Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Rừng mất tích, cao su "khóc" chờ tin Bộ trưởng Nông nghiệp
(13:02:01 PM 18/11/2013)Vấn đề này được đặt ra trong câu hỏi của Đại biểu Trương Văn Vở, tỉnh Đồng Nai gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị cho biết lộ trình, giải pháp cụ thể và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào nhằm xử lý kiên quyết theo quy định pháp luật và khắc phục có hiệu quả tình hình nêu trên?
Nước mắt vàng trắng đã rơi
Người nông dân này đã khóc khi thẫy vườn cao su gãy rạp vì bão
Theo Đại biểu Trương Văn Vở, việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang trồng cây cao su là nỗi bức xúc trong nhân dân. Vì hiện nay, đã có trên 900.000 ha rừng tự nhiên được nhường đất cho cây cao su (vượt 100.000 ha so với quy hoạch đến năm 2020 được duyệt theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ).
“Hơn nữa, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng cây cao su trái pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra, diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc nhưng đến nay vẫn chậm được kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật”, ông Vở nêu trong câu hỏi.
Đây đúng là một thực tế đau lòng đã xảy ra. Từ việc cơ quan quản lý không nghe khuyến cáo của các nhà khoa học, bất chấp việc không phù hợp thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đã cho trồng ồ ạt ở miền Trung, Tây Bắc, Tây Nguyên dẫn đến nhiều nơi cao su bị chết trắng do quá lạnh.
Còn tại miền Trung, nam Trung bộ – nơi được xem là thường xuyên có sự “viếng thăm” của các dạng thời tiết cực đoan như bão, lũ khiến cao su không thể thích nghi nhưng nhiều tỉnh vẫn lao theo cao su.
Minh chứng cho điều này là hai trận bão số 10 và số 11 vừa qua liên tiếp đã giáng xuống đầu người dân trồng cao su ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam khiến họ trắng tay, nợ nần chồng chất vì bao nhiêu tiền dành dụm đều đổ hết cây cao su.
Còn tại Tây Bắc, giới khoa học cũng nhiều lần cảnh báo về sự không tương thích khi trồng cao su ở độ cao, thời tiết lạnh, song ông Phùng Giang Hải, Phó trưởng phòng nghiên cứu Chiến lược và Chính sách - Viện nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) lại cho rằng: "Quyền quyết định là doanh nghiệp và Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT không có quyền can thiệp".
Theo khuyến cáo, cây cao su sẽ thích nghi và phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình từ 25-30 độ, lượng mưa 1500mm, bão gió dưới cấp 8. Đặc biệt vùng núi phía bắc thì tránh sương muối.
“Nhưng hiện nay, cũng do tín hiệu thị trường quá lớn nhiều tỉnh có mong muốn đẩy biên độ rộng >600m độ cao, >30 độ độ dốc. Song quan điểm của Bộ NN&PTNT vẫn đang rất thận trọng để tránh những hậu quả có thể xảy ra.Theo tôi được biết, hiện các tỉnh người dân cũng đang có mong muốn được chuyển đổi để trồng cao su nhưng địa phương còn đang rất lúng túng vì lo ngại rủi ro”, ông Hải nói.
Nói là tín hiệu thị trường nhưng thực tế hiện nay thế giới đang chê cao su của Việt Nam và việc cố tình trồng khiến bão lũ, trời lạnh… làm cao su chết hàng loạt cùng với những giọt nước mắt của người dân cho thấy sự mong đợi giải pháp của bộ trưởng kỳ này nhiều lắm.
Thủy điện phá rừng, Quỹ phát triển rừng… rỗng
Nhiều hệ lụy từ việc thủy điện phá rừng nhưng thực tế việc trồng rừng bù của các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện tốt
Có tới 50.000ha rừng bị lấy để làm thủy điện nhưng việc trồng bù chỉ được 2%. Những doanh nghiệp kêu không có đất để trồng bù được chọn giải pháp nộp tiền nhưng cũng không thực hiện nghiêm túc. Dù Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng được thành lập với mục đích này nhưng đến nay chưa có chủ đầu tư nào chịu “rót” tiền bù trồng rừng vào đó, còn cơ quan quản lý lúng túng, chờ đợi.
Một lãnh đạo Tổng Cục Lâm nghiệp khẳng định: "Cho tới nay chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về Quỹ”. Nguyên nhân là vì chưa có một cơ chế, chế tài nào quy định việc xử lý, ép buộc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải nộp tiền, số tiền cụ thể là bao nhiêu nên mới có hiện tượng có quỹ phát triển rừng mà rừng vẫn mất.
Ông Phạm Hồng Lượng, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, việc chuyển đổi rừng trồng sang làm thủy điện đã được đề cập tại NĐ 23, và điều 10, NĐ 05/2008 của Chính phủ. Trong đó quy định Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập do các địa phương trực tiếp quản lý. Song do sự chỉ đạo tại các địa phương chưa thực sự quyết liệt nên đến nay rất ít chủ đầu tư có dự án chuyển đổi mục đích để xây dựng thủy điện tự giác nộp tiền vào quỹ này.
Lý giải việc không chủ đầu tư nào muốn bỏ tiền ra nộp để trồng rừng, ông Lượng cho rằng: Một là việc phê duyệt dự án thủy điện tại địa phương có nhiều bất cập; hai là các chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện không thực sự quan tâm tới việc trồng hoàn rừng.
Đặc biệt, việc chỉ đạo các chủ đầu tư, dự án thực hiện nhiệm vụ của mình là trồng lại rừng, hoặc lên phương án trồng lại rừng, hoặc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tại các địa phương là không hiệu quả.
“Số tiền thu trồng hoàn rừng là rất nhỏ, không đáng kể. Chính vì vậy họ không có nguồn quỹ để trồng hoàn rừng, mà nguồn quỹ chủ yếu là chi trả các dịch vụ môi trường rừng”, ông Lượng cho biết.
Trước thực tế đó, đầu năm 2013, Bộ NN&PTNT mới ban hành Thông tư 24 hướng dẫn về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng bù rừng.
Theo đó, địa phương nào không cân đối đủ quỹ đất khi chuyển đổi đất rừng cho doanh nghiệp làm thủy điện sẽ phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam để Quỹ điều tiết cho những địa phương đủ quỹ đất để trồng lại rừng. Nhưng cho đến nay thì chưa có một chủ đầu tư dự án thủy điện nào nộp tiền về Quỹ. Hay nói cách khác, Quỹ chưa có một đồng nào.
“Khi thỏa thuận, lên phương án chủ đầu tư nào cũng hứa trồng hoàn rừng nhưng khi duyệt dự án thông qua thì không một chủ đầu tư nào thực hiện trách nhiệm trồng rừng, cũng không nộp tiền về quỹ”, ông Lượng nhận định.
Thực tế là như vậy, song báo cáo trước Quốc hội ngày 30/10, Bộ Công thương vẫn nêu rằng: Trong điều kiện quỹ đất khó khăn, hầu hết chủ đầu tư dự án kiến nghị thực hiện quy định trồng rừng thay thế theo hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng để cơ quan chức năng điều tiết, bố trí trồng rừng theo kế hoạch, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Chính phủ cũng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, TN&MT, Công Thương tiến hành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực hiện dự án trồng rừng thay thế tại các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra trước ngày 30 tháng 10 năm 2013. Tuy nhiên đây cũng chính là thời điểm báo cáo này được trình trước Quốc hội nhưng chưa có con số được cập nhật.
Đùn đẩy trách nhiệm
Từ cuối năm 2012, Bộ NN&PTNT từng báo cáo Thủ tướng về việc chuyển đổi rừng để thực hiện các dự án thủy điện giai đoạn 2006-2012. Theo đó, trong 6 năm, có hơn 20.000ha rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Tuy nhiên, diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất.
Thực tế, theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, con số lại khác hơn rất nhiều. Cụ thể có đến 50.930 ha rừng các loại đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng cho các dự án thủy điện. Trong khi đó, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế.
Hậu quả, diện tích rừng trồng thay thế chỉ được hơn 1.000 ha, bằng 2% diện tích rừng đã chuyển đổi. Hầu hết đều muốn nộp tiền vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng thay cho việc trồng lại rừng, nhưng kỳ lạ là Quỹ lại không nhận được đồng tiền nào từ khoản mục này.
Ông Huỳnh Minh Thiện, đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM cho rằng đây là trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan mà ở đây là Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.
“Ở đây bản thân Bộ NN&PTNT cũng tắc trách. Đây là trách nhiệm của Bộ mà lại đi kêu là không biết tiền nó đang ở đâu cũng là vô trách nhiệm. Bộ không thể ngồi chờ tiền tự chảy về Quỹ mà phải xem các vấn đề liên quan, đặt vấn đề ngay xem vướng ở đâu và tìm cách giải quyết”, ông Thiện nói.
Cho rằng, đáng ra việc này phải bắt buộc phải giám sát từ khi dự án được phê duyệt khả thi. “Bây giờ tất cả mọi việc xong rồi lại thấy Quỹ không có gì cả. Như vậy là thiệt thòi cho Nhà nước và người dân. Nếu các bộ thấy vướng thì hoàn toàn có thể đề xuất Chính phủ xin hướng giải quyết cụ thể chứ không thể có chuyện ngồi kêu với nhau thế này được”, ông Thiện đề xuất.
Cũng chung quan điểm này, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng đang có thực trạng đùn đẩy trách nhiệm.
“Ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư nội dung quy định về việc phải bồi hoàn bao nhiêu diện tích rừng đều có trong dự án khả thi. Tuy nhiên, qua thông tin này có thể thấy các chủ đầu tư đã không thực hiện nghiêm túc còn các cơ quan quản lý thì lúng túng.Trong phiên chất vấn kỳ họp này tôi cũng sẽ đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ vấn đề”, đại biểu Vở bức xúc.
Do vậy ông Vở cũng đề xuất, sắp tới Chính phủ phải chỉ đạo 2 bộ ngồi lại với nhau, cùng với địa phương xem chủ đầu tư đã thực hiện việc cam kết trồng lại rừng và nộp tiền bù trồng rừng được đến đâu. Cá nhân ông cũng rà soát trên địa phương mình để thúc đẩy việc này. “Phải làm rõ trách nhiệm, không để tình trạng này kéo dài được”, ông Vở nói.
Trên thực tế có một điểm đáng lưu ý đó là chưa có một quy định nào cụ thể về điều khoản mỗi một hecta rừng chuyển đổi làm dự án thủy điện sẽ phải trồng hoàn lại bao nhiêu hecta rừng và nếu quy đổi ra tiền sẽ được tính toán dựa trên cơ sở nào.
Theo ông Lượng: Hiện chỉ phân theo nguồn gốc đã có là rừng trồng, rừng tự nhiên. Còn với thực trạng thì có rừng nghèo, rừng giàu. Hơn ai hết với mỗi chủ đầu tư khi xây dựng dự án phải xây dựng phương án trồng bù rừng và địa phương quyết định. Không thể áp dụng nơi này với nơi khác, địa phương này với địa phương khác.
Nhiều chuyên gia lo ngại đây cũng là một điểm rất dễ sinh tiêu cực, tham nhũng và dễ nhập nhèm khi vận hành Quỹ. Tất cả những điều này đang chờ đợi một lời giải thích và cũng như giải pháp mà vị bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn lý giải trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
- Ý nghĩa của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.