»

Thứ bảy, 18/01/2025, 19:29:03 PM (GMT+7)

Luật nước, luật rừng... và lộc biển!

(21:16:42 PM 16/10/2012)
(Tin Môi Trường) - Những ngày qua, sự kiện hàng trăm người dân vì cổ vật mà kéo đến làm náo loạn vùng biển thuộc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã làm dư luận cả nước, nhất là ở địa phương đặc biệt quan tâm. Không chỉ là một sự kiếm tìm lộc biển, hôi của bình thường. Sự việc đã dẫn đến dấu hiệu của một vụ án hình sự với những tội danh như huỷ hoại tài sản của Nhà nước, chống người thi hành công vụ, trộm cắp, hay ngang nhiên chiếm đoạt tài sản, làm rối loạn trật tự công cộng...
 
Với những người dân, cụ thể là các ngư dân ở Bình Châu, có lẽ cái công đầu tiên của họ là việc phát hiện ra con tàu cổ vật. Nếu nói theo cái kiểu phân xử của "luật rừng”, còn gọi là một loại luật bất thành văn lưu hành ngoài xã hội thì ai phát hiện ra đầu tiên, chạm tay, ghi dấu ấn đầu tiên thì họ có quyền. Lại nữa, nói theo cách nói của nhiều người dân thì con tàu đó ở dưới nước, dưới biển, đây là lộc Trời, lộc biển. Trời cho ai, người ấy được, cứ đi mà hôi của, mà tìm lộc vãi, lộc rơi. Và những suy nghĩ giản đơn ấy đã có ở không ít người dân, và họ cứ ...làm. Vậy nhưng, quan trọng và cao hơn tất cả, để phân xử, giải quyết sự việc, sự kiện này và nhiều sự việc tương tự là pháp luật. Luật nước với những quy định cụ thể đã ràng buộc để đảm bảo mọi quan hệ được xử lý một cách công bằng, sòng phẳng. Của dưới nước, dưới đất là của quốc gia, của công. Người có công phát hiện, bảo quản sẽ phải được trọng thưởng theo quy định. Người lén lút trộm cắp, chiếm hữu cái không thuộc về mình phải bị xử lý. Tuy nhiên điều đòi hỏi cơ quan quản lý, thực thi pháp luật phải thực hiện pháp luật một cách công minh, rành rẽ và triệt để. Và điều trước tiên, mỗi người dân phải được tuyên truyền, hiểu, nắm được pháp luật, để bảo vệ pháp luật đồng thời bảo vệ tài sản của nước, của dân.
 
Sự việc phát hiện và tìm cổ vật đã không có gì là lạ đối với những người dân ở Bình Châu. Việc săn tìm cổ vật đã trở thành một nghề với họ. Không phải đây là lần đầu tiên, mà con tàu tìm thấy hôm 8-9 vừa qua đã là con tàu thứ 4 tìm thấy ở vùng biển này. Điều đặc biệt chỉ là con tàu có trữ lượng cổ vật, có giá trị vào bậc nhất từ trước đến nay. Có lẽ chính vì vậy mà đã thu hút sự săn tìm của các ngư dân, sự vào cuộc ráo riết của các công ty, giới cổ vật...và cuối cùng mới là các cấp chính quyền. Việc hàng chục con tàu, hàng trăm ngư dân đua nhau, mạnh ai người nấy khai thác gần như phá vỡ, làm hỏng con tàu, các loại cổ vật, đã cho thấy một sự náo loạn, loạn cả về kỷ cương, phép nước trong sự việc này.
 
Nhân sự kiện, có người trách những người dân địa phương sao lại bất chấp pháp luật. Có người đổ thừa cho cái sự thiếu hiểu biết, ý thức pháp luật và cũng xuất phát từ cái gọi là "thói hư, tật xấu” của người Việt. Chuyện một chiếc xe chở hàng trên QL1, không may tuột dây chằng buộc, cả núi hàng đổ xuống đường. Người ta không những không giúp lái xe, chủ hàng gom lại mà lại hò cả nhà, cả họ, cả làng xô nhau ra hôi của, rinh của về nhà mình. Ở đây, cũng chả khác gì một vụ công nhiên chiếm đoạt tài sản. Lại chuyện hàng trăm, hàng ngàn người dân ở Nam Định, rồi ở Cà Mau mang ghe đi cào vạng của mấy tư nhân hay HTX đấu thầu nuôi thả trên bãi biển. Ỷ vào số đông, ỷ vào cái gọi là đi kiếm lộc Trời, lộc biển lâu nay mà người ta quên đi, lờ đi những quy định của pháp luật đã ban hành.
 
Trách người dân một phần, nhưng vấn đề chính đặt ra đối với những nhà quản lý, lãnh đạo chính quyền các cấp. Luật pháp về tài nguyên, khoáng sản và mới đây là Luật về biển đều đã có những quy định về quyền khai thác, quyền sở hữu, bảo vệ tài sản dưới đất, dưới mặt nước này. Việc ở vùng biển Bình Châu, ở Quảng Ngãi có những "mỏ” cổ vật lẽ nào chỉ có những người ngư dân, hay giới săn tìm cổ vật biết được? Chuyện từ những năm 1998, khi tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Xí nghiệp Trục vớt tàu cứu hộ khảo sát con tàu cổ phát hiện nhiều đồ cổ từ thời Minh, triều Tuyên Đức (1426-1435), nhưng chỉ còn là một đống đổ nát, không tiêu bản nào còn nguyên vẹn do ngư dân trước đó đã khai thác, đào bới, đến dùng cả mìn phá đá để tìm. Lại nữa, năm 1999, 2011, và hiện nay...Trước việc hàng chục tàu, hàng trăm ngư dân đã quần đảo, mặc dù đã được lưới trùm lên, dùng đá đè bảo vệ, nhưng rồi liệu những tàn tích kia khi về với Nhà nước, "của chung” sẽ còn lại được bao nhiêu? 
 
Không biết đã có bao nhiêu các cuộc họp, những lời bàn ra, tán vào, cân đi đếm lại của các cơ quan chính quyền. Nhưng rồi những kế hoạch cụ thể về khai thác, bảo tồn, lưu giữ những cổ vật, mỏ cổ vật ở ngoài khơi, hay địa phương nói trên vẫn chưa được cụ thể. Chưa cụ thể ngay từ việc phát hiện, khai thác, bảo tồn, lưu giữ, thưởng phạt đối với các công dân. Và rồi, kẻ cơ hội, khôn lỏi vẫn vớ bẫm. Người chân chính thì chịu thiệt. Không phải người dân họ không hiểu biết pháp luật. Nhưng rồi nhiều người ngao ngán: Chờ được chính quyền thưởng thì có lẽ chỉ còn tí bong bóng nước. Thôi thì...cứ đi kiếm lộc Trời, lộc biển. 
 
Chuyện rằng, sau sự kiện những ngư dân ở Bình Châu "nổi loạn”, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã coi đây là "vụ án điểm”, yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm. Hành vi, trách nhiệm của công dân thì đã rõ. Vậy nhưng trách nhiệm của chính các cấp chính quyền thì tính sao đây?
(Nguồn: Kiên Long/ Đại Đoàn kết)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Luật nước, luật rừng... và lộc biển!

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?

(Tin Môi Trường) - Việt Nam đã thu được 1.250 tỉ đồng từ tín chỉ carbon. Với sự phát triển và yêu cầu hiện nay, tương lai chúng ta có đủ tín chỉ carbon để bù vào thâm hụt?

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI