(Tin Môi Trường) - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 562 điểm sạt lở (tổng chiều dài gần 800km), trong đó có 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Vụ sạt lở đầu tháng 5-2018 tại phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) ảnh hưởng tới 34 hộ dân, trong đó có 7 hộ có nhà cửa trôi hoàn toàn xuống sông - Ảnh: CHÍ QUỐC
Càng "nóng" hơn khi những ngày qua liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ sạt lở ở ĐBSCL khiến nhiều người dân lâm vào cảnh lao đao.
Nếu như trước đây "hà bá" chọn các huyện đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Đồng Tháp để tấn công thì hiện nay sạt lở đang tập trung các huyện, thị hạ nguồn như huyện Thanh Bình, TP Cao Lãnh.
Không chỉ vậy, các khu vực dù có kè, biện pháp chống xói lở nhưng lở vẫn ngày một nhiều hơn.
"Nín thở" sống tạm bên miệng "hà bá"
Sông Hổ Cứ (một nhánh rẽ của sông Tiền) gần đây liên tục xảy ra sạt lở dù ngành chức năng TP Cao Lãnh đã triển khai đóng cừ ngăn ngừa.
Bà Nguyễn Thị Mì (xã Hòa An, TP Cao Lãnh) kể người dân chỉ mới phát hiện vết nứt trong vòng chưa đầy 30 phút thì nhà vệ sinh và một phần nhà bếp đã bị kéo văng xuống sông.
Tương tự, khu vực chợ Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh) liên tục xảy ra sạt lở kéo văng 3 căn nhà ven sông cùng nhiều gia đình khác "nín thở" sống tạm bên miệng "hà bá". Một đoạn bờ sông vốn phồn thịnh nay tan hoang, nhà đổ, vết nứt loang lổ và đường lưu thông thì đứt đoạn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, nhà sát bên bờ vực sạt lở, cho biết sau vụ sạt lở năm 2016 ông đã bỏ nhà đi nơi khác ở 1 năm.
"Thấy êm êm mới quay lại ở, buôn bán rồi hùn tiền làm cái kè tạm. Hổng ngờ không bao lâu lại bị sạt nữa. Kiểu này chắc bỏ nhà cửa chứ sao dám ở đây nữa" - ông Hồng chia sẻ.
Hiện vết nứt còn lan rộng và nhiều khả năng sẽ còn ảnh hưởng đến các nhà dân gần đó.
Ít tháng trước, tại khu vực ven bờ sông Hậu, phía phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cũng bị một hố xoáy dài gần 200m, ăn sâu vào đất liền hơn 20m, nhấn chìm trực tiếp 4 căn nhà. Một tháng sau, hơn 30 căn nhà tại đây cũng lần lượt bị sông Hậu xóa sổ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn (50 tuổi) kể hố xoáy tại khu vực trên hình thành vào tháng 8 năm ngoái, gây sạt lở bờ sông dài gần 200m, ăn sâu vào đất liền hơn 20m, đã nhấn chìm 4 căn nhà của người dân nơi đây, đe dọa đến hàng chục hộ dân khác lân cận.
"Sau khi 30 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp được di dời đi nơi khác thì sạt lở tiếp tục nhấn chìm 20 nền nhà" - ông Tuấn nói.
Đồ họa: T.ĐẠT
Đìu hiu xóm "hậu sạt lở"
Ngày 20-6, chúng tôi quay trở lại tâm điểm sạt lở bên sông Vàm Nao tại xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã nhấn chìm 14 căn nhà, gây ảnh hưởng 106 hộ dân và thiệt hại trên 90 tỉ đồng vào năm 2017.
Nơi này hiện vẫn là khung cảnh nhà vắng, trơ trọi. Những căn nhà hoang tàn vẫn còn đó như ngày nào vì chủ nhà đã bỏ đi nơi khác sinh sống. Người qua lại ở những khu vực này cũng rất ít.
Ông Trần Thanh Phong - chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông - cho biết đến thời điểm này việc khắc phục sạt lở tại tổ 12, ấp Mỹ Hội đã cơ bản xong giai đoạn 1, hướng tới sẽ tiếp tục đề nghị làm bờ kè khu vực này cho chắc chắn.
Tại bờ sông Ô Môn đoạn qua phường Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã trải qua ít nhất 5 vụ sạt lở kinh hoàng, nhấn chìm nhà cửa, tài sản của hàng chục hộ dân.
Các điểm sạt lở này có chiều dài hàng trăm mét, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, từ đó đã đe dọa trực tiếp đến hàng trăm hộ dân khác.
Trong số đó, dù vụ sạt lở khiến 34 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 7 căn nhà trôi hoàn toàn xuống sông đã khoảng một tháng rưỡi, hiện ở khu vực Thới Lợi có khoảng 50 hộ dân đang phải tiếp tục dời tài sản đến nơi an toàn.
Người dân nơi đây cho biết họ chỉ dám trở về nhà vào ban ngày, ban đêm họ phải đến nhà người thân ngủ hoặc tìm chỗ khác cất nhà mới, sinh sống ổn định.
Chính vì thế, tại khu vực này cũng có rất nhiều nhà bị bỏ hoang, khu xóm huyên náo ngày nào trở nên đìu hiu, vắng lặng.
Tình hình sạt lở tại hố xoáy trên sông Hậu, khu vực phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) vẫn đang tiếp diễn - Ảnh: CHÍ HẠNH
Giải pháp "công trình và phi công trình"
Ông Võ Thành Ngoan, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết trước diễn biến phức tạp của sạt lở, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp như: chỉ đạo các ngành chức năng quản lý chặt chẽ khai thác cát đúng phạm vi và đúng cao độ, kết hợp việc khai thác cát và chỉnh trị dòng chảy, hướng dòng chảy ra giữa dòng sông ngăn chặn sạt lở.
Cũng theo ông Ngoan, sở sẽ yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng không cấp phép những dự án, những công trình nằm bên sông Tiền; nghiêm cấm cất nhà, các công trình cũng như kho bãi nằm ven sông trong các khu vực vành đai sạt lở.
Ông Lâm Quang Thi - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho hay trước thực trạng sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý sạt lở "công trình và phi công trình".
Cụ thể, sẽ xây dựng bờ kè nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn kịp thời sạt lở, còn "phi công trình" sẽ di dời dân, trồng cây chắn sóng, điều chỉnh dòng chảy, góp phần bảo vệ ổn định bờ sông, kênh, rạch.
Ngoài ra sẽ dời các công trình trên sông (nhà nổi, lòng bè, bến tàu), di dời những hộ dân ra ngoài phạm vi có nguy cơ sạt lở đến những khu dân cư tập trung và không tiếp tục cho xây dựng các công trình lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch.
"Sạt lở ngày càng diễn biến nghiêm trọng. UBND tỉnh đã có công văn tăng cường quản lý việc này rất chặt để bảo vệ tài sản, tính mạng cho bà con" - ông Thi nói.
An Giang đã đề xuất Chính phủ trước mắt sẽ xây dựng 8 cụm dân cư trên địa bàn các huyện Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên, bố trí cho 2.747 hộ dân, tổng mức đầu tư 626 tỉ đồng.
Sạt lở tuyến đê biển Tây qua huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - Ảnh: CHÍ QUỐC