»

Thứ năm, 31/10/2024, 10:19:31 AM (GMT+7)

Giảm chi tiêu để tăng lương

(09:04:55 AM 18/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Kinh tế khó khăn, Bộ Tài chính dự tính năm 2013 không tăng lương khiến nhiều chuyên gia, tổ chức lo ngại.

Các chuyên gia cho rằng lương đã có lộ trình, trách nhiệm của Bộ Tài chính là đảm bảo thu chi, nên nhiều ý kiến đề nghị cần giữ vững lộ trình để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. 

 

Chị Yến (thứ hai từ trái sang) ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết: “Với số tiền kiếm được gần 2 triệu đồng/tháng, tôi đã thật sự khó khăn cho việc chi tiêu trong gia đình với chồng làm phụ hồ và con đang tuổi ăn học” - Ảnh: THANH ĐẠM

 

Rất cần tăng lương

Bộ Tài chính cho biết dự kiến ngân sách năm 2013 sẽ không có đủ nguồn để có thể tăng lương trong năm 2013. Trước tính toán của bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Vũ Hồng Quang - phó ban chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động VN - nêu rõ: “Việc tăng lương về nguyên tắc phải thực hiện theo đúng quyết định và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương. Trong trường hợp Bộ Tài chính thấy thực tế tình hình kinh tế - xã hội có những thay đổi, cần điều chỉnh thì phải trình và xin ý kiến lại”.

 

Theo ông Vũ Hồng Quang, với lạm phát như hiện nay, việc đưa ra mức lương mới cho năm tới càng cần thiết để đảm bảo đời sống cán bộ, công chức cũng như người lao động.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - cũng cho rằng trong thời điểm đời sống đang khó khăn do kinh tế suy giảm, rất không nên tính chuyện dừng tăng lương để thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với người lao động.

 

Ông Dũng so sánh: tiền lương khu vực doanh nghiệp đã thấp, nhưng lương cho khu vực công chức còn thấp hơn, tiền lương tối thiểu mới được 1,05 triệu đồng/tháng. Cộng cả phụ cấp công vụ, tiền lương công chức vẫn không bằng tiền lương khu vực doanh nghiệp. Với tình hình như vậy, lẽ ra cần phải quan tâm hơn nữa đến việc cải cách tiền lương khu vực công chức.

 

Về dự tính dừng tăng lương của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết Hội nghị trung ương 5 vừa qua chưa thông qua đề án cải cách tiền lương do Chính phủ trình, nhưng vẫn kết luận tiếp tục điều chỉnh lương trong năm 2013 với nguyên tắc tiền lương tối thiểu phải đảm bảo dần tiếp cận nhu cầu tối thiểu của cán bộ, công chức.

 

Ông Dũng còn đặt câu hỏi: “Nếu năm 2014 tiếp tục khó khăn, thu ngân sách vẫn không như mong muốn thì sẽ lại tiếp tục ngừng tăng lương? Không thể như vậy được”. Theo ông Dũng, nếu cứ khó là lùi lộ trình tăng lương thì không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, mà còn tạo ra khoảng cách lớn dần giữa lương và thực tế nhu cầu cuộc sống. 

 

Công nhân Khu chế xuất Linh Trung (TP.HCM) lãnh lương qua máy ATM - Ảnh: Tiến Thành

 

Thúc đẩy sản xuất phát triển

Một số thành viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng Chính phủ nên tìm nguồn để tăng lương tối thiểu theo đúng lộ trình, chí ít là tăng một phần (từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,15 triệu thay vì 1,3 triệu như kế hoạch) hoặc có thể lùi thời điểm tăng (sang tháng 7, tháng 9-2013, không nhất thiết phải từ ngày 1-5).

 

“Tôi rất chia sẻ với những khó khăn trong việc thu và cân đối ngân sách. Trong giai đoạn khó khăn này, chắc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ai dám đòi hỏi phải thế này thế kia. Nhưng tôi cho rằng Chính phủ nên cố gắng tìm nguồn làm sao để thực hiện lộ trình lương cho tốt. Nếu tăng lương đúng lộ trình sẽ giúp giải quyết tình hình đỡ khó khăn hơn cho cán bộ, công chức, viên chức” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Bùi Đặng Dũng nói.

 

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách cũng nói vẫn có những khoản có thể tiết kiệm được để dành nguồn chi tăng lương như tiết kiệm chi phí hành chính, hội nghị, đặc biệt là giảm tổ chức các cuộc hội hè đình đám, nhất là việc kiểm soát chặt chẽ, tránh để thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công, rà soát để lùi thời điểm đầu tư một số dự án chưa thật sự cần thiết. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, tăng lương còn là một biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp vượt khó. “Trong điều kiện hiện nay, tăng lương cũng chính là một trong những biện pháp để kích thích tiêu dùng, giải quyết tình trạng hàng hóa tồn kho, thúc đẩy sản xuất phát triển” - ông Hiển nói.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Bùi Sĩ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - bày tỏ ý kiến đồng tình với việc tìm nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu đúng lộ trình. Ông Lợi cho rằng thực chất đây là thực hiện theo lộ trình cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công theo các kết luận Hội nghị trung ương 8 (khóa IX) và Hội nghị trung ương 6 (khóa X). 

 

“Tôi cho rằng theo quan điểm, định hướng về cải cách chính sách tiền lương tại kết luận của Hội nghị trung ương 5 (khóa XI) đã xác định điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương và điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp nhanh hơn để đến năm 2015 đạt mức nhu cầu tối thiểu. Theo tôi, Chính phủ cần tích cực cân đối từ các nguồn như tăng thu, tiết kiệm chi tiêu để điều chỉnh lương tối thiểu đúng với lộ trình, nhằm cải thiện đời sống cán bộ, công chức, để thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác” - ông Lợi phân tích. 

 

Tinh giản bộ máy

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, dù tăng lương, người lao động vẫn chưa được thêm khoản tiền đủ ý nghĩa. Muốn cải cách được thật sự tiền lương, cần tính đến chuyện cải cách, tinh giản bộ máy. Việc này khó nhưng không phải không làm được.

 

Ông Dũng cho rằng muốn có tiền để tăng lương thì phải tính tách khu vực sự nghiệp công cộng như giáo dục đào tạo, y tế... ra khỏi khu vực ăn theo ngân sách nhà nước. Bảo hiểm xã hội cũng cần phải tự trang trải được các khoản chi của mình. Cần tăng cường cải cách việc cung cấp dịch vụ công để giảm đối tượng ăn lương từ ngân sách. Đặc biệt, ông Nguyễn Hữu Dũng cảnh báo “hiện tượng” gần đây có xu hướng nở rộ việc các vụ chuyển thành cục, các cục chuyển thành tổng cục. Nếu “hiện tượng” diễn ra sẽ phải thêm bộ máy, thêm văn phòng, thêm trụ sở, lái xe, tiền lương, biên chế... Tất nhiên là thêm nhiều chi tiêu.

(Nguồn:Tuổi Trẻ)
Từ khóa liên quan: Giảm, chi tiêu, tăng lương
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Giảm chi tiêu để tăng lương

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học

Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học

(Tin Môi Trường) - Sáng ngày 10/10/2024, tại Trụ sở của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Hội thảo về “Kinh nghiệm đọc sách khoa học”. Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó chủ tịch thay mặt Hội đã đến dự và trình bày bài tham luận: KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG NHỮNG “VIÊN NGỌC” QUÝ THU ĐƯỢC KHI ĐỌC SÁCH KHOA HỌC – CÔNG NGHỆ TRONG THỜI ĐẠI CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI