Trao đổi - Phản biện » Kinh tế
Thủy điện Đồng Nai 6,6A: Dân chưa thông thì không nên quyết
(14:20:50 PM 19/08/2013)GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ, một trong những thành viên Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A đã chia sẻ sát ngày hội đồng chính thức họp.
Dự án "đầu thai" nhầm thế kỷ
PV: - Thưa giáo sư, việc làm hay không làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã khiến những nhà quản lý, nhà khoa học và dư luận tranh cãi suốt 6 năm nay. Theo ông vì sao lại có sự tranh luận kéo dài như vậy? Là một nhà khoa học vừa tham gia khảo sát hai dự án thủy điện này, quan điểm của ông như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Tôi cho rằng dự án này "đầu thai" không đúng thế kỷ. Trước kia, các dự án được duyệt một cách cởi mở, nay kinh nghiệm thực tế thấy đã bộc lộ nhiều rủi ro nên đã thận trọng và khắt khe hơn. Sinh ra vào thời điểm khắt khe thì dù ưu việt vẫn phải xem xét kỹ hơn, khó được chấp nhận hơn. Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong diện đó.
Theo tôi, hai dự án này có ưu điểm là đã cố gắng sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại, không làm hồ nước lớn. Thông thường, so với các công trình thuỷ điện khác thì tỷ lệ phá rừng trên 1kW công suất thiết kế thuộc loại nhỏ nhất vì không làm hồ lớn.
Ngoài ra, dự án áp dụng công nghệ xả nước đáy đập, tuy đòi hỏi chi phí lơn hơn, nhưng đảm bảo ổn định dòng chảy điều chỉnh theo ngày, giảm nhẹ chênh lệch độ tích nước, xả nước lớn giữa mùa mưa, mùa khô, tạo ổn định dòng chảy không bị ngắt quãng để hạn chế sự ảnh hưởng tới lưu lượng dòng chảy hạ lưu. Tuy nhiên, còn cần nghe bình luận sâu hơn của các chuyên gia thuỷ văn, công trình.
GS Nguyễn Ngọc Lung (mặc áo xanh) đang chỉ vào vị trí sẽ xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên bản đồ
PV: - Như vậy là làm thủy điện sẽ phá rừng. Hai dự án Đồng Nai 6 và 6A lại nằm trong rừng Quốc gia Cát Tiên cho nên việc cân nhắc giữa việc giữ rừng và làm thủy điện phải tính thế nào, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Chưa có thủy điện nào là không chạm đến rừng. Vì các sông suối đều ở đầu nguồn, cho nên làm thủy điện là phải phá rừng đầu nguồn. Vấn đề là phá ít hay nhiều, rừng có giá trị cao hay ít giá trị…
Bản thân tôi chỉ chuyên sâu phần rừng và môi trường trong báo cáo Tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Dự án chiếm 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Trên giấy tờ, chủ yếu là vùng lõi của Vườn quốc gia nhưng thực tế khảo sát thì chưa phải hoàn toàn như vậy.
Như tôi từng nói trong Chương trình "Nghĩ mở nói thẳng" trên VTV2 tháng trước, khu vực đó nguyên là rừng phòng hộ ven sông Đồng Nai thuộc xã Cát Lộc (cũ), huyện Cát tiên, tỉnh Lâm Đồng, xa trung tâm Bàu Sấu của VQG Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai tới 35 km theo đường thẳng, năm 1992 đã kịp thời chuyển thành khu bảo tồn Cát Lộc, khi phát hiện đàn tê giác ở đó, mãi đến tháng 12 năm 2008 mới sát nhập vào VQG Cát tiên tỉnh Đồng Nai để tiện việc quản lý.
Môi trường sinh sống của tê giác không phải là rừng gỗ nguyên sinh, mà là rừng đã bị tàn phá lâu đời thành đầm lầy, trảng cỏ, cây bụi, rừng hỗn giao tre nứa với cây gỗ, do đó tính nguyên thuỷ, tính đa dạng sinh học không cao.
Từ tháng 4/2011 khi con tê giác cuối cùng bị bắn chết, khu rừng Cát Lộc tuy hết đối tượng bảo tồn, vẫn chưa kịp thời trả lại là rừng phòng hộ, khiến cho việc thẩm định ĐTM bị rắc rối.
Mặc dù chủ quản là Bộ Nông nghiệp và PTNT trong công văn số 1741/BNN-TCLN ngày 20/06/2011 gửi Thủ tướng Chính phủ ngay khi chưa biết đã hết tê giác, cũng đã khẳng định rằng “Việc xây dựng 2 công trình này tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học trong VQG Cát Tiên và BQL rừng phòng hộ Nam Cát tiên nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài tê giác và sinh cảnh Bàu Sấu của VQG Cát Tiên, các mục tiêu cơ bản của vườn này vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của vườn”.
Song, ý kiến của tôi ở góc độ khảo sát rừng và môi trường rừng, chắc chỉ thoả mãn được 1 phần sức ép của dư luận xã hội.
Các vấn đề quan trọng khác cũng sẽ được đánh giá như phối hợp quản lý hệ thống thuỷ điện trên sông Đồng Nai, tác động môi trường trong quá trình chuẩn bị, thi công, vận hành, tác động của biến đổi dòng chảy, giải pháp giảm thiểu các tác động xấu, kế hoạch quản lý và giám sát môi trường ….
Hội đồng Thẩm định sẽ phải nghe và thảo luận tất cả các ý kiến, phần giải trình, từ đó mỗi thành viên hội đồng mới có ý kiến độc lập cuối cùng.
Tham nhũng gian dối làm thủy điện gây hại
PV: - Trên thực tế rất nhiều nước trên thế giới đã dừng hẳn các dự án thủy điện. Bộ Công thương Việt Nam cũng đã dừng hẳn nhiều dự án thủy điện ở miền Trung và chuẩn bị dừng nhiều dự án ở Tây Nguyên. Người ta đặt câu hỏi tại sao không dừng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A khi đóng góp không nhiều vào lưới điện quốc gia (nếu vận hành hoàn hảo như báo cáo thì tổng công suất của là 241MW. So với nhu cầu điện theo sơ đồ VII thì chỉ chiếm 0,321% tới năm 2020 (75.000MW) và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146.800MW)). Giáo sư lý giải như thế nào về điều này?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Phải nói thật nguyên nhân để cấm thủy điện hay không cấm. Như thủy điện Sông Tranh 2, mới tích nước đã bị thấm đập là vì sao? Nhiều thuỷ điện nhỏ ở Miền Trung, Tây Nguyên, khi vỡ đập mới biết chất lượng khảo sát và xây dựng. Cần công khai chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm từ khâu nào, khảo sát, thiết kế, thi công hay quản lý mới xử lý thích đáng được.
Ở nước ta nạn tham nhũng, dối trá không phải chỉ trong 1 ngành nào. Việc phát triển thuỷ điện theo phong trào, hết giai đoạn quá mạnh dạn, gặp sự cố tất yếu sẽ đến giai đoạn quá thận trọng, điều đó phải hỏi chuyên ngành quản lý, nhất là trách nhiệm của người phê duyệt cao nhất, cho dù có dẫn ra hàng loạt quy hoạch.
Về nguyên tắc thì thuỷ điện vẫn là nguồn năng lượng rẻ, sạch, tự tái tạo, không phát thải khí nhà kính, vì vậy thủy điện vẫn ưu việt, phù hợp với thời đại, vấn đề là điều kiện sử dụng, quản lý, xây dựng và vận hành thủy điện như thế nào, còn cụ thể cho 2 công trình 6 và 6A thì ta đang bàn luận, đang cân nhắc để trình cấp thẩm quyền quyết định.
PV: - Lâu nay, người ta luôn nói về bài toán đánh đổi: bỏ qua vấn đề môi trường chạy theo mục đích phát triển trước mắt hay giảm mục tiêu phát triển để giữ môi trường. Theo ông, khi nào thì nên đánh đổi, cụ thể trong trường hợp thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Bất kỳ trường hợp nào thì cũng là đánh đổi, có nghĩa là phải hy sinh cái này để lấy cái kia. Nếu phần hy sinh mà không đáng kể thì tội gì không làm. Nhưng cũng có những cái được và mất là ngang nhau, làm cũng được mà không làm cũng được.
Còn trong trường hợp thấy lợi ích kinh tế ít, huỷ hoại môi trường quá lớn thì cần gì phải bàn nữa. Nhưng tính toán như thế nào ? cũng cần lưu ý rằng xã hội ta đã qua giai đoạn nghèo đói đến mức lấy kinh tế làm mục tiêu chính.
PV: - Nghĩa là trong dự án này Giáo sư đã tính toán được rõ ràng hiệu quả, cái lợi cao hơn cái mất là môi trường, sinh thái, rừng… đúng không ạ?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Thực ra cái này thì chưa ai nói được. Cách tính thì đã biết. Về ích lợi kinh tế thì dễ thấy hiệu quả khi vận hành 2 nhà máy sẽ sản xuất xấp xỉ 1 tỷ KWh điện/ năm cho xã hội, cộng với lợi ích về thuế, việc làm, hạ tầng cơ sở cho địa phương.
Còn về định giá trị của diện tích rừng, loại rừng bị xâm hại sẽ được tính toán theo hướng dẫn của thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 25/05/2008 về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng và so sánh với giá rừng cho thuê thực tế, hoặc giá bán lâm sản cây đứng tại địa phương ở thời điểm tính toán.
Cứ theo Luật mà làm...
Vị trí xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên bản đồ
PV: - Theo Nghị quyết số 49/2010/NQ-QH12, dự án sử dụng trên 50 ha đất rừng của Vườn Quốc gia thì phải xin ý kiến Quốc hội. Trường hợp hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thì sao, thưa ông?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Nếu đã là luật thì cứ theo luật mà làm. Tuy nhiên, khi áp dụng luật có rất nhiều cách. Nếu như người ta đã thông báo thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng rồi, hoặc đã trình rồi mà Quốc hội không có ý kiến thì giống như là đã uỷ quyền cho Chính phủ quyết định.
Với dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, chủ đầu tư đã tách ra thành 2 nhà máy. Hay như ban đầu Đồng Nai 6 thiết kế công suất là 186 MW nhưng để đảm bảo về mặt môi trường đã hạ xuống 135MW. Có rất nhiều điểm đã công khai trong giai đoạn áp lực xã hội cao.
Nhà đầu tư đã thuê dịch vụ viết dự án nhưng không đạt yêu cầu nên lại đi thuê một 1 tổ chức khác cung cấp dịch vụ tốt hơn. Tức là họ đã rất phục thiện, chịu sửa mọi khuyết điểm do hội đồng chỉ ra, các nhà đầu tư khác thường là chống chế và có thể từ bỏ trong 6 năm theo đuổi đầu tư rồi.
PV: - Giáo sư từng nêu quan điểm, việc hy sinh môi trường, mất rừng, hạn hán, lũ lụt khi làm các dự án thủy điện đều tính toán được và nên minh bạch thông tin để người dân hiểu. Vậy ông đánh giá thế nào về tính minh bạch thông tin của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A? Với chuyên môn của mình, ông có tư vấn gì cho Chính phủ về hai dự án này?
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Tôi không hiểu vì sao Chính phủ lại không nhận trách nhiệm tổ chức điều phối việc quản lý dòng chảy cả hệ thống thuỷ điện - thuỷ lợi của các chủ đầu tư khác nhau trên mỗi dòng sông để tối ưu hoá việc phát điện, việc phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, và việc cắt lũ mùa mưa, tiết nước mùa khô.
Là nhà khoa học, uỷ viên hội đồng ĐTM với trách nhiệm rất nhỏ, vì chính hội đồng cũng chỉ làm chức năng tư vấn để bộ trưởng phê duyệt hay không phê duyệt báo cáo ĐTM của 2 nhà máy thuỷ điện này trình chính phủ, tuy thế vẫn rất cần tính độc lập, tính khách quan và trung thực của mỗi người.
Về hai dự án thuy điện Đồng Nai 6 và 6A, cho rằng nhà đầu tư về mặt lý thuyết và thực tiễn đã thể hiện rằng họ vẫn muốn tiếp tục dự án. Nhưng nếu như dân chưa hiểu biết, chưa đồng tình thì Chính phủ cũng chưa nên quyết định ngay, dù là chủ trương lớn cũng không thể trái ý dân, có điều là đã đến lúc phải có giải pháp hiệu quả để thăm dò ý dân.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Bạn cũng có thể quan tâm:
- Có thể ”để dành” tín chỉ carbon để bán giá cao hơn?
- Tín chỉ carbon trở thành ”tiền tươi thóc thật”
- Việt Nam đã nhận 1.200 tỉ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng
- World Bank hủy tài trợ ở Nha Trang, nhiều hệ lụy
- Chuyên gia lên tiếng về việc "xén" đất Vườn quốc gia Tam Đảo làm dự án
- Công trình hơn 200 phòng khách sạn trong Vườn quốc gia Tam Đảo là rất lớn
- Việt Nam thu nghìn tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon
- World Bank cảnh báo gì khi hủy tài trợ 10 triệu USD tại dự án ở Khánh Hòa?
- World Bank hủy tài trợ 10 triệu USD dự án môi trường bền vững tại Nha Trang
Bài viết mới:
- Cây Thiên tuế hơn 200 tuổi ở Bến Tre được công nhận là Cây Di sản Việt Nam (16/01/2025)
- Những cây cổ thụ đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận Cây Di sản Việt Nam (06/01/2025)
- Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long (23/12/2024)
- Thống nhất tên gọi Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau hợp nhất hai bộ (20/12/2024)
- Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam ở Nam Định (16/12/2024)
- Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên triển khai nhiều mô hình hay, cách làm tốt về giảm nhựa (16/12/2024)
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới (14/12/2024)
- Cây cổ thụ hơn 300 năm tuổi ở một làng của Hà Nam có hình thù độc đáo, lạ kỳ (14/12/2024)
- Áo ấm, sữa ngon, quà vui đến với cô trò vùng cao những ngày đầu đông (14/12/2024)
- Quỹ từ thiện Từ Tâm cùng Câu lạc bộ Nữ doanh nhân huyện Tây Sơn tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (13/12/2024)
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới
(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:
Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc
(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.
Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê
(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.