»

Thứ bảy, 18/01/2025, 13:08:31 PM (GMT+7)

Bước tiến dài trong ứng phó biến đổi khí hậu

(20:52:40 PM 16/12/2018)
(Tin Môi Trường) - Kéo dài chương trình làm việc thêm một ngày, nhưng các nhà đàm phán đại diện cho 196 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) tại thành phố khai mỏ Katowice, Ba Lan đã tiến được một bước rất dài trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, khi vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015.


Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP24) diễn ra tại thành phố khai mỏ Katowice, Ba Lan -Ảnh: IE

 

Chủ tịch COP 24, ông Michal Kurtyka, gọi việc thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 vào cuối ngày 15/12 tại Katowice là “thời khắc lịch sử”. Đó được xem là cột mốc đánh dấu việc thỏa thuận đạt được tại Pháp cách đây 3 năm về ứng phó với biến đổi khí hậu chính thức có giá trị, với những quy tắc cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực chống lại sự ấm lên của Trái Đất.

 

Sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua tháng 12/2015 đến COP24 tại Katowice, Trái Đất tiếp tục ấm lên một cách đáng báo động. Bốn năm gần đây là 4 trong số những năm nóng nhất kể từ khi các số liệu quan trắc được ghi nhận từ thế kỷ 19, theo Tổ chức Khí tượng thế giới. Và 20 năm nóng nhất trong suốt hơn 100 năm qua rơi vào quãng thời gian 22 năm gần đây. Với đà nóng lên đó này, thế giới sẽ sống trên một Trái Đất nóng hơn từ 3 đến 4 độ vào cuối thế kỷ 21. Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì đây sẽ là một thảm họa đối với Trái Đất và con người, bởi băng ở các cực và trên các đỉnh núi sẽ tan, nước biển sẽ dâng cao nuốt chửng nhiều hòn đảo cũng như các vùng đất duyên hải, trong khi hạn hán và bão lụt sẽ ngày càng để lại nhiều hậu quả khủng khiếp hơn. Tất cả sẽ đe dọa sự sống của con người, sự tồn vong của nhân loại.
 
Tại COP24, các báo cáo đặc biệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, báo cáo của Chương trình Môi trường LHQ về cơ hội giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực xây dựng và báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) về dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng băng tan tại khu vực Nam Cực đã phát đi những tín hiệu cảnh báo rất đáng báo động.
 
Chính vì thế, LHQ đã xác định rằng, COP24 tại Katowice là hội nghị quan trọng nhất về khí hậu kể từ sau khi Thỏa thuận Paris 2015 được thông qua. Ba năm trước tại Pháp, các quốc gia đã đi đến thống nhất việc giữ mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và phấn đấu mức tăng chỉ ở mức 1,5 độ C trong trường hợp có thể được - bởi đây được xem là ngưỡng an toàn cho Trái Đất. Đó là một thành công mang tính biểu tượng cao. Nhưng thực hiện Thỏa thuận Paris như thế nào thì lại là cả một câu chuyện dài. Mỗi quốc gia đều có cách diễn đạt cũng như kế hoạch khác nhau về việc cắt giảm phát thải carbon gây hiệu ứng nhà kính - chiếm tới 80% nguyên nhân nóng lên của Trái Đất.
 
Mặt khác, một số quốc gia giàu có và nắm giữ nhiều công nghệ tối ưu lại cố tình làm mờ đi trách nhiệm hỗ trợ cho các nước nghèo bằng những khái niệm mới như “người cung cấp tài chính” thay cho cụm từ “nguồn tài chính từ các nước phát triển cung cấp cho các nước đang phát triển” để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những mâu thuẫn chính tại COP24, khiến hội nghị phải kéo dài thêm một ngày mới đi đến thống nhất được giải pháp thực hiện Thỏa thuận Paris.
 
Trước nguy cơ COP24 thất bại sau 10 ngày làm việc, Tổng Thư ký LHQ Anonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) đã một lần nữa quay trở lại Katowice để hối thúc các nhà lãnh đạo và các đoàn đàm phán thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc bảo vệ Trái Đất trước hiện tượng ấm lên toàn cầu. Ông đã có một bài phát biểu thứ hai ở COP24, sau lần phát biểu ở ngày khai mạc, với những lời lẽ mạnh mẽ hơn, thôi thúc các quốc gia tìm tiếng nói chung trong những ngày ngắn ngủi còn lại của hội nghị. 
 
Quyết tâm ấy của LHQ còn được thể hiện thông qua việc kéo dài chương trình làm việc của COP24 thêm một ngày, để các nhà đàm phán có thêm giời gian thảo thuận, giải quyết những khúc mắc còn tồn đọng. Để rồi, nút thắt cuối cùng ấy cũng được tháo gỡ, với việc các nhà lãnh đạo thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris. Theo đó, mỗi quốc gia sẽ được hướng dẫn để xây dựng các báo cáo về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính một cách minh bạch, và cách thức để giảm mức phát thải này. Thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng sẽ có những quy tắc mới, rõ ràng hơn. Các nước phát triển cùng các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư quốc tế sẽ chung tay nhiều hơn để hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Tuy nhiên, thành công của COP24 Katowice là không thật sự trọn vẹn, khi trong suốt thời gian 2 tuần diễn ra hội nghị, những bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia đã được phơi bày. Dù cả thế giới đều nhận thức được nguy cơ của biến đổi khí hậu, song quan điểm và cách tiếp cận trong việc ứng phó vẫn còn quá nhiều khác biệt, và lợi ích trong việc phát triển kinh tế vẫn được coi trọng hơn vấn đề bảo vệ môi trường.
 
Việc Mỹ - một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới - tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris, hay một số nước khác như Brazil, Nga, Saudi Arabia, Trung Quốc... bảo vệ quan điểm khá cứng rắn trong việc ưu tiên phát triển kinh tế... đã để lại những dư vị không mấy ngọt ngào cho COP24, có thể cản trở nhiều đến nỗ lực chung của toàn nhân loại.
 
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người. Việc đạt được Thỏa thuận Paris cách đây 3 năm, và thông qua Chương trình nghị sự thực hiện thỏa thuận này ở Katowice là những bước tiến quan trọng trong hành trình đầy chông gai cứu Trái Đất trước khi quá muộn. Tuy nhiên, ý chí và quyết tâm chính trị và sẽ là chưa đủ nếu các nước ngay bây giờ không có những hành động cụ thể, thực chất và quyết liệt. Hiệp định Paris hay Chương trình nghị sự thực hiện thỏa thuận này thể hiện những cam kết mạnh mẽ, song phải được các nước hiện thực hóa, bởi đây chính là trách nhiệm đối với thế hệ tương lai.
PHẠM THẮNG - TTXVN
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Bước tiến dài trong ứng phó biến đổi khí hậu

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI