Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Lòng tin với Trung Quốc đã bị ảnh hưởng
(07:57:54 AM 12/05/2014)* Phóng viên: Ông có thể cho biết vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được các nước đặt ra như thế nào tại hội nghị lần này?
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Vấn đề biển Đông đã bao trùm hội nghị lần này. Năm qua, tình hình biển Đông tương đối yên ổn, tiến trình thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vẫn duy trì và đang thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Mọi người thấy tiến triển tích cực, khả năng đang tham vấn chuyển thành thương lượng thực sự, tạo ra không khí thống nhất. Tuy nhiên, không khí ấy đã bị Trung Quốc làm bất ngờ.
Tại hội nghị, Việt Nam mạnh mẽ khẳng định Trung Quốc vi phạm DOC bởi nơi giàn khoan Trung Quốc đặt nằm ở phía Nam Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên các nước không liên quan trực tiếp cũng thấy lo ngại. Vì vậy, các nước ASEAN thấy cần phải tăng cường đoàn kết.
Nhìn lại lịch sử, đây là lần đầu tiên trong 20 năm, ASEAN mới có tuyên bố riêng. Đáng hoan nghênh hơn nữa là bấy lâu nay, nhiều nước ASEAN ngại “dính” đến các nước lớn. Vì vậy, lần này là sự đột phá. Và mức độ lo ngại, quan tâm đã được nâng lên rất cao khi trong tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao đã khẳng định “đặc biệt nghiêm trọng” trong các diễn biến gần đây trên biển Đông. ASEAN cũng kêu gọi các bên phải kiềm chế và tuân thủ DOC. Hiện nay, tình hình rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến ổn định, hòa bình khu vực. Nếu lần này không đoàn kết, không có tiếng nói chung thể hiện phản ứng thì vai trò của ASEAN sẽ mất.
Có thể nói hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến các nước ASEAN, họ bất ngờ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào thềm lục địa Việt Nam.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí tại Myanmar- Ảnh: Đức Tám
* Các bộ trưởng ngoại giao đã ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông, điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
- Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và gần 80 tàu vào thềm lục địa Việt Nam là vi phạm DOC nên làm các nước lo ngại thực sự. Các nước nhận ra cần tăng cường đoàn kết; nếu không đoàn kết, không có tiếng nói chung thì sẽ bị chia rẽ.
* Sau tuyên bố riêng của ASEAN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phản bác. Vậy ASEAN sẽ làm gì để tiến tới COC với Trung Quốc, thưa ông?
- Giữa ASEAN và Trung Quốc có nhiều tuyên bố. Năm 2012, nhân 10 năm có DOC, tại Campuchia, các nhà lãnh đạo có tuyên bố chung về biển Đông… Có thể nói, tuyên bố riêng của các bộ trưởng ngoại giao về tình hình biển Đông lần này cũng nhắc lại những thỏa thuận, tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc trước đây. Tuyên bố này sẽ chuyển đến Trung Quốc và là tiếng nói chung của ASEAN về vấn đề biển Đông.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề trên biển Đông. Vậy bước tiếp theo là gì, sau ngoại giao song phương, đa phương?
- Chúng ta luôn mong muốn giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Thông qua các kênh ngoại giao, trao đổi với Trung Quốc để giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đây là chủ quyền thiêng liêng nên phải thực hiện mọi biện pháp thích hợp, cần thiết và hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
* Nhận định của các nước về việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép như thế nào?
- Chúng ta có thể hiểu việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam là hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã tuyên bố. Vì vậy, các nước ASEAN rất lo ngại.
* Sau việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan HD-981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thưa ông?
- Quan hệ 2 nước vẫn là đối tác chiến lược toàn diện và Việt Nam vẫn duy trì quan hệ này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép đã tác động đến “lòng tin”. Mà quan hệ muốn xây dựng tốt đẹp cần có lòng tin. Và tất nhiên, vụ việc vừa qua đã ảnh hưởng đến lòng tin.
* Quan điểm của Campuchia về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ra sao?
- Việc ra tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông của bộ trưởng ngoại giao các nước đã thể hiện quan điểm của Campuchia là thống nhất với các nước ASEAN.
* Còn thái độ của Trung Quốc sau Tuyên bố chung của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, thưa ông?
- Họ nói đây là vấn đề song phương, không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Đến thời điểm này, tình hình ngoài thực địa vẫn rất căng thẳng.
Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Ngày 11-5, kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 24, nước chủ nhà Myanmar, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 đã ra tuyên bố về tình hình biển Đông bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vụ việc đang diễn ra.
Tuyên bố của chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN 24 khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy, xây dựng lòng tin và kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”. Tuyên bố nhấn mạnh cần sớm đạt được COC.
Tuyên bố cũng ghi nhận tầm quan trọng của Tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN về tình hình hiện nay ở biển Đông.
Chính nghĩa sẽ thắng!
Sáng 11-5, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam ra tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tuyên bố, nguyên Đại sứ Việt Nam tại 5 nước Bắc Âu, ông Phạm Ngạc, cho rằng Việt Nam không thể nói chung chung về việc đưa vấn đề biển Đông ra quốc tế mà cần có “địa chỉ” cụ thể. Theo ông, với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), Việt Nam hoàn toàn có thể và có trách nhiệm phải nêu vấn đề Trung Quốc vi phạm chủ quyền trên biển Đông đối với Việt Nam cho cơ quan này. “Họ vi phạm Hiến chương LHQ, Công ước về Luật Biển của LHQ thì phải đưa ra Hội đồng Bảo an LHQ và cơ quan này phải có trách nhiệm lên tiếng. Nếu Trung Quốc phủ quyết, tức là một mình họ đã chống lại cả Hội đồng Bảo an” - ông Phạm Ngạc phân tích.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ nhiều cuộc đấu tranh thành công là nhờ phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam. Làm được điều này là vì chúng ta có chính nghĩa và kiên quyết bảo vệ chủ quyền dân tộc. “Cuộc đấu tranh lần này của chúng ta có chính nghĩa. Chúng ta đã có thái độ đàng hoàng, kiềm chế, trong khi phía Trung Quốc tỏ ra hung hăng. Chúng ta phải huy động sự ủng hộ của bạn bè thế giới để tạo thêm sức mạnh” - bà Nguyễn Thị Bình đề xuất.
Chiều cùng ngày, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chính thức lên tiếng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Qua đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi giới luật sư quốc tế, giới học giả và nghiên cứu quốc tế về biển Đông lên án hành vi vi phạm của chính phủ Trung Quốc; kêu gọi nhân dân Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao, thành viên nhóm nghiên cứu về biển Đông thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị giới luật sư Việt Nam cần nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở pháp lý để giúp sức, kiến nghị với Chính phủ kiện Trung Quốc ra Tòa án Công lý quốc tế của LHQ về hành vi thôn tính lãnh thổ là các đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước câu hỏi làm thế nào để chinh phục, tạo được phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân Trung Quốc về hành động ngang ngược của nhà cầm quyền nước họ, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng thông tin đến với người dân Trung Quốc xung quanh vụ này chắc chắn sẽ chậm và lệch lạc nhưng rồi sự thật chắc chắn cũng sẽ đến với họ. “Tôi nghĩ người dân Trung Quốc không có lợi ích gì để xung đột với Việt Nam. Người dân Trung Quốc chắc chắn muốn hòa bình, hợp tác nên họ sẽ hiểu vấn đề. Chúng ta cũng sẽ cố gắng để dư luận Trung Quốc hiểu được chúng ta” - bà Nguyễn Thị Bình nói.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.