Trao đổi - Phản biện » Xã hội
Cạn nồi cơm người săn bạch tuộc
(16:41:56 PM 09/06/2013)Chị Nguyễn Thị Thu Hà (ở ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, Cần Giờ) khoe con bạch tuộc mới bắt được. Một ngày cả gia đình chị đi bắt nhiều lắm chỉ được khoảng 2kg - Ảnh: Thuận Thắng
Số bạch tuộc được ước tính 1 tỉ đồng nhưng nỗi cơ cực của hàng trăm dân chài đã dầm sương dãi nắng để bắt chừng đó bạch tuộc thì không ai đong đếm được.
Chúng tôi ngược về Cần Giờ (TP.HCM) mười ngày sau vụ bạch tuộc Cần Giờ bị bắt giữ ở Hải Dương, khi những tranh cãi đúng sai vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Nhưng len lỏi vào tắc Bài, tắc Cua, tắc Rỗi... - nơi những dân chài đang bám mặt vào từng gốc đước, gốc mắm bắt bạch tuộc mưu sinh, có một điều rất thật đang phơi bày: những con bạch tuộc bị tiêu hủy oan uổng đã làm cạn đi nồi cơm của hàng trăm hộ dân chài Cần Giờ.
Trằn lưng dưới tán rừng
Ông HUỲNH CÁCH MẠNG (chủ tịch UBND huyện Cần Giờ):
Hàng trăm dân nghèo bị thiệt hại
Sau khi 2 tấn bạch tuộc của người dân Cần Giờ bị tiêu hủy, chúng tôi đã yêu cầu Công an huyện Cần Giờ đến địa bàn nắm tình hình và xác định 17 chủ hàng đứng tên chỉ là người đại diện cho từng nhóm người dân, không phải là thương lái thu gom bạch tuộc. Do đó có đến hàng trăm hộ dân bị thiệt hại trực tiếp khi 2 tấn bạch tuộc phải tiêu hủy. Những người đánh bắt bạch tuộc ở Cần Giờ đa số đều nghèo nên gần 1 tỉ đồng của lô hàng bạch tuộc là một số tiền rất lớn. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ vụ việc để giúp những người dân nghèo đánh bắt bạch tuộc bù đắp được thiệt hại. |
Anh Trần Văn Đông (ở thị trấn Cần Thạnh), người lái ghe đưa chúng tôi vào rừng, nói mỗi ngày vùng Cần Giờ chỉ bắt được vài trăm ký bạch tuộc. Đã lâu lắm mới có nhiều bạch tuộc như con nước rằm tháng tư vừa rồi. Nhưng cuối cùng, chuyến hàng bạch tuộc lớn nhất trong mấy năm đã không mang về một đồng nào cho dân chài. “2 tấn bạch tuộc do 17 người đứng tên cho hơn 400 chiếc ghe đánh bắt trong mấy ngày. Có thức luôn đêm nay mấy ông cũng không gặp được hết nạn nhân đâu” - anh Đông kể.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là gia đình anh Nguyễn Thanh Tuấn, từ Gò Công Đông (Tiền Giang) lưu lạc tới rừng Cần Giờ bắt bạch tuộc. Mặc cái nắng trưa bỏng rát tràn qua rừng đổ xuống sông Thạnh Thới, anh Tuấn cùng vợ và đứa con 4 tuổi vẫn trằn lưng giong xuồng thu từng chiếc rập bắt bạch tuộc. Ba người, ba bộ quần áo ướt nhẹp, những bàn tay ngâm nước sình lầy quá lâu đã nhăn nheo, tái nhợt. Nhưng thi thoảng nhìn thấy trong rập có một con bạch tuộc, cả nhà lại khẽ reo lên, chị vợ vội vàng lấy chiếc bình nước loại 20 lít đục lỗ sẵn, hé miệng bình cho chồng thả vào. Đặt rập từ khuya, 60 cái dài sệt hết một mé rừng nhưng tới chiều mới bắt được hơn mười con bạch tuộc, cỡ gần 1kg. Nhớ lại những con bạch tuộc đã bị đổ bỏ ngoài Hải Dương, anh Tuấn gằm mặt: “Con nước đó bạch tuộc vô gấp đôi ngày thường, tới hơn 2kg. Tưởng là có tiền mua dầu rái trét ghe nhưng ai ngờ gặp ách giữa đường”.
Cách xuồng của anh Tuấn một khúc sông, chị Nguyễn Thị Thu Hà (35 tuổi, ở xã Long Hòa) cũng thả 60 chiếc rập từ sáng sớm trên dòng sông Thạnh Thới và đến chiều chỉ bắt được loe ngoe chục con bạch tuộc nhỏ. Chị Hà cho biết mỗi cái rập tự mua lưới về đan mất 300.000 đồng, đầu tư cả dàn rập với chiếc ghe ít lắm phải trên 30 triệu đồng. Còn ai không lo nổi tiền mua rập thì dùng đèn soi đi suốt đêm trong rừng mới mong có nổi một ký bạch tuộc.
Neo chiếc ghe lại mé rừng, tiếp tục theo anh em ông Nguyễn Văn Sáng (52 tuổi) lội sình thu rập mới càng thấu nỗi chua chát của nghề bắt bạch tuộc. Vừa dợm chân khỏi xuồng, bùn đã lún tới gối, mảnh hàu cứa vào bắp chân rớm máu, muỗi và bù hong cứ ùa ra cắn không kịp gãi. Nhưng 90 cái rập chỉ thu về hơn 1kg bạch tuộc. Với những người bắt bạch tuộc như ông Sáng thì bất kể ngày dài đêm thâu, nước lớn, nước ròng lúc nào là phải trầm mình xuống bùn thả rập. Càng về chiều câu chuyện với những dân chài cứ dài ra theo nỗi cơ cực, những uất ức về những con bạch tuộc đã bị tiêu hủy. Nhưng ông Sáng nói nỗi niềm ấy chắc rồi cũng đành thả theo con nước. “Tụi tui ít chữ nghĩa, quanh năm ở bìa rừng nên nhờ họ hàng đứng tên giùm mấy con bạch tuộc. Thôi chờ con nước khác, chớ ai biết tên mình mà kêu” - ông Sáng trầm ngâm thay cho cả mấy trăm dân chài.
Nỗi đời lam lũ
Anh Nguyễn Thanh Hùng (ở ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa) - một nạn nhân của vụ thu giữ bạch tuộc - phân trần về sự cơ cực và bấp bênh của nghề săn bạch tuộc - Ảnh: Thuận Thắng
Những con bạch tuộc được đánh bắt với bao nỗi đời lam lũ của dân chài. Cái lam lũ len cả vào chuyện mua bán, đưa con bạch tuộc từ xứ sở bùn lầy lên bàn tiệc ở chốn thị thành. Trong phần ký tên xác nhận số lượng bạch tuộc của 17 chủ hàng đại diện cho lô hàng bạch tuộc, ngoài chữ ký nguệch ngoạc còn có cả những dấu vân tay điểm chỉ. Chất phác đến mức từng thùng bạch tuộc cứ được những người dân chân bùn nứt nẻ chở từ Cần Giờ lên sân bay, có người nhận cân, chuyển đi, rồi hai ba bữa ngoài Bắc gửi vô tiền hàng, đem về chia đều cho từng chủ ghe. Gần mười năm nay, mỗi ngày xuất mấy trăm triệu đồng tiền bạch tuộc qua đường hàng không ra Hà Nội, Hải Phòng nhưng chưa ai cầm tờ biên lai nào.
Anh Trần Văn Đông, một trong 17 chủ hàng ở thị trấn Cần Thạnh, cho biết nhờ nắm được kỹ thuật gây mê cho bạch tuộc, anh được hơn 30 gia đình trong dòng họ tin tưởng giao phó cho việc đứng tên hàng chuyển ra Bắc. Những chiếc ghe thả rập bạch tuộc đều ở sâu trong rừng ngập mặn, mỗi ngày anh Đông lại cho ghe vào thu gom bạch tuộc và về gây mê đóng thùng xốp, chuyển lên sân bay. Anh Đông nói 17 người được gọi là chủ hàng và hàng trăm chủ ghe đánh bắt bạch tuộc đều không biết giá bạch tuộc bán được bao nhiêu. Tùy vào thị trường miền Bắc, đầu mối thu mua sẽ báo lại giá và gửi tiền khi đã bán hết số bạch tuộc. Từ đó, những người thu gom như anh mới trừ chi phí xăng, nước đá, chuyển tiền cho từng dân chài và được trả công vài ngàn đồng tiền công trên mỗi ký bạch tuộc.
Ông Bảy Nam (Trần Văn Nam), ở xã Tam Thôn Hiệp, người đã đứng tên chủ hàng 223kg bạch tuộc trong lô hàng bị tiêu hủy, nói đã gần mười năm nay, với cách làm ăn ấy chưa dân chài nào đánh mất sự chất phác để nghi ngờ một đồng hao hụt. Bởi vậy khi 2 tấn bạch tuộc bị bắt giữ, những xóm chài ở Cần Giờ như chết đứng. “Phía sau mỗi chữ ký nguệch ngoạc, những dấu vân tay thô ráp của 17 chủ hàng là mồ hôi của cả trăm dân chài đã thấm khắp ngả rừng ngập mặn” - ông Nam nói. Còn bà Trương Thị Khánh, người đứng tên chủ hàng trên 78kg bạch tuộc, nói chỉ riêng tiền công đóng thùng, mua nước đá, tiền vận chuyển... đã hết 70.000 đồng trên mỗi ký bạch tuộc. Mất trắng gần 1 tỉ tiền bạch tuộc, dân chài Cần Giờ còn phải gánh nợ thêm 140 triệu đồng tiền đóng gói, vận chuyển cho 2 tấn bạch tuộc bị tiêu hủy. “Bị bắt chuyến này, dân chài nhiều người cụt vốn. Lần sau nếu lại bị bắt nữa, bạch tuộc lại chết thì bà con biết sống ra sao?” - bà Khánh nói.
Những con bạch tuộc Cần Giờ đã bị tiêu hủy đâu đó ngoài Hải Dương xa lắc, lý lẽ ngắn ngủn trong tờ biên bản lạnh lùng. Nhưng câu chuyện về nỗi ấm ức, những dòng mồ hôi thấm dài các ngả rừng đuổi theo con bạch tuộc có biên bản nào đủ dài để ghi lại?
Cứu tinh giữa đường
Chỉ 12 giờ sau khi lô hàng bạch tuộc bị bắt giữ, chín người dân chài Cần Giờ đã kịp đáp máy bay có mặt ở Hải Dương. Nhiều người không biết vì sao những dân chài cả đời quanh quẩn trong rừng ngập mặn, thoắt cái đã mua vé máy bay lên đường nói chuyện lẽ phải. Phía sau câu chuyện ấy là tấm lòng của bà Nguyễn Thị Phỉ, một người đang hoạt động trong ngành thủy sản, tình cờ nghe được chuyện của dân chài Cần Giờ và đứng ra hỗ trợ toàn bộ. Bà Phỉ nói tin về bạch tuộc Cần Giờ bị kiểm dịch ở Hải Dương bà nhận được từ một người bạn ở Cần Giờ lúc nửa đêm. Nghe chuyện xong không ngủ được, bà xin số điện thoại bà con để tư vấn ngay trong đêm, và rạng sáng hôm sau quyết định xuất tiền túi mua 10 vé máy bay, cùng chín dân chài ra Hải Dương để làm việc.
Về TP.HCM, suốt tuần qua bà Phỉ đã lên xuống Cần Giờ đi tìm gặp tất cả 17 đại diện lô hàng bạch tuộc để tìm hiểu cặn kẽ số bạch tuộc của từng chủ hàng, sau đó liên hệ với Vietnam Airlines xin lại toàn bộ vận đơn của 2.135kg bạch tuộc để đối chiếu. Theo ủy quyền của 17 chủ hàng bạch tuộc ở Cần Giờ, ngày 6-6 bà Phỉ đã đại diện gửi đơn lên Bộ Công an đề nghị làm rõ vụ việc. |
Tiêu hủy
Ngày 8-6, Công an tỉnh Hải Dương cho biết đã tiêu hủy lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc từ chiều 4-6. Việc tiêu hủy được giao cho Phòng cảnh sát môi trường phối hợp cùng Công ty TNHH Trường Giang (nơi lưu giữ xe hàng) thực hiện. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Phạm Văn Loan, phó giám đốc phụ trách Công an tỉnh Hải Dương, nói: “Vì lô hàng đã phân hủy, hư hỏng nặng gây ô nhiễm môi trường nên trước mắt việc quan trọng là phải tiêu hủy ngay để không ảnh hưởng đến môi trường. Sau này làm rõ được các vấn đề, xác định được các chủ hàng, chúng tôi sẽ yêu cầu họ hoàn trả tiền tiêu hủy”. |
Diễn biến vụ việc
* 23g ngày 27-5, tài xế xe tải Nguyễn Quang Hưng chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống của 40 hộ dân Cần Giờ (TP.HCM) từ sân bay Nội Bài đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ. Đến thị xã Chí Linh (Hải Dương) thì bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, giao xe hàng cho Phòng cảnh sát môi trường với lý do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy kiểm dịch.
* Sáng 28-5, gần chục hộ dân đã bay từ TP.HCM ra Bắc để giải quyết và cho rằng công an giữ lô hàng là không đúng các quy định của pháp luật.
* Chiều 29-5, đại diện của các chủ hàng ở TP.HCM đã đến trụ sở Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương bắt đền lô hàng bạch tuộc tươi sống hơn 2 tấn, trị giá gần 1 tỉ đồng.
* Ngày 2-6, ông Nguyễn Trọng Thái, phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hải Dương, cho biết đoàn liên ngành đã kết luận việc công an môi trường tỉnh mời ông Nguyễn Quang Hưng chở hơn 2 tấn bạch tuộc về cơ quan để xác minh nguồn gốc hàng, kiểm tra xem lô hàng có giấy kiểm dịch chưa là hoàn toàn đúng.
* Chiều 4-6, trả lời báo chí, ông Đỗ Huy Long - phó phòng thanh tra, pháp chế Cục Thú y Bộ NN&PTNT - cho biết: “Nếu là sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được. Cục Thú y đã liên hệ với Chi cục Thú y TP.HCM, thời điểm hiện tại TP.HCM, cụ thể là tại huyện Cần Giờ, không có dịch bệnh trên bạch tuộc”. |
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
- Cảnh báo việc lợi dụng bão số 3 đăng thông tin không đúng sự thật
- Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ một chặng đường
- Từ 1/8, đất không giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ thế nào?
- Cuộc thi “Future Blue Innovation 2024” - Sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với môi trường
- Làm công viên ở TP.HCM, cả nhà nước và tư nhân đều chậm
- Campuchia đào kênh Funan Techo sẽ đảo lộn hệ sinh thái miền Tây
- Ninh Bình sẽ có thành phố Hoa Lư - "Đô thị di sản thiên niên kỷ"
- Nên hiểu thế nào về ”gạo cứu đói dịp Tết”?
Bài viết mới:
- Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (19/01/2025)
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.