»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:37:04 PM (GMT+7)

Cần “đánh thức” tiềm năng sinh học để Tây Giang phát triển bền vững

(10:09:33 AM 09/08/2018)
(Tin Môi Trường) - Ngày 8/8/2018, huyện Tây Giang (Quảng Nam) tưng bừng kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam lần thứ 2 cho hàng trăm danh mộc cổ thụ trên địa bàn.

Cần[-]“đánh[-]thức”[-]tiềm[-]năng[-]sinh[-]học[-]để[-]Tây[-]Giang[-]phát[-]triển[-]bền[-]vững

Lãnh đạo VACNE trao bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam 
 
Nhìn vào những hoạt động này, dễ dàng nhận ra: các nhà lãnh đạo Tây Giang có tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững. Thể hiện rõ nhất là những hành động kịp thời và mạnh mẽ của địa phương trong lĩnh vực bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan môi trường, giữ gìn truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc.
 
Điển hình là: cán bộ và nhân dân Tây Giang vượt qua mọi khó khăn, kể cả những cám dỗ đánh đổi môi trường, lấy “phát triển kinh tế nóng, nhanh chóng thoát nghèo” như một  số nơi đã làm. Hơn thế, họ còn biết chọn giải pháp khôn khéo để bảo vệ, khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh học đặc hữu được hun đúc nhờ hình sông thế núi cả triệu năm. Địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập hồ sơ và tổ chức Vinh danh Cây Di sản nhằm bảo vệ, phục vụ phát triển kinh tế. 
 
Đây là hành vi ứng xử chuẩn mực, thể hiện lòng biết ơn với thiên nhiên, cũng như thể hiện lời hứa với “thần rừng”- một nét đẹp văn hóa truyền thống của bà con các dân tộc ít người ở vùng cao. Hoạt động này, còn hướng tới mục tiêu truyền dạy cho các thế hệ con cháu về đạo đức, cũng như ý thức bảo vệ môi trường, biết trân trọng những tài sản của tiền nhân để lại.
 
Cũng nhờ đó, Tây Giang đã nổi lên, trở thành một điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ rừng và được đồng bào cả nước biết đến như là một vùng đất mới. Từ “Vương quốc Pơ mu” đến những cây Đa, cây Dổi khổng lồ cùng “Tập đoàn cây Đỗ quyên” lần lượt trở thành Cây Di sản. Những Danh mộc cổ thụ này giống như những vị thần của rừng được định danh và những nàng Tiên nữ được đánh thức, để mọi người được chiêm ngưỡng, tự hào và quan tâm bảo vệ tốt hơn. Cho dù, họ đã biết: những sinh vật này vẫn đứng đó cả trăm năm, cả nghìn năm chung thủy với con người. Chúng không chỉ che chở, nuôi dưỡng  muôn loài, mà còn giữ vai trò là những chứng nhân của lịch sử, ghi nhận tất cả những thăng trầm của mảnh đất Tây Giang. Và tới lúc này, nhiều người mới chợt nhận ra rằng: nếu không được chính quyền quan tâm và được cộng đồng địa phương bảo vệ kịp thời, thì những Di sản vô giá đó, đã vĩnh viễn mất đi, giống như nhiều rừng cây khác của Việt Nam.
 
Dù mức sống hiện nay của đồng bào địa phương đã tiến rất xa so với những năm Tây Giang mới tách khỏi huyện Hiên (năm 2003), điển hình là những bước tiến về môi trường xã hội, về khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ: thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông…, nhưng chắc chắn trong lòng mỗi cán bộ địa phương không thể bình yên, khi Tây Giang vẫn còn nằm trong danh sách 56 huyện nghèo cả nước. Vì thế, dưới góc nhìn của một thành viên Hội BVTN&MT Việt Nam, có chút ít hiểu biết về sinh học và đã vài lần được mời đến Tây Giang , tôi xin mạnh dạn đề xuất ý tưởng phát triển kinh tế bền vững trên nền tảng Bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Người ta thường bảo: “nói thì dễ, làm mới khó”, nhất là khi tôi đề cập tới một lĩnh vực kinh tế tổng hợp, lại mong muốn được triển khai tại một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Mà ở đó hầu hết dân cư là đồng bào các dân tộc ít người và trình độ dân trí thấp. Nhưng tôi rất tin vào sự quyết đoán, dám xả thân và khả năng tập hợp lực lượng của đội ngũ lãnh đạo địa phương, cũng như tin vào năng lực của các nhà khoa học, các doanh nghiệp của Quảng Nam; đồng thời cũng tin vào sự nhận biết của mình về tài nguyên sinh vật, thổ nhưỡng, khí hậu, tri thức bản địa của vùng đất này. Một thuận lợi nữa củng cố cho ý tưởng trên, là Tây Giang đang được Nhà nước và tỉnh Quảng Nam đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Từ đường xá, điện, nước, thông tin liên lạc, trường học, bệnh xá… đến khu Bảo tồn loài.
 
Quả là không sai, khi ai đó gọiTây Giang là Đà Lạt của miền Trung, nhờ có khí hậu mát mẻ quanh năm, dù chỉ cách thành phố  Đà Nẵng có hơn 2 giờ xe chạy trên quãng đường 120 cây số. Du khách tới đây sẽ dễ dàng được chiêm ngưỡng những Di sản “độc nhất vô nhị” như đã nói ở trên; đồng thời được thưởng thức một số đặc sản quý hiếm của địa phương như: cá suối, măng rừng, rượu Tr’đin, rượu Tà vạt và nhiều loại rượu quý khác, được chiết xuất từ những loài sinh vật đặc hữu. 
 
Trong thời gian lưu trú tại đây, khách có thể được rảo bước theo vết chân của những người cổ xưa, trên con đường Muối; được trải nghiệm trên một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh thời chống Mỹ; hoặc được chui sâu xuống Địa đạo A Sò; được tắm mát và chụp ảnh lưu niệm bên thác R’Cung, thác Ra ai, Cổng trời A zứt; cũng như được thưởng thức những Di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Cơ tu.
 
Trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi bề, từ nguồn lực tài chính đến chất xám, huyện Tây Giang  không có cách nào khác, là phải dựa vào sức mạnh của cộng đồng  địa phương, để từng bước đi lên. Lãnh đạo huyện đã huy động sức dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, mở thêm được một số con đường mới lên núi, tới những cây Di sản. Bên cạnh đó, huyện còn hướng dẫn, khuyến khích người  dân chuyển đổi cơ cấu nông nghiêp, như:  trồng cây thuốc, rau rừng, nuôi tre lấy măng, phát triển đàn bò, nuôi gà, nuôi cá…để đáp ứng nhu cầu đời sống trước mắt, tiến tới cung cấp rộng rãi cho các khu vực xung quanh và  phục vụ du lịch. Sự khởi đầu có thể còn khó khăn, nhưng chắc chắn sẽ đem lại nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
 
Nói tóm lại, muốn phát triển kinh tế địa phương trên nền tảng du lịch, huyện Tây Giang cần tập hợp lực lượng chuyên gia, cũng như các nhà đầu tư, thu thập ý kiến tư vấn và phản biện. Trên cơ sở đồng thuận, địa phương sớm ban hành những quyết sách thu hút đầu tư; lập quy hoạch và kế hoạch cho phát triển kinh tế theo khả năng thực tiễn và lộ trình cụ thể, mà trọng tâm là du lịch. 
 
Từ những đòi hỏi cho phát triển Du lịch như: thông tin, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, giải trí, chữa bệnh, mua quà lưu niệm… cũng chính là động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác của địa phương phát triển.
 
Cần phải nói thêm rằng: Tây Giang sẽ mất đi lợi thế, nếu vẫn để tình trạng bất cập về dịch vụ như hiện nay. Theo phản ánh của nhiều du khách, đến huyện Tây Giang vào những ngày lễ hội thường phải đi bộ quanh quẩn trong một phạm vi hẹp xung quanh thị trấn, mà không có bất cứ phương tiện giao thông nào (kể cả xe ôm) để giúp họ được hòa mình vào núi rừng, hoặc được tiếp cận với những thác nước (dù là gần nhất). Chán cảnh, họ phải chui vào phòng kín để hát Karaoke, hoặc tìm đến những quán ăn bình dân, với những món ăn giá rẻ quen thuộc, như cá biển, thịt lợn, thịt gà công nghiệp, rau muống xào…đem từ phương xa đến, mà hình như ở đâu cũng có. Hơn nữa, khi rời Tây Giang mà họ vẫn chưa được tiếp xúc với Cây Pơ mu Di sản nghìn năm tuổi, hay được tận mắt chiêm ngưỡng rừng hoa Đỗ quyên đỏ rực trên đỉnh K’Lang vào mùa Xuân. Có một số người may mắn, đã được chạm tay vào những Cây Di sản , nhưng không thỏa mãn. Vì kết quả mà họ nhận được, chỉ là những cảm nhận bề ngoài, những bức ảnh lưu niệm trước một thực thể sinh vật khổng lồ mà thôi.
 
Từ thực tế này, đòi hỏi các ngành, nhất là Giao thông, Nông nghiệp, Văn hóa - Thông tin, phải đi trước một bước. Trước hết, phải đầu tư sản xuất, chế biến, chau chuốt và xây dựng thương hiệu, làm nổi bật những sản phẩm sinh học đặc hữu của Tây Giang; cũng như “thổi hồn” cho các Di sản hiện có. Để khi nghe thuyết minh, người ta có thể hình dung và rút ra được những bài học, từ những câu chuyện ký bí về chúng, hoặc khám phá ra những tầng sâu văn hóa, lịch sử đã từng diễn ra trên mảnh đất linh thiêng này. Mỗi người ra về, ít nhất cũng mua được một món quà lưu niệm ở Tây Giang. Có thể chỉ là những mô hình ngôi nhà Gươl, con chim T ring chỉ có trong truyền thuyết, do các nghệ nhân Tây Giang chế tác từ những mẩu gỗ rừng, hay một vài sản phẩm từ cây thuốc . Những đòi hỏi này tuy nhỏ, nhưng rất quan trọng, trong việc thúc đẩy kinh tế, tăng thu nhập cho địa phương. Nhu cầu đó, đòi hỏi ngành Văn hóa - Du lịch phải chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai ngay. Nếu để lâu, không những các nhân chứng lịch sử không còn, mà những tư liệu quý cũng có nguy cơ biến mất.
 
Đã có câu hỏi đặt ra: đa số bà con đang sinh sống ở huyện Tây Giang là đồng bào Cơ tu, cùng một số dân tộc khác như: Tà ôi, Ca dong, Hre, Giẻ Triêng, Vân kiều, Cor… chưa giỏi làm kinh tế, nhất là làm Du lịch?. Nhưng tôi vẫn tin rằng họ hoàn toàn làm được, thậm chí có thể làm tốt, nếu có sự hướng dẫn nhiệt tình của những chuyên gia giỏi. Có thể lúc này, những cô gái Cơ Tu chưa giỏi tiếng Anh như các cô gái H’mông làm du lịch ở Sa Pa (Lào Cai), nhưng họ vẫn có thể tham gia tốt vào các hoạt động du lịch. Họ có thể giao tiếp với du khách quốc tế, kể cả người Anh, hay người Trung Quốc…bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt vốn có. Đó là ngôn ngữ múa  – Di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc mình. Những người dân quê khác ở đây cũng vậy. Họ có thể làm Du lịch giỏi, bằng các nghề: dệt Thổ cẩm, chế tác đồ mỹ nghệ, đan lát, nuôi cá, hái măng rừng, dẫn đường leo núi…
 
Nếu chính quyền địa phương biết huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các nhà khoa học, kiến trúc sư, doanh nhân, nông dân, tư thương, để phát triển du lịch. Khi đó, chắc chắn Tây Giang không còn là “huyện nghèo” hay “vùng xa xôi hẻo lánh”, mà sẽ là Hội An thứ 2 của Quảng Nam – một trong những điểm đến hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam.
Quang Chính -Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Cần “đánh thức” tiềm năng sinh học để Tây Giang phát triển bền vững

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI