»

Chủ nhật, 19/01/2025, 11:24:17 AM (GMT+7)

Nhặt tiền lẻ của Samsung hay doanh nghiệp Việt quá kém?

(17:03:05 PM 25/06/2013)
(Tin Môi Trường) - Có nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được hưởng nhiều ưu đãi mà đóng thuế ít. Nhìn cả ưu điểm và hạn chế thì hãy để doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cạnh trạnh một cách công bằng. Cạnh tranh hay là chết?

GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dẫn câu chuyện về ‘kình ngư’ bơi giỏi nhất nước Australia trở thành nhà vô địch thế giới đã phải học bơi bằng cách thả cá sấu vào và buộc phải bơi nhanh tránh cái chết bởi cá sấu để ví về sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

 

So Samsung với nông dân đi cày

 

PV: - Thưa Giáo sư, gần đây dư luận rộ lên việc các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam thu được nhiều lợi nhuận nhưng số tiền đóng cho Nhà nước chẳng đáng là bao. Như câu chuyện Samsung lợi nhuận 35,5 nghìn tỷ đồng thì đóng góp vào ngân sách được 1 nghìn tỷ. Như vậy là không đáng kể. Là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực FDI xin ông cho biết quan điểm của mình?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Hiện nay họ làm đóng 1000 tỷ nhưng được cấp chưa đến 100ha đất. Như vậy cứ tính 1 ha đóng 10 tỷ/năm. Tôi thấy con số này cũng khá. Hãy thử tính với con số này để nông dân cấy lúa một năm có thể làm ra 50-60 triệu đồng là ghê gớm lắm rồi.

 

Nhà nào mà giỏi thì làm ra được 100 – 200 triệu đồng. Đó là tiền làm ra, còn thuế trên số tiền này thì nông dân không đóng rồi.

 


 TSKh Nguyễn Mại: Cần tạo chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào phát triển công nghiệp phụ trợ

 

Câu chuyện này lúc đầu tôi cũng thấy báo chí nói nhiều nên mới đi tìm hiểu thuế mà Samsung đã đóng xem thế nào. Họ vào Việt Nam từ năm 2007 đến năm 2009 bắt đầu sản xuất và đóng thuế 1.000 tỷ một năm.

 

Họ vẫn được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mấy năm không phải đóng, rồi miễn thuế 50% nhưng tính các loại thuế cộng lại thì họ đóng được khoảng 10 tỷ đồng/ha.

 

Có vấn đề lớn là nhiều khi mình cứ nói chung chung mà không đưa ra con số cụ thể. Hãy đưa ra con số hiện tại chứ chưa cần nói tương lai Samsung sẽ phải đóng nhiều hơn để thấy với 1ha đóng 10 tỷ đồng trong 2-3 năm gần đây như vậy đã được chưa (?!).

 

Tôi nghĩ khó mà nhà nước có thể thu trên 1ha đất một năm được 3-4 tỉ đồng.

 

Đã làm kinh tế thì phải đưa ra con số cụ thể như vậy.

 

Người ta còn tạo ra công việc cho khoảng 30.000 người lao động, trong đó có lao động phổ thông và ít nhất khoảng 10-15% lao động có tay nghề cao.

 

Đối với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, một nhà đầu tư nước ngoài mà tạo ra được 30.000 việc làm thì đáng hoan nghênh chứ.

 

Vấn đề đáng nói hiện nay là làm thế nào để mình tạo ra được những công ty, doanh nghiệp Việt Nam làm cùng họ. Tôi cứ tính năm nay họ sẽ xuất khẩu khoảng 20 tỉ USD, có giá trị gia tăng 15% có nghĩa là khoảng 3 tỉ USD là tại Việt Nam. Giả dụ như một nửa số này (1,5 tỉ USD) là công nghiệp phụ trợ. Nếu mình có chính sách để doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp phụ trợ cho họ, tạo ra 1,5 tỉ USD giá trị gia tăng thì không biết bao nhiêu doanh nghiệp  có thể làm công nghiệp phụ trợ.

 

Hiện nay họ đang tìm những công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

 

Hiện họ mới đầu tư thêm 2 tỉ đô la ở Thái Nguyên và thêm 1 tỉ đô la ở Bắc Ninh nữa và mới đây lại được cấp giấy phép đầu tư dự án Nghiên cứu phát triển (R&D) ở Hà Nội (thu hút khoảng 2.000 kỹ sư).

 

Trước mắt có thể giá trị gia tăng chưa nhiều, nhưng nhìn thuế trên 1 ha như vậy là khá. Về lâu dài, giá trị gia tăng tăng lên 20-50% là hướng lâu dài 5-10 năm nữa thì mình sẽ có công nghiệp phụ trợ ăn theo thì tôi nghĩ cũng là đáng quan tâm.

 

Không nên nhìn đầu tư vào một giai đoạn nào đó. Thu hút đầu tư Samsung cho đến bây giờ tổng vốn đăng ký là khoảng 5 tỉ USD và tôi nghĩ họ sẽ thực hiện rất nhanh trong vòng 3-4 năm nữa, tôi nghĩ như thế là thành công. Còn hạn chế thì bao giờ chẳng có.

 

Tại doanh nghiệp Việt hay tại người làm chính sách?

 

PV: - Như phân tích của ông thì thấy trước mắt đầu tư là hiệu quả nhưng cái nào chẳng có hạn chế, vậy hạn chế mà ông muốn nói ở đây là gì?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Hạn chế là do công nghiệp phụ trợ của mình chưa có một chính sách để gắn kết các doanh nghiệp trong nước vào đây.

 

Vì vậy mình vẫn có hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ khốn khó, trong khi Samsung lại đang tìm mọi cách để có công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

 

Như công ty Canon cũng bắt đầu chủ động đi tìm đến doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam vì họ cho rằng có hai lợi thế. Một là năng lực công nghệ Việt Nam không kém lắm, thứ hai là giá thành thấp hơn là họ nhập khẩu từ ngoài vào.

 

Nhưng vấn đề bây giờ là mình phải có chính sách để tạo công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

 

PV: - Thưa ông, thế nhưng hiện các doanh nghiệp Việt Nam thì ‘chết lên chết xuống’ và thực tế Chính phủ đang phải ưu đãi doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

 

Nhân nhượng Samsung dù Luật quy định khác
 
 
Năm 2010, tập đoàn này bắt đầu đề xuất với Chính phủ Việt Nam công nhận công ty con tại Bắc Ninh – Samsung Electronics Việt Nam – là DN công nghệ cao.


Điều này có nghĩa Samsung muốn hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt đời dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN. Những đòi hỏi này trái với  Luật Công nghệ cao.
 
 
Mặc dù vậy, sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Ưu đãi cái gì? Doanh nghiệp Việt Nam còn đòi ưu đãi gì nữa. Thuế thì nước ngoài, nước trong như nhau, 25% thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng như nhau, đất như nhau… thì có gì ưu đãi hơn. Miễn thuế thì ông nào làm công nghệ cao cũng được ưu đãi như nhau theo Luật Đầu tư 2005.

 

Bản thân tôi từng làm thu hút đầu tư nước ngoài đến bây giờ mới thấy có một doanh nghiệp FDI thành công như vậy.

 

PV: - Nghĩa là vấn đề còn lại chỉ là chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp trong nước?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Đúng như vậy. Nghĩa là phải có chính sách để kết nối các nhà đầu tư nước ngoài kiểu như Samsung với doanh nghiệp trong nước.

 

Để doanh nghiệp Việt Nam có thể làm công nghiệp phụ trợ cho họ, tiến tới du nhập công nghệ của họ để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và phân phối toàn cầu.

 

Hiện Samsung, Nokia, Canon đang tìm những doanh nghiệp như vậy ở Việt Nam vì người Việt Nam làm rất giỏi. Vấn đề còn lại là chính sách.

 

Doanh nghiệp nào cũng tìm cách trốn thuế có lợi nhất

 

PV: - Thưa Giáo sư, cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng Coca cola lại luôn báo lỗ và trong suốt 20 năm qua doanh nghiệp này cho rằng không có lợi nhuận. Người ta lo ngại câu chuyện chuyển giá ở đây. Ông có bình luận gì về sự việc này?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Có hai chuyện. Ở đây Coca Cola nói không có lãi và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng với một doanh nghiệp có một loại thuế rất quan trọng đó là thuế giá trị gia tăng, cái này cần tìm hiểu vì không ai đưa ra con số này. Đó là một vấn đề.

 

Vấn đề thứ hai là cơ quan thuế cứ nói ầm lên là Coca Cola kêu lỗ, nhưng tại sao khi đi cơ quan này đi kiểm tra lại không yêu cầu làm rõ mà lại nói như một ông ngoại đạo về thuế. Nhà nước giao cho Tổng cục thuế, Chi cục thuế Tp Hồ Chí Minh phải giám sát lỗ lãi của các doanh nghiệp.

 

Đằng này họ lại nói giống như ai, vậy trách nhiệm cơ quan thuế ở đâu. Giống như Keangnam ở Hà Nội cũng vậy, chỉ vì chuyện cho họ nộp thuế theo 2 cách. Một là thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi trừ tất cả các chi phí. Hai là khoán mọi thuế cho các nhà thầu. Thế là Keangnam chọn cách tốt nhất. Doanh nghiệp nào mà chả muốn tìm cách trốn thuế để có lợi nhất cho mình.

 

PV: - Nói như vậy là các doanh nghiệp FDI vẫn còn có lợi hơn những doanh nghiệp trong nước đào tài nguyên quốc gia đi bán mà vẫn xin miễn, giảm thuế?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Cũng không nên so sánh khập khiễng như vậy. Chính sách của chúng ta vẫn đang ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước. Không chỉ có Keangnam hay Coca cola chuyển giá để lậu thuế mà bao nhiêu doanh nghiệp trong nước cũng làm chuyện ấy. Kể cả doanh nghiệp tư nhân. Không có doanh nghiệp nào dại gì không lách luật để trốn thuế cả. Nếu nộp đủ cho nhà nước thì phần họ được sẽ ít đi.

 

Cho nên nhà nước phải đưa ra phản ứng chính sách nhanh để làm thế nào chặn bớt hiện tượng này đi. Đằng này cơ quan có chức trách cứ nói như nhà báo, rằng Coca cola trốn thuế bao nhiêu năm mà không chỉ ra được rõ ràng.

 

Chúng ta phải biết rằng Google là một doanh nghiệp lớn nhất thế giới mà EU còn phạt được 5-6 triệu đô la. Cho nên tôi muốn nói đừng có kêu mà phải tìm mọi cách để làm thế nào kẽ hở luật pháp bớt đi, phản ứng chính sách nhanh lên. Đưa ra những chỉ dẫn nhanh để giảm bớt tình trạng như Coca cola chứ không phải ngồi đó để kêu.

 

Cạnh tranh hay là chết?

 

PV: - Vậy nếu để nói về những điều cần lưu ý về việc thu hút đầu tư nước ngoài thì ông sẽ nói gì? Ông có tư vấn gì cho Chính phủ?

 

GS.TSKH Nguyễn Mại: - Tôi muốn nói người ăn 1 ngày 3 bữa, nếu thêm 2 bữa nữa là bội thực chết. Cũng như số vốn đầu tư xã hội của mình hiện nay đang khoảng 40 tỉ đô la, trong đó FDI là 10-12 tỉ đô la (như vậy chiếm 25-27%), cũng phải để cho doanh nghiệp trong nước nữa, nếu không bội thực chết mất.

 

Vấn đề bây giờ là phải có lựa chọn chứ không nên chạy theo số lượng các con số đầu tư trực tiếp nước ngoài nữa. Chọn để làm thế nào có hiệu quả chứ không nên quan tâm vốn là bao nhiêu.

 

Hạn chế lớn nhất là từ khi làm đầu tư đến giờ mình không chuyển đổi mô hình tăng trưởng đầu tư nước ngoài, cho nên vẫn giữ ưu đãi như năm 1990 đến nay.

 

Định hướng mới phải có ưu đãi khác hơn. Ví dụ về ngành trước đây đầu tư may mặc giải quyết được vài trăm lao động là ưu tiên nhưng nay phải khác. Nếu may mặc đầu tư vào Hà Nội là không chấp nhận mà phải ở Lai Châu, Sơn La gì đó.

 

Tôi muốn nhấn mạnh là phải thay đổi cơ bản chính sách ưu đãi.

 

Thêm nữa, các doanh nghiệp trong nước cũng không nên kêu than. Hãy thử hình dung kình ngư bơi giỏi nhất nước Australia vô địch thế giới đã phải bơi bằng cách gì? Theo tôi biết người ta thả cá sấu vào và buộc vị này phải bơi nhanh để tránh cái chết khỏi cá sấu và trở thành nhà vô địch thế giới.

 

Như vậy với các doanh nghiệp, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh mà cứ ngồi sợ bị cạnh tranh thì không bao giờ lớn lên được. Công nghiệp ô tô của mình là một ví dụ.

 

Câu chuyện mặt tư duy phát triển là có chịu cạnh tranh hay không hay ngồi đóng cửa để hưởng những gì tồi nhất. Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào, sản xuất trong nước thì phương thức phân phối cái gì thế giới có là trong nước có, từ những mặt hàng xa xỉ nhất.

 

Bây giờ phải lo tổ chức lại liên kết doanh nghiệp trong nước, cải tiến để dành lại thị phần.

 

Có hai cách suy nghĩ đóng cửa làm thuế thật cao để những người Việt Nam mua ô tô đắt gấp 3-4 lần so với thế giới và không bao giờ có ô tô Made in Vietnam. Hoặc là mở cửa cho họ vào và cạnh tranh. Doanh nghiệp nào kém thì sợ chết. Doanh nghiệp có ý chí thì vươn lên để làm ra những sản phẩm tốt nhất.

 

Tất nhiên Nhà nước thì vẫn muốn ưu ái doanh nghiệp trong nước nhưng rồi vẫn chết cả đám mà vừa rồi không phải vì cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài mà chết. Doanh nghiệp chết là do nhiều chuyện chứ không phải vì mở cửa FDI.

 

Bản thân tôi thì thiên theo hướng thứ hai.

 

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!

(Theo BÍCH NGỌC- ĐVO)
TÁI CHẾ ĐƠN GIẢN THẾ

Gửi ý kiến bạn đọc về: Nhặt tiền lẻ của Samsung hay doanh nghiệp Việt quá kém?

* *
*
*
Chọn file
(File: .Zip - 2M)
(Tin Môi Trường hoan nghênh các ý kiến đóng góp của bạn đọc cho bài viết. Các thảo luận sẽ được xem xét trước khi đăng tải. Tin Môi Trường giữ quyền từ chối những lời lẽ xúc phạm cá nhân, tổ chức; lời lẽ trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Bạn đọc thảo luận bằng tiếng Việt có dấu. Ý kiến không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tin Môi Trường. Cám ơn sự đóng góp và hợp tác của các bạn)
 SHIP TRUNG VIỆT
Không xả rác
VACNECPECO
 Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới

(Tin Môi Trường) - Ngày 10/12/2024, được sự phân công của Chủ tịch Hội, Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội đã tham gia Hội thảo: “Nâng cao chất lượng hoạt động hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới” do Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức. Dưới đây là bài tham luận của Tiến sĩ Trần Văn Miều:

Tin Môi Trường
 Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

Cần công khai đơn vị trồng cây để nguyên bầu bọc

(Tin Môi Trường) - Theo thông tin của đại diện Sở Xây dựng TP Hà Nội, qua rà soát trong số cây xanh bị gãy đổ do bão số 3 gây ra, có 12 cây để nguyên bầu bọc gốc, rễ sai quy định.

VACNE 30 năm
 Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

Chủ tịch thành phố Cam Ranh thua kiện người san ủi đất thuê

(Tin Môi Trường) - Người được thuê san ủi đất bị Chủ tịch thành phố Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) ra quyết định xử phạt hành chính. Cho rằng lãnh đạo địa phương sai nên người này khiếu kiện và được tòa tuyên thắng.

Hội BVTN&MT Việt Nam
KHÔNG XẢ RÁC BỪA BÃI