Trao đổi - Phản biện » Tầm nhìn
Ai đã đối xử thô bạo với tuyệt tác tháp cổ Champa ở Bình Định?
(09:41:22 AM 28/04/2015)
Chẳng thế, “Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi/ Sông xanh, núi càng xanh rì/ Vào Nam, ra Bắc ai cũng đi đường này/ Nghìn thu gương cũ còn đây” đã đi vào ca dao Bình Định.
Ở tháp Bánh Ít, ta gặp “tấm áo choàng điêu khắc” như PGS-TS. Ngô Văn Doanh từng viết, phủ lên cho cả ngọn tháp “một âm hưởng linh thiêng, như làm cho cả khu tháp sống dậy trong cái không khí thần linh huyền ảo”.
Ấy là dấu vết của những phong cách thời kỳ trước. Lại thêm dấu ấn mới của phong cách Bình Định, với cửa hình mũi giáo vút nhọn, các cột ốp cũng mất dần các băng dọc trang trí để trở nên trơn tru, vút lên, các mặt tường đã nhô lên thành những gờ dọc lớn… Tất cả cho thấy ý chí vươn lên như muốn chế ngự đỉnh cao, như thể hiện một khát khao khẳng định mãnh liệt giữa một thời kỳ lịch sử nhiều biến động.
Sự chuyển tiếp giữa hai phong cách nghệ thuật đọc qua ngôn ngữ điêu khắc mang cho Bánh Ít một vẻ đẹp lạ - vừa mạnh mẽ, cường tráng như phong cách Bình Định, mà vẫn mềm mại, uyển chuyển ở chi tiết, nhất là ở kiến trúc mang hình mái nhà dài Đông Nam Á ở phía Nam tháp chính.
Lại nữa, bình đồ Bánh Ít là sự mô phỏng thần thoại về núi Me-ru trong Bà La Môn giáo, những hình tượng điêu khắc như Thần điểu, Quả bầu… lại có chút gì đó thể hiện mối giao lưu với nghệ thuật Đại Việt. Tất cả gắn kết trong một không gian cảnh quan có núi đồi, sông nước, cỏ cây… tạo cho tháp vẻ đẹp có một không hai trong các kiến trúc Chăm hiện tồn.
Từ Bánh Ít, men theo dòng sông Côn, ta sẽ có một hình dung đầy đủ về mô hình văn hóa Champa tại miền Trung mà cố GS Trần Quốc Vượng (Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, 1998, trang 308-340) từng đưa ra với ba phần: Thánh địa (núi, cao nguyên) - Thành (kinh đô) - Cảng (trung tâm buôn bán, thương mại).
Có thể xem Bánh Ít như một trung tâm nối kết thành Vijaya (Đồ Bàn), thành Cha, thương cảng Thị Nại và các di chỉ gốm Chăm nằm dọc sông Côn - dòng chảy của tâm thức và thương mại.
Bởi thế, từ Bánh Ít, ta có thể nhận ra rằng, chưa ở đâu trên dải đất miền Trung này, trừ Bình Định, để lại đẩy đủ cả những dấu tích kiến trúc Chăm cả về tôn giáo, dân sự, kinh tế và quan trọng hơn, tất cả những di tích đó đều là những dấu tích vật chất, tức có thể nhìn thấy được. Gắn các di tích đó vào trong một hệ thống mang tính tổng thể, cho phép ta hình dung được diện mạo một thời kỳ phát triển rực rỡ của văn hóa Champa.
Trùng tu tháp Bánh Ít như thể xây tường gạch bây giờ
Cũng cần nói thêm rằng, tiêu chí số một để một di tích được công nhận là di sản văn hóa thế giới là bản thân di tích phải có những đặc tính độc nhất vô nhị mang tính toàn cầu. Sự độc đáo của di tích Chăm ở Bình Định là có cả một hệ thống di tích cả dân sự lẫn tôn giáo.
Bởi thế, vinh danh di sản bằng cách tách các di tích tháp Chăm Bình Định ra khỏi hệ thống di tích Chăm Bình Định là một sai lầm mà phải đặt nó trong tổng thể Không gian văn hóa Chăm. Với những giá trị lịch sử và văn hóa của tháp Chăm Bình Định đối với một giai đoạn phát triển của văn hóa Chămpa, việc đề cử UNESCO “Không gian văn hóa Chăm - Bình Định”(1) là Di sản Văn hóa Thế giới có tính khả thi. Và Bánh Ít từ một di sản độc đáo trở nên độc sáng là bởi vậy.
Như vậy, không cần đợi đến bất cứ ai hay tổ chức nào tôn vinh, tự thân Bánh Ít là viên ngọc quý của kiến trúc và điêu khắc Chăm, cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy.
Nhưng phát huy giá trị của Bánh Ít sẽ chỉ là… nói cho vui nếu thiếu đi những hành động vừa cụ thể, bài bản và cẩn trọng trong ứng xử với di tích, vừa không thể thiếu đi sự quyết tâm, quyết đoán. Thiếu một trong các yếu tố đó, hoặc sẽ biến Bánh Ít thành địa chỉ cho những thử nghiệm thất bại “thương nhau như thế bằng mười phụ nhau” như từng xảy ra, hoặc sẽ cứ mãi lừng khừng trong mấy chữ “giá trị di sản” và Bánh Ít mãi là “người đẹp ngủ say”.
Tháp chính trong quần thể tháp Bánh Ít
Nhìn lại thời gian qua, Bánh Ít cõng trên mình tháp không ít truân chuyên, trắc trở. Những dấu tích một thời tháp Bánh Ít bị biến thành cứ điểm quân sự với những mảng xi-măng tô trét vội trong lòng tháp, cộng với con đường lên được mở quanh tháp thành vành đai nhằm chiếm lĩnh độ cao.
Tiếp đó, tháp lại “tiếp đón” hai, ba lần trùng tu theo những phương pháp khác nhau, thậm chí đối lập nhau về quan điểm.
Một trắc trở gần đây là con đường dẫn lên tháp khi xưa vốn là vành đai quân sự lại được gia cố bằng đá hộc để ô tô cũng có thể leo lên đỉnh đồi. Cách gia cố con đường chiếm lĩnh độ cao thời chiến bị tận dụng để thành đường lên tháp - đường lên chốn ngự trị của thần linh - khiến không gian tháp bị tầm thường hóa. Chất liệu đá hộc rất thô khiến nhìn từ xa, cả ngọn đồi trông như có một “vành khăn tang”.
Đó là chưa kể thêm cái khu cổng khổng lồ, với ba cái trụ thô kệch, tròn tròn khía khía nhại theo phong cách Chăm, “khiến người ta có cảm giác khu cổng mới toe đó là hạng mục chính của "khu tháp Bánh Ít", còn bốn ngôi tháp cổ chỉ là thứ "điểm xuyết", hoang phế, góc sân sau (!)”.
Sau sự cố ấy, ngành chức năng đã cho trồng cây trong khuôn viên ngọn đồi để cây xanh có thể che lấp đi cái màu trắng thô tục của con đường bằng đá hộc. Tuy nhiên, việc dùng cây xanh “trang trí” cho tháp hẳn chỉ là giải pháp tạm thời vì điều này không hợp với cách thống lĩnh không gian của đền tháp Chăm, trong tâm thức người Chăm xưa, cũng như phương thức bảo tồn di sản của những nhà khoa học.
Còn hiện nay, ngành văn hóa lại đang trổ một con đường lên tháp từ hướng Đông, cũng bằng… bê tông, mà mới nhìn qua, không khác gì… cầu thang cuốn đi lên siêu thị.
Người ta đã làm con đường lên tháp như thế này
Cần khẳng định rằng, việc xây con đường lên tháp từ hướng Đông không sai, bởi hướng Đông là nơi cư ngụ của thần linh theo truyền thuyết Chăm và các kalan Chăm thường có cửa mở hướng Đông. Mở con đường hướng Đông theo trục thần đạo trong các kiến trúc cổ có thể đúng.
Tuy nhiên, lối đi chính theo trục thần đạo, hẳn nhiên, cũng tựa như cổng chính trong tam quan của một ngôi chùa, không để dành cho tất cả mọi người. Con đường ấy, nếu có, chỉ như một lối nhỏ dành cho những người tế lễ, chứ không phải to và rộng, thậm chí trông còn hoành tráng hơn bản thân di tích, chọc thẳng một cách sỗ sàng vào di tích như thế.
Thêm nữa, ẩn ý của người xưa, như đã nói ở trên, khi đưa các khu tháp thời kỳ Bình Định lên đồi cao, là nhằm khẳng định quyền uy, bản lĩnh của một vương triều.
Việc làm đường to, rộng, xi măng thô cứng và xám xịt cùng với rãnh thoát nước sâu, không thể hiện được dụng ý ấy mà là ngược lại, khiến di tích càng thêm nhỏ bé và lạc lõng hơn. Còn ý kiến các nhà quy hoạch du lịch thì cho là “Mọi con đường đều phải rộng rãi và thênh thang”, việc này tôi xin nhường lời cho nhà quản lý.
Cần quy hoạch thật bài bản và cụ thể. Trên cơ sở đó, tính toán lại toàn bộ những công trình đã và đang xây dựng lại tháp Bánh Ít. Công trình nào có thể cải tạo sẽ cải tạo theo hướng ứng dụng những vật liệu phù hợp như đất nung để tôn vinh tháp; công trình nào chưa phù hợp cần có hướng xử lý. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm các công trình hổ trợ cho tháp Bánh Ít như cải tạo con đường đá hộc đã có thành con đường đất nung, tái hiện lại không gian nhà dài vừa làm nơi trưng bày cổ vật Chăm vừa là điểm dừng chân cho du khách là việc làm cần thiết.
Nhưng trước khi tiến hành bất cứ động thái nào, cần tổ chức một hội thảo khoa học để bàn luận rốt ráo cách ứng xử với tháp Bánh Ít, thay vì chỉ ngợi ca giá trị thuần túy hay phê phán suông những cách làm đã có.
Đó là tâm huyết mà một người nặng lòng với di sản xin gửi đến những nhà quản lý di sản.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Lãnh đạo của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tham gia Hội thảo về kinh nghiệm đọc sách khoa học
- Cứu cây xanh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường cho thế hệ mai sau
- Phát biểu của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tại Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024
- Đồng bằng sông Cửu Long "thuận thiên" để phát triển bền vững
- Có rừng là có tín chỉ carbon?
- Nói phét dễ vậy sao?
- Ý nghĩa của hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam
- TS NGUYỄN NGỌC SINH, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: “Hướng tới cộng đồng, chung sức cùng cộng đồng”
Bài viết mới:
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
- Tổng công ty giấy Việt Nam bị xử phạt 1,89 tỷ đồng (26/10/2024)
- Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta (26/10/2024)
- Tổng thư ký VACNE trình bày “Bài học kinh nghiệm thực tiễn về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường” tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ thuật ASEAN (24/10/2024)
- Học sinh thích thú khám phá trang trại, nhà máy "Xanh" sản xuất ra hộp sữa Vinamilk (24/10/2024)
- Cây thị 700 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt ở Thanh Hóa (21/10/2024)
- Hội đồng Ban giám khảo vòng sơ khảo cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” (21/10/2024)
- Quảng Ninh: Hai cây đầu tiên của huyện Hải Hà được công nhận Cây Di sản Việt Nam (14/10/2024)
- Ảnh "Voọc mũi hếch" giành giải nhất cuộc thi "Chim và thú hoang dã Việt Nam 2024" (14/10/2024)
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.