Trao đổi - Phản biện » Kinh tế
Thứ năm, 21/11/2024, 10:31:19 AM (GMT+7)
Tài chính khí hậu: Tiền đi đâu, về đâu?
(18:39:13 PM 22/11/2021)(Tin Môi Trường) - Cách đây 12 năm, các nước giàu có cùng đưa ra một cam kết tốt đẹp để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng con số long lanh 100 tỉ USD viện trợ mỗi năm. Lời hứa hoa mỹ hóa ra lại thành quả táo bất hòa, mà hệ quả của nó tới nay vẫn còn.
>> Bão Trà Mi tăng lên cấp 11, giật cấp 14 và đang tiến vào vùng biển nước ta >> Lãnh đạo của VACNE giảng bài tại Hội nghị tập huấn cho cộng đồng Công giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu >> Lễ đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Bình >> Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời: Hoãn công bố báo cáo tài chính vì gặp sự kiện bất khả kháng >> Phát hiện vỏ cây hấp thụ khí metan, có thể giúp chống biến đổi khí hậu
Một ngôi nhà tạm bị hư hại ở Bangladesh, trong khu vực ven biển đang bị đe dọa bởi xói mòn và xâm nhập mặn. Ảnh: Getty
“Chúng tôi không xin tiền bố thí, chúng tôi yêu cầu tiền bồi thường cho những thiệt hại gây ra bởi thói hoang phí của các quốc gia phát triển. Những kẻ đã thải ra lượng khí thải carbon này, gây ra các hiện tượng khí hậu, phải trả tiền” - Molwyn Joseph, bộ trưởng môi trường của quốc đảo Antigua và Barbuda, nói với báo Financial Times ngày 3-11.
Như nhiều hòn đảo khác, Antigua và Barbuda nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Sống xa đất liền, nơi có địa hình thấp và tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, người dân nước này thuộc nhóm những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất do mực nước biển dâng cao và thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Sẽ thật bất công nếu thế giới để mặc cho các quốc đảo nhỏ nhất phải hứng chịu những tác động ghê gớm nhất của biến đổi khí hậu, mặc dù họ thải ra chưa tới 1% của tổng lượng khí nhà kính toàn cầu.
Cũng vì lý do đó mà tại Hội nghị COP15 ở Copenhagen năm 2009, các quốc gia giàu có đã đưa ra một lời hứa quan trọng và xúc động: gửi ít nhất 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển, đến năm 2020, để giúp những nước nghèo hơn thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất.
Nhưng trước thềm COP26, các “anh lớn” thừa nhận rằng họ đã bỏ lỡ mục tiêu đó vào năm 2020. Hạn chót được dời sang năm 2022, mà cũng có thể là năm 2023.
Hứa là một chuyện...
“Đột nhiên bạn có con số 100 tỉ đôla đầy tính biểu tượng, rất khó để đạt được thỏa thuận toàn cầu (ngay tại COP), trừ khi bạn tính toán cho ra trò” - Josué Tanaka, người góp công phát triển “tài chính khí hậu” (hiểu đơn giản là khoản ngân sách dành để ứng phó với biến đổi khí hậu) ở Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu, nhớ lại.
12 năm trước, con số đó là tín hiệu, cơ sở của lòng tin, giữa các nước phát triển và đang phát triển, nhưng nó nhanh chóng trở thành cục nam châm hút lấy bao bất đồng giữa các nước giàu và nghèo, vì quá nhiều câu hỏi không có câu trả lời thỏa đáng: Ai sẽ bỏ ra 100 tỉ? Khi nào có tiền? Phân bổ tiền như thế nào?
Một mặt, do không có thỏa thuận chính thức nào về số tiền mà mỗi quốc gia phải trả, lời hứa lớn đến mấy cũng chỉ dựa vào niềm tin. Vì thế, phần đóng góp thực tế của một số nước như Mỹ, Úc, Canada hay Hy Lạp vẫn còn thua xa con số mà những nước này đáng lý phải bỏ ra, theo nhiều bài phân tích.
Mặt khác, tài chính khí hậu hiện vẫn là một khái niệm mơ hồ. Tỉ như trường hợp của Nhật và Pháp: hai nước này đã bỏ ra nhiều tiền hơn phần trách nhiệm của họ, nhưng phần lớn số tiền đó là các khoản vay, chứ không phải kiểu viện trợ không hoàn lại. Nhật Bản cũng xếp một số dự án phát triển vào diện “liên quan khí hậu”, và cứ thế cộng vào lời hứa 100 tỉ đô kia, ngay cả khi mục tiêu chính của chúng không hẳn là giải quyết biến đổi khí hậu, như Tracy Carty - cố vấn chính sách cấp cao của Oxfam - đã chỉ ra trên tạp chí Nature.
Đôi khi, các con số có thể bị thổi phồng quá mức. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhóm này đã đóng góp hơn 79 tỉ USD cho tài chính khí hậu vào năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Oxfam sau đó lại phơi bày một thực tế khác: chỉ khoảng 1/5 con số trên thật sự là tiền trợ cấp, còn lại là cho vay... nghĩa là người nhận rồi sẽ phải hoàn trả.
Đáng buồn thay, 555 tỉ USD mỗi năm là số tiền mà các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi đã tài trợ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, từ 2017 - 2019, theo một ước tính của OECD. Và 2.000 tỉ USD là chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2020!
“Số tiền đó (100 tỉ USD) vốn có sẵn. Không hề thiếu tiền để đưa chúng ta đến 1,5 độ C (mục tiêu của thỏa thuận Paris)” - Black-Layne, nhà đàm phán khí hậu của Liên minh Các quốc đảo nhỏ với 39 nước thành viên, bức xúc nói với Reuters.
Ai đang trả tiền chống biến đổi khí hậu?
Các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ (như LHQ) là một trong những nhà tài trợ quan trọng nhất. Thật không may, tăng trưởng trong đầu tư công đang chậm lại, một phần là do đại dịch và những tác động kinh tế của nó.
Thế là nhóm nhà tài trợ thứ hai đến giải cứu: khu vực tư nhân. Ta không nên xem tiền tài trợ của nhóm này là hoạt động từ thiện, mà đó là những lời đáp trả cần thiết và chính đáng sau những thiệt hại về môi trường do các tập đoàn đã, đang và còn sẽ gây ra. Gần đây, hơn 450 công ty - đại diện cho 130.000 tỉ USD tài sản - đã tham gia Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero (GFANZ), cam kết sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này. (Tuy nhiên, các thành viên vẫn chưa phải cam kết ngừng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch).
Nguồn tiền thứ ba đến từ các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ, bao gồm đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân. Họ giúp sức chống lại biến đổi khí hậu bằng cách rót vốn vào những dự án tốt lành cho hành tinh, như một mô hình canh tác ít phát thải hay mẫu xe điện thân thiện với môi trường.
Không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các ngân hàng cũng đóng một vai trò quan trọng. Hầu hết số tiền mà chúng ta gửi vào ngân hàng sẽ được chuyển ra ngoài thế giới dưới hình thức cho vay. Trong 5 năm kể từ khi có thỏa thuận Paris, bốn ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ đã cung cấp gần 1.000 tỉ USD cho... việc khai thác nhiên liệu hóa thạch! May sao, các ngân hàng dường như đang quay về “chính đạo”: 63 ngân hàng toàn cầu đã tham gia Liên minh Ngân hàng Net-Zero (NZBA), cam kết danh mục đầu tư và cho vay của họ sẽ hướng đến mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là người tiêu dùng. Người dân có thể chi tiền cho xe điện và các tấm pin mặt trời để cuộc sống của mình “xanh” hơn. Một số người khác đang lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp bền vững. Tất nhiên, một cá nhân thì không thể kiểm soát các loại quyết định vĩ mô như loại bỏ nhiệt điện than. Nhưng họ có thể sử dụng quyền lực của người tiêu dùng để tác động đến các tập đoàn, quyền lực của công dân để bầu ra những nhà lãnh đạo vì môi trường.
Có một nguồn tài trợ mới đầy tiềm năng, mà COP26 mong mỏi làm cho “ra môn ra khoai”: Điều khoản thứ 6 về thị trường carbon toàn cầu. Một khi đàm phán thành công, điều khoản thứ 6 sẽ quy định cách các quốc gia gây ô nhiễm phải trả tiền cho các dự án giảm thiểu carbon ở những nước khác.
Tiền đi đâu, về đâu?
Huy động tiền chưa phải là phần khó khăn nhất. Hiện có rất ít sự đồng thuận trong cách chi tiêu số tiền khổng lồ đó, hay người nhận là ai, hoặc làm thế nào để đảm bảo tiền được sử dụng hiệu quả nhất.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã lập ra Quỹ khí hậu xanh (GCF) để phân phối một phần của 100 tỉ USD hằng năm. Tiền tài trợ sẽ được sử dụng thông qua các chương trình viện trợ sẵn có và các ngân hàng phát triển. Các “nhà tài trợ” sẽ tự gửi báo cáo thường niên tới LHQ về nguồn vốn mà họ đã đóng góp. Tuy nhiên, số dự án giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu lại không nhiều như kỳ vọng của thỏa thuận Paris; phần lớn tài chính khí hậu đang chảy vào các dự án giảm phát thải khí nhà kính - thường được gọi là dự án “giảm nhẹ”, như xây dựng cánh đồng điện gió, nâng cấp hạ tầng giao thông...
Một lý do dẫn đến sự mất cân đối giữa nhóm dự án “giảm nhẹ” và “thích ứng” là xu hướng “cho vay”, thay vì “cho luôn” của các nước giàu. Saleemul Huq, giám đốc Trung tâm Quốc tế về biến đổi khí hậu và phát triển của Bangladesh, nói với Nature: “Chuyện thích ứng hầu như không bao giờ là một tình huống cho vay. Nếu bạn cho người nghèo tiền để giúp họ đối phó với tác động của biến đổi khí hậu, việc đó sẽ không tạo ra thêm tiền”.
Bên cạnh đó, các nhà tài trợ thích kiểu dự án “giảm nhẹ” hơn vì dễ đo lường thành công hơn, theo chuyên gia tài chính khí hậu Jessica Omukuti của ĐH Oxford (Anh). “Một người hoặc một nhóm không bao giờ thích ứng hoàn toàn với biến đổi khí hậu, bởi vì các rủi ro khí hậu mới và những tổn thương sẽ xuất hiện”.
Nhưng các dự án “giảm nhẹ” cũng gặp thử thách. Nếu đầu tư 10 triệu USD vào hệ thống tàu điện ở Hà Nội, chúng ta có thể giảm được bao nhiêu tấn CO2? Câu trả lời thường phụ thuộc rất lớn vào thủ thuật tính toán. Các chuyên gia trong ngành luôn nhắc nhở rằng mục tiêu của tài chính khí hậu là “sự chuyển đổi”, kích hoạt những thay đổi mang tính hệ thống, thay vì chỉ xây mấy tòa nhà và vài cây cầu. Những mục tiêu đó còn khó lượng giá hơn nữa.
Phần lớn tài chính khí hậu đã được phân bổ cho các nước có thu nhập trung bình, chứ không phải các nước nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. “Rất nhiều quốc gia châu Phi đang than thở rằng họ không thể vượt khó (để tiếp cận nguồn quỹ) vì sự phức tạp và tính kỹ thuật” - Chukwumerije Okereke, một nhà kinh tế học ở Nigeria, cho biết.
Như các chương trình viện trợ truyền thống, tài chính khí hậu cũng bị cản trở bởi những thách thức về lãng phí, tham nhũng và kém hiệu quả. Mushtaq Khan, một giáo sư kinh tế tại Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi (Anh), nói với Financial Times rằng 1/3 số tiền tài trợ khí hậu cho Bangladesh đã tan biến vì nạn tham ô. Dẫu vậy, vị này nói tiếp: “Nhiều lãng phí và tham nhũng không nên là cái cớ để nói rằng: ồ việc này (tài trợ) sẽ không hiệu quả, ta đừng làm!”.
Ảnh: LHQ
Những đàm phán mới
Tạm gác lại những con số của quá khứ. Tại COP26 ở Glasgow năm nay, các nước yêu cầu tăng thêm tiền cho mục tiêu “giảm nhẹ” và “thích ứng”. Và nhiều quốc gia muốn tiền đền bù cho những thiệt hại đã xảy ra rồi, cho những cộng đồng đang phải trải qua những mất mát vốn không thể nào thích nghi được.
Thật ra, cam kết 100 tỉ USD/năm là rất nhỏ. Thế giới cần đến hàng nghìn tỉ đôla mỗi năm để đáp ứng mục tiêu của thỏa thuận Paris - hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đến dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. LHQ ước tính rằng các nước đang phát triển hiện cần 70 tỉ USD mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu, và con số đó sẽ phải tăng gấp đôi hoặc gấp bốn vào năm 2030.
Không thể cứ vương vấn lời hứa năm nao. Tại Glasgow, người ta đã bắt đầu nói về các mục tiêu tài chính khí hậu lớn hơn cho năm 2025. “Nhu cầu vào lúc này là hãy đưa chúng tôi kế hoạch cho 500 tỉ USD trong 5 năm, bởi vì quý vị đã không đạt 100 tỉ USD vào năm 2020” - Saleemul Huq nhận định. V20, một nhóm các bộ trưởng tài chính từ 48 quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu, đã kêu gọi một kế hoạch rõ ràng và chính thức, tăng các khoản viện trợ không hoàn lại, và cần dành ít nhất 50% ngân sách cho các dự án “thích ứng”.
Các nước đang phát triển cũng tự phân bổ ngân sách của mình trong cuộc chiến này. Nhưng để kịp thời đạt được các mục tiêu chung về khí hậu, họ cần nhiều tiền hơn mức họ có thể chi trả. Khi thủ tướng Ấn Độ mới đây gây bất ngờ với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2070, có một điều kiện đính kèm: 1.000 tỉ USD cho các nước đang phát triển. Các nước giàu đã khá nỗ lực tại COP26: Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã cam kết tăng thêm tiền chống biến đổi khí hậu. Có gợi ý rằng nên tách bạch phần tài trợ của tư nhân với lời hứa của các chính phủ... để tránh bối rối khi làm báo cáo về sau.
Chuyện tiền nong hẳn sẽ còn được tranh luận sôi nổi. Dù có nhiều khía cạnh chưa hoàn hảo, tài chính khí hậu là một phần trung tâm của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vì một hành tinh nóng lên sẽ không thiên vị cho quốc gia nào, nên thế giới rồi cũng sẽ đi đến những đồng thuận. Vấn đề là làm sao để ta còn có đủ thời gian để ngăn chặn một tương lai không mấy dễ chịu.
Một ví dụ về tài trợ của GCF cho Việt Nam thông qua sự hợp tác với Chương trình Phát triển của LHQ: Ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, đến cuối năm 2022, sẽ có 4.000 căn nhà an toàn được xây dựng. Khi đó, hai vạn người dân nghèo ở những vùng thường gặp thiên tai sẽ có thể thoải mái ở yên trong nhà của mình giữa mưa bão hay lũ lụt. Đồng thời, 4.000ha rừng ngập mặn đang được trồng và phục hồi. Một kế hoạch cải thiện việc sử dụng dữ liệu ở 28 tỉnh ven biển cũng đang được triển khai. Toàn bộ dự án tiêu tốn 29,5 triệu USD (hơn 650.000 tỉ đồng).
LÊ MY- Nhà báo, người kể chuyện về khoa học và môi trường
(Nguồn: TTCT)
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
- Tín chỉ carbon trở thành ”tiền tươi thóc thật”
- Việt Nam đã nhận 1.200 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
- World Bank hủy tài trợ ở Nha Trang, nhiều hệ lụy
- Chuyên gia lên tiếng về việc "xén" đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án
- Công trình hơn 200 phòng khách sạn trong Vườn quốc gia Tam Đảo là rất lớn
- Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
- World Bank cảnh báo gì khi hủy tài trợ 10 triệu USD tại dự án ở Khánh Hòa?
- World Bank hủy tài trợ 10 triệu USD dự án môi trường bền vững tại Nha Trang
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.