiểm soát hàng hóa chặt chẽ hơn; tăng cường hàng rào kỹ thuật, vì khâu này hiện chúng ta đang làm không xuể, để có cơ sở hợp lý đối phó với hàng Trung Quốc. Hơn nữa, phải phát huy được tính tích cực của hoạt động biên mậu và kiểm soát hiệu quả hàng hóa vào VN bằng đường này.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc công bố tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa sẽ ngăn chặn được hàng kém chất lượng nhập khẩu vào nước ta nhưng đồng thời cũng sẽ tăng sức ép với DN trong nước. Hiện nay một bộ phận không nhỏ các sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật này. Thế nhưng điều đó không phải là cái cớ để cơ quan quản lý chậm trễ ban hành các tiêu chuẩn chất lượng. Điều quan trọng là bản thân DN cũng phải tự mình nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và cơ quan quản lý nhà nước cũng sớm nghiên cứu và rà soát lại các chính sách vĩ mô. Từ đó sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước đồng thời bảo vệ người tiêu dùng trước nạn hàng hóa kém chất lượng đang ngày càng vào nhiều.