»

Thứ tư, 30/10/2024, 02:24:22 AM (GMT+7)

10 cảnh báo về An ninh Môi trường Việt Nam

(08:44:49 AM 28/09/2021)
(Tin Môi Trường) - Nhân Tọa đàm An ninh môi trường của VACNE được tổ chức trực tuyến sáng 29/9/2021. Xin chia sẻ nội dung Bài viết của hai tác giả Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe (Hội BVTN&MT Việt Nam) về An ninh Môi trường ở Việt Nam đang bị xâm hại do hành động bất cẩn của chính chúng ta và không loại trừ do các yếu tố quốc tế mà chúng ta chưa cảnh giác. Bài báo đã được đăng tải trên website của VACNE ngày 01/11/2012 và cũng đã được đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH và ĐT) số 9+10/2012.
10[-]cảnh[-]báo[-]về[-]An[-]ninh[-]Môi[-]trường[-]Việt[-]Nam
Ảnh minh hoạ: IE
 
Dẫn nhập:
 
Hiện chưa đủ thông tin để phân tích kỹ về ANMT - còn gọi là An ninh Phi truyền thống - vì các báo cáo Hiện trạng Môi trường và Thống kê không có đủ hạng mục thông tin cần thiết. Trên thông tin đại chúng và các báo cáo khoa học có khá nhiều tài liệu cho thấy đã đến lúc các vấn đề ANMT ở nước ta cần được quan tâm kiểm soát trước khi quá muộn. ANMT theo định nghĩa của Hội đồng Bảo an LHQ là: “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm hoạ có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”. Báo cáo Thiên niên kỷ của Hội đồng Châu Mỹ của LHQ xác định: “ ANMT là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia”. Xâm phạm An ninh Môi trường cần được coi là một kiểu diễn biến hòa bình [i] .

1. Mất ổn định do biến đổi khí hậu
 
Một dự báo khá ảm đạm là khả năng đến năm 2030 khu vực Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do tan băng, lượng nước chảy ra từ các con sông băng thuộc dãy Himalaya giảm mạnh sẽ kéo theo “hàng loạt hậu quả về kinh tế - xã hội và chính trị”. Trong một bức điện (thông tin từ Wikileaks), sứ quán Mỹ có ghi chú: “Đông Nam Á với những điều kiện chính trị không ổn định, sự bùng bổ và gia tăng dân số trẻ sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất” Chính phủ Úc khuyến khích các quốc gia thuộc Thái Bình Dương, nơi sẽ chịu ảnh hưởng của mực nước biển tăng, nên xem xét vấn đề một cách từ từ thay vì tập trung ngay vào kịch bản xấu nhất, dù khả năng người dân của các nước đó bắt buộc phải di tản vào một thời điểm nào đó gần như là chắc chắn. Ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu đối với khu vực Đông Nam Á nghiêm trọng sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2030. Khu vực sông Mekong có thể sẽ xảy ra xung đột trong điều kiện lượng nước sông giảm mạnh ảnh hưởng đến những quốc gia có liên quan
 
2. An ninh nước đang bị xâm phạm
 
Lượng nước hàng năm của Việt nam có được là khoảng 850 tỷ m3, trong đó khoảng 500 tỷ m3 là nước quá cảnh. Hiện nay chúng ta đã sử dụng khoảng 400 – 450 tỷ m3 mỗi năm. Điều đó cho thấy chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn nước chảy từ nước ngoài đến. Các nước trên thượng nguồn các dòng sông xuyên biên giới hiện đang tích cực đắp đập giữ nước thậm chí chuyển nước sang các dòng sông khác của họ. Nếu như thiếu nước, chúng ta sẽ không thể phát triển được chưa nói là phải nhượng bộ các quốc gia trên thượng nguồn về nhiều mặt để có nước. Chỉ riêng lĩnh vực nước sinh hoạt, theo báo cáo của Dự án quốc gia “Đánh giá ngành nước Việt Nam”, hiện có tới 8,5 triệu dân đô thị chưa có cơ hội dùng nước sạch, 21 triệu dân nông thôn còn xa lạ với khái niệm “nước hợp vệ sinh” và 41 triệu người khác được cấp nước nhưng chất lượng nguồn nước chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Đã ít nước, chúng ta lại dùng nước lãng phí và làm ô nhiễm tất cả các hệ thống sông ngòi nội địa, khiến cho mối đe dọa an ninh nguồn nước là mỗi đe dọa hàng đầu.
 
Cho đến 2005, tình hình khan hiếm nước trên lưu vực sông Đồng Nai đã đến mức báo động khẩn cấp. Năm 2005 bình quân đầu người 2486 m3/năm dưới ngưỡng 4000 m3/người là mức thiếu nước theo tiêu chuẩn Hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA). Theo dự báo của Cục Thủy Lợi Bộ NN và PTNT thì năm 2010 chỉ còn ở mức 2098 m3/người/năm (84% so với 2005); năm 2020: 1770 m3/người/năm (71,2% so với 2005); năm 2040: 1475 m3/người/năm (59,3% so với 2005) là mức khan hiếm nước.
 
Trong tương lai, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hàng loạt công trình thủy điện của các nước trong khu vực sông Mekong. Theo “quy hoạch’ của các nước trong lưu vực thì hàng trăm dự án thủy điện chằng chịt trên các nhánh chính và nhánh rẽ của dòng sông sẽ làm cho dòng sông bị chia cắt  thành nhiều đoạn và  ngăn cách con đường sinh tồn của các loài thủy sản vốn đang nuôi sống hàng triệu người dân. Biến động môi trường liên quan đến biến đổi khí hậu và khai thác vô độ nguồn thủy điện thượng nguồn có rất nhiều khả năng dẫn đến tình trạng tị nạn môi trường ở khu vực nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL.Vùng châu thổ này là nơi sinh sống của 18 triệu người, tương đương với 22% dân số Việt Nam cung cấp tới 40% diện tích đất canh tác và đóng góp hơn một phần tư GDP của cả nước. Một nửa số gạo ở Việt Nam, trong đó khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, 60% tôm cá và 80% trái cây của cả nước được sản xuất từ ĐBSCL.
 
3. Ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 2003 đến nay, các lực lượng đã phát hiện gần 3.000 container chứa hàng chục nghìn tấn ắc-quy chì phế thải và chất thải công nghiệp các loại nhập trái phép vào các cảng khu vực Hải Phòng. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc nhập khẩu rác thải công nghiệp về các cảng diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để răn đe, phòng ngừa và xử lý. Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an Hải Phòng cho thấy trong 3 năm (2003-2006) đã có gần 2.300 container chứa gần 37.000 tấn ắc-quy chì phế thải đã được nhập vào cảng Hải Phòng.Trong hai năm 2008 - 2009, tiếp tục phát hiện 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc-quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập cảng. Và từ đầu năm 2010 tới nay, cảng Hải Phòng có hơn 300 container chất thải vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường lưu bãi chưa biết xử lý thế nào.
 
Nguyên nhân đẫn đến thực trạng trên là việc nhập khẩu "rác" thải từ các nước tiên tiến về nước thường mang lại lợi nhuận cao khiến không ít doanh nghiệp trong nước tìm cách "lách luật", ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau với danh nghĩa hợp pháp nhằm thu lợi bất chính. Thủ đoạn vận chuyển, nhập rác trái phép vào nước ta được núp dưới hình thức ký hợp đồng xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất sang nước thứ 3 với những mặt hàng hợp pháp khi làm thủ tục khai báo, được nguỵ trang rất tinh vi, nhưng thực chất bên trong lại là chất phế thải. Khi bị phát hiện, các doanh nghiệp trong nước đứng tên hợp đồng thường có công văn từ chối việc nhận hàng.
 
4. Nghèo đói do môi trường gia tăng
 
Suy thoái môi trường và tài nguyên là một lý do của nghèo đói. Hiện chưa có thống kê tách bạch là trong số người nghèo Việt Mam có bao nhiêu % là do môi trường suy thoái. Tuy nhiên những vấn đề về nghèo do khô hạn và lũ lụt miền Trung, do khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long, do nông dân mất đất, do ngư trường xuốn cấp,… là điều không cần bàn cãi. Chỉ tính riêng vụ đông xuân 2010 đã có đến  620,000ha đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn. Ngư trường xuống cấp cùng với việc mất an ninh ở Biển Đông do tranh chấp đã làm số ngư dân bỏ nghề không ít. Lũ lụt và hạn hán cũng có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế và văn hóa của khu vực này.Trong những năm gần đây, những trận ngập lụt  và hạn hán đan xen đang tăng lên cả về mức độ và tần suất khiến cho đã có một bộ phận người dân định cư sang Campuchia.Thiên tai cùng với sức ép lên môi trường do sự phát triển kinh tế xã hội quá nhanh ở Nam Bộ và các quốc gia thượng nguồn ở Đông Nam Á khác, cộng thêm những đe dọa từ biến đổi khí hậu, đang đẩy những người sống dựa vào chúng vào tình trạng nguy hiểm. Trước nguy cơ này, người dân Nam Bộ thích nghi bằng nhiều cách khác nhau. Một trong những cơ chế thích nghi là di cư mà chính xác hơn phải gọi là tị nạn môi trường. Có hai hướng di cư chính: di cư ra vùng đô thị đang phát triển mạnh và di cư sang Campuchia. Việc thiếu các nguồn sinh kế thay thế, việc khó kiếm sống trên mặt nước ngập, cùng với những món nợ ngày càng tăng có thể góp phần đưa đến các quyết định di cư ở Đồng bằng sông Cửu Long. Những người sống phụ thuộc trực tiếp vào nông nghiệp (nông dân trồng lúa) đặc biệt dễ bị tổn thương khi những trận lụt, nhiễm mặn và hạn hán liên tiếp phá hoại mùa màng.. Trong mùa lụt, người dân di cư theo mùa đến các trung tâm đô thị để tìm việc làm và cải thiện sinh kế. Như một cơ chế ứng phó cực đoan,nạn buôn người (có vẻ như kể cả phong trào lấy chồng ngoại quốc ồ ạt) cũng là một cách thức di cư mà một số gia đình, trước những sức ép liên quan đến suy thoái môi trường, đã phải chấp nhận. Trong tương lai, cứ mười người Việt Nam lại có một người phải đối mặt với nguy cơ mất chỗ ở khi mực nước biển dâng tại châu thổ sông Cửu Long .
 
5. Xung đột môi trường ngày càng căng thẳng
 
Năm 2010 số lượng vụ khiếu kiện đông người tăng 30% so với năm 2009 và có xu hướng ngày càng căng thẳng. Ngoài khiếu kiện đông người do người dân tiến hành, còn xuất hiện sự tranh chấp giữa các tỉnh/thành phố với nhau hoặc với doanh nghiệp về nguồn nước, rừng, đất đai.
 
6. Môi trường Tây Nguyên đang khủng hoảng
 
Việc khai thác nước ngầm một cách bừabãi cho trồng cây công nghiệp và phá rừng lan tràn ở Tây Nguyên (gần 47% tổng số vụ phá rừng trên cả nước là xảy ra tại Tây Nguyên) đã gây nên hiện tượng tụt nước ngầm làm giảm đáng kể lượng nước, gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.Ở một số nơi, mực nước ngầm đã giảm 3 – 4 mét, thậm chí có nơi trên 10mét so với trước đây. Các nguồn nước tự nhiên như sông, suối cũng dần bị cạn kiệt và ô nhiễm, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.Đất Tây Nguyên cũng đã bị xuống cấp, đang bị chua hoá, hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy thoái, hiện tượng xói mòn và rửa trôi đất ngày càng trầm trọng.Tây nguyên là mái nhà của các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, do đó suy thoái môi trường Tây Nguyên sẽ dẫn đến mất ổn định ở cá địa phương này.
 
7. Miền Đông Nam Bộ phát triển không bền vững
 
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An ví von: “TP.HCM hiện nay là "một Vedan khổng lồ" của Long An, bởi tình trạng ô nhiễm từ TP.HCM theo lưu vực sông tràn xuống Long An”. Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, kiểm tra trên 2.000 vụ việc thì đã có trên 800 vụ xả nước thải lén hoặc nước thải không đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra còn 700 làng nghề nằm xen lẫn trong các khu dân cư ven lưu vực sông, chủ yếu sản xuất các ngành nghề như thuộc da, dệt, nhuộm, tái chế kim loại, tái chế bọc ny lon và dầu nhớt nhưng không có hệ thống xử lý nước thải nên sông Đồng Nai phải gánh chịu ô nhiễm.Gần 50% số trận mưa ở Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh là mưa axit. Ngập lụt, truyền triều, lún sụt tại thành phố Hồ Chí Minh chưa có cách khắc phục. Những vấn đề môi trường và xã hội cho thầy phát triển ở khu vực kinh tế trọng điểm này klà không bền vững.
 
8. Sinh vật ngoại lai nguy hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn ngày càng tăng
 
Mai dương, tôm thẻ chân trắng, ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ, cây bìm bôi hoa vàng, bọ cánh cứng hại dừa, virus gây bệnh heo tai xanh, phẩy khuẩn tả biến tính, cá hoàng đế, cá hổ, hoa ngũ sắc,…và không ít giống cây trồng biến đổi gen (ngô, bông, đậu tương,…) đã xâm nhập hay được đưa phạm luật vào nước ta mà tác hại của chúng không phải trường hợp nào cũng được chứng minh. Chúng ta chưa đủ mạnh để kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại cũng như sinh vật biến đổi gen mặc dù các quy định luật pháp không thiếu.
 
9. Tài nguyên khoáng sản đang thất thoát
 
Nước ta có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng nhìn chung trữ lượng thấp. Một số loại khoáng sản như than đá, bauxite, đá vôi, dầu mỏ,…tuy có nhiều nhưng thế giới cũng có nhiều. Thời gian qua, việc khai thác khoáng sản chủ yếu nhằm xuất khẩu quặng thô hay sơ chế nên giá trị không cao, chưa nói đến việc bảo vệ môi trường khai khoáng là việc làm cực kỳ yếu kém dẫn đến có nhiều ý kiến quan ngại rằng chúng ta đang lâm vào “lời nguyền tài nguyên”. Lo lắng như vậy là có lý do. Đặc biệt trong hình thức khai thác mỏ nhỏ, hay “tận thu khoáng sản “ do các địa phương cấp phép, lợi thì ít mà thất thoát tài nguyên và tàn phá môi trường thì nhiều. Nhà nước có một tài sản khổng lồ hiện gần 450 mỏ đang khai thác nhưng chỉ mang về chưa tới 3,5% GDP nguồn thu từ bán khoáng sản thô. Riêng chỉ mỗi việc xuất khẩu cát thời gian qua khiến mỗi năm Việt Nam mất nguyên diện tích bằng diện tích một hòn đảo nửa km2. Cạn kiệt tài nguyên chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột môi trường và mất cơ hội phát triển trong tương lai.
 
10. Văn hóa an toàn và An ninh môi trường
 
VHAT là một dạng văn hóa doanh nghiệp (tức là một hệ sản xuất), nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của: a/ người lao động, b/ người sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp và c/ người cư trú trong phạm vi ảnh hưởng về môi trường của doanh nghiệp .
 
Những năm gần đây không kể hết những vấn đề mất an toàn môi trường liên quan đến sản xuất. Từ chuyện các thầy cô giáo ở gần mỏ chì kém trong tỉnh Bắc Cạn bị nhiếm chì, các vụ ô nhiễm nước nhiều nơi gây chết thủy sản hàng loạt, vấn đề sức khỏe người dân do ô nhiếm tại các điểm đào đãi vàng ở Quảng Nam, vấn đề cát bay và phát tán phóng xạ do khai thác sa khoáng ti tan ven biển, vấn đề cạn kiệt nguồn nước ngầm do nuôi tôm trên cát ở nhiều vùng ven biển miền Trung, chuyện mấy lần tràn dầu ở vịnh Đà nẵng, vấn đề nứt đập thủy điện Sông Tranh 2, vấn đề liên đới giữa nhà máy super lân Lâm Thao với “làng ung thư” Thạch Sơn Phú Thọ, vấn đề nhà máy boxit – alumin Tân Rai Lâm Đồng chưa sản xuất đã làm rò rỉ kiềm gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh; rồi trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm thì nào nước tương có M3PCD, bánh phở có formon, bảnh chưng luộc với ac quy, thịt heo có “chất cấm”, thuốc cam có chì, thủy sản có dư lượng chất kháng sinh cao, rau quả chứa chất kích thích, chất bảo quản, hay dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật quá cao, vụ mang lậu tôm hùm đỏ và rùa tai đỏ vào nuôi trong nước phải mất gần nửa năm mới giải quyết tạm ổn,… cho đến chuyện thời sự ở Quảng Ngãi về “bệnh lạ”.
 
Cũng không cần và không thể kể hết ở đây các sự cố môi trường liên quan đến các hệ sản xuất đang diễn ra ở nước ta. Vấn đề cần nhận rõ là không ít hệ sản xuất ở nước ta thiếu một thứ văn hóa cơ bản đó chính là “Văn hóa an toàn”. Không ít hệ sản xuất chỉ nhăm nhăm vào việc giảm chi phí để tăng lợi nhuận mà không cần để tâm đến sự an toàn. Khi sự cố xảy ra thì phản ứng đầu tiên của nhà sản xuất là tuyên bố trấn an dư luận bằng những lý luận kém thuyết phục.
 
Sự tràn lan cái thứ văn hóa không an toàn đó sẽ không có gì đáng nói nếu chúng xuất hiện lẻ tẻ, rời rạc, cục bộ. Tuy nhiên nếu chúng phổ biến rộng khắp thì sẽ không còn là vấn đề an toàn môi trường nữa mà trở thành một vấn đề quốc gia đại sự có tên là an ninh môi trường.
 
Trong sản xuất và đời sống thường gặp các rủi ro ngoài mong muốn của con người. Những rủi ro này có thể là do sự bất cẩn trong sản xuất và đời sống (ví dụ các vụ cháy nổ, tai nạn giao thông...). Những thiệt hại lớn thường ngoài tầm dự tính của con người hoặc do chính con người vụng tính (ví dụ các sự cố tràn dầu, sự cố nhà máy điện nguyên tử, cháy nổ hầm lò khai thác than...).
 
Đã từng xảy ra những vụ phản ứng tập thể của nhân dân chống lại hoạt động của bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), Đông Thạnh (Tp Hồ Chí Minh), các bãi rác ở thành phố Hải Dương, thành phố Nam Định, phản ứng của nhân dân Cam Ranh đối với xả thải của nhà máy đường Cam Ranh (Khánh Hoà), vụ nhân dân đập phá doanh nghiệp Vạn Phát ở khu công nghiệp Phú Tài - Bình Định đầu những năm 2000 là một số trong những vụ việc điển hình. Phản ứng quyết liệt của công chúng sẽ trở nên phức tạp hơn và mang màu sắc phá hoại nếu bị kích động (ví dụ vụ một số người dân Thái Thuỵ - Thái Bình đập phá dàn khoan khí của một công ty năm 2000, do hoạt động khoan đã làm lan toả nước axít ép vỉa gây ô nhiễm môi trường) [ii].
 
Những điều trình bày trên cho thấy từ Văn hóa an toàn đến An ninh môi trường chỉ là sự tăng tiến về tần suất và quy mô các vấn đề môi trường mà không có ranh giới rõ rệt. Công nghiệp hóa đã khó, nhưng tạo ra một nền văn hóa an toàn đáp ứng công nghiệp hóa bền vững còn khó gấp bội. Nhưng nếu thiếu văn hóa an toàn thì bất cứ hệ sản xuất nào, dù công nghệ cao đến đâu, cũng có thể là một quả bom nổ chậm.
 
Tóm lại
 
Do lâu nay chúng ta chưa đầu tư thỏa đáng cho An ninh Môi trường, trong khi thế giới đã có trên 50 năm nghiên cứu và thực hiện vấn đề này. An ninh Môi trường ở nước ta do đó chưa được đánh giá đúng mức. An ninh Môi trường ở Việt Nam đang bị xâm hại do hành động bất cẩn của chính chúng ta và không loại trừ do các yếu tố quốc tế mà chúng ta chưa cảnh giác. Cần phải coi xâm phạm An ninh Môi trường là một kiểu diễn biến hòa bình, bởi vì trên thế giới những bất ổn và xung đột thậm chí chiến tranh ở nhiều nơi đều có thể xuất phát từ lý do suy thoái môi trường và tài nguyên.
 
Chú thích:
 
[i] : Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh, Đảm bảo An ninh Môi trường cho Phát triển bền vững. NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2010

[ii] Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh (2012)., Từ Văn hóa An toàn đến an ninh môi trường – vấn đề bức xúc không thể chậm trễ. Tạp chí KH và TQ số 5/2012
 
Nguyễn Ngọc Sinh và Nguyễn Đình Hòe (Hội BVTN&MT Việt Nam)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: 10 cảnh báo về An ninh Môi trường Việt Nam

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

Tin Môi Trường
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI