(Tin Môi Trường) - Công văn 932/BVHTTDL ngày 10/3/2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý việc chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”; công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự” và “Cây di sản”. Nội dung công văn khẳng định việc vinh danh và công nhận “Cây di sản” là trái với thẩm quyền của các tổ chức Hội. Xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Phương - Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích những điểm sai của Công văn này đăng trên VACNE.
Tôn vinh Cây Di sản Việt Nam - Ảnh tư liệu - VACNE
Công văn 932/BVHTTDL ngày 10/3/2017 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý việc chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”; công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự” và “Cây di sản”. Nội dung công văn khẳng định việc vinh danh và công nhận “Cây di sản” là trái với thẩm quyền của các tổ chức Hội. Công văn đề cập tới Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa quy định về thẩm quyền xếp hạng di tích và từ đó khẳng định “Việc Liên hiệp Hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức cấp Bằng công nhận, Bằng chứng nhận là trái thẩm quyền của các tổ chức Hội” và từ đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn lập hồ sơ xếp hạng di tích đúng quy định của pháp luật.
Xem xét dưới góc độ pháp lý liên quan, có thể khẳng định: Công văn này không rõ ràng và có phần đi ngược lại chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước:
Thứ nhất, Công văn 932/BVHTTDL đã viện dẫn không đúng tổ chức Hội thực hiện công nhận Cây di sản và không xem xét tới Điều lệ của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) là việc làm thiếu cẩn trọng khi áp dụng pháp luật
Việc công nhận Cây di sản theo sáng kiến của VACNE được thực hiện từ năm 2010 nhưng Công văn 932/BVHTTDL chỉ đề cập tới các quy định của Chính phủ và từ đó khẳng định “Hội không có chức năng, nhiệm vụ cấp “Bằng công nhận Cây di sản”.
Chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các Hội được quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP, Điều lệ của chính Hội đó và các quy định khác của pháp luật. Như vậy, Điều lệ của Liên hiệp Hội UNESCO Việt Nam và Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam không thể được áp dụng để đánh giá hành vi cấp “Bằng công nhận Cây di sản” của VACNE. Có lẽ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không nắm được tổ chức Hội nào thực hiện hoạt động công nhận Cây di sản nên đã lấy Điều lệ của Liên hiệp Hội UNESCO Việt Nam hoặc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hoặc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam áp đặt là Điều lệ của VACNE và bắt buộc VACNE thực hiện Điều lệ của một Hội khác?. Còn nếu cố phải hiểu rằng VACNE nằm trong cụm từ “các hội khác” của Công văn thì cũng không đúng, vì, về mặt pháp luật, VACNE và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có tư cách pháp nhân như nhau.
Thứ hai: Việc áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa đối với việc công nhận Cây di sản là không đúng đối tượng áp dụng của Luật di sản văn hóa (2001, sửa đổi, bổ sung 2009. Sau đây gọi chung là Luật Di sản văn hóa).
Tại Điều 1 Luật Di sản văn hóa quy định về đối tượng bảo vệ của luật này là “di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [1]. Tại Điều 4 Luật di sản văn hóa đưa ra các định nghĩa sau đây: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”, “Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”, “Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử thẩm mỹ, khoa học”, “Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”, “Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên”.
Theo Tiêu chí Cây di sản Việt Nam (được đăng trên Website của VACNE), cây tự nhiên hoặc cây trồng, muốn được công nhận là Cây di sản thì phải đáp ứng được về độ tuổi, độ lớn, có hình dáng đặc sắc, có giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Như vậy, cây tự nhiên hoặc cây trồng không phải là di sản văn hóa vật thể theo quy định của Luật Di sản văn hóa hay nói một cách khác, di sản văn hóa vật thể theo Luật Di sản văn hóa và Cây di sản là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau về mặt pháp lý và việc công nhận cây di sản không phải là “việc xếp hạng di tích” theo Luật Di sản văn hóa. Do đó, việc công nhận Cây di sản không phải tuân thủ về thẩm quyền công nhận theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa. Thực tế công nhận cây di sản cũng chứng minh khẳng định này. Việc công nhận những cây tự nhiên hoặc cây trồng là Cây di sản không phụ thuộc vào địa điểm sinh trưởng của cây. Các cây tự nhiên hoặc cây trồng có thể nằm trong khuôn viên của hộ gia đình, khuôn viên trường học, tại các địa điểm công cộng, trong vườn quốc gia, trong khu vực được công nhận là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa.
Thứ ba, Việc VACNE thực hiện hoạt động công nhận Cây di sản là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ của VACNE
Tại Hội nghị “Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” ngày 18/3/2010, VACNE đã chính thức phát động sự kiện "Bảo tồn Cây di sản Việt Nam". Sáng kiến
bảo tồn Cây di sản Việt Nam của VACNE đã được sự ủng hộ, cổ vũ của Bộ TN&MT. Cho đến nay, VACNE là tổ chức tiên phong trong việc bảo vệ cây quý. Đây cũng là hoạt động trực tiếp
bảo tồn nguồn gene và thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ cây xanh nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung của người dân.
Tại các Điều 4; 6 và 145 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định, “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”; Nhà nước khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường như “vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học” và tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm “Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường”.
Tương tự như vậy, Luật Đa dạng sinh học 2008 cũng quy định: “Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân” (Điều 4); Nhà nước khuyến khích việc “Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để
bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học” (Điều 6) và “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền để hình thành ngân hàng gen phục vụ công tác
bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 62)
Phù hợp với các quy định này, Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của VACNE ban hành kèm theo Quyết định số 59/QĐ-BNV ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng quy định: Một trong những tôn chỉ, mục đích của VACNE là
bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học (Điều 2) và xác định một trong những nhiệm vụ của VACNE là “Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. (Điều 7).
Thứ tư, hành vi “đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng “không tổ chức các hoạt động nêu trên” (được hiểu là hoạt động công nhận Cây di sản của VACNE) của Công văn 932/BVHTTDL là hành vi trái pháp luật.
Theo nguyên tắc chung của pháp luật thì các hành vi không
vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đều được thực hiện và được Nhà nước bảo hộ, bảo vệ để thực hiện. Mọi hành vi cản trở hoặc đề nghị, yêu cầu người khác cản trở hành vi hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều là hành vi
vi phạm pháp luật.
Hành vi công nhận Cây di sản của VACNE là hợp pháp, như đã minh chứng ở trên, thì mọi hành vi cản trở hoặc đề nghị, yêu cầu người khác cản trở việc thực hiện hành vi này của VACNE đều là hành vi
vi phạm pháp luật.
Tóm lại, Công văn 932/BVHTTDL có chứa đựng nội dung trái pháp luật, cần được các cơ quan có thẩm quyền can thiệp nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Không những thế, Công văn này còn đi ngược lại chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường thông qua việc động viên mọi thành viên trong xã hội làm những việc có ích cho môi trường, góp phần ngăn chặn sự suy giảm chất lượng môi trường sống của con người nhằm bảo đảm phát triển bền vững của Đảng và Nhà Nước.
Cần nói thêm rằng, ngay sau khi nhận được Công văn nói trên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có công văn yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cải chính; Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng gửi công văn phản bác và yêu cầu xem xét lại văn bản của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch “để có sự chỉ đạo đúng đắn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước” (Website: www. Vacne.org.vn đăng lại ngày 15 và 17/3/2017)
TS. Nguyễn Văn Phương - Trường Đại học Luật Hà Nội