»

Thứ hai, 25/11/2024, 03:07:58 AM (GMT+7)

Ứng phó tại tâm điểm hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

(08:13:31 AM 18/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Có mặt tại Đồng bằng sông Cửu Long (Miền Tây Nam Bộ) trong tháng 3 này, mới thấy rõ sự khốc liệt của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nơi đây. Vì vậy, các số liệu về diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, số dân thiếu nước sạch sinh hoạt, độ mặn gia tăng và lấn sâu vào nội địa…thay đổi từng ngày và gia tăng đến chóng mặt. Cho dù cả hệ thống chính trị từ Trung ương và địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt để ứng phó, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chỉ rất khiêm tốn.

Ứng[-]phó[-]tại[-]tâm[-]điểm[-]hạn[-]mặn[-]Đồng[-]bằng[-]sông[-]Cửu[-]Long

Chỉ có trời mới hiểu nỗi lòng người dân lúc này -Ảnh: VNN


* "Bó tay” trước hạn mặn

Có thể khẳng định như vậy trước thực tế đã và đang diễn ra gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh giáp biển-tâm điểm của hạn mặn lịch sử như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau…Bởi những cánh đồng bát ngát phì nhiêu rộng hàng trăm nghìn ha đã trở thành “vùng đất chết”. Vì nếu không bạc phếch, khô nẻ vì thiếu nước thì cũng bị nước mặn xâm nhập làm cho cây lúa chết dần chết mòn. Ngay cả thành phố Cần Thơ cách biển hơn 80km cũng đã phải báo động vì nước biển đang tiến sâu vào sông Hậu.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, vụ lúa Đông Xuân 2015- 2016 nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được hơn 1,5 triệu ha, trong số này có khoảng 340.000 ha có nguy cơ bị hạn và xâm nhập mặn. Trong đó có 104.000ha bị ảnh hưởng nặng, tập trung ở 8 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang. Đối với cây ăn trái tại Vĩnh Long, Hậu Giang và Sóc Trăng, nước mặn cũng đe dọa nhiều diện tích với độ mặn có nơi trên 3‰. Bên cạnh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, ở một số thành phố như Bến Tre, Trà Vinh, Rạch Giá, Vị Thanh còn có nguy cơ thiếu nước ngọt trong sinh hoạt.

Đơn cử tại vùng thâm canh lúa của xã Linh Hội Thượng thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, những ruộng lúa đang vào thì trổ bông bị mặn xâm nhập trở nên vàng vọt rồi chết rũ. Ông Thạch Chung là nông dân ở đây cho biết: Cơ quan chuyên môn của thị xã đã cảnh báo về xâm nhập mặn có thể xảy ra, nhưng không ai nghĩ độ mặn lại cao đến 22,8g/l nên hầu hết diện tích lúa Đông Xuân của xã mất trắng. “Trâu bò còn không uống được thì cây lúa chịu sao thấu”-ông Chung thở dài nói.

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Lê Minh Luân: 13 tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long đều có Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp, nhân sự phần lớn kiêm nhiệm, cộng với sự gia tăng của biến đổi khí hậu vượt xa dự báo cũng như Kịch bản hiện có. Do đó công tác ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn đều thiếu chủ động, không lường hết được sự khốc liệt, nên mọi giải pháp thực hiện còn mang tính tình thế dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Qua tìm hiểu việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015 của tỉnh Kiên Giang cho thấy, địa phương đã từng bước hình thành nhận thức chung của các cấp chính quyền và người dân về biến đổi khí hậu; thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải thiện môi trường, phát triển kinh tế. Nhưng báo cáo tổng kết Chương trình này của UBND tỉnh thừa nhận là “Một số địa phương, đơn vị và phần lớn người dân vẫn chưa có đủ năng lực để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nhất là thiệt hại trong nông nghiệp và tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn vẫn còn tồn tại ở một số nơi”.

Được ông Nguyễn Thanh Nhanh, Trưởng phòng Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng dẫn đi “mục sở thị” tại điểm sạt lở tại cống 16 đoạn K41 và K43 thuộc tuyến đê biển dài 53km trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, càng thấy ảnh hưởng của triều cường ngày một khốc liệt.

Từ tháng 9/2015 đến nay nước biển liên tục dâng cao thành nhiều đợt, đợt sau dữ dội hơn đợt trước, tàn phá toàn bộ cánh rừng ngập mặn phía trước, gây xói lở nghiêm trọng gần 500m đê biển. Đây là tuyến đê nằm ở vị trí xung yếu, có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng và an sinh xã hội tại địa phương thuộc ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải. Do đó, tỉnh ưu tiên đầu tư 15 tỷ đồng để khôi phục lại.

“Nhưng nếu không sớm cứng hóa toàn bộ tuyến đê biển này và trồng lại rừng phòng hộ, khi thủy triều lên nhanh kết hợp với gió lớn sẽ gây hậu quả khó lường. Bên cạnh đoạn đê vỡ, tuyến đê Vĩnh Châu còn nhiều điểm sạt lở đang ăn mòn chân đê, có thể làm vỡ đê bất cứ lúc nào khi triều cường dâng cao trong những ngày tới’, ông Nhanh lo lắng nói.

 

Ứng[-]phó[-]tại[-]tâm[-]điểm[-]hạn[-]mặn[-]Đồng[-]bằng[-]sông[-]Cửu[-]Long

Người dân tỉnh Kiên Giang đã cải tạo đất để chờ mưa xuống tái sản xuất -Ảnh: VNN


* Nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước

Các nhà khoa học cho rằng, bảo vệ tài nguyên nước trở thành khâu quan trọng hàng đầu trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là với đặc điểm tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long có gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3-4 tháng mỗi năm.

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết: Nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long được cung cấp từ 2 nguồn, đó là sông Mê Công và nước mưa. Riêng lượng nước bình quân hàng năm của sông Mê Công chảy qua vùng đất này hơn 460 tỷ m3, đồng thời vận chuyển khoảng 120-200 triệu tấn phù sa làm nên sự màu mỡ và tạo ra Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Về mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, sông Mê Công là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long. Còn lượng mưa trong mùa mưa dao động từ 1.300mm-2.400mm. Nên chế độ thủy văn nơi này có 3 đặc điểm rõ nét: Nước ngọt và lũ lụt vào mùa mưa; nước mặn vào mùa khô thuộc vùng ven biển; nước chua phèn vào mùa mưa ở vùng đất phèn. Đáng lưu ý là trữ lượng nước ngầm không lớn, sản lượng khai thác chỉ ở mức 1 triệu m3/ngày đêm.

Chính vì đặc điểm đó, nên việc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đang trở thành nhiệm vụ hàng đầu trước những diễn biến phức tạp, khó lường do biến đổi khí hậu gây ra. Việc các nước đầu nguồn sông Mê Công xây dựng hàng loạt các đập thủy điện, hồ chứa nước làm suy giảm đáng kể nguồn nước và lượng phù sa chảy về Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng trên thực tế việc sử dụng tài nguyên nước còn tùy tiện, hệ thống thủy lợi của các địa phương cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất. Tình trạng lãng phí nước vào mùa mưa, thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô vẫn là “điệp khúc buồn” của 13 tỉnh, thành phố Miền Tây Nam Bộ.

Tổng hợp của Chi cục Bảo vệ môi trường các tỉnh đã chứng minh nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm tại Đồng bằng sông Cửu Long đang hiện hữu. Cụ thể là trung bình hàng năm cả vùng sử dụng tới 2 triệu tấn phân bón hóa học và gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với 700.000ha nuôi trồng thủy sản thải các chất thải sau thu hoạch ra các sông, kinh, rạch, ước tính gần 460 triệu m3 bùn thải và các chất thải khác, hầu hết chưa qua xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là hàng trăm khu công nghiệp và cụm sản xuất công nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản; các đô thị và khu dân cư thải ra lượng nước thải khổng lồ chưa được xử lý triệt để đổ ra môi trường, không những làm suy giảm chất lượng nguồn nước, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và gây nên các dịch bệnh tràn lan cho nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, việc chuyển dịch nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven bờ, kể cả các vùng ngọt hóa góp phần làm cho tình trạng xâm nhập mặn càng nặng nề hơn. Việc khoan giếng lấy nước ngầm để sản xuất và sinh hoạt thiếu kiểm soát gây suy kiệt nhanh nguồn nước ngầm ít ỏi nơi đây, vô tình tạo điều kiện cho xâm nhập mặn tràn vào.

Chỉ tính đến trung tuần tháng 3, ước tính có gần 1 triệu dân các tỉnh Miền Tây Nam Bộ thiếu nước sinh hoạt, mà nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn gây nên. Đến thời điểm này hầu hết các tỉnh đều yêu cầu Chính phủ khẩn cấp hỗ trợ vốn để kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, các công trình phục vụ dân sinh nhằm ứng phó với hạn mặn với tổng kinh phí lên tới 90.000 tỷ đồng. Riêng tỉnh Bạc Liêu xin hỗ trợ 170 tỉ đồng để nạo vét 179 kênh cấp II, cấp III, vượt cấp; 422 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống thủy lợi thuộc chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và 20 tỷ đồng để hoàn thiện kè Gành Hào đã bị sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua. Còn tỉnh Sóc Trăng cần hỗ trợ trên 500 tỷ đồng để hoàn thiện tuyến đê ven biển và một số hệ thống phân ranh mặn - ngọt huyện Long Phú, Trần Đề…

VĂN HÀO -THẮNG TRUNG
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Ứng phó tại tâm điểm hạn mặn Đồng bằng sông Cửu Long

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI