»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:11:52 PM (GMT+7)

Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình

(16:39:19 PM 08/01/2019)
(Tin Môi Trường) - "Việc phê duyệt sẽ không có gì phải bàn luận nếu các điều kiện được thực hiện nghiêm túc" - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân.

 Phê[-]duyệt[-]một[-]ĐTM[-]và[-]trách[-]nhiệm[-]giải[-]trình

Tàu cá neo đâu trên sông Cái Bé-Cái Lớn, Kiên Giang. Ảnh TTXVN
 
Ngày 18.12.2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé tại văn bản số 3805/QĐ-BTNMT.
 
Trước đó, ngày 03.11.2018, Hội đồng thẩm định do Bộ TNMT thành lập đã họp để thẩm định. 21/21 ủy viên có mặt đã thông qua ĐTM với điều kiện phải sửa đổi đầy đủ theo các ý kiến đã được phát biểu (1).
 
Việc phê duyệt sẽ không có gì phải bàn luận nếu các điều kiện được thực hiện nghiêm túc.
 
Nghiên cứu văn bản và ĐTM đã được phê duyệt, tôi cho rằng ĐTM đã không được chỉnh sửa, bổ sung đúng với yêu cầu và vì vậy việc phê duyệt là khó chấp nhận và cần làm rõ một số điểm.
 
Có hai ý quan trọng trong phát biểu kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định:
 
(1) Yêu cầu chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ, lập bảng giải trình đối với từng ý kiến mà cuộc họp đã góp để tiếp tục hoàn chỉnh dự án và báo cáo ĐTM, đặc biệt về cơ chế vận hành của các cống, và báo cáo ĐTM phải có đầy đủ ba giai đoạn: chuẩn bị thi công, thi công và sau khi công trình đi vào hoạt động.
 
(2) Câu hỏi gửi đến Thứ trưởng Hoàng văn Thắng về ý kiến của nhiều ủy viên đề nghị hoãn việc phê duyệt dự án đến khi công bố Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL theo tinh thần NQ 120 của Chính phủ. Trong thời gian đó chủ đầu tư hoàn chỉnh việc sửa đổi các báo cáo NCKT và ĐTM như đã góp ý.

Những ý kiến nỗi trội đã được nhiều ủy viên HĐTĐ phát biểu là:
 
Báo cáo NCKT phải nêu rõ các yếu tố đặc thù của vùng dự án, phải bổ sung thông tin về trầm tích, về mưa, về nước biển dâng, về địa hình, về sụt lún đất, làm rõ hiện trạng về đa dạng sinh học, về sản xuất nông lâm thủy sản, về rừng U Minh Thượng ngày trước và Vườn quốc gia UMT hiện nay. Làm rõ để đánh giá các tác động và khả năng thoát lũ của dự án.
 
Vùng tác động cũng như vùng hưởng lợi từ dự án không có biên cố định như trong báo cáo NCKT, mà thay đổi theo nhiều yếu tố, đặc biệt nước biển dâng, sụt lún ở đồng bằng, và từ chính công trình.
 
Báo cáo NCKT và ĐTM của dự án đưa ra nhiều kết luận từ mô hình số. Số liệu phải có độ dài đủ để đáng tin. Các chuỗi số liệu được sử dụng là quá ngắn.
 
Chế độ vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé là không thực tế.
 
Báo cáo ĐTM đã được chỉnh sửa bổ sung thế nào
 
Báo cáo ĐTM được phê duyệt đã được gửi kèm văn bản số 1661/BQL10-TD ngày 21.11.2018 của chủ đầu tư đến Bộ TNMT. Như vậy việc chỉnh sửa bổ sung được thực hiện chỉ trong vòng hai tuần, một thời gian rất ngắn để làm hết những việc mà Hội đồng thẩm định yêu cầu một cách nghiêm túc.
 
Dưới đây là bảng so sánh Mục lục của ba ĐTM, phiên bản tháng 9 (trái), phiên bản trình Hội đồng thẩm định (giữa) và phiên bản được phê duyệt (phải).
 
Phê[-]duyệt[-]một[-]ĐTM[-]và[-]trách[-]nhiệm[-]giải[-]trình
 
Số trang, cách đánh số các đoạn, phân đoạn có thể thay đổi, nhưng đọc kỹ và so sánh các phiên bản tôi đã thấy nội dung cơ bản vẫn giữ nguyên, đặc biệt phần tác động môi trường khi các cống đi vào vận hành, và chế độ vận hành của các cống. Việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM chỉ là kết quả sử dụng các thao tác “lược bỏ”, “chép” và “dán” trên máy tính. Nó đã không đi vào nội dung được yêu cầu mà chỉ làm mang tính hình thức, nghĩa là đã làm không nghiêm túc.
 
Quyết định phê duyệt 3805/QĐ-BTNMT, một số điều cần làm rõ
 
Quyết định của Bộ TNvMT phê duyệt báo cáo ĐTM của một dự án là một văn bản quan trọng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án. Vì vậy cần tiến hành hết sức khoa học, khách quan, tuyệt đối không bị chi phối bởi lợi ích ngành, lợi ích nhóm.
 
Quyết định 3805/QĐ-BTNMT có nhiều điều cần làm rõ. Chỉ xin nêu hai ví dụ.
 
Ví dụ 1. Tại Điều 1, khoản 2.8. “Xây dựng chế độ vận hành (đóng/mở) cống, điều chỉnh chế độ vận hành để giảm thiểu tác động đến tính tự nhiên của dòng chảy, xói lở đường bờ và môi trường, đa dạng sinh học; đảm bảo thuận tiện cho người dân và phương tiện giao thông thủy đi lại qua cống”.
 
Yêu cầu là vậy, trong khi sơ đồ vận hành cống trong ĐTM được phê duyệt là “Vào mùa khô (từ tháng 1÷6): chỉ đóng khoảng 20 - 26 ngày vào các tháng 2 đến tháng 5, trong 1 tháng chỉ đóng tối đa 6 ngày để kiểm soát mặn/ngọt; Vào mùa mưa (từ tháng 7÷12): bình thường hầu như cống mở cửa hoàn toàn trả lại gần như hiện trạng lòng sông tự nhiên, chỉ đóng vào thời điểm có xảy ra mưa lớn, lũ lớn và triều lớn” (trang 292).
 
Câu hỏi 1: Tại sao ĐTM vẫn được phê duyệt với một sơ đồ vận hành các cống quá sơ lược đưa ra nhằm mục đích giảm thiểu các tác động? để rồi yêu cầu xây dựng một chế độ vận hành khác?
 
Câu hỏi 2: Nếu không xây dựng được chế độ vận hành theo yêu cầu ở khoản 2.8. Điều 1 thì sao? Làm gì với công trình đã xây xong? 
 
Ví dụ 2. Điều 1, khoản 3.1. “Chủ dự án chỉ được phép triển khai Dự án sau khi thỏa mãn các điều kiện sau đây:
 
(a) Được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNvPTNT cho phép đầu tư Dự án; bảo đảm các yêu cầu của Nghị quyết số 120 (…); phù hợp vói Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1387/QD-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2012, Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL (điều chỉnh) trong giai đoạn tiếp theo (…).
 
Câu hỏi 3: Đầu tư cho Dự án giai đoạn 1 là 3309,5 tỷ đồng thuộc loại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư. Tại sao có thêm Bộ NNvPTNT cho phép?    
 
Câu hỏi 4: Tuân thủ NQ 120 là yêu cầu cao nhất, hay là phù hợp với Quy hoạch thủy lợi 2012 cũng đủ, cho dù quy hoạch này (ban hành từ năm 2012) có những chỗ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo của NQ 120 ban hành tháng 11.2017?
 
Hai câu hỏi 3 và 4 cần được làm rõ vì mập mờ ở các điểm này có thể mở ngõ cho việc “lách” để Dự án được Bộ NNvPTNT cho phép đầu tư.
 
(b) Tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật của Dự án (…) trình Bộ NNvPTNT phê duyệt.
 
