(Tin Môi Trường) - Không chịu nổi cảnh hàng trăm hộ dân phải sống chung với ô nhiễm, người phụ nữ viết hàng chục lá đơn, khăn gói từ Đồng Nai ra Bắc kêu cứu.
Đã gần 20 năm trôi qua nhưng bà Lê Thị Tình (SN 1958, ngụ ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) vẫn chưa thể quên những năm tháng ăn chung, sống chung với mùi hôi thối phát ra từ công ty nằm ngay trong khu dân cư.
“Dân ấp 4 nhiều năm ăn cũng phải bịt khẩu trang, ngủ cũng bịt, nhà lúc nào cũng phải đóng cửa kín mít. Một số người trong ấp liên tiếp mắc bệnh ung thư mà chết, nhiều người sợ quá phải bán nhà với giá rẻ mạt, chuyển đi nơi khác sinh sống. Chứng kiến cảnh này tôi đau lòng lắm, luôn trăn trở phải làm gì đây để cứu bà con", bà kể.
Bà Lê Thị Tình cùng lá đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng
Khoảng năm 2000, khi hàng trăm hộ dân đang sinh sống ổn định tại ấp 4, xã La Ngà thì công ty TNHH AB Mauri Việt Nam về mở nhà máy sản xuất men vi sinh nằm ngay trong khu dân cư. Kể từ đây mọi người ngày nào cũng ngửi thấy mùi hôi phát ra từ nhà máy, ban đầu chỉ thoang thoảng nhưng càng về sau càng nồng nặc, lan khắp khu vực. Khi ngửi thấy mùi hôi này thì bị đau đầu, khó thở, chóng mặt.
Thời điểm này, bà Tình đã nhiều lần có ý kiến đến các cơ quan chức năng địa phương cấp xã, huyện để được giải quyết nhưng sau đó mọi chuyện vẫn cứ như trước, người dân lại phải tiếp tục cảnh sống chung với ô nhiễm.
Sau 10 năm sống chung với ô nhiễm, tình trạng mùi hôi không thuyên giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Bà Tình quyết định khăn gói một mình ra Hà Nội cầu cứu các cơ quan Trung ương.
“Tôi phải bỏ hết công việc gia đình để ra Bắc, vì nếu không đi thì không biết bao giờ dân chúng mới thoát khỏi cảnh sống dở chết dở này”, bà Tình bộc bạch .
Thay dân đi tố nhà máy gây ô nhiễm
Gần 20 ngày ăn ngủ tại Hà Nội, bà Tình đã “gõ cửa” các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội… để kêu cứu, hễ chỗ nào có hi vọng là bà đến gửi đơn và trình bày nỗi khổ của người dân.
Đơn của bà Tình tố cáo công ty xả thải gây ô nhiễm
Những ngày đầu đi kiện, gia đình bà phải sống trong lo lắng và sợ hãi, lúc nào xung quanh nhà cũng có vài ba người rình rập, theo dõi mọi hoạt động của gia đình, thậm chí khi bà đi chợ cũng có người bám theo.
Cũng sau thời gian này, có một số cán bộ về kiểm tra nhưng do công ty biết đang bị giám sát nên không để phát tán mùi hôi như trước, chính vì vậy đoàn kiểm tra không ghi nhận được sự việc như người dân phản ánh nên ra về.
Chưa yên ổn được bao lâu thì giữa năm 2011, công ty AB Mauri lại phát tán mùi hôi với tần suất nhiều hơn trước khiến người dân không thể chịu đựng nổi. Hàng trăm người dân bao vây trước cổng công ty yêu cầu ngưng sản xuất. Sự việc căng thẳng đến mức chính quyền tỉnh
Đồng Nai phải vào cuộc xử lý, sau đó công ty này bị buộc ngưng sản xuất 3 tháng để khắc phục sự cố.
Đầu năm 2012, công ty AB Mauri được phép hoạt động trở lại nhưng lại tiếp tục gây ô nhiễm, thêm một lần nữa bà Tình lại phải ôm đơn đi kêu cứu thay bà con.
Bà Tình nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi tiếp tục gửi đơn cho 10 cơ quan cao nhất ngoài Trung ương và 6 lãnh đạo chủ chốt tại tỉnh Đồng Nai. Sau khi nhận đơn, có rất nhiều cán bộ cấp trung ương và tỉnh đã về làm việc với người dân và công ty.
Sau thời gian này tình hình đã được cải thiện đáng kể, dù vẫn còn mùi hôi nhưng mức độ không nặng như trước nên người dân nhắm mắt chấp nhận”.
Bà Tình
Bẵng đi một thời gian, đến giữa năm 2018 người dân sống quanh khu vưc công ty lại tiếp tục bị “tra tấn” bằng mùi hôi từ nhà máy phát tán ra không khí. Bà Tình lại tiếp tục đại diện cho bà con nhân dân phản ánh đến các cơ quan chức năng, có những lần bà phải dậy từ 2h sáng để gọi điện thoại cho chủ tịch xã báo tình hình do bà con bị mùi hôi hành hạ.
Ông Lê Văn Ngãi (chồng bà Tình) cho hay, có nhiều người nói vợ ông 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng' nhưng ông vẫn ủng hộ việc vợ mình làm, vì đó là việc có ích cho bà con.
“Bà ấy bỏ cả công việc, mỗi lần đi gửi đơn kêu cứu là gia đình phải bỏ ra cả mấy chục triệu bạc để đi lại giúp bà con có được cuộc sống bình thường như trước đây”, ông Ngãi tâm sự.
Khi nào hết cảnh bán nhà, tha hương vì ô nhiễm?
Qua quá trình đấu tranh quyết liệt, những ngày giữa năm 2019, các cơ quan chức năng tỉnh
Đồng Nai đã trực tiếp làm việc với công ty để xử lý vụ việc, hiện nay công ty đã giảm công suất sản xuất nên mùi hôi có giảm, tuy nhiên khi công ty sản xuất khoảng 30% công suất thì lại có hiện tượng phát tán mùi hôi.
Gần
20 năm đi kêu cứu khắp nơi, được bà con đặt nhiều niềm tin để tìm lại cuộc sống trong lành như trước đây, bà Tình luôn đau đáu câu hỏi, lúc nào người dân mới được sống yên ổn, không còn cảnh bán nhà cửa, sống tha hương vì ô nhiễm.
Khu vực bể chứa men, nơi từng gây ô nhiễm môi trường
Quá trình bà Tình đi kêu cứu, rất nhiều người dân tại xã La Ngà đã ủng hộ việc làm của bà. Có người còn ngỏ ý quyên góp tiền cho bà để đi lại và bồi dưỡng cho bà nhưng bà Tình đều từ chối.
Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ xã La Ngà) cho hay, bà Tình được coi là 'người hùng' của bà con nơi đây, để có được những ngày tạm yên ổn đều nhờ vào công sức của bà.
Ông Bùi Văn Tý (ngụ ấp 4, xã La Ngà) chia sẻ, từ những ngày đầu bà Tình đi kêu cứu bà con rất ủng hộ và đặt hoàn toàn niềm tin vào bà.
Ông Bùi Văn Tý
Ông Tý kể, đa số người dân nơi đây đều làm công nhân nên bị hạn chế về trình độ và thời gian, khi có việc xảy ra thì không biết kêu ai để giúp mình. Từ đó bà Tình đã tự nguyện đứng lên, tự đi tìm các tài liệu, ghi nhận ý kiến của bà con về tình trạng ô nhiễm rồi đi kêu cứu giúp.
"Chúng tôi thấy việc làm của bà là rất đáng khâm phục. Nhiều khi thấy bà đi lại vất vả bà con cũng ngỏ ý muốn quyên góp tiền để phụ giúp bà nhưng bà đều từ chối dù gia đình bà Tình cũng không khá giả gì", ông Tý cho hay.
Đến nay, dù đã có hiệu ứng tích cực từ các cơ quan chức năng về hướng xử lý tình trạng ô nhiễm, nhưng bà Tình vẫn đang trăn trở với một yêu cầu của bà con nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo bà, ngoài việc phát tán mùi hôi qua không khí, công ty AB Mauri còn chôn đường ống ngầm dưới đất để xả thải ra sông La Ngà, gây ra sự cố cá chết.
"Trong đơn gửi UBND tỉnh, tôi đã lấy tài sản gia đình, danh dự để thách họ đào đường ống ngầm lên. Nếu sai tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng tuyệt nhiên không có cơ quan nào hồi âm".