»

Thứ bảy, 18/01/2025, 23:09:02 PM (GMT+7)

Phòng, chống hạn mặn ở Bến Tre, những bài học đắt giá

(12:08:37 PM 13/03/2016)
(Tin Môi Trường) - Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức cuộc họp với các Sở ngành, đoàn thể đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng chống hạn mặn trong thời gian qua và đưa ra các giải pháp ứng phó hạn mặn đang vào giai đoạn cao điểm.

[-]Phòng,[-]chống[-]hạn[-]mặn[-]ở[-]Bến[-]Tre,[-]những[-]bài[-]học[-]đắt[-]giá


*Những bài học đắt giá


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích lúa bị thiệt hại 100% lên đến 19.774 ha, trong đó có 14.759 ha lúa vụ Đông Xuân 2015 – 2016 bị vàng lá khi chưa trổ bông. Lúa chết sớm không thu hoạch hạt còn bị mất rơm cho bò ăn. Nguyên nhân làm cho toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân bị mất trắng là do vụ Đông Xuân, là vụ lúa thứ ba trong năm và nếu thời tiết thuận lợi, qua Tết Nguyên đán nước mặn mới lên thì tránh được. Năm nay thời tiết diễn biến bất thường, nước mặn xuất hiện ngay trong tháng 12/2015 và lên nhanh trong thời điểm trước và sau Tết Bính Thân 2016. Khi ấy, nước trong các kênh nội đồng đã nhiễm mặn, độ mặn hơn 2 phần nghìn, nên không thể bơm nước lên tưới lúa, trong khi cây lúa chưa trổ bông.


Tại huyện Ba Tri, địa phương có diện tích lúa Đông Xuân lớn nhất tỉnh với hơn 11.200 ha, hệ thống kênh nội đồng tương đối khép kín nhưng vẫn không cứu được hết diện tích lúa Đông Xuân. Ngoài các kênh rạch chảy vào đồng ruộng Ba Tri đã được xây cống ngăn mặn, điều tiết nước thì còn một số kênh chảy vào đồng ruộng Ba Tri từ huyện Giồng Trôm, giáp ranh với huyện Ba Tri. Đó là kênh Châu Bình (xã Châu Bình). Khi độ mặn trong các kênh nội đồng ở Ba Tri lên cao, chính quyền địa phương yêu cầu “ đóng “ kênh Châu Bình bằng một con đập tạm. Khi xây đập Châu Bình xong thì phát hiện kênh Đường Trâu, cũng thuộc xã Châu Bình, cũng chảy vào nội đồng Ba Tri. Thế là “ đóng “ tiếp kênh Đường Trâu.


Điều không ai ngờ, khi đóng kín các con kênh này thì độ mặn trong các kênh nội đồng ở Ba Tri, Giồng Trôm lại tăng cao, do hiện tượng nước bốc hơi, mặn lại càng mặn. Nhiều “ lão nông” cho rằng, lẽ ra không “đóng” các kênh này mà để nước lưu thông để trao đổi thì nước sẽ làm giảm độ mặn trong các kênh nội đồng. Vì có thời điểm sông rạch ở Bến Tre, khi triều xuống, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, độ mặn giảm theo. Khi ấy bà con sẽ lấy nước lên đồng và cứu kịp lúa. Còn nếu “đóng” các con kênh này thì phải đóng sớm hơn chứ không để đến khi nước nhiễm mặn. Đây là một bài học kinh nghiệm về giải pháp đưa ra có tác dụng ngược là vậy.


Trong việc cung cấp nước phục vụ sinh hoạt được phản ánh tại cuộc họp vừa qua. Nhà máy nước Sơn Đông, xã Sơn Đông (thành phố Bến Tre) là nhà máy nước chính của tỉnh, công suất 30.000m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 5 huyện, thành phố, các bệnh viện và hai khu công nghiệp. Khi nước nguồn tại nhà máy nước Sơn Đông nhiễm mặn cao, Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát đắp đập tạm trên rạch Bến Rớ, xã Quới Thành (Châu Thành), gọi là đập Cái Cỏ, cách xa 20km, để có nguồn nước ngọt thô đưa về nhà máy nước Sơn Đông xử lý. Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre đầu tư nâng cấp Trạm bơm Cái Cỏ, gần đập tạm Cái Cỏ. Còn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư 5 tỉ đồng xây dựng đập tạm Cái Cỏ. Khi đập tạm Cái Cỏ làm xong thì phát hiện rạch Tre Bông, cũng thuộc xã Quới Thành, cũng đổ nước nhiễm mặn vào rạch Bến Rớ. Thế là tiếp tục làm đập tạm Tre Bông. Khi làm đập tạm Tre Bông, đơn vị thi công lùi sâu, cách cầu Tre Bông trên đường tỉnh 884, khoảng 2km. Vì lùi quá sâu, nước mặn vào sâu làm ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái của dân vì thế phải dời đập tạm Tre Bông theo yêu cầu của dân. Do các đơn vị khảo sát và chính quyền địa phương không nắm được dòng chảy cũng như mối liên quan của các con sông rạch trên địa bàn mình quản lý nên gây ra tốn kém và lãng phí !.


*Điều chỉnh quy hoạch, ứng phó với xâm nhập mặn


Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trúc Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tình hình xâm nhập mặn năm nay cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh qui hoạch tổng thể giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn 2030.Ông Sơn đề nghị trong năm 2016, chuyển ngay việc sản xuất lúa 3 vụ còn 2 vụ: Hè Thu muộn và Đông Xuân sớm, kết hợp với một vụ nuôi thủy sản nếu có thể được. Bên cạnh đó, tăng diện tích cây dừa ( cây dừa chịu được mặn ) và giảm diện tích lúa; khuyến khích sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất theo chuỗi giá trị, không chạy theo sản lượng lớn. Ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng phát triển trồng rừng để chống biến đổi khí hậu, chống sạt lở, qui hoạch lại việc phát triển các khu công nghiệp, trong đó xem xét xóa hai khu công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt là Phước Long (huyện Giồng Trôm); Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) do khó khăn trong kêu gọi đầu tư, trong đó có nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất. Ông Sơn cũng đề nghị xóa cụm công nghiệp Phú Hưng (thành phố Bến Tre) mà nhập vào cụm công nghiệp Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), vì chỉ cách một con sông. Hiện nay, cụm công nghiệp Phong Nẫm đã đi vào hoạt động, còn cụm công nghiệp Phú Hưng thì chưa giải phóng mặt bằng.


Đối với việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong tỉnh, ông Sơn đề nghị cần tính tới việc liên kết vùng, vì xâm nhập mặn gần như bao trùm tỉnh Bến Tre (đến thời này có 162/164 xã, phường trong tỉnh nhiễm mặn). Do đó, việc đặt các trạm lấy nước ngọt thô phải được tính toán kỹ, tránh lãng phí. Về lâu dài, cần phải có giải pháp công trình để ứng phó và hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.


Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng cho biết, tỉnh đã trình và được Chính phủ đồng ý sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư hoàn chỉnh dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bến Tre tính đến thời điểm này. Dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre chọn sông Ba Lai – một trong 9 cửa của sông Cửu Long – xây dựng thành một hồ chứa nước ngọt, phục vụ cho trên 150 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho trên 600 ngàn dân của 4 huyện (Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm) và thành phố Bến Tre. Năm 2002, dự án hoàn thành xây dựng cống, đập ngăn mặn ở hạ lưu sông Ba Lai. Đến nay công trình chỉ đầu tư xây dựng một số hạng mục phụ như đê ven sông Tiên, sông Hàm Luông, trong khi còn 5 hạng mục chính như đập và âu thuyền trên sông Giao hòa, Chẹt Sậy…chưa thi công, do thiếu vốn (nguồn vốn cần khoảng 200 triệu USD). Hiện nay, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đến Bến Tre khảo sát.


Trong khi chờ đợi, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết đã xin Chính phủ cho chỉ định thầu công trình xây dựng cống ngăn mặn Thủ Cửu (huyện Giồng Trôm), vốn đầu tư 300 tỉ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6 năm nay và hoàn thành trong một năm rưỡi. Lãnh đạo tỉnh kêu gọi người dân ứng phó với hạn mặn theo tinh thần “Đồng khởi mới”. Người dân phải có ý thức trữ nước ngọt trong mùa mưa bằng mọi cách để phục vụ sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt. Các huyện có điều kiện thì đào hồ chứa nước ngọt, cung cấp nước sinh hoạt cho dân vào mùa khô. Trước mắt, hai huyện Bình Đại và Ba Tri có quỹ đất thì đào hồ ngay trong năm 2016 để mưa xuống là tích nước…

Phạm Văn Trí
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Ý kiến bạn đọc về: Phòng, chống hạn mặn ở Bến Tre, những bài học đắt giá

  • Minh Khoa (11:33:38 AM 23/04/2016)Đập tạm Tre Bông làm cho vườn cây chết héo

    Rạch Tre Bông là nguồn cung cấp nước cho hơn 2000 hộ dân của 3 xã( Tiên Thủy, Quới Thành và 1 phần ấp Phươc Hòa xã Thành Tiệu) của huyện Châu Thành- Bến Tre. Từ khi có con đập tạm Tre Bông, bà con nơi đây vô cùng khốn khổ, không có nước sinh hoạt nói gì đến tưới cây, dưới mương không còn 1 giọt nước, nưt nẻ, cây cối khô héo,... Ước gì cái đập đó không còn thị bà con chắc vui mừng lăm. Ước mơ là vậy, nhưng có được không. Sa mạc giửa rừng dừa không còn xa.

Gửi ý kiến bạn đọc về: Phòng, chống hạn mặn ở Bến Tre, những bài học đắt giá

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI