»

Thứ bảy, 18/01/2025, 23:00:19 PM (GMT+7)

Năm 2012: liệu có xảy ra "năm Thìn bão lụt"?

(14:47:46 PM 06/02/2012)
(Tin Môi Trường) - (Tinmoitruong.vn) - Năm nay là năm con rồng - Nhâm Thìn. Không phải vô cớ mà các bậc lão nông còn nhắc lại ký ức kinh hoàng của các trận lũ đã được lưu truyền suốt thế kỷ vừa qua.

 Câu truyền khẩu, cả trong dân ca, đều lặp lại các trận lũ lớn xảy ra đúng vào năm con rồng đến với vùng châu thổ sông Cửu Long gây thiệt hại nặng nề về sinh mạng và tài sản của người dân miền Nam thuở ấy... Năm nay liệu có hiện tượng rồng phun nước gây ngập lũ hay không?

 

Năm 2011 (Tân Mão) là năm lũ lớn ở ĐBSCL (Ảnh chụp ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: Lê Anh Tuấn
 
 
“... Gặp em đây, mới biết em còn

Hồi năm Thìn bão lụt, anh khóc mòn con ngươi...”
 
(Dân ca Nam bộ)
 
“Năm Thìn bão lụt” là những năm nào?
 
Trận đại hồng thủy đến vùng châu thổ sông Mekong vào đầu thế kỷ thứ 20 là trận bão lụt năm 1904 – năm Giáp Thìn. Các cụ già kể lại một trận mưa bão dữ dội kéo dài suốt ngày 13-3 âm lịch làm trời đất tối âm u. Câu ca dao còn lưu truyền:
 
“Tháng ba, mười ba còn ghi

Nhựt thực giờ Ngọ, vậy thì tối tăm”
 
(Ca dao Nam bộ)
 
Nước mưa đổ không ngớt làm ngập tất cả các cánh đồng và làng mạc. Đến ngày 16-3 âm lịch (ngày 1-5 dương lịch), ngay kỳ nước triều cường ở biển Đông xuất hiện một trận bão - có giả thiết có một trận động đất ngoài khơi vùng biển của khu vực Tiền Giang hiện nay – khiến nước biển đột nhiên dâng cao, rồi tiến sâu vào đất liền với những đợt sóng cao hơn 3m. Con sóng cuốn trôi nhiều nhà cửa, sinh mạng và hoa màu. Liên tiếp đến ngày 23-3 thì lũ trên hai nhánh sông Tiền và sông Hậu dâng lên mãnh liệt:
 
“Hăm ba còn tái gió dông

Rồng kia lấy nước hai ông rõ ràng”
 
(Ca dao Nam bộ)
 
Thiệt hại lớn nhất tập trung ở vùng Gia Định, Gò Công, Tân An và Mỹ Tho. Đây là các cơn mưa bão rất bất thường vì miền Nam thường chỉ có bão hay ảnh hưởng bão vào những tháng cuối năm chứ ít khi xảy ra vào cuối mùa khô hoặc đầu mùa mưa. Các lưu truyền xưa cũng cho biết trong năm Thìn 1904, nhiều tỉnh miền Trung như Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An cũng bị những trận bão lụt gây thương vong cho người dân ven biển rất lớn.
 
Tiếp theo những năm Thìn khác có xuất hiện bão lụt lớn như năm 1952 (Nhâm Thìn), 1964 (Giáp Thìn), 1976 (Bính Thìn), 2000 (Canh Thìn)... Những năm này thiên tai và bão lụt đều gây những thảm họa cho người dân Nam bộ.
 
Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang chìm trong cơn lũ năm 2000 (Canh Thìn) - Ảnh: N.C.T.
 
Những thống kê lũ lớn ở ĐBSCL hơn một thế kỷ qua...
 
Tuy nhiên, nếu dựa vào các thống kê thủy văn cho thấy các phỏng đoán rằng năm con rồng đều là những năm có bão lụt lớn xem ra không được vững chắc. Thống kê từ năm 1904 đến nay có gần 10 năm Thìn nhưng chỉ khoảng 1/3 là có lũ lớn (theo quy ước lũ lớn là khi mực nước cao nhất đạt trên 4,5m tại trạm đo Tân Châu - cửa ngõ của dòng lũ sông Mekong tràn vào vùng ĐBSCL), như ở hình 1.
 
Có nhiều năm lũ lớn xảy ra trên sông Cửu Long trong các năm qua nhưng không rơi vào năm rồng như trình bày ở bảng 1. Thậm chí có những năm rồng nhưng mực nước lũ rất thấp, ví dụ như năm 1976 (Bính Thìn) hay năm 1988 (Mậu Thìn). Số liệu thống kê xác suất xảy ra lũ lớn từ năm 1926-2011 thì có 24/86 năm có lũ lớn (xấp xỉ 27,90%).
 
Hình 1: Mực nước lũ lớn nhất năm rồng so với các năm khác
 
Không hẳn năm rồng nào cũng lụt...
 
Những trận thiên tai gây thiệt hại lớn thường để lại những ấn tượng hằn sâu kéo dài trong ký ức người dân. Mặc dù thiệt hại của trận bão lụt năm Giáp Thìn là kinh hoàng cho người dân phía Nam nhưng thực tế không hẳn năm rồng nào cũng xảy ra bão lụt lớn. Diễn biến sự thay đổi khí hậu của những năm sau này rất phức tạp và khó tiên đoán được.
 
Lũ lớn trên sông Cửu Long chỉ xảy ra theo quy luật khi có ba yếu tố cùng xuất hiện đồng thời: nước lớn từ thượng nguồn tràn về (do nhiều trận mưa bão lớn liên tiếp đến vùng Hạ Lào), triều cường xuất hiện ở biển Đông khiến việc tiêu thoát nước bị hạn chế và mưa to kéo dài ở vùng ĐBSCL.
 
Ngoài ra, những năm gần đây, do việc quy hoạch sử dụng đất và xây dựng cơ sở hạ tầng không hợp lý như quá nhiều đê bao, hệ thống đường giao thông chặn ngang đường thoát lũ, việc san lấp nhiều vùng trũng tự nhiên cho việc phát triển khu dân cư, khu công nghiệp khiến diễn biến mực nước càng phức tạp, lũ lớn khó thoát được và tình trạng ngập úng thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm tình trạng thêm trầm trọng và khó lường. Một nguy cơ khác là các dự tính xây đập nước cho phát triển thủy điện sẽ là một đe dọa cho tài nguyên nước vùng hạ lưu sông Mekong.
 
Công tác phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu không bao giờ là một vấn đề thừa thãi và vô ích. Phòng lũ cũng như phòng cháy. Cần thiết phải lồng ghép thiên tai và biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương phải là một trong những nhiệm vụ cần chú trọng không chỉ cho ĐBSCL nói riêng mà là một chiến lược cho Việt Nam nói chung.
 
Bảng 1: Thống kê các năm có lũ lớn không phải là năm rồng từ số liệu thống kê mực nước lũ lớn nhất đo ở trạm Tân Châu trên sông Tiền
Năm
H (cm)
Năm âm lịch
1929
473
Kỷ Tỵ
1934
484
Giáp Tuất
1937
499
Ðinh Sửu
1938
469
Mậu Dần
1939
489
Kỷ Mão
1942
468
Nhâm Ngọ
1943
482
Quý Mùi
1946
467
Bính Tuất
1947
484
Ðinh Hợi
1948
467
Mậu Tý
1961
511
Tân Sửu
1962
454
Nhâm Dần
1966
503
Bính Ngọ
1970
452
Canh Tuất
1978
478
Mậu Ngọ
1981
452
Tân Dậu
1984
481
Giáp Tý
1991
464
Tân Mùi
1994
453
Giáp Tuất
1996
487
Bính Tý
2001
478
Tân Tỵ
2002
482
Nhâm Ngọ
2011
470
Tân Mão
TS LÊ ANH TUẤN (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ)
Từ khóa liên quan: Năm 2012, xảy ra , năm Thìn, bão lụt
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Năm 2012: liệu có xảy ra "năm Thìn bão lụt"?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI