(Tin Môi Trường) - Để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, với tư cách nhà khoa học, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) đã trả lời các câu hỏi liên quan của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam.
Các nội dung của cuộc phỏng vấn liên quan đến việc đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, cũng như những vấn đề nổi lên đáng quan tâm ở đô thị và nông thôn.
Xin đăng tải toàn văn cuộc phỏng vấn của PGS.TS. Phùng Chí Sỹ và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Bài phóng vấn đã được trích đăng trên TTXVN và báo Đảng Cộng sản Việt Nam.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ
Câu hỏi: Những nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường cho từng giai đoạn ngắn hạn 2021-2025 và dài hạn 2021-2030 được đề cập trong các Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững chưa?
Trả lời : Những nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế, xã hội và môi trường được trình bày trong Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 (Dưới đây gọi tắt là Dự thảo báo cáo) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Riêng về các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường, dự thảo báo cáo đã đề cập khá toàn diện về 4 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm : (1). Phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; (2). Cải thiện và phục hồi những khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái môi trường; (2). Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; (3). Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức. Về giải pháp, dự thảo báo cáo cũng đã đề cập khá đầy đủ đến 4 nhóm giải pháp chính trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường bao gồm: (1). Hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp; (2). Đẩy mạnh áp dụng các công cụ kỹ thuật; (3). Xây dựng và triển khai áp dụng các công cụ kinh tế; (4). Tăng cường triển khai các công cụ truyền thông. Tuy nhiên, để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp vào thực tế đời sống trong dự thảo báo cáo cũng cần phải xem xét sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp một cách chặt chẽ, lô gic theo 4 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp nêu trên.
Trong nhóm nhiệm vụ thứ nhất về phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, dự thảo báo cáo đã đề cập khá đầy đủ tới các nhiệm vụ phòng ngừa ô nhiễm như thực hiện nghiêm và nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường; tăng cường quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường; tăng cường giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các bon thấp, kinh tế thông minh, kinh tế số ... Tuy nhiên, trong nhóm nhiệm vụ thứ nhất cần phải bổ sung nhiệm vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và lồng ghép vào quy hoạch các địa phương, phù hợp với Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam; thực hiện và nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược cho các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và cấp địa phương.
Trong nhóm nhiệm vụ thứ 2 về cải thiện và phục hồi những khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái môi trường, dự thảo báo cáo đã trình bày khá đầy đủ về các nhiệm vụ xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; giảm rác thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả chiến tranh; khắc phục ô nhiễm các dòng sông; tăng cường cải tạo, hạn chế san lấp hệ thống kênh rạch, hồ ao; cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn ... Tuy nhiên, trong nhóm nhiệm vụ thứ 2, cần bổ sung nhiệm vụ tăng cường thu gom, xử lý các sản phẩm thải bỏ, đặc biệt, là các thiết bị, linh kiện, chất thải điện, điện tử chưa được quản lý chặt chẽ trong thời gian qua (mặc dù đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và đang ngày càng gia tăng trong nền kinh tế thông minh, kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong nhóm nhiệm vụ thứ 3 về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, dự thảo báo cáo đã đề cập đến các giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học. Tuy nhiên, nhiệm vụ này được trình bày trong dự thảo báo cáo khá là mờ nhạt. Cần bổ sung các nhiệm vụ về duy trì diện tích đất rừng; nghiêm cấm xâm hại tới các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn biển; duy trì diện tích đất để bảo tồn đa dạng sinh học …
Trong nhóm nhiệm vụ 4 về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức, dự thảo báo cáo đã đề cập đến các nhiệm vụ tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần bổ sung vào nhóm 4 các nhiệm vụ liên quan đến tăng cường ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng 4.0 trong việc tăng cường năng lực của cơ quan quản lý môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong quá trình thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, cần phải kết hợp hài hòa 4 nhóm giải pháp như nêu trên.
Các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030 đã được trình bày khá đầy đủ trong dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 2030. Tuy nhiên, cũng cần phải sắp xếp lại các nhiệm vụ, giải pháp cho logic theo 4 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp như đối với giai đoạn 2021-2025, nhưng với những yêu cầu, mục tiêu cao hơn.
Câu hỏi : Những vấn đề môi trường đô thị và nông thôn đã được đề cập đầy đủ và toàn diện trong các Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chưa ?
Trả lời :Trong Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 2030 đã đề cập tới các
vấn đề môi trường đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, trong dự thảo các báo cáo chưa trình bày về các nhiệm vụ, giải pháp riêng biệt đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Đối với khu vực đô thị thì
vấn đề môi trường chính là ô nhiễm không khí, tiếng ồn do giao thông vận tải, do hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải do sản xuất, kinh doanh dịch vụ; ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt, bùn thải do nạo vét hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch, bùn hút hầm cầu, chất thải rắn công nghiệp, chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế, chất thải xây dựng, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới chất thải nhựa, chất thải điện tử. Ngoài ra, tại đô thị còn những
vấn đề ô nhiễm do kẹt xe, ô nhiễm kênh rạch, ô nhiễm do ngập lụt.
Đối với khu vực nông thôn thì các
vấn đề môi trường gắn với sinh hoạt của người dân (nước thải, chất thải rắn); hoạt động trồng trọt (bao bì phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; chất thải, phụ phẩm trồng trọt); hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm (nước thải, mùi hôi, phân gia súc, gia cầm); hoạt động làng nghề, tiếu thủ công nghiệp (nước thải, khí thải, mùi hôi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại); hoạt động nuôi trồng thủy sản (nước thải ao nuôi, bùn thải từ ao nuôi) …
Do các
vấn đề môi trường tại khu vực đô thị và nông thôn có nhiều đặc trưng khác nhau (về tính chất, quy mô, phân bố, khả năng chịu tải của các nguồn tiếp nhận chất thải), nên yêu cầu, mục tiêu đề ra để giải quyết
vấn đề môi trường đô thị, nông thôn cũng khác nhau, từ đó các nhiệm vụ, giải pháp cũng sẽ khác nhau. Vì vậy, ngoài những nhiệm vụ, giải pháp chung, dự thảo các báo cáo cũng cần nêu rõ những nhiệm vụ, giải pháp đặc thù đối với khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam,