Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Nóng bỏng cuộc chiến giữ rừng ở Sa Thầy
(14:24:26 PM 22/04/2015)Những bãi gỗ được lâm tặc tập kết giữa rừng để chờ đưa đi tiêu thụ - Ảnh: B.D.
Tuy nhiên rừng Nam Sa Thầy đang đứng trước nguy cơ xóa sổ. Cuộc chiến giữ rừng ở đây đang nóng bỏng với mức độ tàn phá của lâm tặc không chỉ “phá quy mô” mà còn chuyển qua “đánh du kích”.
Truy tìm lâm tặc
Từ trung tâm huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), chúng tôi đi dọc sông Sê San ngược lên các khu rừng nằm dọc biên giới Campuchia trên địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
Điểm nóng
Một lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum cho biết Nam Sa Thầy là huyện giáp ranh với biên giới Campuchia, khu vực này còn nhiều rừng nhưng do địa bàn tách biệt nên từ nhiều năm nay trở thành điểm nóng của tình trạng phá rừng, hoạt động tội phạm, đặc biệt các đối tượng lâm tặc hoạt động có tổ chức.
Trước tình hình này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu công an, kiểm lâm vào trực chiến trấn áp, bảo vệ rừng trước tình trạng bị tàn phá.
Ông Nguyễn Tấn Liêm, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, nói: “Hiện nay đội công tác Nam Sa Thầy đã rút, nhưng các lực lượng và người của địa phương vẫn trực để giữ rừng”.
Từ khi sông Sê San bị ngăn dòng tích nước làm thủy điện, hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh nằm phía bên kia bờ sông trở thành khu vực hoạt động nóng bỏng của lâm tặc.
Trung tá Từ Đình Huy, phụ trách đội công tác Nam Sa Thầy (Công an tỉnh Kon Tum), cho biết lợi dụng địa bàn hẻo lánh, rộng lớn và vắng bóng lực lượng giữ rừng, lâm tặc đưa cưa lên rừng cắt gỗ rồi luồn xuống sông kết bè về hạ nguồn như chốn không người.
Tuyến đường đi qua giữa khu rừng nguyên sinh nằm dọc bên sông Sê San dày đặc dấu lốp xe, mặt đường bị cày xới bởi các loại xe chở gỗ.
Sau khoảng hai giờ lội rừng, chúng tôi tới một điểm tập kết gỗ nằm giữa lưng chừng núi. Trong một khoảng đất rộng được lâm tặc chặt đốn dọn, hàng trăm khúc gỗ được xẻ vuông vức chất đống.
Những khúc gỗ quý như gáo, sao xanh, dổi... được xẻ thành hộp rộng 40-80cm, dài hàng chục mét chờ cơ hội đưa ra khỏi rừng. Một tuyến đường nhỏ cũng được phát dọn từ điểm tập kết gỗ chạy thẳng xuống bến gỗ nằm bên sông Sê San.
“Toàn bộ số gỗ này sẽ được kéo bằng máy xuống bến gỗ giấu dưới mặt nước, đợi lúc không có lực lượng tuần tra, lâm tặc kết bè chìm đưa về Ia Grai (tỉnh Gia Lai)” - một cán bộ quản lý bảo vệ rừng Nam Sa Thầy cho biết.
Để có thể tiếp cận các bãi gỗ và những cánh rừng nằm sâu phía trong rừng Nam Sa Thầy, lực lượng bảo vệ rừng phải đi xe máy luồn qua các cánh rừng rậm và lội bộ hàng giờ. Giữa ban ngày, đứng ở một ngọn núi dễ dàng nghe tiếng máy cưa gào xé trong rừng sâu, thỉnh thoảng những lùm cây lại bị dạt ra bởi thân gỗ lớn được lâm tặc cưa đổ.
“Chúng tôi giữ rừng không xuể, rừng rộng bao la, nhìn thấy lâm tặc ở đó nhưng để tới nơi có khi mất cả ngày” - một cán bộ nói với vẻ bất lực. Xuôi thuyền đi dọc sông Sê San, chúng tôi thấy hàng chục khoảng đất trống được mở ra nằm rải rác bên bờ sông.
Công an tỉnh Kon Tum cho biết tất cả bãi đất này đều là bãi gỗ mà lâm tặc dọn ra, từ giữa đêm đến rạng sáng các khu vực này huyên náo bởi tàu thuyền đến “ăn gỗ” theo sông về Gia Lai.
Trước tình trạng phá rừng ồ ạt, táo tợn, từ tháng 10-2014 UBND tỉnh Kon Tum triển khai một lực lượng hùng hậu gồm kiểm lâm cơ động, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông lẫn cảnh sát đặc nhiệm vào rừng Nam Sa Thầy.
Công an, kiểm lâm được vũ trang, mang xe chuyên dụng, súng đạn quần nát các tuyến đường vào rừng. Đêm đêm lính cơ động cải trang thành người dân ôm súng nằm ngủ tại rừng để canh lâm tặc. Các loại xe tải vào ra cửa rừng đều bị dừng lại kiểm soát kỹ càng.
Lâm tặc dùng xe máy độ chế để phá rừng theo kiểu “du kích” - Ảnh: B.D.
Hoạt động du kích
Trong khi phía nam của huyện Sa Thầy, cuộc chiến giữ rừng đang cam go với các nhóm lâm tặc “có tổ chức” thì ở các xã giáp ranh trung tâm huyện Sa Thầy, lâm tặc đánh lẻ cũng hoành hành khiến các lực lượng giữ rừng phải đuối sức. Để có thể vận chuyển gỗ trót lọt ra bên ngoài, lâm tặc ở đây tổ chức theo kiểu “du kích”.
Tại các xã Ia Xiêr, Ia Tăng, Ialy... hằng ngày lâm tặc tổ chức vận chuyển gỗ trên những xe máy được “độ chế” lại để chở gỗ cưa xẻ từ rừng.
Mỗi khúc gỗ như vậy nặng hàng tạ. Trên các tuyến đường dẫn từ bìa rừng đi qua các xã về huyện, thỉnh thoảng người dân lại hốt hoảng vì tiếng nẹt pô của những xe máy không biển số này.
Chúng lao đi vun vút bất chấp nguy hiểm. Một người dân bán nước trên tỉnh lộ từ xã Ia Xiêr về Sa Thầy nói: “Mỗi ngày có bốn, năm đợt lâm tặc đưa gỗ ra như thế. Mỗi lần xe qua là náo động, chúng tôi sống ở đây chứng kiến cảnh như thế cũng quen rồi mà ít khi thấy bóng dáng kiểm lâm”.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đi sâu hơn vào các khu vực rừng giáp ranh với dân. Tại đây các con đường phục vụ lấy gỗ được lâm tặc mở ra, những con dốc dựng đứng bị gỗ trượt mòn tạo thành lối đi. Một người dân cho biết không có một cây gỗ nào mà lâm tặc không thể chặt được.
Chặt xong chúng dùng máy tời kéo về bìa rừng, dùng cành cây, cỏ tranh phủ lên che giấu. Chờ đến thời điểm vắng bóng kiểm lâm, gỗ sẽ được đưa ra.
Cách phá rừng theo kiểu “đánh lẻ, chia nhỏ” như thế vừa tránh được sự truy đuổi của lực lượng giữ rừng, vừa không thể bị truy tố vì số lượng gỗ chở theo không đủ để cấu thành tội.
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Sa Thầy Trần Tân Văn lắc đầu ngao ngán cho biết: “Toàn bộ huyện chỉ có 35 kiểm lâm, 1/3 trong số này được tỉnh huy động để giữ rừng ở mạn phía Nam Sa Thầy, số nhân sự còn lại phải quản lý trên một diện tích quá lớn nên không xử lý hết.
“Vẫn biết rừng bị phá nhưng các lực lượng hỗ trợ giữ rừng như công an xã, dân quân... được hỗ trợ rất ít kinh phí nên họ không mặn mà. Lâm tặc ở đây gần như rành hết cán bộ kiểm lâm, nắm rõ hành vi của họ nên việc phá rừng chỉ là chuyện nhỏ”.
Cảnh sát cơ động tuần tra rừng dọc lòng hồ Sê San - Ảnh: B.D.
Thuê giang hồ, nghiện hút bảo kê để phá rừng
Công an tỉnh Kon Tum cho biết qua một thời gian triển khai lực lượng đặc nhiệm vào rừng Nam Sa Thầy, họ đã thu giữ gần 200m3 gỗ, phá dỡ lán trại, thu giữ nhiều vũ khí nóng, bắt giữ 13 đối tượng hủy hoại rừng, trong đó có những tay giang hồ cộm cán nghiện ma túy nặng được đầu nậu thuê vào bảo kê để phục vụ chặt phá rừng.
Cảnh sát cơ động Công an Kon Tum phá hủy một lán trại của lâm tặc dựng giữa rừng - Ảnh: B.D.
“Quá trình điều tra chúng tôi xác định sở dĩ rừng Nam Sa Thầy bị tàn phá một phần là do được bảo kê, nhiều đối tượng cộm cán, nghiện ma túy được các đầu nậu đứng sau giật dây trả tiền để thuê vào rừng đốn gỗ về bán với giá rẻ mạt. Các đối tượng này sẵn sàng hành hung lực lượng giữ rừng” - trung tá Từ Đình Huy cho biết.
Còn theo trung tá Duy Mạnh Hùng - phụ trách đội đặc nhiệm Nam Sa Thầy, từ khi hai trạm chốt được dựng lên ở hai cửa ra vào rừng, tình hình phá rừng lắng dịu hẳn. Ngay khi tung quân vào rừng, các cuộc tập kích bất ngờ đã được triển khai.
Hàng chục lán trại được dựng lên giữa rừng bị phát hiện, nhiều đối tượng lâm tặc xăm trổ đầy mình, trong đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy được công an áp giải về lấy lời khai. Công an cũng phát hiện hàng chục bãi gỗ tập kết giữa rừng.
Nhiều tháng trực chiến giữ rừng, càn quét các bến gỗ dọc sông Sê San, cuối năm 2014 lực lượng trấn áp Công an Kon Tum được lệnh rút về.
Tuy nhiên chỉ sau hai tuần rút về, tình hình phá rừng ở Nam Sa Thầy lại náo nhiệt. Lâm tặc đưa xe, cưa lốc vào rừng dựng lán nên Công an Kon Tum quyết định đưa quân trở lại.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.