(Tin Môi Trường) - Giải quyết xung đột giữa phép tăng trưởng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái môi trường đang là phép thử chính trị của hầu hết các nguyên thủ, chính khách quốc tế, không riêng gì Việt Nam.
Ngày 27/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phần mục tiêu, có đoạn: “Phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Ngày 28/8, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Quan điểm được Bộ Chính trị nhấn mạnh là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, phải thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường để bảo đảm hài hòa lợi ích.
Từ diễn đàn quốc tế (trong một đoạn phim ngắn chiếu tại sự kiện “Các nhà lãnh đạo vì thiên nhiên và con người" do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức từ ngày 17-30/9/2019) cho đến cuộc tiếp xúc cử tri (H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Nguồn: NGƯỜI ĐÔ THỊ
Soi chiếu các nghị quyết, kết luận và cam kết hành động nói trên của những nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ vào trong thực tế - nơi bức tranh môi trường thiên nhiên, sinh thái từ núi rừng về biển cả qua sông ngòi, kênh rạch đang bị xâm hại, phá hoại, bức tử, câu hỏi về trách nhiệm của các nhà quản lý, những người mang chức trách giám sát là quá dễ để trả lời. Chỉ là không một ai tự nhận trách nhiệm mà thôi.
Quy chiếu cái thực tế môi trường thiên nhiên, sinh thái vào trong bộ máy chức năng từ bộ ngành đến địa phương, đi cùng hệ thống pháp lý và văn bản pháp luật lại càng “mở mắt” cho chúng ta thấy có một môi trường công vụ đang bị một bộ phận đại diện công bộc làm cho tha hóa, thoái hóa và… ô nhiễm.
Trong Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư ban hành ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, có chỉ ra “một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng… Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao, còn có những kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi…”.
Trong cuốn Homo Deus: Lược sử tương lai, tiến sĩ Yuval Noah Harari viết: “Khi thảm họa (sinh thái) ập đến, người nghèo thường luôn luôn chịu tác động nhiều hơn người giàu, ngay cả khi thảm kịch ấy vốn do chính người giàu gây ra. Nóng lên toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của người nghèo ở các nước châu Phi khô cằn hơn là đời sống của những người phương Tây giàu có. Nghịch lý là chính sức mạnh của khoa học có thể tăng thêm hiểm họa, bởi nó khiến người giàu trở nên tự mãn”.
Hôm qua, ngày 24/10, đọc một bài viết của giáo sư Đặng Hùng Võ trên VnExpress, tôi bị ám ảnh bởi lời cầu cứu của những người mẹ Sán Dìu: “Chúng tôi chỉ muốn một cuộc sống thật bình yên, có đất đai như xưa. Cứu giúp chúng tôi với”. Sán Dìu là tộc người thiểu số ở Vĩnh Phúc. Họ bị chính quyền thu hồi đất để xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung.
Một tư liệu do tác giả Stéphane Lagrée (Đại học Bordeaux 3 - Pháp) cho thấy, thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc, nhân dân vùng châu thổ Vĩnh Phúc dời hết vào trú ẩn ở vùng rừng núi Tam Đảo, Mỹ vừa ngừng và rút đi, sản lượng thóc năm sau cao hơn năm trước, dân số tăng, cao nhất là tộc người Sán Dìu, đời sống cũng tốt hơn.
Phải chăng, như lời Yuval Noah Harari, trong thảm họa làm gì có công lý. Người nghèo, người yếu thế, cái đám đông thấp cổ bé họng ấy vẫn cứ phải lầm lũi mà bước, ôm nỗi ly hương, buộc phải rời bỏ cái mảnh đất cha ông gầy dựng, tài sản tích cóp bao đời trong nỗi đắng chát, cùng đường. Từ ông lão Năm Ch. ở Hòn Thơm cho đến những người dân chúng tôi tiếp xúc ở các xã ở H.Đại Từ - Thái Nguyên, H.Tam Đảo - Vĩnh Phúc, người bị buộc phải di dời khỏi đất đai cha ông, kẻ bị lợi dụng ký khống vào văn bản tham vấn cộng đồng, họ chỉ đinh ninh “sống trong đất chết vùi trong đất”, họ chẳng mơ màng hay phân vân gì giữa “đánh đổi” nào môi trường, nào kinh tế.
Chỉ duy nhất, “nếu bây giờ nhà nước thu hồi làm dự án quốc phòng, tôi đi ngay, không cò kè giá đền bù” - lời của bà Năm L. ở Hòn Thơm. Hay như ông H.D., một thời gia đình ông cũng có 3.000m2 đất ở Bà Nà, rồi chính quyền thành phố vận động thu về cho quỹ đất thành phố để phục vụ an ninh quốc phòng. Gia đình ông tự nguyện. Sau này, đất “quỹ” ấy được giao qua cho Sun group.
Những bóng đèn Rạng Đông cháy nổ, cuộc sống của người dân Hạ Đình, Thanh Xuân bị đe dọa. Nước sông Đà nhiễm dầu, sinh hoạt của người Hà Nội bị đảo lộn. Đó là trước mắt, chưa kể lâu dài, những “trầm tích” lắng trong không khí, trong đất, trong nước, trong sự tương tác giấu mặt sẽ nguy hại cho nguồn sống của con người như thế nào.
Hãy rướn lên, căng lồng ngực ra để thức tỉnh, cảnh báo, bảo vệ những “lá phổi xanh” đang bị… nám khói công trường của các siêu dự án trên mọi miền đất nước. Chúng ta có thể tự tay mình vẽ, đúc, nặn, dựng lên cơ man những hình nhân mặt trời khắp nơi nhưng chúng ta không thể tắt đi ánh sáng của Mặt-Trời, cũng như chúng ta không thể tái tạo những tầng giá trị của rừng nguyên sinh theo chiều kích của một dự án xây dựng - dịch vụ trên đất rừng.
Giải quyết xung đột giữa phép tăng trưởng kinh tế và bảo vệ hệ sinh thái môi trường đang là phép thử chính trị của hầu hết các nguyên thủ, chính khách quốc tế, không riêng gì Việt Nam. Giải pháp hài hòa - cân bằng giữa phát triển kinh tế và tôn trọng, bảo vệ di sản thiên nhiên - văn hóa là nguyên tắc tối thượng của quản trị quốc gia, đó cũng là quy tắc đạo đức - trí tuệ, vốn hình thành nên sự văn minh của một thể chế - dân tộc.