»

Thứ bảy, 18/01/2025, 08:01:27 AM (GMT+7)

Báo động chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ

(09:33:08 AM 10/11/2021)
(Tin Môi Trường) - Dù diện tích rừng tăng, nhưng khu rừng ngập mặn trồng 43 tuổi lớn nhất Việt Nam (*) này đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng suy giảm "sức khỏe". Chất lượng cây và môi trường rừng kém đi, đã có những mảng cây rừng bị chết từ bên trong lõi...

Vừa qua phà Bình Khánh, chỉ cách huyện Nhà Bè bên kia là con sông Soài Rạp, nhưng chúng tôi đã bỏ lại phía sau cảnh xe cộ ngột ngạt, người và khói bụi. Càng đi sâu về phía trung tâm huyện Cần Giờ không khí càng trong lành bởi con đường Rừng Sác đâm xuyên thẳng qua vùng lõi rừng ngập mặn Cần Giờ để hướng ra biển.

 

Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ

Rừng ngập mặn và đường Rừng Sác nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Quân
 
Trong tổng gần 311.000 ha rừng ngập mặn còn lại của Việt Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ là khu rừng duy nhất phục hồi từ hậu quả của chiến tranh chất độc hóa học. 
 
Được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, trong chiến tranh Việt Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ đã gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi hơn 1 triệu gallons các hóa chất diệt cỏ, chất độc da cam. Hơn một nửa diện tích rừng bị chết. Những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt biến thành một vùng hoang hóa, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề.
 
“Sau 1975, đa số còn lại chỉ là cây bụi cao 1 - 2m hoặc đất trống. Đứng sâu trong đất liền cũng có thể nhìn thấy rõ tàu thuyền đi lại từ biển vào cảng Sài Gòn.”, PGS-TS. Viên Ngọc Nam, Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhà khoa học gắn bó với công cuộc phục hồi rừng ngập mặn Cần Giờ ngay từ những ngày đầu, nhớ lại.
 
Rừng ngập mặn bị thu hẹp?
 
Hiện chiếm tới 97% tổng diện tích rừng TP.HCM và là rừng ngập mặn duy nhất của thành phố, rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ là lá chắn cho thành phố trước gió bão mà còn là "lá phổi" cho con người. Khu rừng cũng được ví như là “quả thận” lọc nước và chống xói lở bờ biển bảo vệ thành phố.
 
Phân tích dữ liệu từ Clark Labs, Đại học Clark cho thấy, diện tích rừng ngập mặn (land cover) ở Cần Giờ tăng lên trong 20 năm qua. Từ năm 1999 - 2018, TP.HCM đã tăng 8.450 ha rừng ngập mặn, và là tỉnh thành có mức tăng rừng ngập mặn cao thứ hai Việt Nam. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]GiờMade with
Flourish
 
 
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi những thay đổi trong khu vực rừng ngập mặn. Ba loại đất chính được lập bản đồ gồm rừng ngập mặn, đất ngập nước ven biển và nuôi trồng thủy sản trong ao. 
 
Tuy nhiên, từ năm 2014 - 2018, Clark cho thấy Cần Giờ đã bị giảm 2.300 ha rừng ngập mặn. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ

Made with Flourish
Xu hướng diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ bị giảm trong những năm gần đây cũng được tìm thấy từ dữ liệu trên Global Forest Watch(**). Từ năm 2016 - 2020, độ che phủ diện tích rừng Cần Giờ bị mất (tree cover loss) đã tăng lên hàng năm, cao nhất là năm 2020. 
 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Made with Flourish
Độ che phủ diện tích rừng được tính theo Global Forest Watch là tất cả các thảm thực vật có chiều cao lớn hơn 5 mét, có thể là rừng tự nhiên hoặc rừng trồng với độ che phủ tán cây (canopy cover) từ 30% trở lên. Độ che phủ diện tích rừng bị mất có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như phá rừng, cháy rừng, sâu bệnh, bão, khai thác gỗ bằng máy móc. 
 
Theo Global Forest Watch, trong vòng 20 năm qua, Cần Giờ đã bị mất tới 144 ha độ che phủ diện tích rừng, tương đương diện tích của 269 sân bóng đá. Đây thực sự là một con số rất lớn, nhất là khi theo báo cáo của cơ quan chức năng TP.HCM, diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ tăng hằng năm do rừng đã được trồng thêm những năm qua.  
 
Trao đổi với chúng tôi về số liệu rừng ngập mặn Cần Giờ từ Global Forest Watch, ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM, khẳng định: rừng phòng hộ Cần Giờ được bảo vệ rất tốt, chỉ tăng chứ không giảm. Thống kê của Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ tăng từ hơn 24.000 ha kể từ khi kết thúc chiến tranh năm 1975 lên hơn 32.000 ha, trong đó rừng trồng là hơn 23.000 ha.
 
Theo ông Quế, 20 năm qua, nếu diện tích rừng bị mất thì chỉ có thể là do có một số dự án đầu tư được xây dựng trong rừng, hoặc là diện tích nằm trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM từ chối cung cấp bản đồ thể hiện vùng ranh rừng phòng hộ Cần Giờ. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Vùng nuôi tôm tự nhiên trong rừng ngập mặn Cần Giờ. Ảnh: Lê Quân
 
Rà soát dữ liệu từ Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, từ năm 2001 - 2018, đã có gần 158 ha rừng phòng hộ Cần Giờ nhường chỗ cho 21 dự án đầu tư trong rừng, như đường Rừng Sác, đường truyền tải điện 110KV An Nghĩa - Cần Giờ, ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM, trạm quản lý đường sông Duyên Hải, trung tâm dã ngoại thanh thiếu niên thành phố...      
 
Ghi nhận thực tế cũng cho thấy trong khoảng 20 năm trở lại đây, người dân đã chặt bỏ hàng loạt thảm cây ngập mặn tái sinh hoặc dừa nước trên đất nông nghiệp để làm ao nuôi tôm, thủy sản. Từ khoảng năm 2017, người dân có xu hướng san lấp nhiều ao nuôi trồng thủy sản để bán nền. Giá đất ở khu vực này đã nhảy vọt từ khoảng 200 triệu đồng/100 m2 lên tới cả tỷ đồng/100 m2 sau thông tin chính quyền thành phố sẽ xây cầu Bình Khánh và dự án đô thị lấn biển Cần Giờ.
 
TS. Trương Văn Vinh, Phó trưởng khoa Lâm Nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, cho biết người dân được phép chặt dừa nước nằm trên đất mình sở hữu làm ao nuôi trồng thủy sản, và điều này chấp nhận được. Tuy nhiên ông lưu ý, dừa nước là một hệ sinh thái có đặc thù riêng, có khả năng chống sạt lở đường bờ rất tốt.   
 
Báo động chất lượng rừng
 
Trong tình trạng trên, mối đe dọa lớn nhất với rừng ngập mặn Cần Giờ hiện tại có vẻ không phải vì quá ít cây mà là quá nhiều cây; một dấu hiệu cảnh báo cho việc bảo vệ rừng đang quá phụ thuộc vào một loài và thiếu kỹ thuật lâm sinh cần thiết. 
 
Việc giải đoán hình ảnh vệ tinh và khảo sát thực địa của nhiều nhà khoa học các năm qua cho thấy đã có nhiều mảng cây trong rừng ngập mặn Cần Giờ bị chết. PGS-TS. Viên Ngọc Nam nhận định: “Nguyên nhân có thể vì cây rừng có mật độ quá dày nhưng đã không được tỉa thưa, gây tình trạng cây bị suy thoái, sâu bệnh, hoặc chết. Cây cao không cân đối cũng dễ ngã đổ khi bị sét đánh”. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Cây rừng ngập mặn Cần Giờ do mật độ dày nên sinh trưởng kém, còi cọc, cong vẹo, sâu bệnh phát triển. Ảnh: Trương Văn Vinh
 
Sau 43 năm khôi phục lại hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng ngập mặn Cần Giờ chủ yếu là rừng trồng thuần loài, với loài cây chính là đước (Rhizophora apiculata) chiếm 97% tổng diện tích rừng trồng. 
 
“Mục đích trồng rừng đầu tiên ở Cần Giờ là phủ xanh nhanh trên diện tích đã bị huỷ hoại trong chiến tranh, Đước được trồng ở những nơi có thể sống. Sau này mới chuyển qua trồng một số loài như dà vôi, cóc trắng, vẹt tách, đưng, mấm, bần trắng… nhằm đa dạng loài”, PGS-TS. Viên Ngọc Nam giải thích nguyên nhân trồng rừng thuần loài.
 
Dữ liệu 20 năm qua cho thấy mặc dù việc cấm tỉa thưa rừng ngập mặn Cần Giờ có thể đã góp phần tăng diện tích rừng nhưng lại gây nguy hại tới sức khỏe khu rừng.
 
Tuy nhiên, chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ đang bị suy giảm. Điều này đã được các nhà khoa học gióng lên hơn chục năm qua, sau khi UBND TP.HCM “đột ngột” ban hành quyết định số 3172/QĐ-UB-CNN cấm tỉa thưa rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 1999. Một nghiên cứu đánh giá chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ vào năm 2009 của nhóm tác giả Phạm Thế Dũng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ cho thấy: chất lượng rừng và môi trường nước dưới rừng đã suy giảm qua nhiều chỉ số. 
 
Sau 10 năm không tỉa thưa, nghiên cứu đánh giá dinh dưỡng mùn, đạm, lân còn khá cao trong đất và có thể đảm bảo cho sinh trưởng của cây. Tuy nhiên, sự lưu thông thoát thủy đã kém đi. Thành phần đất, cát ở nhiều nơi trong rừng, lẫn hàm lượng mùn (do quá trình phân hủy của thảm mục tích tụ dài ngày) đều đã vượt ngưỡng cho phép và còn khả năng tăng cao trong tương lai.
 
Ngoài ra, không gian sống của cây rừng đã quá nhỏ, mật độ cây trồng dày đặc dẫn đến tình trạng sâu bệnh tăng dần theo tuổi, cao nhất ở cây 30 năm tuổi, gấp 6 lần cây 10 năm tuổi, khiến cây đổ ngã và ảnh hưởng đến sinh trưởng của rừng. 
 

Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ

Chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ đang bị suy giảm. Ảnh: Trương Văn Vinh
 
Một nghiên cứu khác, của nhóm tác giả PGS-TS. Viên Ngọc Nam công bố từ năm 2014, so sánh rừng chưa tỉa thưa với khu vực thử nghiệm đã tỉa thưa ở Cần Giờ chứng minh được rằng: sau hai lần tỉa thưa, rừng ngập mặn Cần Giờ hấp thụ CO2 nhiều gần gấp đôi so với rừng chưa được tỉa thưa, ở mọi độ tuổi. Cây cũng mạnh khỏe với tán lớn hơn so với trước khi tỉa thưa.
 
Ông Lâm Tùng Quế xác nhận hiện nay cây rừng phát triển rất kém, thân cây còi cọc, cong vẹo, dễ sâu bệnh,... Việc chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy những cây ở bìa rừng thường có tán rộng, có khi lên tới 20m2, bộ rễ phát triển rất đẹp, người có thể lên đứng. Nhưng đi vào trong rừng, cũng cây cùng năm trồng thì bộ rễ không phát triển mà thẳng băng, tán nhỏ vì không có không gian phát triển.
 
Dữ liệu 20 năm qua cho thấy mặc dù việc cấm tỉa thưa rừng ngập mặn Cần Giờ có thể đã góp phần tăng diện tích rừng nhưng lại gây nguy hại tới sức khỏe khu rừng.
 
“Chúng tôi sống nhờ vào rừng ngập mặn”
 
Con người có thể sống hòa thuận với rừng ngập mặn. PGS-TS. Viên Ngọc Nam cho biết, Khu Bảo tồn rừng ngập mặn Matang, Malaysia là rừng trồng nhưng vẫn được khai thác gỗ để hầm than và trồng lại trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa môi trường, kinh tế và xã hội. Malaysia đã thực hiện cả trăm năm nay và rất hiệu quả. Nếu không khai thác, cây cũng sẽ chết và lãng phí lượng gỗ khá lớn.
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
 Một mảng cây rừng ngập mặn bị chết. Ảnh: Lê Quỳnh
 
Báo cáo của nhóm tác giả Huỳnh Đức Hoàn, Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ, cho thấy rừng ngập mặn Cần Giờ có đầy đủ dịch vụ sinh thái của một rừng ngập mặn, không chỉ cung cấp lương thực, vật liệu thô, trữ lượng gỗ, nước ngọt, dược liệu mà còn có các chức năng lọc nước, điều hòa khí hậu, chống xói lở, hỗ trợ môi trường sống các loài, đa dạng nguồn gen...
 
“Chúng ta đang bỏ phí một nguồn nguyên liệu quý từ cây dược liệu trong rừng ngập mặn Cần Giờ”, TS. Lê Xuân Thuyên, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhận định. Gần đây, Viện nghiên cứu và phát triển Dược liệu của Đại học Nam Cần Thơ đã nghiên cứu thành công một sản phẩm hỗ trợ bảo vệ gan từ cây ô rô (Acanthus ilicifolius).
 
Những giá trị từ hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đã và đang nuôi sống nhiều người dân Cần Giờ hàng chục năm qua. Báo cáo từ Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, chỉ tính riêng giá trị thu hoạch rừng dừa nước trưởng thành của rừng ngập mặn đã khoảng 158 tỷ đồng/năm.
 
Con số này tương đương với tổng thu nhập của khoảng 3.650 người dân Cần Giờ tính theo mức thu nhập bình quân năm 2020 (42,75 triệu đồng/người/năm), gần bằng 1/20 dân số toàn huyện Cần Giờ.   
 
“Chúng tôi sống nhờ vào rừng ngập mặn. Tôi đã làm nghề rừng hơn 20 chục năm nay”, anh Nguyễn Trường Hòa, ấp Ba Nghĩa (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ), cho biết.
 
“Nghề rừng” của anh Hòa là ban ngày vào rừng chặt quả hoặc lá dừa nước, đào bắt cua, rộp, ốc, đêm đi soi nha (ba khía), giăng lưới bắt cá,... Không có đất sản xuất, học không cao, Hòa cho biết cuộc sống của anh và 70% người dân ở ấp anh chỉ biết dựa vào rừng. Thu nhập mỗi tháng của anh Hòa khoảng 8 - 9 triệu đồng, nuôi cả gia đình gồm hai đứa con đang học tiểu học và vợ nội trợ.
 
Giật gấu vá vai. Anh Hòa đã bắt đầu nghĩ muốn lên bờ làm nhưng không có vốn. Người đàn ông này đang hi vọng kênh youtube Cuộc sống Cần Giờ do mình tự làm có thể là một lối ra. Nhưng khó và lo. Không chỉ vì phổi Hòa đã yếu đi vì long nước nhiều, mà còn vì lượng thủy hải sản ngày một cạn. Theo anh Hòa, so với 10 năm trước, lượng thủy hải sản đã giảm từ 50 - 70%. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Anh Nguyễn Trường Hòa sống nhờ vào rừng và bằng nghề rừng. Ảnh: CTV
 
Nghề nuôi tôm cá tự nhiên trong rừng ngập mặn Cần Giờ của người dân cũng ngày một thất bát. Ông Nguyễn Văn Thẳng sống nhờ rừng bằng nghề nuôi tôm cá tự nhiên đã hơn 20 năm. Từ các con rạch tự nhiên trong rừng, ông Thẳng khoanh đắp bờ bao xung quanh để giữ nước, tạo môi trường tự nhiên cho các loài tôm, cá sinh (thả vào) sống và phát triển.
 
Tuy nhiên, theo năm tháng, tôm lớn lên dễ bị bệnh hơn, kéo theo mất mùa. Với tổng 6 ha đầm nước nằm giữa bốn bề là rừng, nếu cách đây 10 năm, ông Thẳng mỗi lần thu hoạch có thể được tới vài ba tấn tôm thì nay chỉ còn khoảng 300-400 kg tôm; chưa kể cá, cua, ốc bắt thêm. Được đền bù giải tỏa khỏi rừng, hoặc hướng dẫn cách nuôi trồng mới phù hợp hơn trong rừng, đó là mong mỏi của ông nhiều năm nay.  
 
Nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, nguyên nhân không chỉ vì có nhiều người vào rừng kiếm sống và phương tiện đánh bắt “hiện đại” hơn. Nguồn nước bị ô nhiễm cũng là một trong những nghi vấn lớn nhất qua quan sát của người dân ở đây. 
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Chỉ tính riêng giá trị thu hoạch rừng dừa nước trưởng thành của rừng ngập mặn đã khoảng 158 tỷ đồng/năm. Ảnh: CTV
 
Thống kê, cứ 10 người thì có 4 người dân huyện Cần Giờ làm nghề nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, nông nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập mặn và biển. Chỉ tính trong phạm vi rừng phòng hộ Cần Giờ bao gồm diện tích mặt nước sông rạch, năm 2020 có gần 1.000 hộ dân nuôi trồng sản xuất, chủ yếu qua các nghề nuôi thủy sản tự nhiên trong đầm ao, làm muối, nuôi hàu và đóng đáy. Chưa kể lượng người dân tự do ra vào rừng đánh bắt thủy hải sản tự nhiên và các tài nguyên khác trong rừng, không chỉ là người dân Cần Giờ mà còn ở các tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An,...).
 
Làm sao để người dân địa phương được hưởng lợi nhiều nhất từ những giá trị của rừng ngập mặn Cần Giờ, trong đó gồm các giá trị sinh thái và văn hóa mà khu rừng này mang lại? Tiền không lẽ chỉ đổ vào túi của các công ty tư nhân xuống Cần Giờ làm du lịch? Du lịch homestay là một gợi ý của các chuyên gia nhiều năm qua. Điều này giúp người dân gắn bó và ý thức bảo vệ rừng hơn.
 
Chiến lược đảo ngược thiệt hại với rừng ngập mặn vấp phải sự hoài nghi
 
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng cần chiến lược khôi phục chất rừng ngập mặn Cần Giờ tích cực hơn. 
 
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, cho biết Sở đã tổng hợp báo cáo vấn đề tỉa thưa rừng ngập mặn Cần Giờ nhưng đến nay UBND thành phố chưa có ý kiến chính thức.
 
Ngoài ra, Sở đang xây dựng Quy chế quản lý và phát triển rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, trong đó có vấn đề tỉa thưa để tham mưu cho UBND thành phố. Điều này sẽ giúp quản lý và bảo vệ chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ tốt hơn trong tương lai.
 
Báo[-]động[-]chất[-]lượng[-]rừng[-]ngập[-]mặn[-]Cần[-]Giờ
Sông Lòng Tàu là khu vực có nhiều tàu thuyền đi lại, rừng ngập mặn Cần Giờ giúp khu vực này giảm bớt tình trạng sạt lở. Tuy nhiên chất lượng rừng đang suy giảm. Hình ảnh cho thấy cây rừng ngập mặn dọc sông Lòng Tàu có mật độ quá dày, cây còi cọc, cong vẹo,... Ảnh: Trương Văn Vinh
 
PGS-TS. Viên Ngọc Nam cho rằng phần diện tích rừng ngập mặn tự nhiên Cần Giờ hiện nay đã đa dạng loài, là rừng tự nhiên nên có sẵn cơ chế tự cân bằng nên không cần bất kỳ tác động nào vào. Tuy nhiên, hơn 23.000 ha rừng trồng hiện nay đã 43 tuổi, quá tuổi thành thục (21 tuổi) nên chất lượng rừng đã bị suy thoái. Vì vậy, việc tỉa thưa rừng không còn phù hợp nữa.
 
Thay vào đó, nên khai thác toàn bộ diện tích rừng trồng này với một tỷ lệ an toàn và kỹ thuật thích hợp, lần lượt, và trồng lại đa dạng loài cây thích hợp với lập địa cụ thể và sinh thái của từng loài.
 
Quyết định số 4533/QĐ-BNN/KHCN năm 2002, và sau là quyết định số 5365/QĐ-BNN-TCLN năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có quy định tỉa thưa với rừng đước trồng thuần loài. Tìm hiểu của chúng tôi, một kết quả của Thanh tra TP.HCM về quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ Cần Giờ vào tháng 9.2019 đã kết luận: ban quản lý rừng đã không tỉa thưa để đảm bảo mật độ cây theo quy định, đồng thời chưa thực hiện nghiên cứu về tuổi lão hóa của các loài cây đặc trưng để có kế hoạch đảm bảo phủ độ xanh, chất lượng rừng và phát triển bền vững. 
 
Chưa thấy phản hồi từ UBND TP.HCM về lý do tại sao cấm tỉa thưa rừng ngập mặn Cần Giờ từ năm 1999.
 
Rừng ngập mặn Cần Giờ có vai trò đặc biệt quan trọng với TP.HCM và khu vực, đặc biệt trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cần Giờ lại là vùng đất yếu, nguy cơ sẽ còn tiếp tục bị lún. Hiện nay khuynh hướng trên Biển Đông đã xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và xuống phía Nam nhiều hơn. Dự báo trong tương lai, có thể những cơn bão lớn có ảnh hưởng trực tiếp lên khu vực TP.HCM nói chung và Cần Giờ nói riêng, sẽ tăng cả về số lượng, mức độ và cường độ. 
 
“Nếu sức khỏe rừng ngập mặn không còn, toàn bộ hệ sinh thái vùng sẽ bị đứt gãy, tác động tiêu cực. Để phục hồi lại được phải cần một thời gian rất dài”, PGS-TS. Viên Ngọc Nam cảnh báo.

Lê Quỳnh

(Bài viết được hỗ trợ bởi Mekong Data Journalism Fellowship do Internews' Earth Journalism Network và East-West Center phối hợp tổ chức)
 
______________
 
(*) Cà Mau là tỉnh có tổng diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước nhưng rừng ngập mặn nằm phân tán ở nhiều huyện khác nhau. Tính theo diện tích liền khoảnh, rừng ngập mặn Cần Giờ lớn nhất cả nước.  
 
(**) Global Forest Watch là một nền tảng trực tuyến cung cấp dữ liệu và công cụ để giám sát diện tích rừng đang thay đổi trên toàn thế giới. Nền tảng này là sáng kiến của Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute), các đối tác bao gồm Google, USAID, Đại học Maryland, Esri, Vizzuality, và nhiều tổ chức học thuật, phi lợi nhuận, công và tư khác.
(T/c Người Đô Thị)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Báo động chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
Tin Môi Trường
 Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

Thanh Hóa: Nước sông Mã bất ngờ đổi màu đen kịt

(Tin Môi Trường) - Sông Mã qua địa bàn huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đổi màu đen kịt như sông Tô Lịch; hàng tấn cá lồng chết la liệt, nhiều người dân xót xa tháo dỡ lồng bè.

VACNE 30 năm
 Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

Ninh Thuận: Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam

(Tin Môi Trường) - “Phát triển công nghệ tiền xử lý rác thải phù hợp với địa phương Việt Nam” là một hợp phần thuộc "Dự án hỗ trợ thực nghiệm hóa công nghệ xanh tại nước ngoài năm 2024” trong khuôn khổ “Chương trình Giải pháp môi trường dẫn lối tương lai” của Viện Công nghệ Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) - Bộ Môi trường Hàn Quốc. Công ty Cổ phần Kỹ thuật Tổng hợp Taesung – Hàn Quốc được KEITI lựa chọn là đơn vị thực hiện.

Hội BVTN&MT Việt Nam
 Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Việt Nam và Đan Mạch hợp tác thúc đẩy các nỗ lực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Tin Môi Trường) - Bộ Công Thương Việt Nam mới đây đã ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn lập Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2020-2025 (Kế hoạch TKNL cấp tỉnh). Bộ tài liệu hướng dẫn này được soạn thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch, sẽ giúp cho toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam thống kê việc sử dụng năng lượng và xây dựng kế hoạch hành động của địa phương nhằm triển khai các hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI