Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Di sản không phải món hàng !
(09:04:04 AM 05/10/2014)Ông Phan Đình Tân, người phát ngôn Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Phóng viên: Ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, cho biết trong năm 2015, tỉnh sẽ hoàn thiện tuyến cáp treo xuyên vịnh Hạ Long. Thưa ông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có nhận được báo cáo của Quảng Ninh về dự án này?
Hiện Bộ VH-TT-DL vẫn chưa nhận được công văn báo cáo của tỉnh Quảng Ninh về dự án này.
-Phải chăng Bộ VH-TT-DL đang bị “qua mặt”? Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, Việt Nam là đất nước có pháp luật và mọi tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật. Luật Di sản đã quy định phải bảo vệ nghiêm ngặt vùng lõi của di sản, chúng ta phải chấp hành nghiêm. Đó là chưa kể vịnh Hạ Long đã 2 lần được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất địa mạo. Cho nên, muốn làm gì thì cũng phải tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Khi thực hiện dự án này, đương nhiên tỉnh Quảng Ninh phải báo cáo Bộ VH-TT-DL, Hội đồng Di sản quốc gia, Thủ tướng và UNESCO chứ không phải đưa ra một ý tưởng như thế rồi quyết làm. Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới tại tỉnh Quảng Ninh chứ không phải là của tỉnh này. UBND tỉnh Quảng Ninh không có thẩm quyền quyết định mà phải có quy trình, tính toán và quy hoạch cụ thể, được các cấp có thẩm quyền cũng như UNESCO phê duyệt. Không thể cứ hứng lên là làm.
-Nếu UBND tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện dự án cáp treo này thì sao?
- Họ không thể tự quyết được. Tôi đã nói rồi, muốn làm gì thì họ cũng phải được Hội đồng Di sản quốc gia, Thủ tướng và thậm chí là UNESCO cho phép.
-Khi làm hệ thống cáp treo này, có người nói là để phát triển kinh tế, phục vụ khách du lịch ngắm nhìn di sản từ trên cao. Quan điểm của ông ra sao?
- Phát triển kinh tế là rất cần thiết. Chúng tôi hoan nghênh các dự án của doanh nghiệp nhưng làm gì cũng phải đúng quy định. Không thể bất chấp tất cả để phát triển kinh tế, nếu không sẽ phải trả giá đắt.
Doanh nghiệp có thiện chí đóng góp để phát triển kinh tế nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải có định hướng để doanh nghiệp phát huy hiệu quả tối đa, đồng thời không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước. Phát huy vai trò của các dự án đầu tư phát triển kinh tế là rất cần thiết nhưng cũng phải cân nhắc đến những giá trị khác mà tiền bạc không mua được. Hàng triệu năm mới có một di sản thiên nhiên thế giới như vịnh Hạ Long, không thể dễ dàng làm ảnh hưởng.
Cách đây mấy tháng, khi một tập đoàn tư nhân đề xuất được quyền quản lý, khai thác dịch vụ du lịch tại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long (Quảng Ninh) trong vòng 50 năm, tôi đã đề cập vấn đề này. Rõ ràng, việc giao cho một công ty tư nhân quản lý một di sản thiên nhiên thế giới có thể sẽ dẫn đến hệ quả khôn lường, như chỉ biết khai thác, lợi nhuận mà quên đi những giá trị đích thực cũng như quyền lợi của khách du lịch.
Trao di sản thiên nhiên thế giới vào tay một doanh nghiệp, hỏi chúng ta có thể yên tâm được không? Câu trả lời của tôi là không yên tâm được. Lợi ích xã hội không thể giao cho một tập đoàn mà phải là của xã hội. Không thể giao vào tay một nhóm người quản lý và khai thác. Di sản không phải món hàng, không phải ai nhiều tiền cũng có thể mua.
Sơ đồ dự án có tuyến cáp treo qua vịnh Hạ Long Ảnh: Trọng Đức
Cabin cáp treo tương đương máy bay chở khách
Theo thiết kế, hệ thống cáp treo qua vịnh Hạ Long có điểm đầu tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long rồi xuyên vịnh Cửa Lục, chạy song song theo cầu Bãi Cháy đến đỉnh đồi Ba Đèo (phường Hồng Gai). Cột tháp của cáp treo phía đầu Bãi Cháy cao 188,8 m, chiều cao cột tháp trên đồi Ba Đèo hơn 133 m. Chiều cao tĩnh không của cáp treo hơn cầu Bãi Cháy khoảng 30 m (chiều cao tĩnh không cầu Bãi Cháy là 50 m). Cabin 2 tầng của cáp treo có sức chứa khoảng 230 khách, tương đương một máy bay chở khách.
Đây là một phần trong tổ hợp dự án 6.000 tỉ đồng mà Tập đoàn Sun Group (chủ đầu tư) đề xuất với tỉnh Quảng Ninh. Tổ hợp còn có một quần thể công viên trên đỉnh đồi Ba Đèo, gồm các khu vui chơi giải trí và một vòng quay khổng lồ. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là vòng quay cao nhất thế giới so với mực nước biển (dự kiến cao khoảng 250-250 m so với mực nước biển). Từ trên vòng quay sẽ quan sát được toàn cảnh vịnh Hạ Long và TP Hạ Long.
Cũng nằm trong tổ hợp dự án, phía dưới chân bờ vịnh Hạ Long sẽ có một thủy cung phục vụ du khách đến tham quan và vui chơi. Theo Sun Group, sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp này sẽ triển khai và hoàn thiện dự án trong vòng 1 năm.
Trước đó, Tập đoàn Bitexco cũng từng đề xuất với tỉnh Quảng Ninh về ý tưởng được nhượng quyền thu phí, quản lý du lịch vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Theo đó, Bitexco đề xuất phương án kinh doanh với các mục tiêu cơ bản: Tạo thương hiệu du lịch mạnh; hướng tới khai thác, quản lý tổng thể, chuyên nghiệp; bảo đảm tính bền vững của thiên nhiên và tính phù hợp với chiến lược vùng...; thu hút sự hiện diện của các thương hiệu hàng đầu quốc tế; nâng cao chất lượng khách du lịch; thu hút lao động trong lĩnh vực du lịch.
KTS Trần Ngọc Chính - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:
Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Điều làm tôi quan tâm là trong hồ sơ quy hoạch chung xây dựng TP Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các nhà tư vấn nghiên cứu trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, tuyến cáp treo này có hay chưa? Theo tôi được biết là chưa. Các dự án có tầm ảnh hưởng đến đô thị phải được bố trí trong quy hoạch chung xây dựng đô thị đó. Nghĩa là triển khai các dự án phải trên cơ sở có trong quy hoạch chung xây dựng được duyệt. Khi có dự án thì cơ quan quản lý địa phương cần điều chỉnh ngay quy hoạch chung xây dựng TP Hạ Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tức là đưa dự án tuyến cáp treo vào.
Phải trình thẩm định và phê duyệt lại xem tuyến cáp treo có phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, có phục vụ tốt hơn cho nhu cầu người dân và làm đẹp hơn cảnh quan vịnh Hạ Long không. Nếu tuyến cáp treo được nghiên cứu và đánh giá cao là dự án tốt về nhiều mặt thì việc đề xuất ý tưởng này rất đáng trân trọng, cần bổ sung vào quy hoạch. Ngược lại, nếu dự án này sẽ làm ảnh hưởng đến không gian cảnh quan vì đây là khu vực nhạy cảm về không gian, về địa điểm thì chúng ta cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.
KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội:
UNESCO không cho phép thì không được làm
Việc xây dựng tuyến cáp treo qua vịnh Hạ Long, đi kèm theo đó là bao nhiêu cột trụ rồi hệ thống dây cáp, dĩ nhiên tất cả sẽ ảnh hưởng đến di sản. Chính vì vậy, về nguyên tắc là không được làm. Mặt khác, vịnh Hạ Long là di sản thế giới nên nếu UNESCO không cho phép thì không được làm.
Nên hạn chế tối đa những can thiệp của các hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của con người làm biến dạng di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Việc hiện nay rất nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các dự án phát triển du lịch dựa trên những khu di sản, di tích hiện có chính là chiêu thương mại hóa di sản.
GS Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia:
Không ổn, không cần thiết
Tôi không tán thành việc xây cáp treo ở vịnh Hạ Long vì đó là điều không cần thiết. Thực ra, nếu muốn khám phá di sản này, đi trên mặt nước sẽ rất thú vị. Việc xây cáp treo có thể sẽ làm hỏng cảnh quan thiên nhiên của di sản. Không phải nước nào cũng có kỳ quan thiên nhiên như vịnh Hạ Long, bỗng dưng bây giờ đưa vào một cái cáp treo rồi cột trụ, dây cáp... thật sự là rất không ổn.
Có một điều ai cũng nhận ra, đó là các địa phương rất thích làm dự án. Nhiều dự án núp dưới bóng phát triển kinh tế, thực ra là phá phát triển vì làm hỏng cảnh quan thiên nhiên, phá vỡ môi trường. Phát triển kinh tế rất quan trọng nhưng không thể vì thế mà bất chấp để phá hỏng cảnh quan, môi trường.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.