Qua phân loại bước đầu có 5 loại đồ gốm, gồm: đồ gốm sứ men nâu với các loại hình như hũ và lọ chậu; đồ gốm men ngọc với các loại hình: đĩa, bát, lư hương, cốc, trong đó đáng chú ý là đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13; đồ sứ hoa lam gồm loại ấm 2 bầu, loại 2 tai nổi thân chia múi vẽ loại hoa bèo 3-4 chấm, loại chén vẽ hoa cúc dây phủ men trắng xanh, đáy mộc; đồ sứ men trắng xanh và đồ sứ men màu xanh ngọc sẫm.
Việc trưng bày cổ vật khai quật trên tàu đắm ở Bình Châu tại Bảo tàng Quảng Ngãi thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng
Cổ vật khai quật được rất phong phú về loại hình cũng như các dòng men, có giá trị về kinh tế và văn hóa
Đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13
Các loại tiền mặt tròn lỗ vuông bằng đồng từ thế kỷ 13 trở về trước
Quả cân tìm thấy trên tàu cổ đắm
Đồ dùng sinh hoạt của thủy thủ trên tàu đắm
Khối gốm sứ bị cháy dính chùm - Ảnh: Hiển Cừ
Theo các chuyên gia khảo cổ, xem xét các loại hình thuộc dòng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, bước đầu nhận định cổ vật trên tàu đắm ở Bình Châu là loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ 13, cách ngày nay khoảng 700 năm.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, nhận định đây là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy ở vùng biển VN, có cấu trúc độc đáo hiếm thấy.
Chiều dài từ đuôi tàu đến phần mũi tàu là 20,5 m, chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6 m. Thân tàu được chia thành 13 khoang, có 12 vách ngăn.
Ngoài việc nghiên cứu cấu trúc, hình dáng, mặt bằng phân bổ hiện vật bên trong con tàu cổ đắm, các chuyên gia khảo cổ còn phân tích về ván đóng tàu, mũi tàu, các vách ngăn, khung tàu, cột buồn chính, cột buồm trước, kết cấu đuôi tàu và bánh lái. Vấn đề đặt ra cho các chuyên gia khảo cổ là tiếp tục nghiên cứu để tìm ra cổ vật có xuất xứ, nguồn gốc ở đâu, ở lò nào. Đặc biệt qua phân tích chất liệu gỗ bằng phương pháp carbon phóng xạ sẽ xác định chính xác niên đại, quốc tịch của thuyền cổ.