»

Thứ năm, 21/11/2024, 20:37:42 PM (GMT+7)

TP.HCM giữa vòng vây biến đổi khí hậu

(10:10:27 AM 18/11/2021)
(Tin Môi Trường) - Tương lai của các siêu đô thị châu thổ châu Á, trong đó có TP.HCM, sẽ ra sao trước tác động của biến đổi khí hậu?
 TP.HCM:[-]Giữa[-]vòng[-]vây[-]biến[-]đổi[-]khí[-]hậu[-]
Vào mỗi mùa mưa, TP.HCM đều rơi vào cảnh lụt lội. Ảnh: laodong.con.vn
 
Hãy thử hình dung tương lai của những thành phố trù phú bên bờ sông, bờ biển này như Tokyo nằm bên sông Sumida, phía Đông Nam của đảo chính Honshu; Jakarta bên sông Ci Liwung, Tây Bắc đảo Java; Manila cạnh bờ biển phía Đông vịnh Manila và sông Pasig, sông Marikina chảy qua thành phố, chia cắt nó thành vùng phía Bắc và Nam; cuối cùng Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là nơi chứng kiến dòng Mekong đổ ra biển Đông - mái nhà của hơn 10 triệu con người sẽ như thế nào, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,10C như kịch bản mà các chuyên gia của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (ICPP) đưa ra. Điều này có thể hiểu được khi đặt vị trí địa lý của các siêu đô thị này vào kịch bản đó.
 
Biến đổi khí hậu (BĐKH) có một phạm vi ảnh hưởng quá rộng và vô cùng phức tạp với rất nhiều biểu hiện như hiện tượng ấm lên toàn cầu, nước biển dâng, băng tan, sự biến động về lượng mưa, tần suất bão, cường độ bão, giải phóng khí… nên khi đi tìm câu trả lời cho những vấn đề trên, một nhóm các nhà khoa học Việt Nam tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM và ĐH Tokyo, ĐH Công nghệ Tokyo, ĐH Waseda Nhật Bản đã quyết định “đóng khung” BĐKH ở các thành phố này với hai yếu tố, đó là nước biển dâng và sụt lún đất.
 
Các nhà khoa học cho rằng, cả nước biển dâng và sụt lún đều dẫn đến lụt lội, hiện tượng đang có nhiều tác động đến các siêu đô thị này. Nghiên cứu mới của họ “Future of Asian Deltaic Megacities under sea level rise and land subsidence: current adaptation pathways for Tokyo, Jakarta, Manila, and Ho Chi Minh City” (Tương lai của các siêu đô thị châu thổ châu Á dưới ảnh hưởng của nước biển dâng và sụt lún đất: các cách thích nghi hiện tại của Tokyo, Jakarta, Manila và TP.HCM) xuất bản trên tạp chí Current Opinion in Environmental Sustainability1 cho chúng ta thấy một bức tranh tương đối rõ nét về những gì sẽ đón chờ trong tương lai ở bốn thành phố.

Khi lợi thế đi kèm tai ương
 
Trong báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu: Phát triển khu vực ven biển Việt Nam – Cơ hội và rủi ro thiên tai” do World Bank công bố vào năm 2020, các tác giả đã đưa ra một nghịch lý “Tài nguyên dồi dào và vẻ đẹp tự nhiên của khu vực duyên hải là cơ hội phát triển kinh tế cho hơn 47 triệu cư dân các tỉnh ven biển…” nhưng “Đi kèm với vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển Việt Nam là các rủi ro…” như hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, lũ lụt, sạt lở bờ biển và “Các khu vực ven biển có môi trường phát triển năng động sẽ là tác nhân chính dẫn đến việc sạt lở bờ biển”2.
 
Có thể điều này cũng trùng hợp với hoàn cảnh của bốn siêu đô thị châu thổ Tokyo, Jakarta, Manila và TP.HCM bởi các hệ thống châu thổ châu Á đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của các hệ thống kinh tế - xã hội, khi đem lại nguồn nước tưới tiêu, nguồn phù sa màu mỡ cho trồng trọt chăn nuôi, hệ thống giao thông đường thủy linh hoạt để cuối cùng dẫn đến việc tạo dựng những thành phố lớn và đặt nó vào trung tâm của các mạng lưới thương mại hàng hải.
 
Hiện tại, tốc độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng mật độ dân số ở các siêu đô thị này đã đặt chúng vào những rủi ro mới, đó là nhu cầu về nước. Các siêu đô thị phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngầm khai thác, cả cho sinh hoạt lẫn sản xuất công nghiệp, do lượng nước mặt không đủ đáp ứng nhu cầu. Việc khai thác nước ngầm ảnh hưởng đến kết cấu đất và đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt lún đất – vốn liên quan chặt chẽ đến tình trạng nước biển dâng.
 

TP.HCM:[-]Giữa[-]vòng[-]vây[-]biến[-]đổi[-]khí[-]hậu[-]

Sụt lún do khai thác nước ngầm ở Jakarta là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cảnh lụt lội. Ảnh: Bangkokpost.
 
Tình trạng sụt lún đất diễn ra khá phổ biến ở các siêu đô thị, ví dụ như TP.HCM, Jakarta. Chưa cần đến BĐKH thì Jakarta đã nổi tiếng với danh hiệu thành phố sụt lún nhanh nhất thế giới. 40% diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển do cơn khát nước sạch của con người. Chưa đến một nửa dân số Jakarta được sử dụng nước máy nên người ta đua nhau khoan giếng, thông thường là khoan trộm. Cần nước để sống sót rút cục đã dẫn họ đến việc phải đối mặt với hiểm nguy mới. Hàng thập kỷ qua, tầng ngậm nước bên dưới thành phố đã cạn kiệt nước, dẫn đến sụt lún đất3.
 
Tương tự như vậy, TP.HCM, nơi cùng với Hà Nội chiếm 17% dân số Việt Nam2, cũng lâm vào tình trạng khai thác nước ngầm quá mức. Qua hội thảo “Sụt lún đất tại ĐBSCL”, do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ (Đức), vào tháng 11.2019, người ta mới biết là TP.HCM có khoảng 1.920 giếng, lưu lượng khai thác 520.000 m3/ngày (tổng lưu lượng khi thác ở ĐBSCL vào khoảng 1,97 triệu m3/ngày), chưa kể  còn khoảng trên một triệu giếng khai thác lẻ quy mô hộ gia đình, với lưu lượng khai thác khoảng 840.000 m3/ngày. Kết quả quan trắc thực hiện 10 năm qua của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho thấy, TP.HCM và ĐBSCL lún từ 0,1 đến 81 cm, nơi lún nhiều nhất là phường An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM) với 81cm4.
 
Nếu ảnh hưởng từ sụt lún đến rủi ro ngập lụt có thể thấy ở dạng nhãn tiền, nhất là khi các thành phố châu thổ châu Á cùng bước vào mùa mưa hằng năm, thì từ sụt lún đến mực nước biển dâng là câu chuyện dài hạn. TS. Lưu Quang Hưng, một nhà nghiên cứu về nước biển dâng tại Australia, từng nhận xét vào năm 2020 trên Tia Sáng rằng, nước biển dâng thường diễn ra một cách âm thầm và thường rất nhỏ, chỉ vài milimet mỗi năm. Do đó, rất khó nhận biết nó trực tiếp bằng mắt thường mà phải dựa trên đo đạc và quan trắc.
 
Dẫu sao, những thay đổi chậm chạp trong tương lai này sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại của các siêu đô thị châu thổ châu Á và đưa chúng vào danh sách những đô thị bị ảnh hưởng bậc nhất thế giới, nghiên cứu sinh Cao Vũ Quỳnh Anh và các tác giả của nghiên cứu về tương lai siêu đô thị châu thổ châu Á nhận định trong công bố của mình. Dẫu còn quá sớm để quan sát được các tác động của nước biển dâng lên những vùng duyên hải nhưng những kinh nghiệm rút ra từ thực tế cho thấy, khi nước biển dâng tăng thì tần suất và cường độ của các hiểm họa vùng duyên hải sẽ tăng theo.
 
“Việc lựa chọn các thành phố này là do chúng đã trải qua tình trạng sụt lún đất và theo nghĩa này thì sụt lún đất cũng có thể được dùng để thực hiện nghiên cứu về nước biển dâng trong tương lai”, các tác giả viết.

Những kế hoạch ứng phó
 
Các vấn đề của hiện tại buộc các thành phố có nhiều nguy cơ rủi ro của sụt lún đất và nước biển dâng phải nghĩ đến sự thích ứng trong tương lai của mình. Các lộ trình thích ứng liên quan trực tiếp đến chuỗi đo đạc và quan trắc liên tục của sụt lún, vốn đã được bốn thành phố này áp dụng nhưng trên thực tế, họ lại thường bỏ qua tác động kép của nước biển dâng và sụt lún đất. Do đó, Cao Vũ Quỳnh Anh và cộng sự đã đi tìm câu trả lời tương lai của các siêu đô thị này là gì khi chịu ảnh hưởng của tác động kép đó và phân tích những lộ trình thích ứng hiện tại cần thiết cho chúng.
 
TP.HCM:[-]Giữa[-]vòng[-]vây[-]biến[-]đổi[-]khí[-]hậu[-]
Chưa chắc đến năm 2025 có thể hoàn toàn xóa bỏ giếng khoan tại TPHCM. Nguồn: PLO.
 
Trong số bốn thành phố, Tokyo là nơi chuẩn bị tốt nhất. Nằm trên vùng đồng bằng chịu lũ của bốn con sông Arakawa, Edogawa, Nakagawa và Sumida, Tokyo đã xây dựng được một hệ thống đường thủy phức hợp để kiểm soát rủi ro về nước. Tình trạng ngập lụt do sụt lún đất (xuất phát từ việc khai thác nước ngọt quá mức vào những năm 1910 -1970) đã được vãn hồi bằng việc xây đê và tường chắn sóng (có nơi cao tới 5,1m) cùng với một hệ thống thoát nước rộng khắp, bao gồm đường dẫn nước, trạm bơm và cửa xả lũ.
 
Hiện tại, 1,6 triệu người đang sống dưới mực nước biển có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu các cấu trúc bảo vệ này bị vỡ, không có nơi trú nạn nào đủ cho số lượng người như vậy. Do đó, chính phủ đang thực hiện dự án xây siêu đê với việc xây các cấu trúc bê tông và đất có chiều rộng gấp 30 lần chiều cao, đưa khu vực cao nhất của nó thành một trung tâm sơ tán nếu bị lụt.
 
Trong khi đó, ở Jakarta, Manila, hay TP.HCM, tình trạng rắc rối hơn một chút trong ứng phó, về cả cách làm cộng đồng và chính quyền. Nếu xét về phía cộng đồng, dù cách biệt về khoảng cách địa lý, thì giải pháp của nhiều cư dân ở ba thành phố này lại hoàn toàn giống nhau khi ứng phó với lũ lụt như sắm máy bơm, nâng nền, tăng tầng cho nhà cửa của mình hoặc xây các bức tường bằng gạch, gỗ để ngăn nước lũ vào nhà.
 
Cách ứng phó của chính quyền đều ở các mức độ khác nhau. Tại Indonesia, một con đê đã được chính phủ xây vào đầu những năm 2000 và được gia cố, tăng thêm chiều cao định kỳ và cuối những năm 2021 là một con đê khác, hiện đại hơn. Nhưng về tương lai, tình trạng này còn xấu hơn bởi ngập lụt dự đoán ở Bắc Jakarta có thể mở rộng khoảng 110,5 km2 vào năm 2050, chủ yếu là do hậu quả của sụt lún.
 
Để phản hồi, một kế hoạch tổng thể mang tên Phát triển duyên hải tích hợp vốn quốc gia (NCICD) với sự tham gia của nhiều cơ quan Chính phủ Indonesia và Hà Lan khởi động vào năm 2014 không chỉ giải quyết vấn đề sụt lún mà còn hình thành Bức tường biển vĩ đại, một con đê vành đai ngoài khơi trị giá 40 tỷ USD. Tuy nhiên nhiều ý kiến chỉ trích là con đê cao ba mét này chỉ phù hợp với thách thức hiện tại và sẽ mất tác dụng vào năm 2040, trừ khi chặn đứng được sụt lún.
 
Vào tháng 4.2019, Tổng thống Indonesia đã loan báo thủ đô quốc gia này sẽ chuyển từ Jakarta tới Đông Kalimantan trên đảo Borneo. Sụt lún và lụt lội là hai trong số những nguyên nhân dẫn đến quyết định dời đô của chính phủ.
 
Ở Philippines, chính phủ cũng xây đê và bờ kè sông cùng với 21 đường dẫn nước lớn đi kèm với 21 trạm bơm, các kênh dẫn nước và một hồ trữ nước. Tuy chính phủ luôn nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa chính phủ và cộng đồng để giảm thiểu rủi ro nhưng chủ yếu họ áp dụng cách dựng các con đê, bức tường chắn sóng và coi đó là biểu tượng của phát triển.
 
Khuynh hướng dựa vào giải pháp kỹ thuật và chính sách tái định cư như chiến lược thích ứng của Philippines đã không tính đến độ phức tạp của đô thị hóa và thảm họa ngày nay, khiến việc áp dụng này như một cách để ‘xua đuổi’ người nghèo khỏi đô thị, ví dụ trường hợp 6.000 hộ bị dời chỗ đến vùng đất cao hơn nhưng thiếu các điều kiện sinh sống cơ bản, khiến nơi ở mới thành khu ổ chuột mới.
 
TP.HCM cũng không may mắn bởi phải chịu triều cường, lũ lụt nhiều lần trong năm, khi 65% diện tích thấp hơn mực nước biển 1,5 m và hằng tháng, triều cường cao khoảng 1,4 và 1,7 m. Nếu mực nước biển dâng là 2 mét thì 45% diện tích có thể bị ngập, trong đó 15,7% thuộc diện tích sản xuất công nghiệp (số liệu năm 2015. Hiện các chuyên gia coi nơi này là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất của nước biển dâng.
 
Chính quyền TP.HCM cũng theo đuổi các biện pháp thích ứng thông thường, một kế hoạch thoát nước do JICA tài trợ từ năm 2001 nhưng đến thời điểm công trình của Cao Quỳnh Anh và cộng sự kết thúc thì 50% kế hoạch mới hoàn tất. Bộ NN&PTNT đã đề xuất một kế hoạch kiểm soát lũ có tính đến nước biển dâng với mục tiêu đảm bảo sự an toàn cho 570 km2 vùng lõi đô thị (6,5 triệu người sinh sống), bao gồm xây các đê vành đai, cửa cắt lũ, và bơm kiểm sót mực nước nội đô. Như một cách tiếp cận ngắn hạn, nhiều con đường nội đô được nâng mặt đường để chống lũ, nhưng lại làm trầm trọng tình trạng ngập lụt ở khu vực xung quanh.
 
Các nhà nghiên cứu nhận xét, nhiều cư dân ở một số khu vực đã bị loại khỏi quá trình lên kế hoạch thích ứng và chính sách. Do mặt đường được nâng lên, nhiều lối vào các ngôi nhà xung quanh bị thấp xuống, khiến báo chí gọi là hiện tượng “đường cao hơn nhà”, ví dụ câu chuyện nâng đường Nguyễn Đức Cảnh. Thậm chí, tại một số khu vực, nhiều cư dân giàu có còn nâng nền sân, nhà của mình cao hơn với mặt đường, khiến cho cảnh quan trở nên lộn xộn.
 
Cách nào để thích ứng?
 
Trong tương lai, những gì diễn ra ở bốn siêu đô thị này có thể tái lặp ở rất nhiều thành phố ven biển khác, dưới tác động của mực nước biển dâng và sụt lún đất. Vì thế, những biện pháp thích ứng và lộ trình thích ứng của bốn thành phố này sẽ là bài học cho những người đến sau.
 
Nhìn vào giải pháp của cả bốn thành phố, người ta thấy chủ yếu là dựa vào hệ thống cơ sở hạ tầng với các kiến trúc cứng như đê, cửa cắt lũ, cửa triều, nâng đường..., vốn bộc lộ một số hạn chế là tốn kém về chi phí và không tận dụng được sức mạnh của cộng đồng.
 
Về dài hạn, trong kế hoạch của chính quyền phải hướng đến mục tiêu là đưa người dân vào quá trình làm chính sách để tránh xảy ra mâu thuẫn và tạo thêm các vấn dề có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các thành phố duyên hải.
 
Để tránh làm trầm trọng hơn tình trạng sụt lún đất do khai thác nước ngầm thì Jakarta, Manila, TP.HCM có thể học hỏi cách làm của Tokyo, đó là thực hiện một số quy định nghiêm ngặt về cấm khai thác nước ngầm và thành công ngay vào những năm 1970. Trong tương lai, ba thành phố này cần có nhiều chính sách hơn để có thể ngăn chặn tình trạng sụt lún, đặc biệt là với Jakarta.
 
Có vẻ như trên thực tế thì Jakarta và TP.HCM bắt đầu chương trình lấp giếng khoan từ một vài năm nay nhưng cần phải mất khá nhiều thời gian và tiền bạc mới đạt được hiệu quả - chi phí lấp giếng khoan tại TP.HCM vào khoảng 1,2 triệu đồng/giếng và chưa chắc đến năm 2025 có thể hoàn toàn xóa bỏ giếng khoan.
 
Đi kèm với việc vận động người dân bỏ giếng khoan sẽ phải là việc đảm bảo cung cấp nước sạch, tuy nhiên có một điểm chưa dễ giải quyết là ngay cả đơn vị cung cấp nước sạch ở đây là tổng công ty Sawaco vẫn còn khai thác nước ngầm – lộ trình họ cam kết là đến năm 2025 sẽ giảm lượng khai thác nước ngầm còn 1/3 so với hiện nay5.    
 
Đáng tiếc là hiện tại không có giải pháp nào là hoàn hảo. Tuy vượt trội so với ba thành phố còn lạ nhưng Tokyo – thành phố duy nhất trong số bốn siêu đô thị ngăn được sụt lún – hiện tại đang phải đối mặt với chi phí duy trì đắt đỏ các kiến trúc bê tông kiên số để ngăn ngừa tình trạng lão hóa. Bên cạnh đó, việc bảo vệ thành phố bằng các kiến trúc quy mô lớn như tường chắn sóng đã bị chỉ trích là tác động đến hệ sinh thái của vịnh, đồng thời việc làm đê cũng buộc nhiều cộng đồng phải di dời – chuyện xảy ra ở Manila còn dẫn đến việc hình thành khu ổ chuột mới.
 
Dẫu trong nghiên cứu này, các tác giả còn chưa đặt mục tiêu tìm đến các giải pháp “xanh” cho các thành phố châu thổ ven biển thì một số đồng nghiệp của họ ở trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Giao thông, ĐH Duy Tân, Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã nghĩ đến điều này. Tìm hiểu sự khác biệt giữa các giải pháp cứng và “xanh” đang áp dụng tại Việt Nam, họ phát hiện ra, các kiến trúc cứng mà các địa phương vẫn sử dụng như đê chắn sóng, bờ kè chỉ có tác dụng tức thời và không đạt được hiệu quả dài hạn như các “khiên chắn sinh học” – các khu rừng ngập mặn, các thảm cỏ biển và các rạn san hô ở gần bờ cùng các đầm lầy ven biển.
 
Do đó, họ đề xuất một cách tiếp cận mới là kết hợp các hệ sinh thái với với kiến trúc cứng để tạo ra hiệu quả trước mắt và dài hạn một cách hiệu quả và bền vững. Việc áp dụng các giải pháp xanh cũng cần tính đến đặc điểm địa lý và hệ sinh thái tại chỗ nhưng về lâu dài, ngoài làm sinh động cảnh quan và làm giảm tác động môi trường của các kiến trúc cứng, “khiên chắn sinh học” có thể đem lại những dịch vụ đáng giá, ví dụ như du lịch sinh thái.
 
THANH NHÀN
 
_______________
 
1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1877343521000361
 
2. https://openknowledge.worldbank.org/handle/10986/34639
 
3. https://news.mongabay.com/2020/04/a-watery-onslaught-from-sea-sky-and-land-in-the-worlds-fastest-sinking-city/
 
4. https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dbscl-tphcm-co-noi-sut-lun-81-cm-trong-10-nam-qua-1151143.html
 
5. https://tuoitre.vn/dat-lun-qua-tp-hcm-lap-100-000-gieng-khoan-20190628081400735.htm
(T/C Người Đô Thị)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: TP.HCM giữa vòng vây biến đổi khí hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024

(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI