Trao đổi - Phản biện » Kinh tế
Bán đất sét ruộng lúa: Lợi ít, hại nhiều
(09:47:19 AM 05/08/2015)Bán đất sét ruộng lúa: Lợi ít, hại nhiều -Ảnh: TL
Năm 1998, xã Tân An, huyện Càng Long là nơi xuất hiện tình trạng nông dân bán đất sét ruộng lúa đầu tiên trong tỉnh Trà Vinh cho các chủ cơ sở làm gạch xây dựng trong tỉnh và từ tỉnh Vĩnh Long đến mua. Theo một vài chủ cơ sở lò gạch trong tỉnh Trà Vinh, vùng đất Tân An được xem là “mõ” đất sét ít lẫn tạp chất, gạch làm ra đạt chất lượng cao nên các chủ cơ sở làm gạch đổ xô về đây tranh mua đất sét.
Hậu quả sau 10 năm là hàng trăm ha đất oằn trũng, canh tác cây lúa không còn đạt hiệu quả như trước, có nhiều diện tích trở thành “ruộng ao” bỏ hoang hóa. Cũng từ đó, tình trạng bán đất sét ruộng lúa như vết dầu loang lan rộng dần sang các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A của huyện Châu Thành và hiện tại đã “nhiễm” đến những vùng tiếp giáp với huyện Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh.
Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trên địa bàn các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A, hiện tại số lượng máy cối nhồi đất sét làm gạch có hơn 30 chiếc và diện tích đất ruộng lúa bị khai thác có trên 500 ha. Tại xã Song Lộc đã có hơn 400 ha đất ruộng lúa bị khai thác nguồn đất sét, tập trung tại các ấp, như: Nê Có, Trà Uông, Láng Khoét, Trà Nóc .
Ông Nguyễn Chí Hiệp, Chủ tịch UBND xã Song Lộc cho biết, theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đất ruộng được khai thác theo cách lấy bỏ đi lớp đất mặt rồi khai thác đất sét ở độ sâu từ 0,4-0,45m (tùy loại đất). Bình quân, 1 ha đất ruộng được các chủ cối làm gạch mua với giá từ 100 - 200 triệu đồng/ha tùy theo vị trí đất xa hay gần đường giao thông bộ hay đường thủy.
Việc bán đất sét được hộ bán đất biện minh rằng, ngoài tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể mà họ tích luỹ cả đời làm nông chưa chắc có được, thêm vào đó là cải tạo được mặt bằng đất ruộng, chủ động được việc tưới tiêu. Tuy nhiên, thực tế là xuất phát từ khoản tiền có được nên nhiều nông dân bất chấp hậu quả, lén lút bán đất sét ruộng lúa trái pháp luật.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ) đã khuyến cáo: Tình trạng khai thác đất sét ruộng lúa để làm gạch, gốm tùy tiện ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có tỉnh Trà Vinh hiện nay đã được các nhà khoa học cảnh báo nhiều lần. Tình trạng này, nếu không khắc phục sẽ dẫn đến hệ lụy là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ bị lún không thể cơ giới hóa. Chưa kể những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên, ảnh hưởng đến sản xuất thậm chí là không thể canh tác được.
Lời cảnh báo đó đến nay đã hiện hữu trên nhiều mảnh ruộng và làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nông dân trên cùng một cánh đồng. Ông Thạch Phinh, ấp Trà Uông là điển hình khi đã bán 8.000 m2 đất sét. Ông Phinh cho biết, qua 2 năm trồng lúa ông phải tốn kém chi phí về phân bón, nhiên liệu để bơm tát nước cao gấp 3 – 4 lần so trước đây. Cây lúa bị ngã không thu hoạch bằng máy được, năng suất lúa bị giảm đến 30%. Không chỉ thế, việc bán đất sét của ông còn làm mất lòng nhiều nông dân sản xuất trên cùng cánh đồng. Do ruộng ông khi lấy đất sét bị trũng thấp làm cho các ruộng lúa lân cận trở nên gò cao, việc dẫn nước và giữ vào ruộng gặp khó khăn. Theo ước tính của nhiều nông dân không bán đất sét, trên cùng cánh đồng nếu có 1 ha ruộng bán đất sét sẽ gây ảnh hưởng rộng đến 30 ha liền kề. Đó là chưa tính đến bất lợi khi ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc thành lập tổ hợp tác sản xuất cánh đồng lớn.
Trước tình hình khai thác đất sét ngày càng “nóng”, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo UBND các huyện Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần tăng cường kiểm tra và xử lý việc bán đất sét ruộng lúa. Theo ông Trần Văn Điều, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, UBND huyện đã tiến hành thành lập tổ công tác gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác kiểm tra, quản lý tình trạng khai thác đất sét trái phép trên địa bàn huyện. Thời gian qua, UBND huyện Châu Thành đã xử lý 42 trường hợp khai thác đất sét trái phép tại xã Song Lộc, Lương Hòa và Lương Hòa A, tịch thu hơn máy 40 cối nhồi đất sét và phạt tiền 645 triệu đồng. Tuy nhiên, do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, trong khi đó, mức lợi nhuận đem lại cho các chủ cối rất cao nên sau khi bị tịch thu phương tiện, phạt tiền, các đối tượng mua sắm phương tiện mới và tiếp tục lén lút hoạt động.
Từ thực tế trên, cho thấy việc xử lý và quản lý tình hình khai thác đất sét ruộng ở tỉnh Trà Vinh rất cần có một giải pháp hữu hiệu hơn và biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn triệt để. Vấn đề cấp bách hiện nay là chính quyền, ngành chuyên môn phải nhanh chóng công bố quy hoạch về vùng sản xuất đến người dân theo từng vùng. Quy hoạch này cần dựa trên một khảo sát chi tiết và xác định xem đâu là khu vực có thể cho phép khai thác đất sét, nơi nào không được thì kiên quyết không cho nông dân bán đất sét. Những nơi được khai thác thì phải xác định cụ thể được khai thác độ sâu bao nhiêu để đảm bảo cao trình đất bằng nhau, cấm khai thác tùy tiện như hiện nay. Khi đã có quy hoạch thì căn cứ vào đó để quản lý và xử lý.
Trước mắt, UBND các xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân về tác hại của việc bán đất sét tùy tiện. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra ngăn cản việc khai thác đất sét trái phép. UBND tỉnh Trà Vinh cần có chế tài mạnh đủ sức răn đe đối với các chủ cối mua và khai thác đất sét trái phép. Có vậy, tình trạng bán đất sét tùy tiện trên địa bàn tỉnh mới “hạ nhiệt”, tránh được hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
- Tín chỉ carbon trở thành ”tiền tươi thóc thật”
- Việt Nam đã nhận 1.200 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
- World Bank hủy tài trợ ở Nha Trang, nhiều hệ lụy
- Chuyên gia lên tiếng về việc "xén" đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án
- Công trình hơn 200 phòng khách sạn trong Vườn quốc gia Tam Đảo là rất lớn
- Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
- World Bank cảnh báo gì khi hủy tài trợ 10 triệu USD tại dự án ở Khánh Hòa?
- World Bank hủy tài trợ 10 triệu USD dự án môi trường bền vững tại Nha Trang
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.