(Tin Môi Trường) - Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 "Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En" của Tập đoàn Sun Group yêu cầu xác định rõ phần diện tích của Vườn quốc gia Bến En và khoanh vùng các di tích được công nhận trong phạm vi lập quy hoạch; thu thập các hồ sơ liên quan việc công nhận, khoanh vùng phạm vi bảo vệ di tích...
Vườn quốc gia Bến En ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa có 21 đảo nổi giữa, là một trong những Vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Việt Linh
Ngày 18.5, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 6592/UBND-CN cho biết đã nhận được Công văn số 1541/BXD-QHKT ngày 10.5 của Bộ Xây dựng về việc hồ sơ đồ án Điều chỉnh
quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa).
Sau khi xem xét, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm chỉ đạo giao Sở Xây dựng căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn trên và Thông báo số 124/TB-UBND ngày 7.5 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm tại hội nghị nghe báo cáo
quy hoạch các dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, để hướng dẫn Công ty nghiên cứu đồ án Điều chỉnh
quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En và báo cáo theo quy định.
Hình ảnh đồ họa thuyết trình của dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ giải trí cao cấp Bến En. Ảnh: CTV
Trước đó, tại Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 27.1.2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh
quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, với những nội dung chính:
Đổi tên đồ án: “Điều chỉnh
quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc kết hợp bảo tồn Vườn quốc gia Bến En, huyện Như Thanh” thành: “Điều chỉnh
quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa”.
Ranh giới theo
quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-UBND ngày 2.2.2010 (bao gồm 3 khu với diện tích: Khu A B (vùng hồ thấp) có diện tích 992,68 ha; Khu C có diện tích 500 ha), tổng diện tích
quy hoạch là 1.492,68 ha. Ranh giới lập
điều chỉnh xem xét bỏ một phần diện tích đất có độ dốc lớn tại khu A B với diện tích khoảng 49,29 ha và một phần mặt nước tại khu C với diện tích khoảng 66,34 ha. Mở rộng ranh giới
quy hoạch khu C về phía Nam đến khu vực trung tâm xã Xuân Thái, diện tích mở rộng khoảng 115,63 ha.
Tổng diện tích khu vực lập
điều chỉnh quy hoạch không thay đổi, khoảng 1.492,68 ha. Sau khi điều chỉnh, các khu có diện tích như sau: Khu A B có diện tích 943,39 ha; Khu C có diện tích 549,29 ha. Ranh giới lập
điều chỉnh quy hoạch thuộc địa giới hành chính thị trấn Bến Sung và các xã Hải Long, Xuân Thái huyện Như Thanh, cụ thể: Phía Bắc giáp các xã Xuân Khang, Tân Bình, Hóa Quỳ; Phía Nam giáp xã Xuân Phúc; Phía Đông giáp Thị trấn Bến Sung và xã Hải Long; Phía Tây giáp các xã Bình Lương, Xuân Bình, Xuân Thái.
Tính chất khu vực
quy hoạch là quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế; Là nơi bảo tồn và phát huy các giá trị về thiên nhiên, động thực vật, cảnh quan mặt nước của Vườn quốc gia Bến En; Nơi phát triển các loại hình du lịch gắn với văn hoá cộng đồng dân tộc địa phương; Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các tính chất và quy mô của dự án.
Các chỉ tiêu sử dụng đất sẽ được nghiên cứu, đề xuất cụ thể trong quá trình lập quy hoạch, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam và các quy định của pháp luật hiện hành. Tầng cao công trình từ 1-5 tầng. Mật độ xây dựng gộp toàn khu tối đa 25%. Tỷ lệ đất giao thông trên diện tích đất xây dựng ≥ 10%. Quy mô khách du lịch trung bình dự kiến khoảng 5.000-6.000 khách/ngày. Các chỉ tiêu nêu trên là tạm tính, việc xác định các chỉ tiêu cụ thể sẽ được nghiên cứu và luận chứng trong bước lập quy hoạch.
Quyết định phê duyệt yêu cầu xác định rõ phần diện tích của
Vườn quốc gia Bến En và khoanh vùng các di tích được công nhận trong phạm vi lập quy hoạch; thu thập các hồ sơ liên quan về việc công nhận, khoanh vùng phạm vi bảo vệ di tích.
Trong quá trình lập
điều chỉnh quy hoạch, yêu cầu Công ty cổ phần tập đoàn Mặt Trời phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan xác định các khu vực quân sự để xây dựng phương án
quy hoạch đảm bảo về an ninh quốc phòng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý
Vườn quốc gia Bến En xác định rõ các loại đất rừng trong khu vực lập quy hoạch.
Đồng thời, đánh giá các điều kiện tự nhiên như đặc điểm địa hình, địa mạo, địa chất, thủy văn, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn… Đặc biệt lưu ý đánh giá về địa hình, độ dốc, các khu vực thuận lợi xây dựng, các khu vực có điểm nhìn, cảnh quan đẹp. Đánh giá hiện trạng phát triển dân cư trong khu vực, thống kê tỷ lệ dân số, lao động, mức độ phát triển kinh tế, ảnh hưởng tác động đối với văn hóa và đời sống của cư dân trong khu vực. Đánh giá hiện trạng sử dụng đất đai, các khu vực đặc thù, các khu vực bảo vệ cảnh quan, hiện trạng các công trình kiến trúc...
Phương án
quy hoạch không gian phải đảm bảo chức năng quản lý của Vườn quốc gia Bến En, khai thác và bảo vệ cảnh quan các khu vực di tích, danh lam thắng cảnh, phát triển hài hòa giữa du lịch nghỉ dưỡng đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực.
Quyết định phê duyệt cũng yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược: đánh giá diễn biến môi trường trong quá trình lập và thực hiện
quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng đặc thù; Đề xuất các biện pháp phòng ngừa và thứ tự ưu tiên thực hiện; Đề xuất các khu vực cách ly, bảo vệ môi trường cho các khu vực chức năng...
Thời gian lập đồ án
quy hoạch không quá 9 tháng sau khi nhiệm vụ
quy hoạch phân khu được phê duyệt.
Vượn Bạc Má tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Tinvn
Theo tư liệuị,
Vườn quốc gia Bến En thuộc tỉnh Thanh Hóa được thành lập ngày 27.1.1992 bởi Quyết định số 33 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam.
Ngày 3.12.2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký ban hành văn bản số 1879/TTg - NN với nội dung đồng ý chuyển giao nguyên trạng
Vườn quốc gia Bến En thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp quản lý như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Vườn quốc gia Bến En nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Tổng diện tích khoảng 14.735 ha, trong đó rừng nguyên sinh là 8.544 ha. Có nhiều loài sinh vật quý đang sinh sống ở đây, với khoảng 1.389 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương...), 1.004 loài động vật, 66 loài thú (29 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...).
Vườn quốc gia Bến En có địa hình nhiều đồi núi, nhiều sông, suối và hồ Mực trên núi có diện tích 3.000 ha, có 21 đảo nổi giữa, là một trong những vườn quốc gia đẹp nhất Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dứt khoát không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch!
Ngày 18.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, những nhiệm vụ tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, những công việc có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, các đề xuất, kiến nghị của ngành.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị. “Còn nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhắc tới nhiều nhiệm vụ Bộ Xây dựng cần lưu ý trong thời gian tới như quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở xã hội, xây lại chung cư cũ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
“Tránh tình trạng quy hoạch xây dựng một thành phố thì rất chặt chẽ, nhưng điều chỉnh lại đơn giản theo đề nghị của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch chung, gây sức ép lên hạ tầng, người dân không đồng tình”, Bộ trưởng phát biểu.