Câu hỏi 5: Báo cáo NCKT là một tài liệu cốt lõi của Dự án, cần phải được hoàn thiện như Hội đồng thẩm định yêu cầu, trên cơ sở đó mới đánh giá ĐTM. Quan điểm của Bộ TNMT là thế nào mà lại phê duyệt ĐTM rổi yêu cầu báo cáo NCKT “tiếp tục hoàn thiện”?
 
Câu hỏi 6: Có gì đảm bảo là báo cáo NCKT của Dự án sẽ được “tiếp tục hoàn thiện” một cách nghiêm túc, sẽ không làm theo kiểu chỉnh sửa bổ sung báo cáo ĐTM? Bộ NNvPTNT là cấp phê duyệt báo cáo NCKT? Sẽ là một khe hở khổng lồ nếu Bộ NNvPTNT là cấp phê duyệt (vừa đá bóng vừa thổi còi)!
 
Chỉ hai ví dụ trên đây cho thấy văn bản 3805/QĐ-BTNMT có rất nhiều điểm cần làm sáng tỏ. Dự án HTTL CL-CB rất hệ trọng về nhiều mặt. Không thể chấp nhận bất kỳ một sự mập mờ nào cho phép nó được duyệt trái luật, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong công văn 11482/VPCP-NN, ngày 24.11.2018, gửi Bộ NNvPTNT và các Bộ có liên quan về Dự án HTTL CL-CB.

“Thông qua với điều kiện”, “phê duyệt với điều kiện” và trách nhiệm giải trình
 
Tham dự cuộc họp với hội đồng thẩm định, ngày 03.11.2018, tôi đã trải nghiệm một cuộc bỏ phiếu “thông qua với điều kiện …”. Sau khi biết kết quả tôi không chút hoài nghi rằng ĐTM rồi sẽ được phê duyệt, vì với các thủ thuật chỉnh sửa, cộng với những kỷ năng thuyết minh - thuyết phục, thì khả năng được phê duyệt không có gì là khó. Chấm đỗ một thí sinh không đạt yêu cầu, tầm tác hại không thể so sánh với “thông qua với điều kiện” một dự án tiêu phí nhiều ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước, chưa nói đến tác hại đến môi trường và sinh kế của người dân.
 
Phê duyệt ĐTM một dự án còn nhiều lỗ hổng “với điều kiện phải chỉnh sửa”, trách nhiệm còn nặng nề hơn. Nếu cánh cửa trước khi dự án được Thủ tướng cho phépđầu tư mà còn mập mờ và khe hở thì tác hại sẽ khôn lường.
 
Kiến nghị
 
1. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết ý kiến về 6 câu hỏi nêu trên đây.
 
2. Thủ tướng Chính phủ xem xét cẩn trọng việc duyệt đầu tư Dự án Hệ thống thủy Cái Lớn – Cái Bé; yêu cầu một lần nữa các Bộ ngành có liên quan đến Dự án thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong công văn 11482/VPCP-NN.
 
3. Để bảo vệ môi trường, chống lãng phí và tham nhũng một cách thiết thực, để việc đầu tư công có hiệu quả, xin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ phải luật hóa nghiêm minh trách nhiệm giải trình của những người ra hay tham gia quyết định bằng lá phiếu hay bằng văn bản.
 
Viết bổ sung
 
Khi bài viết này được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, và bạn đọc, Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức ký quyết định 5078/QĐ-BNN-XD về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé giai đoạn 1.
 
Tình hình đã diễn ra đúng như tác giả dự báo và tìm cách ngăn chặn. Thực tế càng cho thấy các câu hỏi cần được trả lời, các kiến nghị thêm nóng bỏng.
 
............................
 
Chú thích:
 
(1) Là đại biểu tham dự Hội đồng được Bộ TNMT mời, tôi đã tham dự, phát biểu nhưng không bỏ phiếu. Sau cuộc họp, tôi đã đề nghị với Tổng Cục Môi trường, cơ quan thẩm định ĐTM, gửi cho tôi biên bản cuộc họp, nhưng tôi không dược hồi âm. Những ý kiến ghi lại trong bài này là do chính tôi ghi.
 
 GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI
(Báo Đất Việt)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phê duyệt một ĐTM và trách nhiệm giải trình

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI