|
Ông Cường đặc biệt nhấn mạnh đến các hoạt động thương mại tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (H.Hướng Hóa, gọi tắt là Lao Bảo). Số liệu ông Cường cung cấp cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2012, số hàng hóa có nguồn gốc VN được đưa vào Lao Bảo trị giá lên tới 2.749 tỉ đồng (nhà nước phải hoàn lại 10% thuế VAT cho các doanh nghiệp này khoản tiền gần 275 tỉ đồng).
Cụ thể: bánh kẹo 2.056 tấn trị giá 138 tỉ đồng, trung bình 1 người dân Lao Bảo ăn 46 kg bánh/năm; cà phê bột 2.388 tấn trị giá 132 tỉ đồng, 1 người dân Lao Bảo uống 1 lạng/ngày; sữa nước 10,9 triệu lít trị giá 225 tỉ, 1 người dân Lao Bảo uống 0,7 lít/ngày… “Lao Bảo có 45.000 dân nên tính ra mỗi người bỏ ra 61 triệu đồng/năm để mua các loại hàng hóa này. Nhưng sự thật không phải vậy”, ông Cường chua chát.
Cũng theo ông Cường, 10 tháng đầu năm 2012, trị giá số hàng ngoại nhập vào Lao Bảo là 1.500 tỉ đồng, trong đó có một số hàng trị giá 376 tỉ đồng đã tái xuất, còn lại số hàng trị giá 1.124 tỉ đồng (bia, rượu, sữa, bột ngọt…) dân Lao Bảo phải “tiêu thụ”, mỗi người “chi” khoảng 25 triệu đồng/năm. Phi lý nhất là mặt hàng đường kính Thái Lan, được nhập 33.000 tấn (đã tái xuất 12.000 tấn), “kẹt” lại Lao Bảo 21.000 tấn trị giá 258 tỉ đồng.
Như vậy, mỗi người dân Lao Bảo sẽ ăn đường kính Thái Lan thay… cơm (1,3 kg đường/ngày). “Những con số trái khoáy này cho thấy tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, lợi dụng chính sách của nhà nước ở Lao Bảo là rất phức tạp. Người dân không được hưởng lợi, nhà nước thất thu thuế, còn tiền sẽ lọt túi một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu. Tôi đề nghị các ban ngành phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm để chấn chỉnh ngay”, ông Cường nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Lê Bá Nguyên, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị, nói: “Hiện nay, tình trạng chung của nhiều khu kinh tế cửa khẩu trong cả nước là không phát triển được, dần đi đến xóa bỏ. Khu kinh tế của chúng ta (Lao Bảo - PV) cũng đang trên xu hướng èo uột. Nên phải làm sao để vừa thắt chặt kiểm soát nhưng cũng phải có cơ chế để hoạt động thương mại diễn ra sôi động. Đó là điều rất khó”.