(Tin Môi Trường) - Người dân lo lắng phản ánh về những ống khói khổng lồ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 gây ô nhiễm. Nhiều hộ làm muối và nuôi cá phải bỏ hoang mấy năm nay vì bụi.
Sáng 1.10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng tỉnh Trà Vinh thực hiện giám sát môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 tại tỉnh Trà Vinh.
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1- Ảnh: Đình Tuyển
Đây là nội dung giám sát bất thường theo đề nghị của người dân H.Duyên Hải (Trà Vinh) trước tình trạng ô nhiễm không khí, nước xả thải đang diễn ra ở đây. Trước đó, Bộ TN-MT cũng thực hiện giám sát tại dự án này vào tháng 3.2016.
Chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường
Tại cuộc làm việc, đoàn giám sát yêu cầu ban quản lý (BQL) dự án trả lời về các vấn đề đã được đặt ra từ các cuộc làm việc trước đó, như việc Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016 trong khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Bộ TN-MT và đến nay vẫn chưa thực hiện báo cáo này.
Thứ hai là lượng xỉ thải ra trong quá trình hoạt động của Duyên Hải 1 là 1,6 triệu tấn xỉ/năm, bãi đổ xỉ của dự án là 100 ha, chỉ có khả năng đáp ứng trong 2,5 năm và đến nay đã sử dụng gần 1/2 diện tích nhưng lượng xỉ khổng lồ này vẫn chưa biết sẽ được sử dụng vào mục đích gì.
“Trong tương lai khi cả 4 nhà máy cùng hoạt động, lượng xỉ thải ra sẽ khoảng 2,8 triệu tấn/năm thì xử lý sẽ như thế nào? Dự án ban đầu được phê duyệt công nghệ thải xỉ ướt nhưng sau lại chuyển sang xỉ khô. Thay đổi công nghệ khác với báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt như vậy có đúng quy trình không?”, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi.
Đoàn giám sát cũng yêu cầu làm rõ một số vấn đề khác, như việc hệ thống xử lý chất thải công nghiệp của dự án được thực hiện không đúng quy trình đã báo cáo trước đó; việc nhà máy xả thải ngầm ra biển có đúng luật không; việc tăng công suất của các tổ máy lên 5% so với dự kiến ban đầu đã được chấp thuận chưa, ảnh hưởng ra sao đến báo cáo tác động môi trường?
Theo ông Đào Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Dân Thành, tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực không như đại diện BQL dự án nhiệt điện 3 trình bày, vì “đã có thời điểm gió đưa một lượng lớn bụi bãi thải bám vào nhà cửa, hoa màu của người dân”. Đáng lo ngại, nguy cơ gây ô nhiễm biển của nhà máy rất lớn. Ông Lữ Minh Tâm, Phó chủ tịch xã Đông Hải phản ánh thêm, người dân H.Duyên Hải có nghề đánh bắt thủy sản, nhưng việc xả thải ra biển của nhà máy nhiệt điện nếu có trục trặc gì sẽ gây thiệt hại lớn đến đời sống nhân dân.
Trước các vấn đề đặt ra, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc BQL dự án nhiệt điện 3 thuộc Tập đoàn điện lực VN (EVN), khẳng định công nghệ thải xỉ khô đang được áp dụng không gây ô nhiễm môi trường không khí do được chuyển bằng đường ống khép kín từ nhà máy ra bãi xỉ, bãi xỉ cũng làm ẩm, lu lèn và phun nước chống bụi định kỳ. Công nghệ này không tác động tới môi trường nước mặt, nước biển và nước ngầm…
Về việc báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này chưa hoàn thành đã vận hành dự án, ông Dũng cho biết BQL đã trình hồ sơ môi trường nhưng tại thời điểm đó hồ sơ chưa hoàn chỉnh ngay được vì đặc thù của dự án EPC mang tính thời điểm. “Dự án EPC chia thành 2 giai đoạn thi công và chuyển giao, vận hành. Sau khi đi vào hoạt động từ tháng 1.2016 - 1.2018 dự án mới hoàn thành đầy đủ công trình về mặt hồ sơ và thực tế công nghệ, sau khi nhà thầu hoàn thành nghiệm thu phải đưa vào vận hành ngay, nếu dừng máy sẽ gây tốn kém lớn”, ông Dũng nói.
Xả thải ngầm ra biển phải được kiểm soát chặt
Về việc xả ngầm ra biển, ông Dũng khẳng định đảm bảo không gây ô nhiễm và luật không cấm việc này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng luật không cấm xả ngầm nhưng quy định rõ việc bố trí ở nơi thuận lợi để giám sát và phải có giải trình về đánh giá tác động của việc xả thải này.
Kết luận phiên làm việc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân khẳng định hoạt động của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 trong 9 tháng qua góp phần tích cực cân đối năng lượng cả nước… Nhưng việc đưa vào vận hành dự án trong khi chưa có báo cáo hoàn thành đánh giá tác động môi trường với lý do đặc thù được EVN đưa ra là chưa thuyết phục. “Nhà nước đã có quy định về chạy thử dưới 6 tháng, trước khi chạy chính thức đủ điều kiện nộp báo cáo về vấn đề này chứ không lấy lý do chạy chính thức mới xác định được”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói và cho biết sẽ có văn bản chính thức gửi Bộ TN-MT.
Về việc xả thải ngầm ra biển, ông Nhân đề nghị EVN và Bộ TN-MT phải thống nhất để đảm bảo việc xả không gây ô nhiễm và quan trọng nhất là phải giám sát chất lượng nước không để ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và sinh kế của người dân.
Trung tâm điện lực Duyên Hải được xây dựng cặp mé biển ở ấp Mù U, xã Dân Thành, TX.Duyên Hải, Trà Vinh, cách TP.Trà Vinh 60 km. Trung tâm được quy hoạch tổng thể với 4 nhà máy, gồm khoảng 4.415 MW. Mỗi nhà máy 1, 2 và 3 có 2 tổ máy; nhà máy 3 mở rộng có 1 tổ máy; công suất mỗi tổ máy 600 MW. Một năm mỗi nhà máy thải ra khoảng 1 triệu tấn tro xỉ than, nên phải làm những bãi chứa thải trên dưới 30 ha. Với công suất trên, qua nhiều năm sẽ có những núi tro xỉ nằm cạnh bờ biển. Vào mùa khô, gió từ biển sẽ thổi bụi bay phát tán trong phạm vi rộng lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Theo Quy hoạch điện phê duyệt ngày 18.3.2016, đến năm 2030, ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 18.270 MW, lớn nhất trong các vùng của cả nước, hơn cả vùng đông Bắc bộ cộng với đồng bằng sông Hồng.
Người dân lo lắng phản ánh về những ống khói khổng lồ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 gây ô nhiễm. Mùa khô lúc nào cũng mịt mù tro bụi tỏa ra từ những nhà máy nhiệt điện. Có hộ làm muối và nuôi cá nhưng phải bỏ hoang mấy năm nay vì bụi.
Trong tương lai khi cả 4 nhà máy cùng hoạt động, lượng xỉ thải ra sẽ khoảng 2,8 triệu tấn/năm thì xử lý sẽ như thế nào? Dự án ban đầu được phê duyệt công nghệ thải xỉ ướt nhưng sau lại chuyển sang xỉ khô. Thay đổi công nghệ khác với báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt như vậy có đúng quy trình không?- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân