Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Siêu dự án thép ở Ninh Thuận: Bỗng dưng vào quy hoạch (!?)
(09:19:28 AM 13/09/2016)
Khu vực cầu cảng Thương Diêm (xã Phước Diêm, Thuận Nam, Ninh Thuận) nằm trong khu vực “quy hoạch” của dự án thép Hoa Sen - Cà Ná - Ảnh: TRUNG TÂN
Quy trình bổ sung dự án này vào quy hoạch cũng khá “đặc biệt”, diễn ra ngay trước thời điểm Chính phủ yêu cầu xây dựng lại quy hoạch ngành thép hơn nửa tháng, dù trong hàng loạt quy hoạch được duyệt trước đó hoàn toàn không có tên Ninh Thuận nằm trong danh mục có các dự án thép.
Không có tên nhưng vẫn vào quy hoạch
Ngày 7-9, Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về quy hoạch của ngành thép (được quy hoạch năm 2013, giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025), trong đó yêu cầu đánh giá lại cung cầu thép ở VN, hạn chế đầu tư các sản phẩm đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho giai đoạn 2025 có xét đến năm 2035 trên cơ sở xem xét tình hình sản xuất ở khu vực và thế giới...
Theo tìm hiểu, trong danh mục các dự án đầu tư ngành thép VN giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 ban hành kèm theo quyết định 694/2013 của Bộ Công thương về quy hoạch ngành thép, có tên 20 nhà máy được xây dựng giai đoạn 2007-2012 và 44 dự án đầu tư mới đến 2020-2025. Ninh Thuận không hề có tên trong danh sách này. Thay vào đó, các dự án sản xuất thép được quy hoạch ở vùng duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và một số dự án tại miền núi phía Bắc.
Thế nhưng trước đó, vào ngày 25-8, hai ngày trước khi diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận, dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” với công suất 16 triệu tấn/năm đã được Bộ Công thương ký quyết định bổ sung vào “quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020, xét đến 2025”!
Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 cũng do bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt ngày 22-8, Ninh Thuận không có tên trong danh sách các địa phương sản xuất thép.
Theo đó, nhà máy luyện cán thép (lĩnh vực mà Hoa Sen - Cà Ná sẽ đầu tư) được quy hoạch tại... Đà Nẵng! Một thành viên tham gia dự án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang trong giai đoạn thẩm định và phê duyệt, khẳng định trong quy hoạch này cũng không nhắc đến dự án gang thép nào. “Đây là quy hoạch chi tiết, cụ thể hóa quy hoạch kinh tế - xã hội, sẽ cân đối tất cả các vấn đề liên quan đến điện, nước, dân cư, lao động... nhưng cũng không hề xuất hiện một quy hoạch chi tiết về gang thép cho vùng này” - vị này khẳng định.
Đúng quy trình?
Trả lời vì sao dự án Hoa Sen - Cà Ná được đưa vào quy hoạch ngành dù không được cơ quan thẩm định xem xét phù hợp với quy hoạch vùng đã đưa ra trước đó, ông Trương Thanh Hoài, vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), khẳng định việc đưa dự án thép này vào quy hoạch là đúng quy trình (?). Theo ông Hoài, “thép là sản phẩm thuộc quy hoạch “mềm”, chỉ mang tính định hướng, gắn với thị trường và điều chỉnh theo thị trường”, việc đưa vào quy hoạch thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.
Theo ông Hoài, nếu làm quy hoạch tổng thể một lần đối với ngành, phải xin ý kiến các bộ ngành và địa phương liên quan. Tuy nhiên, với những điều chỉnh “cục bộ” trong nội bộ ngành, “không cần xin ý kiến bộ ngành và Bộ Công thương sẽ phê duyệt”. Cũng theo ông Hoài, khâu quy hoạch “không thể nghiên cứu kỹ hiệu quả kinh tế đầu tư, nên chỉ đánh giá tiềm năng ban đầu như có cảng nước sâu, có khả năng kết nối vùng kinh tế Đông Nam bộ và nhu cầu ngành thép vùng lớn”.
Ngoài ra, ông Hoài cho rằng quy hoạch vùng chỉ mang tính... định hướng. “Vì quy hoạch vùng là nhiệm vụ khác, có từ năm 2014-2015. Hơn nữa, lúc đó chưa có nhà đầu tư, nhưng giờ nhà đầu tư đã có rồi thì quy hoạch vào những điểm tiềm năng. Dự án thép bao giờ cũng phải chọn cảng, nên không chờ tỉnh trình lên thì đầu năm 2015 Bộ Công thương đã ban hành quyết định điều chỉnh ngành thép, trong đó có tính chuyện đưa Cà Ná quay trở lại do trước đó đã có rồi”.
Tuy nhiên, khi được hỏi dự án thép của Cà Ná sẽ sản xuất những loại sản phẩm thép nào, ông Hoài cho biết “cơ quan quản lý nhà nước chưa khẳng định được”, bởi Bộ Công thương chưa nhận được hồ sơ dự án tiền khả thi, chưa thể biết Hoa Sen sản xuất sản phẩm gì. Tuy nhiên theo ông Hoài, về nguyên tắc sẽ hạn chế thép xây dựng, nhưng do đây là quy hoạch “mềm” nên doanh nghiệp có quyền điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, chứ không thể bắt làm theo quy định!
“Trong giai đoạn thiết kế cơ sở sẽ đánh giá kỹ hơn, liên quan đến suất đầu tư, thị trường, hiệu quả kinh tế mới quyết định các sản phẩm là làm bao nhiêu. Còn hiện phải lập dự án để biết mất bao nhiêu tiền mới tính toán hiệu quả, từ đó tính toán làm sản phẩm gì, cảng biển có phải vét nhiều hay không, đê chắn sóng xây cao hay không? Dự án đang ở phía trước hết nên chưa thể vội vàng” - ông Hoài nói.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt ngày 22-7-2011, địa phương này được xác định sẽ tập trung ưu tiên 6 nhóm ngành gồm: năng lượng, du lịch, nông, lâm, thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành dịch vụ là giáo dục - đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Riêng với công nghiệp, dù định hướng là “phát triển ngành theo hướng công nghiệp sạch, tập trung vào công nghiệp chế biến”, nhưng trong quy hoạch được phê duyệt vẫn có nội dung “kêu gọi đầu tư dự án sản xuất thép tại Dốc Hầm - Cà Ná, quy mô 14,5 triệu tấn/năm gắn với cảng hàng hóa, quy mô bốc dỡ hàng hóa 15 triệu tấn/năm”.
Tuy nhiên, sau khi dự án thép 10 tỉ USD do liên doanh giữa Tập đoàn Vinashin và Lion Group (Malaysia) làm chủ đầu tư bị Thủ tướng rút phép vào năm 2011, Bộ Công thương cũng đã loại Ninh Thuận ra khỏi quy hoạch về ngành thép. Bằng chứng là, như đã đề cập ở trên, trong quy hoạch ngành thép vào năm 2013, Ninh Thuận không có tên.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
- Ý nghĩa của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
- TS NGUYỄN NGỌC SINH, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: “Hướng tới cộng đồng, chung sức cùng cộng đồng”
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.