|
Như vậy nếu theo quyết định này, khoảng hơn 500 tàu vận tải khách tham quan vịnh hoặc lưu trú nghỉ đêm trên vịnh sẽ phải đồng loạt “khoác đồng phục” màu trắng, thay vì màu nâu cánh gián quen thuộc như hiện nay.
Không “thuần Việt”
Đa số doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đều đi từ thái độ bất ngờ đến phản ứng gay gắt trước thông tin này.
Ông Đoàn Văn Dũng, Chi hội trưởng chi hội du thuyền Hạ Long, bày tỏ: “Để có được thân tàu vỏ gỗ màu nâu cánh gián như hiện nay, chúng tôi đã phải nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa Việt Nam, đặc trưng vùng miền và thấy rằng màu sắc và chất liệu này rất phù hợp và thuần Việt. Nét thuần Việt đó tạo nên bản sắc riêng cho vịnh Hạ Long mà không nơi nào trên thế giới có được. Du khách quốc tế đến vịnh Hạ Long cũng muốn khám phá vẻ đẹp thuần Việt đó. Nay, tỉnh lại yêu cầu sơn vỏ trắng giống màu của các du thuyền hiện đại nước ngoài, nét thuần Việt đó không còn, du khách sẽ mất đi sự hào hứng muốn khám phá...”
Về màu trắng theo quy định, ông Dũng cũng cho biết thêm: “Vỏ tàu trắng trên thực tế là màu vỏ đã có từ thời chúng tôi mới thành lập đội tàu du lịch cấp thấp. Màu trắng này bộc lộ khá nhiều điểm không phù hợp và khách không thích nên chúng tôi quyết định thay đổi....”
Gây lãng phí?
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Hưng (chủ tàu Phoenix đã được Mark Zuckerberg, CEO Facebook, thuê trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh vừa rồi – PV), cho biết: “Khiếm khuyết khi sơn vỏ tàu màu trắng ở chỗ: thân tàu màu trắng sẽ chóng bẩn và bắt bụi do Quảng Ninh là vùng mỏ. Hơn nữa, màu sơn trắng không phù hợp với vỏ gỗ vì các thớ gỗ có khe và không được mịn, sẽ tạo sự nham nhở. Chưa kể đến các đinh đóng vào thân tàu, do điều kiện khí hậu ẩm, bị ngâm trong nước biển, chỉ cần gặp một trận mưa thôi là sẽ bị rỉ sét. Nếu vỏ tàu màu trắng, vết rỉ sét sẽ hoen ra, chảy thành từng dòng ố vàng xuống làm màu trắng sẽ bị loang lổ và trông rất khó coi...”
Theo ông Hưng, đội tàu du lịch của công ty ông có 6 chiếc, trong đó có vài chiếc ông cũng đã thử sơn màu trắng. Nhưng sau chưa đầy 1 tháng, chính vì những khiếm khuyết trên, ông đã phải cho sơn lại màu nâu cánh gián.
Ông Hưng than thở: “Mỗi lần sơn, nếu là sơn tổng hợp tốn chi phí khoảng 30-40 triệu đồng/tàu, còn sơn PU (là một dạng polymer chuyên sơn cho gỗ) thì mất gần 100 triệu đồng... Nếu phải sơn lại theo đúng quy định thì chúng tôi mất cũng vài trăm triệu đồng. Chưa kể sau 2 tháng, chúng tôi lại phải cào toàn bộ đi sơn lại khi vết rỉ sét từ đinh ốc đóng vào thân tàu loang ra. Sẽ rất lãng phí cho doanh nghiệp”.
Về vấn đề này, một lãnh đạo của ngành du lịch chia sẻ: sau vụ chìm tàu Trường Hải 06 hồi đầu năm 2011 làm 12 du khách nước ngoài thiệt mạng, thông tin từ Lãnh sự quán một số nước như Anh, Pháp, Úc cho rằng có thể là do tàu du lịch Hạ Long cũ. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu rất kỹ lưỡng và nhận ra rằng đó không phải là nguyên nhân. Có chăng là màu nâu cánh gián như hiện nay đã gây cho họ cảm giác tàu cũ vì không nhìn rõ được đường nét của tàu...”
Vị cán bộ này lấy dẫn chứng thêm: “Đặc biệt vào mùa đông, nước biển kém xanh do thiếu ánh nắng mặt trời, màu sắc của hang núi bị lẫn trong sương sẽ tạo một màu xám xịt, việc thân tàu màu nâu sẽ làm cho cảnh trí của vịnh thêm tối và nặng nề. Thêm nữa, với nước sơn sáng, những lỗi của thân tàu sẽ lộ ra ngay và chủ tàu bắt buộc phải tìm cách nâng cao chất lượng của con tàu”.