Một điểm bày bán giống cà phê ở xã Hòa Thắng, Buôn Ma Thuột - Ảnh: T.N.Q |
Nhiều người gọi địa bàn xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột là “liên hiệp các xí nghiệp giống” do có hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh đủ loại giống cây nông lâm nghiệp, cung cấp một lượng giống khổng lồ cho các tỉnh Tây Nguyên. Hầu hết các cơ sở giống đều treo biển “Ea Kmát” kèm theo tên chủ hộ kinh doanh hay chủ doanh nghiệp. Mặc dù trên địa bàn, Viện cà phê Ea Kmát đã chuyển tên thành Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp (KHKTNLN) Tây Nguyên từ lâu nhưng “Ea Kmát” vẫn được dùng phổ biến như thương hiệu cho các giống cà phê được sản xuất tại khu vực này.
Ông Đỗ Trọng Vinh, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông lâm nghiệp Ea Kmát (gọi tắt là Công ty Ea Kmát) cho biết, hầu hết các cơ sở tư nhân sản xuất, kinh doanh cây giống trên địa bàn Hòa Thắng không có vườn chồi đầu dòng được công nhận, nhưng vẫn được phép kinh doanh. Nhiều hộ làm cà phê giống trong khu vực chào mời khách hàng là hạt giống và chồi ghép được mua từ Công ty Ea Kmát, nhưng thực chất là họ tự làm hoặc mua trôi nổi bên ngoài.
Theo ông Nguyễn Minh Tặng, Phó chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk, những năm gần đây, việc tăng mạnh diện tích cây công nghiệp và các loại cây ăn quả lâu năm đã kéo theo việc phát triển tràn lan, khó kiểm soát của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ở Đắk Lắk, gây thiệt hại khó lường về lâu dài cho người mua. Những sai phạm chủ yếu là các cơ sở không có cán bộ kỹ thuật, không có nhãn mác hàng hóa theo quy định, không có vườn chồi được công nhận; sản xuất, kinh doanh các loại giống cây không có trong danh mục…
Ông Tặng cho rằng, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giống cây trồng chưa có điều kiện thực hiện triệt để ở tất cả các địa bàn; trong khi nhiều trường hợp bị xử phạt tỏ ra chây ì, thách thức cơ quan quản lý. Trong năm 2010, Thanh tra Sở NN -PTNT Đắk Lắk đã kiểm tra 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm, ra quyết định xử phạt hành chính 9 cơ sở vi phạm, đã có 7 cơ sở nộp phạt 26,5 triệu đồng; còn lại 2 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột là Công ty N.H (sản xuất giống cây mắcca chưa có trong danh mục) có mức phạt 16,5 triệu đồng và hộ kinh doanh T.H bị phạt 10,5 triệu đồng nhưng đến nay chưa nộp phạt.
Riêng Công ty N.H bị tạm thu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tiếp tục hành nghề sản xuất, kinh doanh cây giống. Thanh tra sở đã 4 lần gửi giấy mời nhưng hai cơ sở này vẫn không đến làm việc. Năm 2011, Thanh tra sở chưa triển khai việc thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này.
Sản xuất giống ca cao từ vườn cây đầu dòng được công nhận của Công ty Ea Kmát |
Bất cập là việc cấp phép kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng thuộc về Sở KH-ĐT, trong khi kiểm tra, đánh giá điều kiện kinh doanh, xử lý vi phạm lại thuộc Sở NN-PTNT nên khi kinh doanh vi phạm thì Sở NN-PTNT không thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hiện Thanh tra Sở NN-PTNT đang kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan cấp phép kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân phải bảo đảm các điều kiện quy định theo Pháp lệnh Giống cây trồng; đồng thời phân cấp cho UBND cấp huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động lập kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ở các địa phương.
Trần Ngọc Quyền