(Tin Môi Trường) - Từ thuở thiếu thời cho đến khi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn gắn bó, hòa mình vào thiên nhiên, yêu thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Tình yêu đó đã hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc, nâng lên thành tình yêu non sông bờ cõi, giang sơn gấm vóc của dân tộc. Tình yêu ấy là hiện thực rờ rỡ, thấm đẫm nhân văn và lẽ phải, kết thành chân lý bền vững như cây đời mãi mãi xanh tươi.
tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tấm gương yêu thiên nhiên, yêu non sông bờ cõi, giang sơn gấm vóc của dân tộc. Người luôn khao khát truyền cảm hứng và năng lượng để nuôi dưỡng tình yêu đó tới muôn dân và thế hệ mai sau. Chính vì khát vọng xanh lớn lao ấy mà sinh thời, chưa bao giờ Người thôi hành động, bởi theo Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Khát vọng làm cho Tổ quốc Việt Nam
xanh tươi bền vững của
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong tư tưởng và hành động bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản, rừng và biển đảo, khí hậu và môi trường. Người luôn quan niệm, từng ngọn cỏ, cành hoa, mỗi hạt cát, giọt nước… dù nhỏ cũng là tài nguyên, đều phải quý trọng, giữ gìn; từng giọt nắng, cơn mưa, ngọn gió cũng đều có ích nếu con người biết chấp nhận, chung sống và lựa theo thời tiết. Bầu trời, mặt đất và lòng đất, biển, đảo, thềm lục địa, không gian của Việt Nam là “ý trời đã định”, đó là tài sản vô giá, mọi người dân phải có trách nhiệm vừa xây dựng, vừa bảo vệ trên mọi phương diện, ý niệm, lĩnh vực, để tài nguyên - thiên nhiên phát triển bền vững cho hôm nay, cho mai sau và mãi mãi sau này.
Sinh thời, Bác Hồ luôn có ý thức trong việc trồng cây, bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội luôn gắn bó hữu cơ với nhau như môi với răng, thống nhất biện chứng, không thể tách rời, hai yếu tố này làm tiền đề, làm nền tảng, làm động lực cho nhau phát triển bền vững. Trong nhiều tư tưởng của Người, quan điểm nổi tiếng nhất, đầy đủ nhất, sâu sắc nhất, toàn diện nhất là lời dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Chính Bác là người khởi xướng và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho phong trào “Tết trồng cây”. Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người thường xuyên kêu gọi nhân dân phải trồng cây để môi trường thiên nhiên
xanh tươi. Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Người viết bài “Tết trồng cây”: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây". Người phân tích “Mỗi Tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.
Sáng ngày 11/1/1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Để rồi từ đó, hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây.
Trong nhiều tư tưởng của Người, quan điểm nổi tiếng nhất, đầy đủ nhất, sâu sắc nhất, toàn diện nhất là lời dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Khi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại vườn hoa Thanh niên, Bác Hồ khuyến khích thanh niên: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” và: "Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm
xanh tươi".
Sáng mùng Một Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. Và ngay cả những giây phút chuẩn bị cho việc về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc của mình, Bác vẫn căn dặn mọi người phải trồng cây xanh: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Quan điểm “xanh tươi” của
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt, là kim chỉ nam cho sự phát triển của mọi thời đại. Ngày nay, thế giới và Việt Nam đều lấy tiêu chí “xanh” làm định hướng, mục tiêu phát triển; làm tiền đề bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu “xanh” đã trở thành cam kết chính trị của Đảng, cam kết pháp lý của Nhà nước và hành động của toàn dân đối với phát triển bền vững môi trường thiên nhiên. Trong quá trình phát triển của đất nước, đặc biệt là những năm gần đây, khi tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mục tiêu
xanh cho phát triển bền vững ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong cam kết tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, phải xem hành động ứng phó với biến đổi khí hậu là tiêu chuẩn đạo đức. Những khẳng định của Thủ tướng Chính phủ là sự lĩnh hội, tiếp nối nhằm hiện thực hóa khát vọng
xanh mà Bác trao gửi cho thế hệ mai sau.
Qua các bài viết và nói, qua những hành động thực tiễn và những lời dặn dò ân cần của Bác cho thấy, Người đã nâng khát vọng
xanh cụ thể thành khát vọng
xanh mang tầm thời đại, khát vọng hiện thực hóa mục tiêu chủ nghĩa xã hội vì một thế giới đại đồng.
Thực hiện khát vọng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, mở đầu cho một năm trồng cây, theo đúng ý nguyện của Bác Hồ và phong trào thi đua thực hiện kế hoạch trồng một tỷ cây
xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Giờ đây, phát triển xanh, phát triển bền vững đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra, ở mọi nơi, trên mọi lĩnh vực, ngành nghề: kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh, con đường xanh, khu dân cư xanh, cơ quan và đơn vị xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, chợ xanh…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tài ba, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà vận động quần chúng thiên tài. Người đã truyền khát vọng của mình tới toàn dân bằng lời nói, hành động thiết thực; Người đã nâng khát vọng của mình lên tầm vĩ đại; biến khát vọng của cá nhân thành khát vọng của giai cấp, dân tộc khát vọng của Đảng, Nhà nước và toàn dân; Khát vọng
xanh của Bác đã trở thành di sản vô giá trong hệ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khát vọng ấy mãi mãi bất diệt!
TS. Nhà văn Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch VACNE