Trao đổi - Phản biện » Kinh tế
Cần Thơ: Chợ nổi Cái Răng đang "chìm"
(11:50:17 AM 06/09/2015)
Chợ nổi Cái Răng không còn sầm uất như xưa, chỉ còn thưa thớt những cây “bẹo” tiếp thị hàng
“Mới có mấy năm mà chợ thay đổi nhiều quá. Hàng hóa giờ sao toàn thấy khoai, sắn, bắp cải”, ông Lê Văn Sơn, một du khách từ tỉnh Hải Dương đến Cần Thơ lần thứ 2, nói với vẻ thất vọng. Ông Sơn cho biết, lần đầu vào ĐBSCL cách đây 6 năm, ông đã “chết mê chết mệt” với không khí nhộn nhịp của chợ nổi và vẻ đẹp hút hồn của bình minh trên sông. Vì vậy trong lần trở lại này cùng gia đình, ông Sơn rất háo hức giới thiệu vẻ đẹp sông nước ấy với người thân. Ông chọn tour tham quan là chợ nổi Cái Răng và vườn trái cây Ba Cống (Q.Cái Răng, Cần Thơ). Nhưng trái với hình dung của ông Sơn, lần này, mọi thứ đã thay đổi, chợ nổi Cái Răng bây giờ không còn tấp nập như trước, tàu du lịch cũng thưa hẳn.
Cùng chung cảm nhận như vị khách xa, anh Trần Long Vi, sống ở Cần Thơ dẫn cô bạn người Đức đi chơi, nói: “Chúng tôi cảm thấy thất vọng vì chợ nổi giờ ghe xuồng mua bán thưa thớt, nhưng khá nhiều rác thải sinh hoạt, trái cây lại đắt hơn nhiều so với trên bờ”.
Chợ không có... nhà vệ sinh !
Theo thống kê của Trung tâm du lịch Q.Cái Răng, hiện bình quân mỗi ngày chợ nổi Cái Răng có từ 300 - 350 ghe, tàu buôn bán kinh doanh. Trong số này, có khoảng 150 ghe tàu trọng tải lớn người dân sinh sống trên ghe và thường xuyên neo đậu dài ngày. Ông Huỳnh Bá Tạo, Trưởng khu vực Yên Thuận, P.Lê Bình (nơi quản lý về an ninh trật tự, tạm trú... ở chợ nổi Cái Răng) cho rằng, cư dân ở chợ nổi dao động từ vài trăm đến hàng ngàn người nên rất khó quản lý.
Trong khi đó, điều đáng nói nhất là không ít du khách đến chợ nổi Cái Răng cảm thấy thất vọng về tình trạng mất vệ sinh ở đây. Toàn bộ khu vực chợ nổi hiện không có nhà vệ sinh công cộng. Hầu hết các hộ dân sống trên ghe đều đi vệ sinh trực tiếp xuống sông.
Bên cạnh đó, rác thải cũng đang là vấn đề nhức nhối ở chợ nổi Cái Răng. Hiện ở chợ nổi này không có đội thu gom rác nên người dân vẫn thải rác xuống sông. Đến chợ nổi, du khách có thể thấy ngoài các loại rác rau, củ, vỏ trái cây... thì bịch ni lông, vỏ hộp cơm cũng nổi lềnh bềnh khắp nơi. “Thực tế, chúng tôi không cảm nhận được điều gì đặc sắc từ chợ nổi so với những gì được quảng cáo, không đủ sức kéo chúng tôi quay lại thêm một lần nữa”, ông Miller, du khách người Anh nói. Vị du khách này cũng chia sẻ thêm rằng: “Sự ô nhiễm môi trường, thiếu dịch vụ hấp dẫn, thiếu chính sách can thiệp phù hợp sẽ làm cho chợ nổi đang dần chìm theo tự nhiên”.
Trên thực tế, hầu hết khách du lịch lần đầu đến Cần Thơ đều phải đi thăm chợ nổi. Thống kê của Trung tâm du lịch Q.Cái Răng cho thấy, mỗi ngày bình quân chợ nổi đón khoảng 500 - 700 lượt khách tham quan; trong đó phần lớn là khách nước ngoài. Những ngày lễ, tết, cao điểm lượng khách có thể lên đến trên 1.000 người. Tuy nhiên, theo anh Đặng Xuân Vinh, hướng dẫn viên của Công ty Buffalo Tours thì “ít thấy ai quay lại một mình”.
Vô tư xả rác xuống sông ở chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ - Ảnh: Đình Tuyển
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt (TP.HCM), đánh giá chợ nổi Cái Răng và các chợ nổi ở miền Tây nói chung thực sự là một “kho vàng” của du lịch vùng ĐBSCL, nhưng với điều kiện phải có người biết tôi luyện.
“Thử so sánh với chợ nổi ở Thái Lan sẽ thấy, chợ nổi của họ là nhân tạo còn chợ nổi Cái Răng hay Ngã Bảy, Phong Điền... là sản phẩm của tự nhiên, nó hình thành từ văn hóa giao thương trên sông nước lâu đời của người dân mà ra. Đó là văn hóa, là cái phải bảo tồn, phát triển và tiếp thị. Theo tôi, để chợ nổi ở miền Tây đừng chìm, thì ngay bây giờ phải thay đổi ý thức con người, đừng ai vứt rác, tiêu tiểu xuống sông trước mặt du khách nữa. Việc này có khó đâu. Đường dài thì địa phương phải ngồi với các doanh nghiệp, chọn những người tâm huyết và đủ năng lực để xây dựng những sản phẩm dịch vụ thực sự hấp dẫn trên chợ nổi, giả dụ như cho khách trải nghiệm buôn bán cùng người dân chẳng hạn...”, ông Mỹ phân tích. Bên cạnh đó, ông Mỹ cho rằng “một điều sống còn khác” là chợ nổi phải kết hợp với các sản phẩm, dịch vụ trên bờ. “Có thể thấy Thái Lan họ làm rất hay việc này. Chợ nổi ở Thái Lan thực chất chỉ là cái cớ để họ thu hút khách còn dịch vụ trên bờ mới là thứ giữ chân du khách và mang lại nguồn thu lớn”, ông Mỹ nói.
Một chuyên gia về du lịch ở TP.HCM (xin giấu tên) cũng kiến nghị: “Phải cư xử với chợ nổi một cách tử tế hơn bằng cách xây dựng một quy tắc ứng xử cho thương hồ, cư dân ven bờ, cho du khách. Trước mắt là chuyện môi trường, kế đến là phải có những chính sách bảo tồn, tạo điều kiện để thương hồ phát huy những nét văn hóa buôn bán đặc trưng ở chợ nổi, thứ mà không lẫn vào đâu được”.
Ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Trung tâm du lịch Q.Cái Răng, cho biết hiện chính quyền đang hoàn chỉnh đề án phát triển, bảo tồn chợ nổi, dự kiến triển khai và hoàn thành vào năm 2017. “Trong đề án có nhiều hạng mục trạm dừng chân, bến tàu... có làm nhà vệ sinh công cộng 3 - 4 điểm”, ông Minh nói.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia làm du lịch ở ĐBSCL, vấn đề của chợ nổi Cái Răng còn nằm ở chỗ “con người” quản lý. Là một “tài nguyên” bộ mặt của du lịch địa phương, chợ nổi phải được “săn sóc” bởi bàn tay của cấp quản lý có thể đưa ra những hoạch định, những chiến lược và có thể tự quyết định với những kế hoạch đó chứ không thể giao cho một trung tâm của cấp quận như hiện nay.
Các dịch vụ trên chợ nổi không hấp dẫn được du khách
Đến Cần Thơ không biết mua gì lưu niệm
Đó là trăn trở của ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trong cuộc họp với các doanh nghiệp du lịch hồi tháng 3.2015. Theo ông Dũng, một trong những hạn chế lớn nhất của du lịch Cần Thơ là thiếu điểm vui chơi giải trí, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn. Đặc biệt là không có sản phẩm lưu niệm mang tính đặc trưng của TP.Cần Thơ. Ông Dũng cho rằng, ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch phải khắc phục ngay những hạn chế đó để cải thiện du lịch của Cần Thơ xứng với tiềm năng.
Đi một ngày là chán
Hiện nay, khách đến Cần Thơ thường tham quan một tour “cơ bản” như sau: sáng dạo bộ ở bến Ninh Kiều, thuê tàu đi tham quan chợ nổi Cái Răng, sau đó tham quan làng du lịch Mỹ Khánh (hoặc một vài nhà vườn khác), tiếp tục theo tuyến lộ vòng cung đi thăm nhà cổ, di tích lịch sử mộ cụ Phan Văn Trị... và hết. Để tham quan hết một vòng như vậy, khách chỉ mất khoảng 6 giờ. Nếu kéo dài ra thêm một chút thì khách có thể tham quan một vài làng nghề, nghe đờn ca tài tử.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
- Tín chỉ carbon trở thành ”tiền tươi thóc thật”
- Việt Nam đã nhận 1.200 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
- World Bank hủy tài trợ ở Nha Trang, nhiều hệ lụy
- Chuyên gia lên tiếng về việc "xén" đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án
- Công trình hơn 200 phòng khách sạn trong Vườn quốc gia Tam Đảo là rất lớn
- Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
- World Bank cảnh báo gì khi hủy tài trợ 10 triệu USD tại dự án ở Khánh Hòa?
- World Bank hủy tài trợ 10 triệu USD dự án môi trường bền vững tại Nha Trang
Bài viết mới:
- Cây Đa cổ thụ -Nơi treo cờ Cộng sản đầu tiên vùng ven Hà Nội được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024 (20/11/2024)
- Hai cây cổ thụ vùng ven đô Thăng Long được vinh danh Cây Di sản Việt Nam (20/11/2024)
- Hội BVTN&MT Việt Nam cùng thống nhất hành động và triển khai các nhiệm vụ mới (20/11/2024)
- Lan tỏa thông điệp về phát triển bền vững đến người tiêu dùng qua từng vỏ hộp sữa (13/11/2024)
- Cây đầu tiên của huyện Đan Phượng được công nhận Cây Di sản Việt Nam (13/11/2024)
- Ăn gì để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn? (11/11/2024)
- Đã chọn được một số đề tài xuất sắc trong cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành” (06/11/2024)
- Đoàn đại biểu VACNE tham dự Hội thảo “Đánh giá tác động và việc Giảm CO2” tại Hàn Quốc (28/10/2024)
- Mua đất bằng giấy viết tay có được cấp sổ đỏ không? (26/10/2024)
Lãnh đạo VACNE tham gia tọa đàm về luật thủ đô năm 2024
(Tin Môi Trường) - Chiều ngày 15/11/2024, tại Trường quay của Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Luật Thủ đô năm 2024 với chủ đề “Một số điểm mới trong bảo vệ môi trường”.
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.